thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Caffé Greco | Chân dung thế kỷ XX | Ra đời
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
CZESŁAW MIŁOSZ
(1911-2004)
 
 

Caffé Greco

 
Vào những năm tám mươi của thế kỷ 20, ở Roma, phố Condotti
Chúng tôi ngồi với Turowicz[1] trong tiệm Caffé Greco
Và tôi đã nói những lời, đại khái, như sau:
 
– Chúng ta đã thấy nhiều, đã hiểu nhiều.
Những quốc gia sụp đổ, những đất nước mất hẳn.
Những ảo tưởng của trí óc con người bủa vây chúng ta
Và làm cho con người hủy diệt hoặc chìm vào nô lệ.
Những con én thành Roma đánh thức tôi dậy vào lúc bình minh
Và bây giờ tôi cảm thấy sự nhất thời, nhanh nhẹn
Tách riêng mình ra. Tôi là ai, tôi đã là ai
Không phải là điều quan trọng. Bởi lẽ những người khác,
Những người hào hiệp, cao quí, vẫn hỗ trợ cho tôi
Bất cứ khi nào tôi nghĩ đến họ. Đến đẳng cấp những con người.
Những người đã cho thấy sự thủy chung của mình,
Những người mà tên tuổi bị xoá mất hoặc bị chà đạp dưới đất
Tiếp tục thăm viếng chúng tôi. Từ họ chúng tôi có thể đánh giá,
Về mặt thẩm mỹ, tôi phải nói thế, những công việc, những mong đợi,
                                                                                    những dự kiến.
Bằng cái gì văn học có thể tự cứu mình
Nếu không phải là bằng một khúc ngợi ca, một bài tôn vinh
Dù là không định trước? Và tôi quả ngưỡng mộ các anh,
Bởi các anh đã hoàn thành nhiều việc hơn những bạn đồng hành của tôi
Là những người có lần đã ngồi đây, những thiên tài kiêu hãnh.
Tại sao họ đau lòng vì thấy mình thiếu đức hạnh,
Tại sao họ cảm thấy ray rứt lương tâm, bây giờ tôi đã hiểu.
Với tuổi tác và với sự suy yếu của tuổi tác ấy
Người ta học được cách đánh giá sự khôn ngoan, và sự hào hiệp giản đơn.
Maritain là người trước đây lâu lắm chúng ta đã có đọc
Hẳn đã có lý khi vui mừng. Và với tôi: sự kinh ngạc
Thấy thành Roma vẫn đứng, và chúng tôi lại gặp nhau,
Thấy tôi vẫn còn hiện hữu được một lúc, tôi và những con én.
 
                                                                              Rome, 1986
 
 

Chân dung thế kỷ XX

 
Đàng sau một nụ cười ân cần anh em,
Hắn khinh bỉ người đọc báo, nạn nhân của phép biện chứng quyền uy.
Gọi tên “dân chủ” với một cái nháy mắt.
Căm ghét những thú vui sinh lý của con người,
Nhớ hết những kẻ từng ăn, uống và giao hợp
Nhưng một lúc sau cổ họng kết cuộc đã quặn thắt.
Chỉ thị tổ chức những buổi múa hát tiệc tùng trong vườn để dập tắt
                                                                        cơn giận của quần chúng.
 
Miệng nói “văn hoá!” và “nghệ thuật!” nhưng thực tế là nhìn thấy ở đó
                                                                                    những trò xiếc.
 
Hoàn toàn kiệt sức.
Trong giấc ngủ hay trong gây mê. miệng thì thầm “Chúa, ôi Chúa!”
Tự cho mình là một tên La mã đã liên kết chuyện thờ Jésus và
                                                                                    thờ Mithra[2].
Vẫn gắn bó với những tín ngưỡng xưa, có khi cảm thấy mình
                                                                                    bị quỷ ám.
Tấn công quá khứ, nhưng nếu quá khứ bị hủy diệt,
Lại e rằng phần hồn mình sẽ không còn nơi nương tựa.
Thích nhất là chơi bài hay chơi cờ, và hơn thế còn muốn tranh cãi
                                                                                    với chính mình.
 
Một tay đặt yên lên những trang viết của Marx, kín đáo đọc Kinh thánh.
Đưa con mắt giễu cợt dõi theo những dòng người ra khỏi các nhà thờ
                                                                                    đã bị cháy rụi.
Tấm màn phông của hắn: một thành phố hoang tàn, màu da ngựa.
Trong tay hắn: cuốn sổ của một chú bé “phát xít” bị giết trong vụ Nổi dậy[3].
 
                                                                                    Kraków, 1945
 
 

Ra đời

 
Lần đầu tiên hắn nhìn thấy ánh sáng.
Cả thế giới ánh sáng chói chang.
Hắn không biết đây là những tiếng thét
Của những con chim chói loà.
Tim chúng đập nhanh
Dưới những tán lá khổng lồ.
Hắn không biết loài chim sống
Ở thời đại khác thời đại của người.
Hắn không biết cây cối sống
Ở thời đại khác thời đại của chim
Và sẽ chậm rãi đâm lên cao
Thành một cột màu xám
Tư duy bằng đám rễ cây
Bằng bạc của những triều vua dưới đất.
 
Là kẻ cuối cùng của bộ lạc, hắn đến
Sau những vũ khúc thần diệu tuyệt vời.
Sau vũ khúc của thần Linh dương
Sau vũ khúc của thần Phi xà
Dưới bầu trời đời đời xanh lam
Trong vùng thung lũng núi non màu đỏ gạch.
 
Hắn đến sau những dải da lấm chấm
Trên tấm khiên mang gương mặt quái vật,
Sau những vị thần chớp mi mắt tô vẽ
ban phát xuống trần những giấc mơ,
Sau rỉ sét trên những chiếc thuyền chạm trổ
Mà mưa gió đã bỏ quên.
 
Hắn đến, sau rào cản của gươm đao
Và tiếng tù và ra trận,
Sau tiếng thét phi thường của đám đông
Trong bụi gạch đá tơi tả,
Sau tiếng những chiếc quạt phất
Kết thúc một chuyện đùa quanh chén trà ấm áp,
Sau những vũ khúc hồ thiên nga,
Và sau một đầu máy chạy bằng hơi nước.
 
Nơi nào hắn đặt chân đến, nơi ấy lúc nào
Cũng thấy để lại trên cát
Một dấu bàn chân to ngón,
Cần phải đem kiểm chứng
Với bàn chân trẻ nhỏ của hắn xuất hiện
Từ những rừng cây nguyên sơ.
 
Nơi nào hắn đến, hắn lúc nào
Cũng sẽ tìm thấy trên những sự vật của trái đất
Một ánh ngời được đánh bóng
Bởi một bàn tay người.
Điều này sẽ không khi nào rời xa hắn,
Sẽ mãi mãi ở bên hắn,
Một sự hiện diện gần gũi như hơi thở,
Cái giàu duy nhất của hắn.
 
                                                Washington, D.C., 1947
 
 
-------------
“Caffé Greco” trích từ Thơ mới Ba Lan, Hoàng Ngọc Biên dịch và giới thiệu, 160 trang, Nhà xuất bản Trình bầy, 1993. “Chân dung thế kỷ XX” dịch từ bản tiếng Pháp “Portrait du XXè siècle” của Monique Tschui và Jil Silberstein [bản dịch được tác giả duyệt] trong Czeslaw Milosz, Un enfant d’Europe (Editions L’Âge d’Homme, 1980). “Ra đời” dịch từ bản tiếng Anh “Birth” của Peter Dale Scott trong Czeslaw Milosz, The Collected Poems (The Ecco Press, 1988).
 
_________________________

[1]Jerzy Turowicz [10.12.1912, Kraków – 27.1.1999, Kraków] là Chủ biên tuần báo Công giáo Ba Lan Tygodnik Powszechny gần suốt thời gian sau Đệ nhị Thế chiến [1945-1953 và 1956-1999], tờ báo độc lập với Giáo hội cũng như với Nhà nước Ba Lan sử dụng diễn đàn để phê phán những viên chức tôn giáo cũng như chính phủ. Ông là một tên tuổi lớn trong những hoạt động văn hóa, chính trị, tôn giáo, không chỉ có ảnh hưởng trong nước mà còn cả trên thế giới.

[2]Mithra: thần Mithra được tôn thờ, tạo thành một đạo huyền bí cổ xưa, nổi lên từ thế kỷ thứ I trước Công nguyên đến thế kỷ thứ V sau Công nguyên, khắp châu Âu và châu Á – có vẻ như xuất phát từ vùng Đông Địa trung hải. Đạo có tín đồ cả ở thời Đế chế La mã, từ thế kỷ đầu trước Công nguyên, và lên đến đỉnh cao vào khoảng thế kỷ thứ IV sau Công nguyên, là thời đạo rất thịnh hành trong giới quân lính La mã trước khi bị sắc luật của Thedosius cấm và vĩnh viễn biến mất sau đó.

[3]Chú bé “phát xít”: Vụ Nổi dậy ở Warsaw bùng nổ vào ngày 1 tháng 8, 1944, khi quân đội Xô viết chiến thắng tiến gần thành phố và quân đội Đức triệt thoái. Những trận chiến trong thành phố – giữa lính Đức và những chiến sĩ Ba Lan – tiếp diễn dữ dội hơn hai tháng, và tất nhiên Warsaw hoàn toàn bị tiêu hủy. Quân nổi dậy, do không phải là những người theo lính Xô viết, đã bị lên án là phát xít. [Chú thích của tác giả trong Czeslaw Milosz, The Collected Poems (The Ecco Press, 1988)].


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021