thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Lời cuối về JỜ JOẠCX

Thật đáng tiếc là lại phải nói thêm vài lời về “Jờ Joạcx” sau khi đọc bài “Góp ý với Lê Dã Thảo về Jờ Joạcx” của Đặng Đình Ân. Những “fan” của Trần Dần hình như chưa bao giờ có đủ bình tĩnh để tranh luận cho đàng hoàng chứ đừng nói là có thái độ cầu thị và lịch sự, vì vậy xin đừng tìm cách dạy dỗ ai về chuyện có văn hoá hay không có văn hoá! Tôi không muốn sa vào những cuộc cãi vã vô bổ nên chỉ có vài lời với các độc giả của Tiền Vệ đã theo dõi chuyên đề Trần Dần từ đầu đến nay.

Thứ nhất, “Jờ Joạcx” hay bất kỳ một tác phẩm nào của Trần Dần, khi đã đưa ra công luận thì nó là của công chúng. Người đọc có quyền khen chê, nhận định theo quan điểm cá nhân và có thể tự do phát biểu quan điểm của mình mà không nhất thiết phải xúc phạm đến bất kỳ người nào không cùng ý kiến. Các “fan” của Trần Dần dường như không thể hiểu nổi điều đó nên rất thích mạt sát, thoá mạ người khác mà quên mất những nguyên tắc nền tảng của tự do ngôn luận. Thôi thì cứ để họ độc quyền chân lý cho họ thoả mãn, tôi sẽ xin được ngưng việc tham gia ý kiến kể từ sau bài báo này.

Thứ hai, “mặc cảm bị thiến hoạn” là một thuật ngữ của S. Freud để chỉ một trạng thái tâm thần và đã được ông đề cập đến nhiều lần trong các tác phẩm của mình. Cụm từ này không hề là một câu “văng tục” như tưởng tượng của Đặng Đình Ân, còn nếu như đã muốn làm phê bình văn chương mà không biết điều đó thì tôi cũng không có trách nhiệm phải tập huấn cho ai về phân tâm học.

Thứ ba, việc lạm dụng từ “hậu hiện đại” đã thành một căn bệnh phổ biến. Bất kỳ lúc nào “bí” là người ta lại lôi “hậu hiện đại” ra để “trộ” thiên hạ! Mối quan hệ giữa nhà văn và độc giả theo một “hợp đồng ngầm” nào đó lại là một sản phẩm tưởng tượng khác, phần nhiều là từ những quan niệm lỗi thời của chủ nghĩa hiện thực, vậy mà để thoát ra khỏi nó cũng phải cần đến “hậu hiện đại”?

Thứ tư, tôi không định tham gia thảo luận trên Tiền Vệ với thái độ “nhất định thắng” mà chỉ muốn góp một ý kiến riêng cho “rộng đường dư luận”, kẻo toàn là các “fan”xúm vào tán tụng thần tượng và tán tụng lẫn nhau thì cũng chẳng có gì đáng đọc! Tôi không nghĩ Tiền Vệ lại là một thứ “fan club”, nhưng cứ cái giọng “hàng tôm hàng cá” như một số bài được gọi là “thảo luận” trên chuyên đề Trần Dần thì người ta cũng không thể nghĩ khác được! Nhân đây, cho phép tôi được cảm ơn Ban chủ trương Tiền Vệ đã công tâm khi cho đăng cả các ý kiến “trái khoáy” như ý kiến của tôi. Không phải là một lời “mơn trớn” như ý nghĩ nhỏ mọn của các “fan” mà chỉ là phép xã giao thông thường thôi!

Cuối cùng, xin cảm ơn những ai đã theo dõi cuộc tranh luận bổ ích nhưng không mấy lý thú này! Chúng ta cần nhiều hơn nữa những liều thuốc giải độc, giải mê và vì vậy, tôi xin hẹn độc giả ở một chuyên đề khác, với những tác phẩm khác (có lẽ là những tác phẩm của thế kỷ 19 cho các “fan” đỡ cuồng nộ chăng?). Còn bây giờ, cảm giác mệt mỏi, chán ngán khi đọc các tác phẩm của Trần Dần cũng đã lây lan sang cuộc thảo luận về ông. Xin tạm biệt!


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021