thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ý kiến độc giả

 

Những đề nghị và nhận xét của độc giả và thi văn hữu về

TÁC PHẨM CỦA THÁNG 4/2007

 

05.04.2007 — Nguyễn Lệ Quyên (Bordeaux, Pháp)

Hai bài thơ "những dòng bi thương I & II" của Hoàng Ngọc Biên thật là hay tuyệt. Tôi nhận lấy một rung động sâu xa. Nhưng ám ảnh nhất là hình tượng những sợi xích:

...
đất nước nhiều lần đóng cửa
chúng ta ai nấy chân tay xích vào bàn viết
cúi nhìn máu rướm nhưng máu không chảy nổi
...
đến nay đã hơn một phần tư thế kỷ
ta xích tuổi vào chân trời
như quanh ta
[giữa những đám cháy]
bọn người xích thời gian để vui chơi

 

09.04.2007 — Thanh Nguyễn (California, USA)

Tôi rất thích bài "Bài thơ không có chữ" của Trần Chí Thường. Bài thơ giản dị nhưng có những câu thấm thía. Tôi cảm thấy đồng cảm với tác giả ở ý tưởng “Cuộc hoà âm giữa tiếng rên và tiếng thở / Là bài thơ hay nhất đời anh”.

 

12.04.2007 — Nguyễn Công Du (Dunedin, New Zealand)

Tôi rất thích bài thơ "Trạng thái" của Vũ Thành Sơn vì sự tỉnh táo của nó. Bài thơ này có thể viết xuôi, không xuống hàng, thì trở thành một truyện cực ngắn rất hay. Mong được đọc thêm nhiều bài thơ mới của Vũ Thành Sơn.

 

13.04.2007 — T.T. Lan (Hà Nội, Việt Nam)

Bài thơ "Lịch sử là một chiều nào đó xa lạ với tư tưởng của tôi" của Nguyễn Thị Thanh Phượng là một cách nhìn táo bạo về lịch sử và thái độ độc tôn trong việc viết lịch sử của chính quyền lâu nay. Bài thơ như một cách đặt lại vấn đề. Nó phê phán sự giả tạo và hẹp hòi. Có mấy đoạn thật tuyệt:

“Lịch sử trôi ngang những trang mờ đục, vỡ nát, mosaique, những mùi gián chết và kho chứa hàng ẩm mốc, mùi của những điều không tài nào xác định nổi trôi dật dờ trên những luồng lạch ứ tắc...
[…]
Ngay trong những cơn triều dâng từ tận đáy dạ dày tôi vẫn nghe réo gọi tên anh. Vậy mà dưới ánh mắt ấy tôi thấy mình thối rữa, hoang mục và chạy mãi chạy mãi dưới ánh mắt trời phi nhân đi tìm một chiều thực tại khác.
Nơi chối bỏ sự tồn tại của anh — Lịch sử.”

 

14.04.2007 — Võ Tri Tâm (Lyon, Pháp)

Bài "Mặt trời đã trở lại trên thành phố" của P.K. có những liên tưởng hết sức bất ngờ. Ví dụ:

Mặt trời, mặt trời đã trở lại trên thành phố
Bạn của ta!
Bạn muốn được chào đón bằng điều gì đây?
Bằng sự phấn khích như cách người cộng sản chào đón lãnh tụ của họ nhé
Hay bằng giàn đèn xe chớp nháy xếp hàng đưa những kẻ đang chạy trốn bạn vào trong ruột một building?

Cảm ơn P.K. Đọc thơ của bạn, tôi rất sướng.

 

16.04.2007 — Lê Ðình Nhất-Lang (California, Mỹ)

"Ở đâu đó trên bán đảo P." là một truyện ngắn kỳ thú, đề cập đến rất nhiều thứ liên quan đến tình dục trong một văn bản ngắn gọn: voyeurism, ghen tuông, ảo giác, hoang tưởng, những kỹ thuật, v.v. Bút pháp hết sức thi vị. Lại một tuyệt chiêu của Nhật Chiêu!

 

18.04.2007 — Võ Tri Tâm (Lyon, Pháp)

Sáng nay tôi vừa ăn điểm tâm vừa đọc bài thơ "ghế bành, chỗ ngồi dành cho những kẻ mơ mộng" của P.K. Cả bài rất hay, nhưng đoạn kết của bài thơ mới thật là ngộ nghĩnh:

nếu bạn là một nhà thơ chân chính
bạn có quyền viết tràng giang trong khi bạn la làng bạn sẽ vô ngôn
cũng như bạn có quyền ngây thơ bảo rằng tớ nói gì đâu dù bạn và chữ nghĩa tưng bừng tiệc tùng
và bạn hoàn toàn có thể
mơ mộng trong im lặng
 
nếu bạn là một nhà thơ chân chính
hãy lập tức đi mua ghế bành nhung và đặt trong phòng làm việc của mình
 
bạn sẽ thích ngay ấy mà!
 

Thơ như thế mà không thích sao được!

 

21.04.2007 — Phạm Lưu Vũ (Sài Gòn, Việt Nam)

Bàn về "ma net" của Đặng Thân

Đó là một thứ văn quỉ, là thứ văn vừa giương đông kích tây (ví dụ đoạn mào đầu, rồi những trích đoạn Nguyễn Trung Thành...), vừa tiền hô hậu ủng (ví dụ những nhân vật giống đực...). Phải là người có nội công lông bông thâm hậu, lại có năng khiếu lưu manh giả danh ma quỷ nhất mực thì mới chế ra được thứ văn ấy, mà cũng chỉ “chế” được trong những “cơn” phát tiết hiếm hoi mà thôi. Văn ấy phải đọc cả bằng mắt (thao láo), bằng tay (múa may), bằng chân (dựng đứng như cột buồm), đọc cả ra đằng mồm (cười sằng sặc chẳng hạn). Một thứ văn không bỏ đi câu nào, thậm chí chữ nào. Văn ấy không viết thì thôi, một khi đã viết thì không dừng lại được. Vì thế khi đọc cũng không được dừng lại, càng không thể nhảy cóc. Bỏ câu nào mất toi câu ấy, như thời gian đã trôi đi không lấy lại được bao giờ. Nếu muốn lấy lại thì phải đợi kiếp sau (nghĩa là phải đọc lại từ đầu). Tứ rõ ràng lộ mà ý vẫn hiểm. Sự đểu cáng, trần trụi, tự nhiên, như lai như ý được phát huy hết cỡ, không còn chỗ cho những (cái gọi là) tư duy trừu tượng cái con “tườu”. Càng không có chỗ cho các “đạo đức giả”, các “tư tưởng da” uốn lưỡi mở mồm. Thôi đành trợn mắt mà... thở hắt ra vậy. Hỡi những “cây cao bóng rợp” đang ngự trị giữa xứ sở này.

Sở dĩ nói như thế bởi giọng văn có khi tưng tửng như chán đời, có khi đàng hoàng như giảng đạo, lại có lúc sầm sập như mưa tuôn, té tát như mắng chửi. Cao thì với cả đến kinh Phật, mà thấp thì sát tận vỉa hè... Đủ cả. (Này Đặng Thân, “O K con gà đen”, là mi học của ai đấy hử?). Cổ kim lúc nào mà chẳng có cả một cộng đồng những người điên đông đảo. Thế mà chưa hề làm cho con người động tâm ngó lại cái chốn “tâm linh” đen đúa búa xua của mình một phút nào. Cần phải có những thứ văn kiểu như thế này, may ra mới có hiệu quả chăng?

Nền văn chương xứ ta rồi sẽ phải quẳng đi khối thứ cho mà xem.

Theo ngu ý của tôi, “ma net” xứng đáng được chọn là tác phẩm hay nhất (ít nhất là trong tháng), thưa BBT website Tiền vệ kính mến.

 

22.04.2007 — PXA (Q.8, Sài Gòn, Việt Nam)

Bải thơ "Gió tháng tư nhẹ hều" của Trần Tiến Dũng có những hình ảnh chưa từng xuất hiện trong thơ của bất cứ ai từ trước đến nay:

Chợ Lớn có những con chó lùn liếm tay các a muối, có những con chó đực vàng khè đái vào lưng ông già đánh cờ.
Có lẽ Trần Tiến Dũng lại nhận tặng thưởng Tiền Vệ cho Tác Phẩm hay nhất tháng Tư. Tôi đoán thế!

 

23.04.2007 — Lê Toàn (Hà Nội, Việt Nam)

Trong thời gian qua Tiền Vệ có nhiều bài hay. Tháng Tư này tôi rất tâm đắc với truyện "ma net" của Đặng Thân, người đã từng có nhiều bài thật ấn tượng. Xin được bầu chọn cho "Tác phẩm của tháng".

Truyện có cái style của "hiện thực thần kỳ" Mỹ Latin nhưng đậm chất phương Đông và đương đại. Cách "rê dắt" của tác giả thật là điêu luyện, làm cho mọi đoạn văn hiện ra luôn luôn bất ngờ về nội dung và hình thức, ý tưởng phong phú vô cùng mà khi lộ khi ẩn. Cái rút ra còn là những bài học xã hội và nhân sinh đắt giá. Tôi thực sự thấy đây là một cây bút độc đáo hiện nay.

 

23.04.2007 — Nguyễn Văn Định (Đà Nẵng, Việt Nam)

Nhà thơ Inrasara thiên về sáng tác nhưng lại thường có những công trình nghiên cứu và phê bình rất xuất sắc. Ông đọc nhiều, biết rộng và thường thẳng thắn trong việc phát biểu nên bài viết "Thơ như là con đường" rất đáng được biểu dương.

 

25.04.2007 — Trần Hoàng Thi (Perth, Australia)

Bài "Thơ Joseph Brodsky — cuộc đối thoại giữa các nền văn hoá" của Ðào Tuấn Ảnh thật công phu và sâu sắc. Bài viết đã phân tích được một số đặc điểm trong phong cách, và đặc biệt là một số những đóng góp quan trọng của Brodsky, nhà thơ người Nga sau định cư tại Mỹ. Trong các đóng góp ấy, tác giả Đào Tuấn Ảnh đã nhận ra một điểm: “Bằng sáng tác của mình, Brodsky làm giàu có thêm cái truyền thống đã bị đứt đoạn bởi sự độc tôn của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa — sự độc tôn đã tạo sự trống trải trên mảnh đất văn chương hơn nửa thế kỷ vừa qua.” Đang sống ở Việt Nam mà nhìn thấy được như thế, Đào Tuấn Ảnh quả là nhạy cảm và can đảm.

 

27.04.2007 — Hồng Phúc (Paris, Pháp)

Bài thơ "Khi tủ sách đẩy lui bức tường" của Lê Đình Nhất-Lang có phong cách khác hẳn các bài thơ khác của tác giả trước đây. Theo tôi, đây là một thành tựu rất đáng chú ý của Lê Đình Nhất-Lang. Mong nhà thơ tiếp tục sáng tác thêm nhiều bài có tầm cỡ như vậy nữa.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021