thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
"Nếu chẳng ai biết đến nó thì nó chẳng có chức năng nào hết": nguyên tắc Nguyễn Ly

Tôi rất thương cảm cho Nguyễn Ly phải một mình chống lại những cách tân trong nghệ thuật, của đông đảo những cái tên quen biết, thuộc nhiều thế hệ và địa lý. Từ Marcel Duchamp (1887-1968) và Trần Dần (1926-1997), đến những người bênh vực cái Mới: Phạm Thị Hoài, Dương Tường, Phong Lê, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Đoàn Cầm Thi… Nhưng vì mục đích xây dựng của tranh luận nghệ thuật mà tôi vẫn tiếp tục đề nghị Nguyễn Ly trả lời trực tiếp và đầy đủ các câu hỏi tôi đã đặt ra trong bài «Cái chuông hay ái uông?».

Sau đây là vấn đề cốt lõi mà tôi thấy cần trao đổi từ 2 bài viết tiếp theo của Nguyễn Ly.

Nguyễn Ly đã viết tiểu luận "Anh xích-lô và Marcel Duchamp" chỉ để đề ra một nguyên tắc tâm đắc: «Nếu chẳng ai biết đến nó thì nó chẳng có chức năng nào hết».

Nguyên tắc của Nguyễn Ly không thể áp dụng được trong các xã hội tự do nơi mọi người đều có quyền phát kiến, nơi những tác phẩm cách tân như của Duchamp không thể bị cấm đoán, bằng cách này hay cách khác sẽ được công bố, bằng con đường hợp pháp. Nhưng ngược lại, nguyên tắc đó có hiệu lực rất mạnh ở những đất nước mà văn hoá nghệ thuật bắt buộc phải đi trong một đường lối đã vạch sẵn, tất cả những trào lưu không đi đúng đường lối này đều bị lên án, kiểm duyệt, cấm xuất bản, cấm triển lãm. Mọi tiếp xúc với công chúng của một tác phẩm «có vấn đề» như vậy đều bị chặn đứng nhằm vô hiệu hóa tác dụng của nó trong xã hội cũng như trong nghệ thuật.

Ta hãy xem nguyên tắc này được Nguyễn Ly áp dụng như thế nào trong phê bình và nhận định văn học?

Nguyễn Ly đã sử dụng giai thoại khi kể về “vụ Marcel Duchamp đem chiếc bồn tiểu ra triển lãm mỹ thuật”, nhưng lại đề nghị không dùng giai thoại và lịch sử khi nghiên cứu Trần Dần, để không phải nhắc lại “Nhân văn giai phẩm”, để thực hiện nguyên tắc: «Nếu chẳng ai biết đến nó thì nó chẳng có chức năng nào hết».

Chưa hề đề nghị độc giả đọc một câu thơ của Trần Dần, Nguyễn Ly đã tự động kết luận «thất vọng» lắm, «hẫng hụt» lắm, «hẫng hụt là bởi kỳ vọng» lắm. Với các tác phẩm đầu tay của ông thì Nguyễn Ly lập tức giẫy nẩy: «tôi thiết nghĩ không cần trở lại với những Nhất định thắng, Người người lớp lớp…vì những giá trị nghệ thuật ít ỏi của những tác phẩm này là điều khỏi cần chứng minh».

Tôi cũng không dám chắc bản thân Nguyễn Ly đã đọc Cổng tỉnh của Trần Dần. Tác phẩm được gọi là trường thiên tiểu thuyết này tràn ngập những dằn vặt tâm lý của nhà thơ, khi ông «kiểm điểm bản thân cùng một thời đại buồn rầu» , khi ông bị chia xẻ giữa thơ và cuộc đời, giữa bản thân và tập thể, giữa cái đẹp và thất vọng, giữa ký ức và dục vọng, giữa một địa điểm mà ông thổ lộ: «còn xa kia là phố tôi sinh / có sương sớm mọc trên đèn muộn»«một đầu ô tím» mà ở đó ông «vẫn rong chơi bên mấy cột đèn mù», giữa tiếng gọi của Cách mạng và những cuộc phiêu lưu còn xa hơn cả Cách mạng. Thế là mười chín tuổi, ông «xách va li tim đi thui thủi địa cầu». Không bình luận một từ nào của Cổng tỉnh, Nguyễn Ly gán ngay cho nó cái nhãn hiệu tác phẩm «không xuất sắc» của «dòng hiện thực xã hội chủ nghĩa» mà người đọc nào cũng chán ngấy đến mức chỉ mới nghe thoáng từ xa đã vội vàng bỏ chạy. Chớp nhoáng, Nguyễn Ly giành cho Cổng tỉnh ba dòng kết tội: «Đây là một tác phẩm không có gì phức tạp…Chúng ta còn điều gì để bàn thêm về «Cổng Tỉnh» nữa không?»

Vâng, «khỏi cần chứng minh», «chúng ta còn điều gì để bàn thêm…nữa không?» chính là phương pháp đánh trống lảng của Nguyễn Ly: đừng nói nữa, để cho người ta quên đi Trần Dần, bởi vì «nếu chẳng ai biết đến nó thì nó chẳng có chức năng nào hết»!

Bằng cách này hay cách khác, Nguyễn Ly đều vội vàng đưa ngay kết luận: ở chỗ này Trần Dần là con số không, ở chỗ khác Trần Dần cũng là con số không. Nguyễn Ly đã chọn Mùa sạchJờ Joạcx làm hai nạn nhân mà Nguyễn Ly tin rằng trình độ non nớt, yếu kém của đa phần người đọc Việt Nam sẽ nhanh gọn gạt chúng qua một bên. Nguyễn Ly cũng cố tình quên không giới thiệu với người đọc rằng hai tác phẩm này được viết cách đây 40 năm, sát niên đại với nhau, nhưng bằng hai bút pháp rất xa nhau. Rõ ràng đây là hai cuộc tìm kiếm nghệ thuật nghiêm túc mà Nguyễn Ly đã phủ nhận vô căn cứ. Tôi xin nêu ra đây cụ thể:

- Mùa sạch là bản biến tấu vô tận của những từ Trong, Sạch, Sáng, Mùa, mà trong đó chữ được tập hợp theo những trật tự kỳ lạ để tạo thành những câu thơ chưa bao giờ tồn tại trong văn học cũng như trong khẩu ngữ. Nguyễn Ly đánh trống lảng không hề phân tích văn bản Mùa sạch, dù chỉ một chữ, và chỉ tấn công những bài viết về tác phẩm này. Đọc xong bài của Nguyễn Ly, người đọc không hề hiểu thêm một chút nào về chính bản thân tập thơ. Vẫn phương pháp quen thuộc của Nguyễn Ly: cố tình giấu đi bản gốc, để chẳng ai có thể lấy được gì từ nó, bởi vì «nếu chẳng ai biết đến nó thì nó chẳng có chức năng nào hết»!

Nguyễn Ly phê phán những cách so sánh văn học trong các bài viết khác, nhưng bản thân lại đưa ra một dẫn chứng nực cười: cách lặp từ của Mùa sạch đến từ P.Soupault với những lặp lại «Georgia» ở cuối mỗi câu. Tôi xin hỏi Nguyễn Ly, chữ «amen» được nhắc lại sau mỗi câu thánh kinh, vậy P.Soupault đã chẳng cách tân chút nào khi học cách lập từ này từ đạo Thiên Chúa?

Cũng ở phần viết này, Nguyễn Ly cố tình tạo bằng chứng giả. Trong số những bài viết đã công bố về Mùa sạch (trước khi Nguyễn Ly viết  Lại chuyện giai thoại và văn bản), tôi là người duy nhất nhắc đến Nouveau roman, nhưng chưa bao giờ tôi kể tên A.Robbe-Grillet hay G.Perec để so sánh với Mùa sạch. Người đọc xem lại bài «Cái chuông hay ái uông?» của tôi sẽ rõ. Nguyễn Ly tự động bịa ra sự so sánh trên, rồi từ đó nhận định rằng nó «què quặt»«vô lý». Tại sao Nguyễn Ly lại xuyên tạc bài viết của tôi? Có phải vì «bí» chứng cớ không?

- Jờ Joạcx là tiểu thuyết một nhân vật - nhân vật chính vừa bất chính -, với những thèm khát duy nhất: thèm khát nhục dục. Những thèm khát không dấu diếm như chính cái tên riêng “thằng truồng”. Những thèm khát vượt mọi qui tắc đạo đức và lý trí như bản thân hắn tự định nghĩa: “toàn thân tôi là một chiếc sinh thực khí jứt thánh bỏ trí của tất cả nam nữ”. Tác giả Tôn Nữ Quỳnh Hương cho rằng chữ sẹo được kết hợp với rất nhiều chữ khác để mất đi cái nghĩa sẹo thông thường. Tôi không phản đối lập luận của chị, nhưng e rằng nó khó có thể áp dụng được vào trường hợp các điệp từ khác. Ví dụ: NỮ được ghép với rất nhiều chữ, nó có thể mang nghĩa nữ vẫn có (nữ đồng hồ đeo tay, nữ xe đạp, nữ may ô, khuy iếm nữ, nữ áo đi mưa, nữ găng tay, capốt nữ, jụng cụ nữ buồng jờ, gót nữ, váy nữ, nách áo nữ, màn mùng chăn nữ, lược nữ, bể tắm nữ, ngón chân nữ, nữ tiếng khóc…), nhưng cũng có thể gợi nghĩa mới hoặc chẳng có một nghĩa nào cả (nữ điện thoại, nữ hành lang, li jượu nữ, nữ địa chỉ, jờ nữ, nữ ô tô, nữ garajờ, nữ hợp đồng, nữ biệt thự…). Theo tôi, chữ NỮ được sử dụng nhiều lần trong những cụm từ khác nhau, khi một nghĩa, khi nhiều nghĩa, hay có lúc vô nghĩa nhưng mọi sự lặp lại của NỮ đều phản ánh một ám ảnh của nhân vật chính: ám ảnh nhục dục.

Tương tự, những phép biến hình của Trần Dần nơi câu nơi chữ đều có lý do riêng và không bao giờ là những “biến dạng kí tự” giản lược, dễ dãi mà Nguyễn Ly đã suy diễn: «giờ xoạ» hay «sờ xoạc», rồi «những giờ xoạc» hay «rờ rẫm- rách xoạc».  

Tôi xin gợi ý một chút. Ta có thể thấy rằng, người Hà Nội phát âm tiếng Việt có những chỗ không chính xác. Tất cả những từ bắt đầu bằng các phụ âm R, D, Gi (ví dụ: Rờ, Dờ, Giờ) đều được phát âm giống nhau trong một từ «Jờ» nhẹ nhàng. Trần Dần ghi lại cách phát âm ấy, một cách trung thành nhưng không ít hài hước, vào tác phẩm của ông. Ví dụ, «rút ra» đã được Trần Dần phát âm theo lối Hà Nội: «jút ja», «dọc» trở thành «jọc»

Những năm 60, 70, trí thức Hà Nội bắt đầu sính nói tiếng Nga. Để chế riễu họ, người Hà Nội bấy giờ hay thêm chữ X, chữ S vào cuối mỗi từ khi phát âm. «Jờ Joạcx» là một cách nhạo báng lại hàng ngũ trí thức mới thời Nga hoá. Nhân vật «thằng truồng» do vậy phải bỏ trốn vào «vòng tròn», phải «từ chức tiến sĩ. phó bác sĩ. sử ký. chân lí. thẩm mĩ. thi sĩ», những nhãn hiệu mới đem từ liên bang Xô Viết về.

Nguyễn Ly đã tốn nhiều giấy mực để lý giải nào «cái diễn đạt» nào «cái được diễn đạt», cái nào thuộc cái nào, cái nào không dính được vào cái nào, cái nào đã được cách tân, cái nào còn đang nằm chờ. Tôi cứ hình dung thấy một Nguyễn Ly mồ hôi chẩy «jòng jã», ngồi chép lại lý luận mỹ học Mác Lê-nin, ghép vào các «thuật ngữ của Kant» một cách vô tội vạ, để kết tội  Jờ Joạcx đã không cách tân ! Nguyễn Ly, sau khi đưa ra các lý lẽ mà bản thân cũng chỉ hiểu một cách rất mơ hồ, vẫn thấy thiếu tự tin đến nỗi phải “nép” sau lưng số đông “quần chúng”: “Tôi không đánh giá cao những nỗ lực cách tân hình thức thơ của Trần Dần vì những tìm tòi khai phá ấy một phần là không đến nơi đến chốn, không tạo được những ảnh hưởng trong thi pháp của những người cầm bút đương thời” . Các tác phẩm của Trần Dần chỉ được công bố rất gần đây, lại chưa đầy đủ (Jờ Joạcx và nhiều tập thơ khác chỉ được công chúng biết đến qua Tiền Vệ từ 5/2003). Làm sao có thể kết luận ông không tạo được ảnh hưởng ? Vả lại “ảnh hưởng” cũng chỉ là một tiêu chí hết sức tương đối: rất nhiều thế hệ thành viên hội nhà văn Việt Nam thuộc lòng thơ Tố Hữu, lấy ông làm tấm gương của sáng tạo. Vậy theo Nguyễn Ly, Tố Hữu có “cách tân” không, “có chạm đến cốt tủy của thơ” không ?

Hãy xem lại cách Trần Dần gọi tên Jờ Joạcx, chúng ta sẽ thấy nó không có gì chung với những nhan đề thông thường của thơ ca chính thống Việt Nam những năm 1960-1970 cùng thời. Dưới đây là những tác phẩm được coi là hàng đầu, được quần chúng đông đúc nhiều thế hệ làm bảo hiểm: Đêm sao sáng, Người gác cầu, Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu, Chiếc đàn tính và tiếng hát người nghệ sĩ mù, Tôi muốn đến thăm khắp cả miền Nam, Hơi ấm ổ rơm, Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, Anh về thăm quê em, Bài ca quê hương, Bé Nguyệt làm thơ, Quê hương, Bài ca vỡ đất, Quê hương Việt Nam, Tiếng hát thì thầm, Tình ca ban mai… Xin độc giả nhận diện hộ đâu là Nguyễn Bính, đâu là Xuân Diệu, đâu là Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu, Huy Cận, Vũ Cao…? Trong khung cảnh chung của nền thơ ca quốc doanh ở đó tính cá nhân bị thui chột hoàn toàn, tác giả của Jờ Joạcx phải tự tin đến như thế nào mới dám tạo ra cho mình một chữ ký riêng, một dòng thơ riêng, những nhân vật không giống ai như thằng truồng - khiêu khích bằng cả cái tên riêng trở đi. Đó không phải là kết quả của «mặc cảm» như Nguyễn Ly tuyên bố! Nó càng không  «âm u, tăm tối, bệnh hoạn» như Nguyễn Ly suy diễn! Câu thơ mini của Trần Dần «mưa rơi không cần phiên dịch» chính là để cười nhạo những bản «phiên dịch» kiểu Nguyễn Ly: hãy để các văn bản được sống yên ổn cuộc sống của nó, đừng suy diễn lung tung theo kiểu «công nông binh», đừng bóp méo hiện thực bằng những lý thuyết rởm, hãy học thiên nhiên thật kỹ trước khi muốn sáng tạo. Chưa hiểu Mưa là gì đã đòi làm ngay những cơn mưa khác! Chưa biết Fountain của Marcel Duchamp như thế nào đã vội vã cho ra đời chiếc đĩa CD của anh xích lô!

Để kết thúc bài này tôi đề nghị Nguyễn Ly trả lời câu hỏi: Tại sao Nguyễn Ly áp dụng nguyên tắc «Nếu chẳng ai biết đến nó thì nó chẳng có chức năng gì hết» khi nhận định các tác phẩm của Trần Dần? Phải chăng Nguyễn Ly muốn chôn thêm lần nữa nhân vật đã từng bị chôn sống một lần cũng bởi nguyên tắc đó?


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021