thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nguyễn Ly và chiếc bồn tiểu

Tập hợp ba bài viết của Nguyễn Ly (Trần Dần, giữa giai thoại và văn bản, Anh xích-lô và Marcel Duchamp, Lại chuyện giai thoại và văn bản) trên báo Tiền Vệ không biết hữu tình hay vô ý đã cho tôi bức chân dung hoàn hảo của một người đọc “tầm thường” như NL đã tự thú nhận, một sản phẩm của chủ nghĩa hiện thực Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thời Đổi mới.

1. Nguyễn Ly (NL) không hề có năng lực cảm thụ hay cố tình xuyên tạc và bôi nhọ nghệ thuật hiện đại thế giới?

- Cách NL miêu tả lại “vụ” chiếc bồn tiểu của Marcel Duchamp được đem “ra triển lãm mỹ thuật” đã chứng tỏ thái độ coi thường nghệ thuật hiện đại của NL, và để lộ ra rằng NL chưa bao giờ đi xem triển lãm nghệ thuật. NL có biết rằng chiếc bồn tiểu đã được lộn ngửa, được đặt trên bục trắng, được trưng bầy trong một không gian trang trọng, được chiếu sáng vô cùng thông minh bởi chính hoạ sĩ, được hoạ sĩ viết chữ lên trên. Chiếc bồn tiểu này đã không còn là chiếc bồn tiểu trong nhà vệ sinh của NL nữa đâu. Ngày nay, bất cứ một học sinh Tây Âu nào cũng đã được dậy ở trường rằng nếu không có sự can thiệp của nghệ sĩ, chiếc bồn tiểu này sẽ vẫn chỉ là chiếc bồn tiểu, không hơn không kém.

Chính vì NL nhầm lẫn thế nào là tác phẩm nghệ thuật nên đã vội vàng bắt chước Duchamp để sáng chế ngay một tác phẩm nghệ thuật thô thiển và dễ dãi bằng một gốc cây trong vườn mà NL đã tiểu tiện lên trên.

NL viết “…Khi bình luận văn chương, chỉ cần chúng ta không đưa giai thoại vào các thang giá trị mà hãy để cho văn bản tự nói lên”. Xin mở ngoặc rằng “giai thoại” theo kiểu NL “còn phản ánh biến cố lịch sử một cách trung thành và chính xác hơn cả những sử liệu được gọi là khách quan”. Xuất phát điểm sai lầm này sẽ kéo theo muôn vàn những sai lầm khác. Bất cứ người nào được ngồi trên ghế nhà trường đều phải học bài học cơ bản này: Khi bình luận một tác giả, một tác phẩm, chúng ta phải đặt tác giả hoặc tác phẩm ấy vào bối cảnh lịch sử của nó. Nếu không làm sao chúng ta có thể nghiên cứu được Shakespeare? Nhỡ ai đó không biết lại tưởng Picasso sống trong xã hội phong kiến Việt Nam thế kỷ 17 thì sao?”

- Vì vậy, tôi xin được kể lại với độc giả nguyên nhân nào đã khiến M. Duchamp làm tác phẩm này, và đặt tên nó là “Fountain”:

Năm 1917, tại New York, M. Duchamp được bầu làm chủ tịch hội đồng trưng bầy triển lãm của “Society of Independant Artists”, được quảng cáo là triển lãm “không có ban duyệt tranh, không có giải thưởng”. Vài ngày trước triển lãm, M. Duchamp đã mua chiếc bồn tiểu tiện trong một hiệu bán vật liệu xây dựng lớn của New York, đã lật ngửa chiếc bồn, đặt tên cho nó là “Fountain” (có thể tạm dịch là: vòi phun nước), ký lên đấy một cái tên giả “R. Mutt”, cùng ngày tháng sáng tác, và đã gửi nó đến ban phụ trách triển lãm. Dĩ nhiên “Fountain” bị từ chối, trái ngược với chủ trương “không có ban duyệt tranh” như đã quảng cáo. Hết sức mãn nguyện vì đã vạch mặt ban tổ chức, M. Duchamp từ chức khỏi hội đồng trưng bày triển lãm.

Vài ngày sau, tác phẩm này đã được trưng bày trong Gallery 291, để chống lại nghệ thuật duy mỹ Hoa Kỳ. M. Duchamp đã suy tính những nguồn chiếu sáng để làm nổi bật những đường cong tuyệt đẹp của đồ vật, có thể sánh được với những đường cong của nàng Madonne xinh đẹp.

Đến đây tôi mong rằng NL sẽ phải chữa lại câu viết của mình: “vụ Marcel Duchamp đem chiếc bồn tiểu ra triển lãm mỹ thuật”. Không có chiếc bồn tiểu nào ở đây cả, chỉ có “Fountain” mà thôi.

- Một sai lầm khác cũng cơ bản mà NL mắc phải khi đồng nhất “chiếc CD rung rinh dưới ánh mặt trời” của anh đạp xe xích-lô với “Fountain” vào cùng một câu chuyện. Anh đạp xích-lô buộc chiếc CD vào đuôi xe của anh có khác nào một cô gái để làm đỏm cài cặp kính cận lên tóc. Tại sao NL không nghĩ rằng vật mà anh xích-lô muốn trang trí, buồn thay, lại là chiếc xe xích-lô của anh chứ không phải là cái đĩa CD? Tại sao NL lại không hiểu rằng anh ta chẳng hề mong muốn hai đồ vật này sẽ mang những tên gọi khác? Nhưng dù sao cả hai đồ vật này cũng chẳng thể trở thành tác phẩm nghệ thuật được. Chiếc CD chỉ là một trong muôn vàn cách làm đỏm đầy bản năng của con người. Chiếc đĩa CD này sẽ chỉ vĩnh viễn là một cái đĩa CD. Chiếc xe xích-lô này cũng mãi mãi sống kiếp xích-lô. Xin nhắc lại là chỉ khi được đặt dưới bàn tay nghệ sĩ “chiếc bồn tiểu” mới lột xác thành “Fountain – tác phẩm nghệ thuật”.

Tác phẩm nghệ thuật chứa đựng bên trong nó một quan niệm, lý thuyết và lý luận mỹ học, một thách đố với thời đại, một hành động chối từ các quan niệm thẩm mỹ khác. Tác phẩm nghệ thuật là kết quả của rất nhiều lao động tìm kiếm. Bản thân M. Duchamp đã từng là hoạ sĩ hàng chục năm trời, trước khi dùng đồ vật thay thế cho bút vẽ và bảng pha mầu. Vậy mà tôi không hiểu tại sao chiếc CD của một anh xích-lô nào đó và “Fountain” của M. Duchamp lại chỉ cho NL cùng một câu hỏi: đâu là chức năng thẩm mỹ?

Tôi không thể tin được rằng người tỏ ra yêu nghệ thuật và ham đọc sách như NL lại không có khả năng cảm thụ nghệ thuật! Khi thấy NL cho rằng Duchamp cũng dễ làm thôi, một người chưa bao giờ học nghệ thuật cũng cho ra được cái gì đấy ngang hàng được với ông thì tôi ngờ rằng biết đâu còn có một cái gì nữa đằng sau những bài viết công phu này?

Dù NL không nói ra, tôi vẫn thấy ngay được đâu là thái độ của NL đối với nghệ thuật chân chính. NL đã chiêm ngưỡng rất say sưa, đã miêu tả chiếc CD của anh xích lô rất kỹ lưỡng, bằng rất nhiều hình ảnh sống động, và nhất là đã không bỏ sót một chi tiết nào, kể cả “sợi dây kẽm cứng” nhỏ bé. Thế nhưng, đối với “Fountain” của M. Duchamp, NL lại cố tình quên đi tất cả hình dạng, màu sắc, kích thước của nó, quên cả tên tác phẩm, cùng những khoái cảm thị giác của những đường cong đã được tác giả gợi ý, chỉ lập lờ cho biết đây là một “vụ” gây “sốc”, không cho độc giả bất cứ một lời miêu tả nào, và nhất là vẫn khăng khăng gọi tác phẩm nghệ thuật ấy là “chiếc bồn tiểu”.

- NL ra sức chứng minh rằng bản thân tác phẩm nghệ thuật “không có chức năng nào hết”, còn rõ ràng hơn nữa, NL phủ nhận toàn bộ vai trò của tác giả trong chức năng nghệ thuật. Vậy đâu là vai trò cũng như ý đồ của M. Duchamp, đâu là chức năng của “Fountain” trong việc thúc đẩy tiến trình phát triển của lịch sử mỹ thuật hiện đại? Có lẽ nào NL đã cố tình phủ nhận những đóng góp của M. Duchamp trong sự ra đời và trưởng thành của những trào lưu nghệ thuật đương thời và sau này: Dada, Pop-Art, Conceptuel Art… “Cú sốc” mà NL miêu tả lại chỉ được NL giới hạn trong “giới nghệ sĩ tạo hình đương thời và là một chú giải thú vị cho những bài giảng mỹ học”, trong cuộc tranh chấp tưởng tượng và vô nghĩa của “chức năng tiểu tiện”“chức năng thẩm mỹ”. Không thấy NL nhắc đến quần chúng đông đảo mà NL đã cho rằng chỉ có họ mới có quyền đánh giá sự sống còn của tác phẩm và tác giả. Nhưng kỳ lạ thay Duchamp vẫn tồn tại cho đến hôm nay bất chấp sự vắng mặt của quần chúng.

- Tôi xin tổng kết lại phần viết này: Phê bình của NL thực chất là phản học thuật. Hạ thấp nghệ thuật hiện đại. Đề cao những sản phẩm dễ dãi. Đề cao vai trò quần chúng trong nghệ thuật, cụ thể là anh xích-lô cũng có thể làm được nghệ thuật như M. Duchamp, quần chúng đông đảo mới là người quyết định giá trị nghệ thuật. Tác giả bị tước quyền tồn tại vì chỉ là một cá nhân. Đây chỉ là một cách biến dị của lý luận hiện thực XHCN (nghệ thuật phải có tính đại chúng, tính dễ hiểu, tính giai cấp…).

2. Về Trần Dần

Người viết bài này không có lý do gì để tranh cãi tay đôi với một “người đọc tầm thường” – như lời chính Nguyễn Ly tự nhận - cứ nhầm lẫn tứ tung giữa nghệ thuật và không nghệ thuật. Việc NL cố tình từ chối xem “văn bản” của “Fountain”, chỉ đọc một vài giai thoại nào đó để cố tình bóp méo lịch sử và hiện thực là một trò gian lận trong phê bình.

- NL rất thận trọng khi nói dối về những giá trị nghệ thuật đã được thế giới khẳng định, bằng cách kín đáo tỏ thái độ vô lễ với Duchamp và khéo léo tầm thường hoá tác phẩm của ông trong chiếc đĩa CD của anh lái xe xích-lô. Đây là một cách phê bình ăn gian. Nhưng khi chê bai Trần Dần và những người cùng chí hướng với ông, Nguyễn Ly không cần che đậy bằng bất cứ một qui tắc lịch sự nào. Không có nhà phê bình nào làm việc theo kiểu “loại suy” của NL: tôi thấy không hay nên “khỏi cần chứng minh”, nên xếp vào sổ khoá lại. Tương tự, NL cũng đã không ngần ngại gì “loại suy” toàn bộ một giai đoạn lịch sử Việt Nam chưa được phân giải để không phải kể lại “Nhân văn Giai phẩm”, đúng như chính sách của những người lãnh đạo Việt Nam.

- Từ “Fountain” NL đã phóng tác ra “chiếc bồn tiểu” của Duchamp, chiếc đĩa CD, gốc cây hứng nước tiểu, một cách nực cười, tưởng rằng những sản phẩm NL ấy cũng là sáng tạo nghệ thuật. Từ “Jờ joạcx” của Trần Dần, NL cũng mò mẫm sản xuất ra những “giờ giọacxờ”, “sờ xoạc” rồi lại cũng tưởng rằng NL đã biết làm thơ! Nếu như “Jờ joạcx” của Trần Dần là một thách thức với sự trì trệ và bảo thủ của đội ngũ đông đảo những người sử dụng tiếng Việt, là một gợi ý cho những cách tân ngôn ngữ khác, một quan niệm mới về chữ và nghĩa, thì những sản phẩm của NL một lần nữa chỉ là những thứ trống rỗng và vô nghĩa, giống hệt như chiếc đĩa CD thủ công và gốc cây hứng nước tiểu vậy!

- Lập luận của Nguyễn Ly đầy mâu thuẫn. Chẳng hạn, để phủ nhận Duchamp, NL sử dụng Nguyễn Du trong câu hỏi: “Nguyễn Du viết Truyện Kiều nhằm giải trí người đọc?” Rồi tự trả lời: “Nguyễn Du chẳng định giải trí cho ai, cũng chẳng nhằm giáo dục ai hay định phản ánh hiện thực nào, Nguyễn Du chỉ mượn cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân để trình diễn những thao tác ngôn ngữ của mình”. Ở một chỗ khác, NL lại muốn dậy đời như thế này: “Văn chương là trò chơi ngôn từ, nhưng đồng thời, nó cũng không chỉ là trò chơi ngôn từ”. Vậy thì NL chê hay khen Nguyễn Du? Ở một chỗ khác nữa, để hạ thấp Trần Dần, NL lại viết: “…ông đang là lời biện hộ cho một lối văn chương tự nhận là duy mỹ… tẩy rửa mọi chức năng khác ra khỏi tác phẩm…và việc coi văn chương chỉ như một trò chơi chính là phản lại ông”. Cứ theo cách lý luận của NL, mục đích viết của Nguyễn Du và Trần Dần thực ra chỉ là một. Và cả Nguyễn Du lẫn Trần Dần đều không thoả mãn được đòi hỏi của NL.

3. Kết luận

Nếu nghệ thuật chỉ là những sản phẩm mà NL đã bắt chước và gợi ý trong ba bài viết, lịch sử nghệ thuật sẽ không cần những nhà văn, nhà thơ, hoạ sĩ… mà chỉ cần các thợ thủ công là đủ. Tôi dùng lại phương pháp “loại suy” của NL để nói rằng: xuất phát từ cách phê bình gian lận và mâu thuẫn, tất cả những nhận định về nghệ thuật của NL đều không có giá trị.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021