thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TỰ THUẬT VĂN HỌC: Những khó khăn & tác phẩm [kỳ 9]

 

THẾ UYÊN

(1935~)

 

 

Một chuyến ngao du...

 
 

Mặt Trăng Mặt Trời

Năm 1954 tôi theo gia đình rời Hà Nội di cư vào Nam, định cư tại thành phố Sài Gòn. Năm đó tôi vừa 19 tuổi. Đủ lớn để có một, không phải một người yêu, mà là một người để yêu. Nàng đầu tiên là Mặt Trăng, kém tôi hai tuổi và là cô bạn hàng xóm lúc thiếu thời, nói theo kiểu Mỹ là the girl next door. Bố mẹ hai bên thường nửa đùa nửa thật nói sau này sẽ cho hai đứa lấy nhau, bởi thế sự giao thiệp hai đứa kể như được chấp thuận công khai nhưng, từ khi vào tuổi dậy thì, bị kiểm soát kỹ.

Mười chín tuổi ở các nước Tây phương được coi là đã trưởng thành, thường đã tốt nghiệp trung học và được luật pháp cho cả trai lẫn gái được phép làm tình với nhau. Trường hợp tôi hơi khác một chút, là đến tuổi đó tôi vẫn còn ở cấp 3 vì mất 4 năm không học, do tản cư và định cư lung tung trong chiến tranh Việt-Pháp. Một điểm khác nữa cần nói tới là mặc dù đã lớn với con chim đã đủ lông đủ cánh hoạt động bình thường từ lâu, có kinh nghiệm nhiều loại về sex, kể cả thứ mà người Mỹ gần đây gọi là child abuse do các người Pháp dân sự quân sự chủ động, nhưng trong tâm trí vẫn lãng mạn, thứ lãng mạn nuôi dưỡng bởi các tiểu thuyết Tự lực Văn đoàn cùng nhiều truyện diễm tình khác nữa. Trong cái đầu tôi lúc đó, với đôi mắt khá to (sau này nhiều tuổi hơn mới nhỏ lại, không hiểu tại sao... không lẽ tại trông thấy nhiều thứ nhiều cảnh quá hấp dẫn, mắt cứ nheo lại nhìn cho rõ nên nhỏ lại bình thường chăng?) không một lần có ý tưởng tình dục với nàng Mặt Trăng. Thậm chí một lời tỏ tình chính thức, thật giản dị như “Anh yêu em...” cũng chưa thốt ra được. Và về thể xác, chỉ có mỗi một lần đứng trên bao lơn nhà nàng ngắm đường phố một sáng mùa đông có gió thổi lá khô chạy xào xạc, liếc sang bên cạnh thấy bộ ngực con gái mười bảy đẩy căng chiếc áo len mầu trái mơ chín, tôi thoáng có ý tưởng muốn đặt tay lên đó. Chỉ vậy thôi, còn đặt tay xong làm gì nữa, tôi chưa có ý kiến, làm như những kinh nghiệm tình dục đã có thuộc một thế giới khác, không ăn nhằm tới thế giới có những cô gái xinh xắn theo đuổi, tán tỉnh, yêu đương.

Bốn năm sau ở Sài gòn, trong truyện ngắn đầu tiên “Những hạt cát” có Mặt Trăng làm nhân vật chính, tôi đã cho nhân vật “chàng” sử dụng bàn tay mạnh bạo hơn nhiều. Đó là hư cấu, bịa đặt cần thiết của người viết văn, hay nói một cách khác, là thực hiện bằng văn chương những điều mơ ước, cho nhân vật làm những điều tác giả đã bỏ uổng không làm trên thực tế, trong quá khứ. Một nhà văn Pháp có hoạt động kịch trường, tên là Jean Cocteau thì phải, khi cử hành sinh nhật thứ 70, có nhà báo hỏi: “Nhìn lại quá khứ cụ nghĩ thế nào về những lỗi lầm của tuổi trẻ?” Nhà văn già đã trả lời với một nụ cười hóm hỉnh: “Tôi tiếc khi còn trẻ đã không phạm nhiều lỗi lầm của tuổi trẻ hơn nữa...”

Tôi viết trong truyện ngắn “Những hạt cát” hồi đầu thập niên 60 của thế kỷ 20:

“Thiếu nữ quì lên, quay lưng lại, đặt lá xuống cát. Duy lại gần hơn. Một dải lụa bay vắt qua vai. Chàng quì xuống, mùi da thịt phảng phất. Tim Duy đập mạnh trong lồng ngực, giọng nói lạc và khàn hẳn đi: ‘Áo Hằng tuột rồi... Anh buộc lại cho.’ Hằng không trả lời, người thu nhỏ lại, hai vai rung nhè nhẹ. Duy kéo dải lụa, hai tay hơi run. Chàng đặt một tay lên vai người yêu, khẽ đưa dần về phía cổ... Đột nhiên Duy dừng lại: những hạt cát long lanh bám đầy tay chàng. Gáy người con gái không vết gợn, mát mẻ như những chiều hè sau trận mưa rào. Duy rút tay lại, chùi cát vào quần một cách chậm rãi. Gió chiều thổi mạnh. Trời đã lạc hết mây. Mái tóc nàng rủ xuống lưng bất động. Bàn tay Duy nằm yên trên đùi chàng... Tiếng thiếu nữ nhỏ nhẹ trong những tia nắng cuối cùng của buổi chiều: ‘Đưa em về đi anh... Em muốn về.’ Duy đỡ người yêu ngồi dậy, nâng một chân thiếu nữ, phủi nhẹ cát, từ từ đặt vào giầy...”

(Tôi đã đặt tên truyện này là “Những hạt cát” chỉ vì nếu tay “chàng” không dính đầy cát, bàn tay chắc chắn tiến xuống phía nam đồi núi mơn mởn, và truyện sẽ không còn là lãng mạn nữa... Gần đây trong bài “Thế Uyên - em tôi”, Duy Lam đã cho rằng có lẽ Nhất Linh thấy đứa cháu mới viết văn đã lăm le đưa bàn tay xuống thấp quá, vượt qua mức Tự Lực Văn Đoàn có thể chịu đựng nổi, nên đã từ chối không đăng trên Văn Hoá Ngày Nay. Bây giờ mấy chục năm qua nhìn lại, thấy Nhất Linh quả đã có thị kiến và viễn kiến về đứa cháu đã vượt ra ngoài khuôn khổ...!)

Gia đình Mặt Trăng ở lại Hà Nội, và tôi theo gia đình vào Nam, mang theo một thứ mà sau này nhà văn của tuổi dậy thì Hoàng Ngọc Tuấn gọi là “hình như là tình yêu”. Đêm hôm trước khi lên phi cơ (bố tôi là công chức nên toàn gia được đi máy bay, không được biết đến cái tầu “há mồm” nổi danh của hải quân Mỹ), tôi cùng hai bạn thân lang thang nhiều con đường trong thành phố cổ, uống cà phê... cử hành thứ mà sau này nhà văn Mai Thảo hay Thanh Tâm Tuyền chi đó gọi một cách văn chương là “đêm giã từ Hà nội”. Leo lên GMC chật ních sang phi trường Gia Lâm đã mệt, ngồi bệt trên sàn phi cơ lạnh (không hiểu hãng hàng không tính toán có đúng không khi tháo hết ghế để chở được nhiều người hơn) mỗi lúc tôi mệt hơn, lên cao nhiệt độ thấp dần, lạnh, đến một lúc nào tôi bị ói... Bởi thế rời phi trường Tân Sơn Nhất giữa buổi trưa nắng chói bực bội, leo những bật thang biệt thự ông bác bên mẹ, tôi lử khử lừ khừ, không một tí hung hăng gà chọi cố hữu, ngồi xuống chiếc ghế dài đầu bàn ăn rộng lớn đầy người. Sau khi uống vài ngụm nước lạnh, đột nhiên tôi tỉnh táo hẳn lên, không phải vì nước đá lạnh, mà vì nụ cười tươi đôi mắt hơi nhăn lại như một con mèo, của nàng Mặt Trời, bà chị họ kém tôi ba tuổi ngồi bên kia bàn.

Đừng có ai hỏi Mặt Trời trưa hôm đó mặc quần áo kiểu gì màu chi, tôi bị loá mắt, hoàn toàn quên hết, chỉ nhớ được rõ mỗi khuôn mặt rạng rỡ xinh xắn ấy thôi. Nàng nhận ra tôi, đứng dậy đi vòng bàn lại ngồi xuống cạnh, thản nhiên hích tôi một hai cái nhẹ nhàng để lấy chỗ ngồi, nói hỏi nhiều điều, giọng vui tươi thân tình như chưa xa cách nhau đã nhiều năm, dù có cả triệu điều phân cách tôi với nàng: nàng học trường Pháp từ nhỏ nên nhiều khi xen kẽ những chữ Pháp quen thuộc tôi phải hỏi lại mới hiểu vì cách phát âm như “đầm Paris”, không giống lối phát âm của mấy ông thầy dạy trung học. Xưa kia tôi chỉ biết nàng như cô gái bé mặc áo trắng váy xếp xanh nước biển, bây giờ nàng đã lớn, thành một cái mà tôi phải dùng những chữ sáo cổ mới diễn tả nổi: một cô gái đương thì xuân tình non tươi như búp hoa, hoa gì cũng được...

Nụ cười trên khuôn mặt hồng hào trưa hôm đầu tiên ở miền Nam ấy rõ ràng có giá trị như một tiếng sét, làm choáng váng, hớp hồn tôi: tôi mê bà chị họ xinh đẹp này ngay lập tức. Nói kiểu nhà binh, không có một hai hai một gì cả. Gặp đúng đối tượng, đúng người như mình hằng ước mơ, là ta yêu thôi. Tính toán so đo chi khi ta mới có mười chín tuổi, thấy hôn nhân như vật cách xa bằng mặt đất lên mặt trăng. Và ngay từ ngày hôm sau tôi tìm đủ cách để được gần nàng. Điều đó không thiếu cơ hội vì Mặt Trời thân thiết với cô em gái kế tôi, cùng một độ tuổi có thiếu gì điều chung để bàn, để hỏi lẫn nhau trong khi nhà hai cô cách nhau hơn 10 km. Cần một liên lạc viên mẫn cán thấy rõ và tôi đương nhiên tình nguyện. Khi mượn được xe đạp thì đạp, không thì đi bộ cũng đi, tôi có đôi chân khá tốt (sau này đi bộ binh cuốc bộ không thua lính dưới quyền, có lẽ vì thời gian “huấn luyện và huấn nhục” này).

Bọn tôi trai có gái có đang ở thời kỳ đi chơi chung cả bầy đoàn, giai đoạn ngay trước hiện tượng kết đôi, xé lẻ đi chơi riêng. Thủ Đức, Biên Hoà, Mỹ Tho... bằng xe lửa, xe hơi, xe lôi, băng phà qua sông phù sa rộng lớn sang Bến Tre. Chưa kể những chuyến đi chơi trong thành phố ngắm phố phường, uống sinh tố, ăn kem... Phần tôi lắm khi buổi tối đến gặp Mặt Trời một mình, không phải để rủ nàng tách khỏi bầy đoàn đi chơi riêng, mà chỉ để chúi vào một góc phòng nghe nhạc. Hai đứa cùng thích bản “Tennessee Waltz” do Les Paul và Mary Ford trình bày, một tối có thể nghe đi nghe lại ba bốn lần không chán. Đi đâu tôi cũng chiếm vị trí đi cạnh Mặt Trời, ngồi bàn thì không ngồi cạnh được, cũng tìm cách ngồi đối diện để ngắm khuôn mặt xinh xắn, đôi môi hồng gọn ghẽ, như vừa đủ cho một chiếc hôn. Một lần trong một quán kem, giữa quần hào nam nữ đông đảo, khi nhạc cất lên tình cờ đúng bản hai đứa cùng ưa thích, tôi ngẩn ngơ nhìn Mặt Trời. Người con gái ngượng ngùng cúi xuống múc một thìa kem đưa lên và một chút kem dâu dính ngay môi, tôi có phản ứng tự nhiên không tính toán: đưa khăn tay chùi chút kem dư trên môi Mặt Trời.

Mọi người chung quanh đột nhiên như ngưng nói chuyện, như để ngấm ngầm thưởng thức hành động tỏ tình đơn sơ của tôi. Trong đám trẻ ngồi quanh, chỉ có tôi và em gái là dân học trường Việt, còn lại là dân trường Tây phóng khoáng hơn, sự kiện hai đứa tôi copain copine (bồ tèo) cousin cousine anh chị em họ có tán tỉnh yêu đương chút đỉnh, thì nhằm nhò gì dăm ba cái lẻ tẻ đó... Một mặt khác, chưa đầy nửa năm trước đây tôi còn lang thang thành phố cổ Hà Nội, sinh hoạt và yêu đương tán tỉnh theo kiểu Tự Lực Văn Đoàn, đùng một cái vào miền Nam nóng bỏng nhiệt đới quanh năm với bầu khí, kiến trúc, sinh hoạt... Tây phương hơn, Pháp hơn, tôi bị quyến rũ, mê hoặc cũng phải. Khi mới mười chín tuổi, cái gì chẳng là cái có thể...

Gần bốn mươi năm sau, khi viết truyện dài Không một vòng hoa cho người chiến bại (1998), tôi biến Mặt Trời thành Nhi và viết những dòng sau:

Tôi chỉ quen thuộc với những bộ áo dài và đồ lót đơn giản... Học trường Pháp từ nhỏ, Nhi đẹp như một con mèo cảnh của một gia đình quyền quí, nàng hầu như không mặc gì khác ngoài những bộ quần áo Tây phương, nàng quyến rũ tôi một cách khác thường. Đã có những buổi trưa tôi đạp xe đến đợi Nhi tan học từ một ngôi trường cổ như một tu viện, ngắm nàng xuất hiện trong một robe hồng hay trắng thật sạch, thật yểu điệu. Tôi dắt xe đưa Nhi đi bộ về trên những vỉa hè có những hàng cây cao lá dầy đặc che mát, nói những điều bâng quơ...
Nhi kêu mệt không đi theo mọi người thăm thành phố, ngồi lại trên băng ghế một công viên với tôi tình nguyện ở lại hộ tống. Tôi ngồi bệt ngay xuống cỏ, hút thuốc ngắm đôi chân để lộ dưới làn váy trắng mỏng để rồi bày tỏ ngạc nhiên trước sự nhẵn nhụi mịn màng của bắp chân Nhi. Nàng cắt nghĩa là phải dùng dao cạo cũng như thuốc bôi để tạo ra sự trơn nhẵn ấy và nàng làm cho tôi thoáng khựng người khi giơ một cánh tay lên để tôi thấy nách cũng không vết gợn đen nào. Nhi bảo bây giờ phụ nữ Tây phương phải tốn công ghê lắm để giữ thân thể không một làn mao nào ở những phần da thịt có thể để hở. Đến một lúc nào đó, Nhi khẽ kéo làn váy ngoài lên cao chỉ cho thấy jupon viền đăng te mặc lót bên trong để cắt nghĩa cô nào không mặc thứ này, kể như không đứng đắn. Nàng đã nhích đi một khoảng chiếu sáng, tôi vẫn ngồi trên cỏ và phần dưới của Nhi trên ghế. Ánh sáng làm lớp váy trắng mỏng hẳn đi, hai bắp chân Nhi hồng lên như trong một lồng kính và hình như có lúc tôi tưởng như ngửi thấy mùi da thịt Nhi ấm áp như hương đồng cỏ nội của buổi trưa mùa hè. (sđd, tr. 121)

Tình trạng thân thiết và thân mật lên tới độ đó, dù tôi vẫn giữ không có một hành động, lời nói, xưng hô nào vượt qua lằn ranh của anh chị em họ, thí dụ hôn lên môi, ôm ấp nhau, thậm chí đi xi nê chỉ có hai đứa, cũng không nữa. Mặt Trời dù biết tôi yêu nàng, nhưng tôi vẫn không nói ra lời, bởi vì còn trẻ nhưng đã lờ mờ ý thức bây giờ mà công khai hoá tình yêu, rất dễ tuột dốc đam mê không cách nào dừng lại được. Tôi yêu Mặt Trời, bởi thế không muốn mang lại bất cứ rắc rối, chứ đừng nói khổ đau cho nàng. Nhưng tôi không có nhiều thì giờ để yêu và băn khoăn lâu hơn: một sự kiện tình cờ xảy ra chấm dứt tất cả, sự kiện mà sau khi đã bớt buồn, hay tự gọi đùa là “oan ơi ông địa”.

Một buổi tối tôi đến nhà Mặt Trời hơi trễ và theo lệ thường đi băng qua phòng ăn vào thẳng phòng nàng. Vào rồi mới thấy không ổn: nàng đã tắt đèn chính, đang nằm ngủ theo tư thế trinh nữ mơ hoa, con mèo nhỏ êm ái mơ con cá thật tươi... Tôi đứng cạnh giường ngắm Mặt Trời đã ngủ yên vài phút rồi đi ra, và khi bắt đầu băng qua bàn ăn thì bà kế thất của bác tôi xuất hiện. Tôi bình tĩnh cúi chào, lẳng lặng đi ra cầu thang. Khi đạp xe ra về trên đường dài dặc đã bắt đầu vắng xe, tôi ý thức bão tố sắp tới nơi rồi, nhưng vẫn bình tĩnh: tôi chỉ ngắm Mặt Trời ngủ yên một chút rồi đi ra, có đụng chạm chi đâu, vậy cây ngay đâu có sợ chết đứng, các cụ Việt Nam xưa đã dạy vậy. Nhưng khi về đến khu Bàn Cờ, ghé quán Năm Dưỡng uống ly cà phê túi đậm đặc quen thuộc, tôi chợt nhớ ra một câu khác nguy hiểm hơn, lần này của các cụ bên Tàu: Nam vào phòng nữ ban đêm thì phi đạo tắc dâm, không ăn trộm tiền của cũng ăn trộm dâm, hay vì truyện dâm. Ăn trộm thì không có tôi, còn lại khoản thứ hai thì rắc rối to. Với các ông anh họ thì không thành vấn đề vì họ biết sự quyến rũ của nhan sắc cô em gái cưng, nhưng cũng biết tôi chỉ yêu kiểu lãng mạn, nói theo kiểu văn chương lãng mạn tiền chiến, là “yêu trong linh hồn trong lý tưởng” (Khái Hưng). Nhưng đối với các bậc trên, phản ứng họ ra sao cũng dễ đoán. Một ông anh kế sát Mặt Trời một đêm đến kiếm tôi thông báo quyết định của gia đình: Cô tôi (bà kế thất) bảo đã đến lúc D. phải chấm dứt tình yêu đó... Tôi hỏi: Mặt Trời nói sao? Ông anh trả lời: Nó nói bắt đầu sợ D...

Tôi biết đó không phải là ngôn ngữ của nàng. Chẳng qua bị bà kế thất vặn hỏi về đêm “nam đáo nữ phòng”, nàng thật tình khai ngủ khì, có biết gì đâu. Chắc bà kế thất gièm pha, bỏ bom kiểu: Ừ thì con ngủ không biết nhưng nhỡ nó lén mở cúc áo, nâng váy con lên coi nọ coi kia thì sao? Nhỡ có lúc mất tự chủ nó đè con ra hôn (tôi biết điều này Mặt Trời không sợ) rồi cứ thế đi tới, con có kháng cự nổi không? Điều này thì tôi biết trinh nữ nào cũng sợ, dù là Mặt Trời Mặt Trăng hay Sao Hôm Sao Mai vân vân ai khác. Tôi không ngạc nhiên nếu bà kế thất này không hạ một dấu chấm hết thật to, bằng nhận xét nho nhỏ, quen thuộc: Con biết đấy, thằng đó táo tợn lắm! Có cái gì nó không dám làm...

 

[còn tiếp nhiều kỳ]

 

Đã đăng:

... “Những hạt cát” là tên của truyện ngắn đầu tiên tôi viết trên đời. Động cơ thúc đẩy không có gì là oai hùng, siêu hình siêu linh, hay sứ mệnh văn học hiện đại chi hết...: tôi viết chỉ vì bắt chước mọi người chung quanh, nhất là anh tôi, nhà văn Duy Lam... (...)
 
Không phải tôi bắt chước họa sĩ Picasso mà đặt tên các thời kỳ văn học bằng mầu sắc xanh đỏ vàng, mà vì văn chương viết thời kỳ cộng tác với tạp chí Tân Phong, thuộc dòng lãng mạn cổ điển kiểu Pháp thế kỷ 19, kiểu tiền chiến Việt Nam. Đặt tên màu xanh êm đềm như thế để phân biệt với vàng, đỏ như máu, văn chương có lửa, văn nghệ xám của nhóm văn hóa Thái Độ sau này... (...)
 
Nguyễn Tường là họ ngoại của tôi. Còn họ nội của tôi ra sao? Bố tôi là đứa con cuối cùng của giòng họ Cát ở Vân Đình, Hà Đông, không có gì lẫy lừng từ nhiều đời, ông nội tôi (chết sớm) chỉ là ông đồ... (...)
 
Thời gian xẩy ra sự cố nói trên, tôi đang cộng tác với nhật báo Chính Luận của Từ Chung và Đặng Văn Sung. Mới đầu tôi viết mỗi tuần một đoản văn... (...)
 
Trong khi theo học đại học ở Mỹ, tôi dần dà khám phá ra nền giáo dục xứ này không đề cao tinh thần thượng võ và ít chú trọng đến việc xiển dương, đề cao, khích động lòng yêu nước, nhiều như ở Việt Nam. Nếu lấy đơn vị là một cho dễ nói, nền giáo dục miền Nam Việt Nam đề cao tinh thần thượng võ và lòng yêu nước mười lần hơn Hoa Kỳ, và miền Bắc Việt Nam lại mười lần cao hơn miền Nam... (...)
 
... Bố tôi không khoẻ, và thuốc phiện còn làm ông suy yếu hơn. Tự ông cũng biết mình sẽ không thọ (và đúng vậy, ông chết khá sớm, năm 56 tuổi) và khả năng kiếm tiền đã thấp (sau thời kỳ làm quản lý cho Phong Hoá Ngày Nay), ông thường làm công chức cấp nhỏ, lương thấp, đông con... (...)
 
Trong danh sách những nghề bố bảo nên gia nhập, tôi còn kể sót một trường là Quân Y ngay gần nhà. Bố tôi mặn mà với trường này lắm vì ra trường vừa là trung úy vừa là y sỹ, vừa có chữ thọ to tướng vừa có thể làm ngoài, thiếu gì tiền... (...)
 
Yêu một cô bé xinh đẹp con nhà và được yêu lại, được lấy nhau làm vợ chồng, còn niềm vui nào lớn hơn. Ngồi ở công trường vắng lặng Ban Mê Thuột uống một ly đậu đỏ tồi ơi là tồi, bùn đỏ xứ này còn như muốn nở hoa, buồn làm sao được... (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021