thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Góp ý với Lê Dã Thảo về JỜ JOẠCX

 

1. Tôi tin chắc là Lê Dã Thảo (LDT) không những chưa đọc kĩ tác phẩm Jờ joạcx của Trần Dần mà cả bài nhận định của tôi với tựa đề "Để đến với Jờ joạcx". Rất nhiều điểm trong bài của LDT có thể chứng minh được điều đó:

- bản thân LDT cũng đã thú nhận ngay từ đầu là "không có điều kiện thời gian" dành cho "việc đi sâu phân tích Jờ joạcx".

- cách giải thích ngây ngô về "sẹo", "nữ" và "mưa" trong Jờ joạcx: LDT viết "Trong Jờ joạcx, bất cứ cái gì, bất cứ ai cũng là nữ, cũng thành nữ. Cả một tiến trình nữ hoá ". LDT sẽ giải thích thế nào vì có rất nhiều chữ trong Jờ joạcx được Trần Dần kết hợp với "thịt", "joạcx", "1963", "đồ đạcx", "mưa"…? Theo LDT đó cũng là những "tiến trình thịt hóa", "tiến trình joạcx hóa", "tiến trình 1963 hóa", "tiến trình đồ đạcx hóa, "tiến trình mưa hóa"? Cả Nguyễn Ly và LDT đều tìm cách giản lược Jờ joạcx , đọc nó theo kiểu người mù sờ voi, sờ được cái gì là vội vàng kết luận, mà chẳng hề biết hình dạng tổng thể con voi như thế nào.

- cách lập luận vô căn cứ từ việc Trần Dần "bị treo bút" đến việc "sáng tác đang thời kì sung mãn bị ngưng trệ đột ngột". Bất cứ ai đọc danh mục tác phẩm của Trần Dần đều biết thời kì sáng tác sung mãn nhất của ông lại chính là sau Nhân văn-Giải phẩm, Trần Dần từng nói ông " được cái hoạn nạn". Cổng tỉnh, Jờ joạcx, Mùa sạch, Tâp thơ 63-64, Những ngã tư những cột đèn, Con trắng, 36 thở dài, Mây không lời-Thơ không lời, Thơ Mini… đều ra đời sau cái mốc 1956.

- cả ở hai bài viết, LDT đều chép sai câu thơ của Nhất định thắng. Đề nghi LDT mở Nhất định thắng ra đọc lại.

- Nguyễn Ly luôn tự nhận là "người đọc tầm thường". Vì không đọc kĩ Nguyễn Ly mà LDT đã vội vàng đưa Nguyễn Ly lên ghế "nhà phê bình"?

- các tác phẩm của Trần Dần chưa được công bố hết. Trên cơ sở nào LDT đồng ý với nhận định của Nguyễn Ly rằng Jờ joạcx là "tác phẩm đáng chú ý nhất, tinh túy nhất của Trần Dần"?

 

2. LDT đã mắc những mâu thuẫn tai hại trong cách lập luận của mình:

- Nếu bài viết của tôi (Đặng Đình Ân) " nghiêm túc, kĩ càng , chứng tỏ người viết chịu khó đọc tác phẩm và nghiền ngẫm cẩn thận" như chính LDT nhận định thì tại sao LDT lại muốn nó " khép lại chuyên đề Trần Dần"?

- Nếu "Trần Dần không phải là một nhà thơ lớn, tài năng và bản lĩnh của ông rất hạn chế " như chính LDT nhận định thì tại sao LDT lại yêu cầu phải "xác định đúng đắn những đóng góp của Trần Dần vào văn học Việt Nam trong một giai đoạn có thể nói là khó khăn nhất đối với kẻ sáng tạo"?

- Nếu Jờ joạcx " khá độc đáo và lạ " như chính LDT nhận định thì tại sao LDT lại cho rằng nó "chỉ gợi lên trong lòng độc giả nỗi thương cảm, xót xa đối với tác giả chứ không phải là cái đẹp của tác phẩm nghệ thuật"?

 

3. Tôi thấy cần thiết phải góp ý với LDT về thái độ tranh luận không đàng hoàng và thiếu văn hóa của LDT.

Vì lý do nào mà LDT phải gán cho Trần Dần "mặc cảm bị thiến hoạn"? Theo tôi, đó là một câu văng tục không nên có trong tranh luận văn học. Bài viết của tôi về Jờ joạcx hoàn toàn dựa trên việc phân tích tác phẩm này, tôi không nghĩ rằng tôi có thể bịa đặt những nhận định có giá trị về một tác phẩm vô giá trị. LDT sai lầm nghiêm trọng khi viết: "bài viết của Đặng Đình Ân rất đáng đọc nhưng không vì thế mà Jờ joạcx có giá trị hơn". Tôi không cần những lời khen vô bổ đó của LDT. Đối với tôi, chúng chỉ chứng minh thêm một điều đã nói ở trên : LDT chưa đọc kĩ bài viết của tôi.

Theo tôi, LDT nên bỏ thời gian ra nghiên cứu Jờ joạcx trước khi nêu ý kiến về nó chứ đừng có thái độ mơn trớn với tôi, với Nguyễn Hưng Quốc hay bất cứ người viết nào khác hòng kéo tôi hay họ về "phía" của mình. Xin LDT biết một điều quan trọng là tranh luận văn học chỉ được quyền sử dụng một vũ khí duy nhất là kiến thức học thuật. Chủ đề TRẦN DẦN trên Tiền Vệ không chủ trương ai thắng ai thua, mục đích của nó là mang lại cho độc giả, qua các nhận định và ý kiến thảo luận, những phương hướng để cảm thụ các tác phẩm của Trần Dần nói riêng và văn học đương đại nói chung.

 

4. Jờ joạcx không phải là một tác phẩm văn học khép kín. Có thể cảm thụ tác phẩm này theo nhiều cách khác nhau. Bài "Để đến với Jờ joạcx" của tôi chỉ đóng góp một vài gợi ý giúp người đọc tiếp cận Jờ joạcx bằng một phương pháp đọc mới. Theo tôi, một trong những thành công của Jờ joạcx là đã làm thay đổi mối quan hệ người sáng tác và người đọc. Nếu Nhà Văn và Độc Giả dường như thường "kí" với nhau bản "hợp đồng" qui ước bởi hai điều khoản:

- về phía Độc Giả: cam kết tin vào tất cả các sự kiện kể trong tác phẩm, cam kết coi tất cả các nhân vật và các địa điểm của tác phẩm đều tồn tại thực sự.

- về phía Nhà Văn: cam kết làm mọi cách để tác phẩm của mình trở nên đáng tin và giống như thật.

Jờ joạcx đã phá vỡ bản "hợp đồng" này: nó không hướng độc giả vào một hiện thực mà ngược lại, công khai khiến người đọc phải đặt câu hỏi về tính đáng tin của hiện thực ấy, nó không kể lại câu chuyện theo một trình tự hợp lý mà ngược lại, đưa ra rất nhiều chi tiết đã bị xáo trộn để mỗi người đoc tự lắp ghép và tìm ra những khả năng khác nhau của câu chuyện. Jờ joạcx như vậy đã đề xuất một cách đọc không thụ động, tạo cho độc giả nhiều cơ hội tham gia vào công việc sáng tác. Để có thể đọc được những giá trị nghệ thuật của tác phẩm này độc giả phải trang bị cho mình những kiến thức văn học và sức cảm thụ văn học nhất định. Có thể nói, nhìn từ phương diện này, Jờ joạcx đã tách khỏi văn học Hiện Đại để bắt gặp những tìm kiếm của văn học Hậu Hiện Đại. Một điều đáng ghi nhận ở đây là Jờ joạcx đã ra đời ở một nơi rất xa nước Mỹ - cái nôi của Hậu Hiện Đại, và vào thời điểm mà chính trào lưu nghệ thuật này còn đang ở giai đoạn sơ khai.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021