thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mâu thuẫn

 

Bản dịch của Nguyễn Ðăng Thường

 

ÉLISABETH BADINTER

(1944~)

 
Sinh năm 1944 tại Boulogne-Billancourt (Pháp), tên thật là Élisabeth Bleustein-Blanchet, là một tác giả nữ quyền luận và giáo sư triết tại Trường Bách Khoa (École Polytechnique), Paris. Bà là con gái của ông Marcel Bleustein-Blanchet, sáng lập viên của Publicis Groupe, và vợ của ông Robert Badinter một luật sư danh tiếng, giáo sư trường luật kiêm cựu Bộ trưởng bộ Tư Pháp.
 
Năm 2010, một cuộc thăm dò trên tạp chí Marianne ở Paris đã khẳng định Élisabeth Badinter là “nhà trí thức gây ảnh hưởng lớn nhất” của Pháp, một phần do những cuốn sách của bà về nữ quyển luận và thiên chức của người mẹ.
 
[theo Wikipedia]
 
Các tác phẩm chính yếu:
- L'Amour en plus: Histoire de l'amour maternel (XVIIe-XXe).
(Tình yêu bổ sung: một cái nhìn tổng quát về thiên chức của người mẹ từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20).
- L'un est l'autre: Des relations entre hommes et femmes.
(Chàng là nàng: Những quan hệ giữa nam và nữ).
- Le Conflit: La femme et la mère.
(Sự xung đột: Đàn bà và người mẹ).
- Fausse route: Reflexions sur 30 années de feminisme.
(Lệch đường: Suy gẫm về 30 năm nữ quyền luận).

 

 

MÂU THUẪN

 

Chúng ta càng ngày càng bị vây bao bởi hai mối ám ảnh tình dục. Một mặt, sự thúc giục tận hưởng nhục cảm, được gọi một cách ép uổng là “phát triển cá thể”. Mặt khác, sự nhắc nhở về phẩm cách của phụ nữ, bị chà đạp bởi những trò tình dục không ngớt được bày đặt thêm, ngoài ý muốn của họ. Một phía, người ta hồ hởi, từ những năm 1970, với việc giải-đạo-đức-hoá tình dục và việc đẩy lùi biên giới của cấm kỵ. Phía kia, người ta cách tân quan niệm về sự xúc phạm tình dục. Là đối tượng của sự tiêu thụ hay là vật thiêng liêng, là hành động mua vui hay là tiêu chuẩn của phẩm giá, là bông đùa hay là bạo lực, tình dục là đối tượng của hai diễn từ đối chọi nhau gần như từng chữ một, cũng là vấn đề then chốt của chủ nghĩa nữ quyền luận mới.

Khi thiêng liêng hoá dục tình, làn sóng thứ hai của nữ quyền luận đã triệt để quay một vòng ngược lại với “nữ quyền luận phóng khoáng” (féminisme libertaire) trước đó. Hoà đồng vào hoài bão của các cuộc xuống đường phản kháng trong năm 68, nữ quyền luận đợt đầu cực lực đòi phá huỷ tận nền tảng chế độ gia đình phụ hệ, cụ thể là sự chủ quyền của nam giới về cái giống của người phụ nữ. Trận đại chiến về ngừa thai và phá thai có chung một mục tiêu là quyền sinh đẻ và quyền tự do ân ái. “Làm mẹ khi tôi muốn, lúc tôi muốn” cũng có nghĩa là “tự do hưởng lạc thú không có trở ngại”. Khi hành động như vậy, các nhà nữ quyền luận của thời kỳ đầu đã có đóng góp rất lớn trong sự giải phóng phụ nữ, nhưng đồng thời họ cũng đã tầm thường hoá tình dục.

Vừa được thoả mãn với các quyền tự do mới mẻ đó thì ở bên kia bờ Ðại Tây Dương một tiếng gầm vang lên chỉ trích và chê bai, không đồng thuận. Ðó là những tiếng la ó của các nhà nữ quyền luận đồng tính luyến ái cực đoan, kết án sự tầm thường hoá đό mà theo họ chỉ có lợi cho bọn đàn ông và gây thiệt thòi thêm cho nữ giới. Khi tưởng rằng mình đã trút bỏ được cái ách thống trị của nam giới, các nhà nữ quyền luận cấp tiến, ngược lại, đã khiến nó mạnh thêm. Hơn bao giờ hết, người phụ nữ đã trở thành vật để cho đàn ông mua vui, vắt chanh bỏ vỏ. Sự nhục mạ phụ nữ đã lên tới đỉnh điểm. Tương ứng, người ta đã đặt ra những câu hỏi về bản chất của tình dục nam nữ. Một đằng là sự buông thả, vũ phu, chinh phục. Một đằng là sự dịu dàng, tế nhị, chung thuỷ. Đối với một số người, kết luận này không tương thích cho cả hai giới, trong khi những người khác, nhiều hơn, lại đưa ra luận cứ là cần phải ngăn chặn sự tầm thường hoá tình dục bởi lẽ nó chỉ kích thích thêm sự bạo lực của bọn râu mày. Dần dần, thấm nhập vào tâm trí sự quan niệm rằng cái giống của ngưới phụ nữ là một “thánh cung” và chỉ có một loại tình dục nữ mà thôi. Nhóm nữ quyền luận tự do, nhóm chỉ quan tâm đến một cú chơi sướng hơn một bữa ăn ngon, đã trở thành ngoại lệ. Họ bị cho là những phụ nữ bị nam hoá, ở ngoài lề, mà bất hạnh nhứt tất nhiên là các cô gái điếm khoe khoang rằng mình đã được tự do.

Họ không chỉ đóng góp vào sự suy thoái của hình ảnh và cơ thể của người phụ nữ (giống như một vũ nữ thoát y, nữ diễn viên phim porno, cô gái đẹp khờ/bimbo và các loại người mẫu khác, bị biến thành món đồ chơi của tình dục để rao bán mù tạt), mà họ còn phản bội luôn đàn em gái nô lệ của họ, nạn nhân của bọn ma cô ác độc nhất. Sau sự phê phán tình dục để hưởng thụ là sự phê bình tình dục bị thương mại hoá. Trong một khoảng thời gian ngắn hơn lúc để phát biểu, chủ nghĩa nữ quyền luận kiểu này về sau đã tìm thấy lại giọng điệu đạo đức của Do thái-Kitô giáo cũ và đã tham gia vào sự hồi sinh các khuôn mẫu tình dục điển hình mà người ta đã cố sức loại trừ.

Người đàn ông săn mồi thịt được mang ra đối chiếu với nạn nhân của hắn chỉ có một mục đích duy nhất là sự săn đuổi tình yêu. Khiếp sợ bởi sự thống trị của nam giới, người phụ nữ không dám hay không còn biết nói “không” (dire non). Tuy nhiên, người ta vẫn tiếp tục cảnh báo rắng tình dục là một mối nguy hiểm, có thể khiến người phụ nữ bị chi phối và bị tước đoạt nhân phẩm. Nhưng lạ thay, người ta lại câm lặng về những phụ nữ nói “dạ” (dire oui) và vui vẻ phơi bày các cuộc chinh phục đàn ông của họ. Người ta tránh né không nhắc tới các tác phẩm tự truyện của Catherine Millet,[*] có thể vì sợ bị lố bịch. Nhưng người ta, như con chó bảo vệ, lại không có một chút do dự để cùng nhau xuống đường phản đối phim Baise-moi (“Đ. em đi”) cấm khán giả dưới mười tám tuổi, dù rằng phim này, đúng vậy, kể lại cuộc tẩu thoát của hai nữ tội phạm đã giết chết hết các đối tượng đàn ông sau khi ân ái với họ để trả thù cuộc sống bị tha hoá của mình. Có thể là không sai bậy, nếu để cho bọn đàn ông được thấy, bằng cách đảo ngược vai trò dù chỉ một lần thôi, sự khủng khiếp của bạo lực do chính họ gây ra. Nhân cơ hội hiếm hoi mà bọn họ ở vị trí nạn nhân, vì sự lợi ích trên phương diện giáo dục, thì cũng đáng để cho bản tính dịu dàng của phụ nữ chúng ta bị vặn vẹo phần nào. Thật ra, hai nhân vật nữ phạm tội sa đích như thế chỉ có thể thuộc về học thuyết, hay họ là những sinh vật trở nên điên cuồng vì đã bị đối xử tàn tệ.

Vả lại, rất hiếm khi các nhà nữ quyền luận của mọi khuynh hướng cùng đồng thanh kêu gọi sự đối phó với bạo lực bằng bạo lực. Hình thức được lựa chọn để tranh đấu luôn luôn phải dân chủ, nghĩa là hợp pháp. Nó phải tiến hành theo ba giai đoạn: sự nhận thức trên bình diện đạo đức về sự tàn bạo đối với phụ nữ, sự kết án, rồi nhờ pháp luật can thiệp. Điều này có nghĩa rằng, trong cuộc đấu tranh, ý thức hệ phải là cơ bản. Ngày nay, khi tranh đấu quyết liệt để ngăn chặn càng nhiều càng tốt các tội phạm tình dục, từ mại dâm đến khiêu dâm, nữ quyền luận có thiện tâm (féminisme bien-pensant), khoác chiếc áo nhân phẩm bị chà đạp, không ngại ngần liên minh với đạo đức truyền thống khắt khe nhất. Kẻ thù của nó là cái xã hội tiêu thụ khả ố, biểu hiện của chủ nghĩa tư bản tự do xả láng. Đó cũng là chủ nghĩa nữ quyền luận tự do tuyệt đối bị buộc tội đồng loã. Món tiền cược của cuộc chiến đang diễn ra hôm nay là chủ yếu: chẳng có điều gì khác hơn là sự xác định lại mối tương quan giữa nam giới và nữ giới và các quyền tự do đối ứng của họ.

 

 

_________________________

[*]Trong cuộc phỏng vấn với báo Le Nouvel Observateur, ngày 22 và 23 tháng sáu, năm 2000, nữ nhà văn Virginia Despentes tác giả cuốn truyện Baise-moi đã nói thẳng thừng: “Nay đã đến lúc phụ nữ đóng vai đao phủ [đối với bọn đàn ông?] bao gồm viếc sử dụng bạo lực cực đoan nhất. (Ghi chú của tác giả).

 

 

---------------------------
Dịch theo nguyên tác của chương “Contradiction” trong cuốn -Fausse route: Reflexions sur 30 années de feminisme (Lệch đường: Suy gẫm về 30 năm nữ quyền luận) của Elisabeth Badinter (Paris: Odile Jacob, 2003).

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021