thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bệnh đại ngôn

Đọc những bài thảo luận trên chuyên đề Trần Dần, chúng tôi - những độc giả bình thường ở trong nước chứ không phải những nhà phê bình chuyên nghiệp - xin góp một vài nhận xét.

Chúng tôi đã đọc các tác phẩm của Trần Dần được xuất bản trong nước và gần đây, đọc ông trên các trang web, dù chưa thể gọi là đọc hết ông nhưng với những gì đã đọc, chân dung nghệ thuật của Trần Dần hiện ra cũng khá đầy đủ. Nhưng rồi đọc các bài nhận định và thảo luận về Trần Dần trên Tiền Vệ, chúng tôi thực sự ngạc nhiên, không biết là những nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình mà chúng tôi hoặc quen tên hoặc xa lạ đang nói về ai hay về cái gì nữa!

Bệnh đại ngôn của người Việt Nam ta có thể nói là hết thuốc chữa.

Ngày trước, phần đông người đọc chỉ truyền tụng hai câu thơ nổi tiếng của Trần Dần:

        Tôi bước đi không thấy phố thấy nhà,

        Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ…

Hồi ấy, chúng tôi phục ông lắm, phục cái dũng của ông, cái tài của ông, nhất là cái nhìn “tiên tri” của ông. Nhưng rồi được đọc toàn bài “Nhất định thắng”, chúng tôi thấy hơi buồn vì cả bài thơ dài như thế cũng chỉ được có hai câu ấy thôi. Chúng tôi đành tự an ủi rằng chẳng cứ Trần Dần, văn chương xứ ta nó vậy, ngó qua một chút thì hay chứ bỏ công xem kỹ từ đầu đến đuôi thì hơi bị lê thê, nhạt nhẽo!

Về một số điều đang được tranh luận, chúng tôi có mấy ý kiến như sau:

Tập thơ Cổng tỉnh của Trần Dần, ai cũng biết là nó đã được Hội nhà văn Việt Nam trao giải thưởng năm 1995, mà các giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam thì chỉ được trao cho các tác phẩm thoả mãn những yêu cầu chính trị của chế độ XHCN chứ không bao giờ trao cho các tác phẩm chỉ có giá trị nghệ thuật. Tác phẩm nào không tuân thủ những nguyên tắc hiện thực XHCN không những chẳng có giải thưởng gì hết mà còn không được phép xuất bản nữa. Do đó, khi nghe một số nhà phê bình hải ngoại ca tụng Cổng tỉnh như là một tác phẩm đi ngược lại khuynh hướng hiện thực XHCN, người đọc cảm thấy ngỡ ngàng. Hay là chế độ XHCN ở Việt Nam đã cởi mở tới mức cho phép xuất bản những tác phẩm “ngược chiều” và còn trao giải thưởng cho các tác phẩm ấy nữa? Vui sướng thay cho những người cầm bút trong nước! Khốn nỗi là người viết và người đọc trong nước không ai có thể cảm nhận được niềm hân hoan lố bịch đó!

Vậy việc Cổng tỉnh được trao giải thưởng nói lên điều gì? Có thể hiểu như sau:

1- “Thánh đế hồi tâm”.

2- Trần Dần đã “đi gần với lãnh đạo”.

(Những chữ trong ngoặc kép là chữ của chính Trần Dần trong tập Ghi). Để có thể xác định tính hiện thực XHCN của Cổng tỉnh, độc giả nên hỏi ông tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam và ông giám đốc nhà xuất bản trong nước đã cấp giấy phép xuất bản nó, hơn là qua nhận định của mấy nhà “phê bình” đại ngôn. Chúng tôi tin rằng mấy nhà “phê bình” này chẳng hiểu gì về thực trạng văn học hiện thực XHCN ở Việt Nam hiện nay, chỉ thuộc lòng vài công thức quen miệng rồi cứ thế nói bừa.

Trích vài câu “đau đời”,”tủi phận” của Trần Dần trong Cổng tỉnh ra mà khen nức nở rồi định giá trị cho cả tác phẩm là cung cách bình văn của các giáo viên trung học. Mấy nhà “phê bình” đại ngôn ấy có thể nhặt ra không ít những câu thơ như thế, thậm chí hay hơn thế trong khá nhiều tập thơ thuộc dòng hiện thực XHCN in trong nước mấy chục năm qua.

Cũng như Cổng tỉnh, Mùa sạch của Trần Dần đã được xuất bản, được phổ biến rộng rãi, rồi Jờ joạcxSổ bụi cũng được trích đăng trên các trang web, mà giả sử các nhà xuất bản trong nước có in tuốt luốt tác phẩm của Trần Dần thì những thứ văn chương “sụt sùi tả oán” như thế cũng chẳng làm chế độ XHCN ở Việt Nam hề hấn gì, làm sao mà phải hô hoán lên, sợ người ta “chôn” Trần Dần lần nữa?

Chẳng qua là một thời gian dài, Trần Dần và các cây bút trong nhóm Nhân văn-Giai phẩm không được công bố tác phẩm đã tạo ra trong công chúng tâm lý chờ đợi. Bây giờ thì ai cũng biết đến tác phẩm của các ông. Kẻ thấy hay thì phục lăn ra, kẻ thấy dở thì ngậm ngùi tiếc cho công chờ đợi. Thế còn bao nhiêu tác phẩm của những tác giả khác vẫn mòn mỏi trong ngăn kéo bàn viết không được ra đời, hoặc chưa ra khỏi nhà in đã bị tịch thu, hoặc chết khô trong các hồ sơ của an ninh văn hoá thì sao? Các nhà “phê bình” đại ngôn chắc coi như không biết! Vậy thì quí vị nên cảm ơn Nguyễn Ly khi ông viết: “Nếu chẳng ai biết đến nó thì nó chẳng có chức năng nào cả” (trong bài "Anh xích-lô và Marcel Duchamp"). Trần Dần thế là may mắn hơn nhiều người cầm bút khác, ông đã làm đơn xin vào lại Hội nhà văn, đã được in tác phẩm và đã lại có độc giả của mình, dẫu muộn màng nhưng đâu đến nỗi “tử vì đạo”?

Nói công bình ra thì Cổng tỉnh, Mùa sạch lẫn Jờ joạcx… cũng có dăm câu hay hay, vài điều mơi mới nhưng xét cả tập thì không ổn. Cảm giác mệt mỏi, nhàm chán khi đọc các tác phẩm của Trần Dần là điều rõ ràng, không thể phủ nhận được. Ông có nhiều nỗ lực trong việc làm mới chữ, kể cả nỗ lực tổ chức bài thơ, tập thơ nhưng kết quả không tương xứng chút nào so với công sức ông bỏ ra. Các tập thơ của Trần Dần đều lỏng lẻo về cấu trúc, mạch cảm xúc lênh láng nhưng cạn cợt, quá nhiều chất độn, chữ thừa, câu thừa. Thơ “mini” của ông thì quá “mini”, vụn vặt và có không ít câu mà cả ý tưởng lẫn chữ đều tầm thường.

Còn bảo rằng Jờ joạcx mới hơn, lạ hơn so với la liệt những tập thơ giống nhau như đúc khuôn ở Việt Nam thời kỳ đó cũng chẳng nói lên được điều gì, vì có trồi lên trên mặt ao bèo vài phân thì cũng có gì để ầm ỹ? Mà có trồi lên được bao nhiêu? Jờ joạcx là một “ca” rất “freudien”, nhưng ám ảnh nhục dục là chuyện cũ mèm. Không hiểu những “sẹo” này “sẹo” kia, “nữ” này “nữ” khác có gì hay hớm mà các nhà “phê bình” đại ngôn thổi lên như bong bóng xà phòng vậy?

Có thể khâm phục, kính nể Trần Dần ở sự kiên trì, ở sự thành thực khi theo đuổi những ám ảnh của mình trong một hoàn cảnh nghiệt ngã, nhưng sự méo mó, dị dạng của một sinh thể bị giam hãm lâu ngày trong một không gian chật hẹp, tù túng khó có thể gợi lên những xúc cảm thẩm mỹ (vấn đề này có thể khiến chúng ta lạc ra ngoài lãnh vực nghệ thuật), và nhất là thiếu hẳn cốt cách phóng khoáng, mạnh mẽ - những phẩm chất của một nền văn chương lớn. Nhưng chẳng cứ Trần Dần hay các cây bút thuộc nhóm Nhân văn-Giai phẩm mà có lẽ cả nền văn chương Việt Nam thiếu cái cốt cách đó!

Các nhà phê bình nên dè dặt lời khen một chút để độc giả đỡ nghi ngờ về động cơ của những lời khen. Độc giả bây giờ cũng đọc nhiều hơn, biết nhiều hơn và ít nhất họ cũng có khả năng so sánh Cổng tỉnh, Mùa sạch, Jờ joạcx … với những gì họ đã đọc, không phải chỉ trong cái ao bèo văn học Việt Nam đương đại mà trên bình diện văn học thế giới. Và họ biết Trần Dần đã cách tân những gì, bắt chước những gì, thú vị chỗ nào và chán ngán chỗ nào. Những lời đại ngôn như “táo bạo nhất”,”quyết liệt nhất”,“trí tuệ bậc nhất”,“khối khổng lồ”,”cái nòi bao giờ và ở đâu cũng hiếm”… chỉ làm độc giả phì cười và có đôi chút khó chịu. Họ không biết các nhà “phê bình” định lừa họ hay lừa chính mình và họ rút ra kết luận - không đến nỗi sai - rằng các nhà “phê bình” ấy đọc sách hơi ít, hoặc nếu có đọc - vì nhà “phê bình” nào cũng thích khoe chữ, trích dẫn hết ông tây này đến bà đầm nọ - thì đọc cũng không vào, không tiêu hoá được những gì đã đọc. Tóm lại, đó là một thứ phê bình sống sít và vô bổ, tốt nhất là “cancel”!


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021