|
Trú ngụ | Trong thành phố Warsaw | Không bao giờ tái diễn
|
|
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
CZESŁAW MIŁOSZ
(1911-2004)
Trú ngụ Cỏ ở giữa những ngôi mộ rất xanh.
Từ những chỗ dốc đứng nhìn xuống vịnh,
Xuống những đảo và thành phố phía dưới. Buổi hoàng hôn
Chói chang, rồi từ từ nhạt dần.
Đêm đang xuống
Ánh đèn làm những sinh vật nhảy tung tăng. Một con hươu cái
và một con nai nhỏ
Có mặt ở đây, như mọi tối, để ăn bông hoa
Người ta đem đến viếng những người thân đã khuất.
Trong thành phố Warsaw Anh đang làm gì ở đây, hỡi nhà thơ, trên những phế tích
Của Giáo đường St. John vào ngày
Nắng xuân này?
Anh đang nghĩ gì ở đây, nơi gió
Thổi từ Vistula[1] đang hất tung
Bụi đỏ trong những đống gạch vụn?
Anh thề sẽ không bao giờ làm
Một kẻ khóc lóc chịu tang
Anh thề sẽ không bao giờ đụng đến
Những vết thương của đất nước anh
Để khỏi phải biến vết thương thành những thánh tích
Những thánh tích đáng ghét theo đuổi
Con cháu sau này qua bao thế kỷ.
Nhưng lời than khóc của một Antigone
Đi tìm em trai mình
Quả là vượt quá sức
Chịu đựng. Và trái tim
là một hòn đá trong đó bị giam cầm,
Như một loài sâu, mối tình mù quáng
Của một mảnh đất bất hạnh không đâu bằng.
Tôi không muốn yêu như thế.
Tôi không có ý định đó.
Tôi không muốn thương hại như thế.
Tôi không có ý định đó.
Ngòi bút của tôi nhẹ hơn
Lông một con chim ruồi. Gánh nặng ấy
Bắt nó phải mang là điều quá đáng.
Làm sao tôi sống được trong xứ sở này
Nơi bàn chân đạp phải những xương cốt
Không được chôn cất của người thân?
Tôi nghe những tiếng nói, thấy những nụ cười. Tôi không
thể viết ra được gì cả; có năm bàn tay
Nắm ngòi bút của tôi và ra lệnh tôi viết ra
Chuyện cuộc đời và cái chết của họ.
Có phải tôi sinh ra là để trở thành
một kẻ khóc lóc chịu tang?
Tôi muốn hát ca về những lễ hội,
Những khoảng cây rừng Shakespeare
Thường đưa tôi vào. Hãy để dành
cho những nhà thơ một khoảnh khắc hạnh phúc,
Nếu không thế giới của anh sẽ suy vong.
Quả là chuyện điên rồ khi sống không có niềm vui
Và lặp lại với những người chết
là những người lẽ ra phải được chia sẻ cái vui
hành động trong tư tưởng và trong xác thịt, có hát ca, có lễ hội
Lặp lại chỉ hai từ được cứu vãn:
Chân lý và công lý.
Warsaw, 1945
Không bao giờ tái diễn Một ngày nào đó tôi sẽ phải kể lại tôi đã thay đổi ra sao
Những cách nhìn của mình về thơ, và làm thế nào mà
Ngày nay tôi tự cho mình là một trong đông đảo
Những tay buôn và thợ thủ công của nước Nhật cổ,
Những người gieo vần trên hoa anh đào,
Hoa cúc và trăng tròn.
Phải chi tôi mô tả được những cô điếm cao cấp ở Venice
Ngồi dưới hiên nhà các cô cầm một que nhỏ trêu đùa một con công,
Và tháo bỏ hết thắt lưng thêu kim tuyến ngọc ngà,
Thoải mái mở ra đôi vú nặng và cái vết thâm đỏ
Chiếc áo cài nút để lại trên bụng,
Linh hoạt như dưới mắt vị thuyền trưởng tàu buồm
Sáng hôm đó cập bờ chở về nguyên một thuyền vàng;
Và phải chi tôi tìm được cho xương cốt thảm thương của họ
Trong một nghĩa trang quanh cửa rào san sát nước lầy nhầy
Một từ bền bĩ hơn chiếc lược họ dùng sau cùng
Trong đống rữa mục nằm dưới mộ bia, lẻ loi, đang chờ đợi ánh sáng,
Bấy giờ tôi sẽ không còn nghi ngờ. Từ một chất thể bất kham
Ta có thể gom lại được gì? Không gì cả, may mắn lắm là vẻ đẹp.
Vậy thì, chúng ta phải nên hài lòng với hoa anh đào
Và hoa cúc và trăng tròn.
Montgeron, 1957
-----------
[1] Tên Ba lan là Wisła, sông dài nhất và là đường thủy chính của Ba lan, dài 1,070 km, chảy ngang Kraków [Đông Bắc], Warsaw [Tây Bắc] ra tới Vịnh Danzig trên Biển Baltic.
“Trú ngụ” trích từ Thơ mới Ba Lan, Hoàng Ngọc Biên dịch và giới thiệu, 160 trang, Nhà xuất bản Trình bầy, 1993. “Trong thành phố Warsaw” dịch từ bản tiếng Anh “In Warsaw” của Czeslaw Milosz, Robert Hass và Madeline Levine; “Không bao giờ tái diễn” dịch từ bản tiếng Anh “No More” của Anthony Milosz trong Czeslaw Milosz, The Collected Poems (The Ecco Press, 1988).
Những bài thơ khác của Czesław Miłosz qua bản dịch Hoàng Ngọc Biên:
Mọi thứ trên trái đất này thật là khó hiểu. / Sự quyến rũ của sông nước. Sự quyến rũ của trái cây. / Sự quyến rũ của hai bầu vú và mái tóc dài của người thiếu nữ... | Hãy cho ta biết đường đi có quá xa đối với em. / Em vẫn có thể vượt những ngọn sóng ngắn của biển Baltic / và qua khỏi những cánh đồng Đan mạch, qua khỏi một cánh rừng sồi... | Ta đây – tại sao phải sợ vô lý như thế? / Đêm sẽ sớm tàn, bình minh sẽ lên. / Hãy nghe đây: đã vang dội những tiếng tù và của mục đồng... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
Thế là tôi trở về đây từ những thủ đô lớn, / Về thành phố nằm trong một thung lũng hẹp dưới đồi giáo đường / Với những ngôi mộ vua chúa. Tới một quảng trường dưới pháo đài... | Họ sẽ đặt ở đấy những màn ảnh truyền hình và cuộc đời chúng ta / sẽ hiện ra từ đầu đến cuối / với mọi thứ chúng ta có vẻ như đã tìm cách quên, mãi mãi... | Bộ râu tôi rậm rạp, mí mắt che nửa / Đôi mắt, như với những người biết giá trị / Của sự vật... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
Chúng ta đã thấy nhiều, đã hiểu nhiều. / Những quốc gia sụp đổ, những đất nước mất hẳn. / Những ảo tưởng của trí óc con người bủa vây chúng ta / Và làm cho con người hủy diệt hoặc chìm vào nô lệ... | Đàng sau một nụ cười ân cần anh em, / Hắn khinh bỉ người đọc báo, nạn nhân của phép biện chứng quyền uy. / Gọi tên “dân chủ” với một cái nháy mắt... | Lần đầu tiên hắn nhìn thấy ánh sáng. / Cả thế giới ánh sáng chói chang. / Hắn không biết đây là những tiếng thét / Của những con chim chói loà... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
Một vài nét mực phóng ra, thế là xong. / Sự tĩnh lặng mênh mông của sương mù trắng, / thức dậy giữa núi rừng... | Một ngày tràn trề hạnh phúc. / Sương mù dậy sớm, tôi làm việc ngoài vườn. / Những con chim ruồi dừng cánh trên hoa kim ngân... | Sông nhỏ dần. Những thành phố bé lại. Những khu vườn tráng lệ / Phát hiện những thứ trước đây tôi không nhìn thấy: những chiếc lá cằn cọc và bụi... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
Vòng qua phố Descartes / Tôi xuống phía sông Seine, rụt rè, một du khách, / Một anh nhà quê mới đến thủ đô của thế giới. // Chúng tôi nhiều người, từ Jassy và Koloshvar, Wilno và Bucharest, Saigon và Marakesh, / Xấu hổ vì nhớ lại những thói tục ở quê nhà... | Khi chúng tôi rời thành phố rực cháy / Tới lối mòn đầu tiên trên cánh đồng, quay nhìn lại, / Tôi nói: “Cỏ hãy phủ lấp dấu chân chúng ta..." [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
Ba bài thơ của Czesław Miłosz (1911-2004) — nhà thơ Ba Lan đoạt giải Nobel Văn Chương năm 1980. [Bản dịch của nhà thơ Hoàng Ngọc Biên]
|