thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chín bài thơ
Bản dịch của Thanh Tâm Tuyền, Trần Đức Uyển, và Nguyễn Đăng Thường.
 
 
 
LANGSTON HUGHES
(1902-1967)
 
Hôm nay chúng ta thấy Langston Hughes hiển nhiên là đại biểu quan trọng nhất của dòng thơ da đen Mỹ và là một trong những tên tuổi lớn nhất trong văn chương Hoa-kỳ thế kỷ 20. Thế nhưng, những bài thơ đặc sắc của ông, lúc vừa được xuất bản trong những năm 1920, 1930, đã từng bị chỉ trích, chê bai không ít. Thậm chí Countee Cullen, nhà thơ da đen hàng đầu, lúc ấy cũng không thể cảm nhận nổi những bài thơ jazz trong tập thơ The Weary Blues (1926) của Langston Hughes. Ông cho rằng những bài thơ jazz của Hughes không thích hợp với bất cứ phương diện nào của lĩnh vực nghệ thuật thi ca. Countee Cullen tuyên bố: "Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mọi đề tài và hình thức đều có thể ứng dụng thích nghi vào thi ca," và ông nhận định rằng thi ca đích thực không thể nẩy sinh từ nhạc jazz.
 
Tất nhiên nhận định Countee Cullen là một sự sai lầm to lớn. Thời nào cũng có những người dựa vào những quy cách của thơ quá khứ để tuyên bố rằng cái này là thơ, cái kia không phải là thơ. Rất tiếc, Countee Cullen, ở vị thế một nhà thơ da đen hàng đầu, vẫn không vượt qua được cái lối mòn nhận thức ấy. Bây giờ nhìn lại, chúng ta thấy rất rõ rằng những cách tân thi ca của Langston Hughes có thể sánh với những cách tân âm nhạc của Duke Ellington. Đứng ở cuối thế kỷ 20, Charles Bernstein nhận định: "Langston Hughes đã góp phần làm cho thơ Hoa-kỳ bắt rễ vào ngôn ngữ thông tục thay vì vào ngôn ngữ mỹ văn, rút tỉa nhạc tính từ nguồn thành ngữ thường đàm thay vì từ những biểu tượng mang tính văn chương và nhịp điệu truyền thống của thơ tiếng Anh."
 
Gần đây, nhà thơ Nguyễn Đăng Thường có gửi cho tôi xem một chùm chín bài thơ của Langston Hughes, trong đó có một bài do Thanh Tâm Tuyền dịch cách đây có lẽ đã nửa thế kỷ (Nguyễn Đăng Thường ghi lại theo trí nhớ), ba bài do Trần Đức Uyển dịch từ năm 1961 (Nguyễn Đăng Thường sưu tầm), và năm bài do Nguyễn Đăng Thường dịch. Thật là một sự bất ngờ thú vị.
 
Năm 1999, lúc tôi viết tiểu luận "Thơ Jazz: tiết tấu, âm thanh và phong khí da đen", tôi không tìm đâu ra một bài thơ jazz đã được dịch ra Việt văn. Ở phần bình luận về bài thơ "Đen" (1964) của Thanh Tâm Tuyền (mà tôi xem là bài thơ jazz đầu tiên và có lẽ duy nhất của Việt Nam), tôi có cho rằng Thanh Tâm Tuyền phải thấm nhuần tiết tấu của nhạc jazz, của thơ jazz, bằng cách nào đó thì mới có thể viết được bài thơ "Đen". Bây giờ, nhờ nhà thơ Nguyễn Đăng Thường, tôi mới được xác nhận rằng quả thực nhà thơ Thanh Tâm Tuyền đã dịch thơ Langston Hughes... từ xưa!
 
Xin trân trọng cảm ơn nhà thơ Nguyễn Đăng Thường, và xin hân hạnh chuyển đến bạn đọc Tiền Vệ chùm thơ chín bài của Langston Hughes qua bản dịch của ba nhà thơ Việt Nam.
 
Hoàng Ngọc-Tuấn
 
_________________
 
 

Homesick Blues

 
Cầu xe lửa là
Điệu hát buồn trên không
Cầu xe lửa là
Điệu hát buồn trên không
Mỗi lần chuyến tàu qua
Tôi thèm rời chỗ khác
 
Tôi đi xuống phía ga
Trái tim ngậm trong miệng
Tôi đi xuống phía ga
Trái tim ngậm trong miệng
Tìm xe còn đổ bến
Đưa tôi về miền Nam
 
Điệu blues buồn não nuột
Thượng đế ơi, khủng khiếp
Điệu blues buồn não nuột
Thượng đế ơi, khủng khiếp
Để ngăn mình khỏi khóc
Con há miệng cười
 
Thanh Tâm Tuyền dịch
Nguyễn Đăng Thường chép lại theo trí nhớ
 
_________________
 
 

Người da đen nói về những giòng sông

 
Tôi đã biết những giòng sông:
Tôi đã biết những giòng sông cổ như trái đất và cũ hơn giòng máu trong huyết quản loài người.
Linh hồn tôi lớn lên sâu thẳm như những giòng sông đó.
Tôi đã tắm trong lòng Euphrates những bình minh ấu thơ.
Tôi đã xây căn nhà nhỏ gần phía Congo và nó ru tôi ngủ.
Tôi đã nhìn mặt sông Nile và những kim thự tháp nhô lên trên nó.
Tôi đã nghe những lời ca của Mississipi khi Abe Lincoln xuống miền New Orleans, và tôi đã thấy những khúc quanh lòng bùn của nó vàng lên trong hoàng hôn.
 
Tôi đã biết những giòng sông:
Những giòng sông cũ kỹ, tối tăm.
 
Linh hồn tôi lớn lên sâu thẳm như những giòng sông đó.
 
 

Những chiếc ống nhổ bằng đồng

 
Hãy chùi sạch chiếc ống nhổ đi, con ơi,
Detroit,
Chicago,
Palm Beach.
Hãy chùi sạch chiếc ống nhổ đi.
Trong hơi nước trong những nhà bếp
Và khói trong những hành lang
Và đờm rãi trong những chiếc ống nhổ
Của khách sạn:
Một phần của đời ta.
Ê, con ơi!
Một đồng kền,
Một cắc bạc,
Một đô la,
Hai đô la một ngày.
Ê, ê, con ơi!
Một đồng kền,
Một cắc bạc,
Một đô la,
Mua đôi giày cho trẻ
Tiền thuê nhà.
Khóa lễ ngày chủ nhật.
Thượng đế ơi!
Trẻ thơ và nhà thờ
và đàn bà và chủ nhật
tất cả lẫn lộn cùng những đồng bạc cắc
và những đồng đô la và những chiếc ống nhổ sạch sẽ.
Ê, con ơi!
 
Một chiếc bát đồng sáng loáng rực rỡ dâng lên Chúa.
Hãy đánh bóng đi mặt đồng sáng như những chiếc phèng la
Của đoàn vũ nữa vua David,
Như những chén rượu vang của Salomon.
Ê, con ơi!
Một chiếc ống nhổ sạch sẽ trên bàn thờ của Chúa.
Một chiếc ống nhổ sạch sẽ sáng loáng vừa đánh bóng,
Ít ra ta đã có thể dâng lên Người cái đó.
Hãy đến thế, con ơi!
 
 

Cái trống

 
Mang trong trí nhớ
Sự chết, đó là một cái trống
Vỗ mãi mãi không ngừng
Cho tới khi những con bọ cuối cùng tìm đến
Để trả lời cho tiếng kêu của nó
Cho tới khi những vì sao cuối cùng rụng xuống,
Rồi tới khi những nguyên tử cuối cùng
Không còn trong tất cả
Rồi tới khi những thời gian mất đi
và không gian tự nó
Cũng không còn đâu nữa.
Sự chết, đó là một cái trống
Một cái trống báo hiệu
Gọi tất cả cuộc đời
To come, come
Come!*
 
Trần Đức Uyển dịch
(Nguồn: Tạp chí Văn Nghệ, số 4, tháng 5/1961, Sài Gòn).
Nguyễn Đăng Thường sưu tầm.
 
-------------
* To come, come, come! (Đến! Đến! Đến!): Vì âm thanh nên người dịch để nguyên văn.
 
_________________
 
 

Proem / Mở

 
Tôi là thằng Mọi:
       Đen như đêm tối.
       Đen như chiều sâu thăm thẳm của châu Phi.
 
Tôi đã là nô lệ:
       Caesar bảo tôi giữ gìn cầu thang cho sạch.
       Tôi đã đánh bóng những đôi giày ở Washington.
 
Tôi đã là người thợ:
       Những kim tự tháp mọc lên dưới hai tay tôi.
       Tôi đã trộn hồ xây cất Woolworth Building.
 
Tôi đã là ca sĩ:
       Trên suốt con đường dài từ châu Phi tới Georgia
       Tôi đã chở những bài ca buồn bã.
       Tôi đã sáng chế điệu ragtime.
 
Tôi đã là nạn nhân:
       Ở Congo người Bỉ chặt tay tôi.
       Bây giờ ở Texas tôi bị treo cổ.
 
 
Tôi là thằng Mọi:
       Đen như đêm tối.
       Đen như chiều sâu thăm thẳm của châu Phi.
 
 

Những vì sao

 
Ô, vệt sao sáng kia trên đường phố Harlem,
Ô, hơi gió thoảng lãng quên là đêm tối đó.
       Cả thành phố vươn cao
       Theo tiếng hát người mẹ.
       Cả thành phố mơ màng
       Theo điệu hát ru con.
Hãy đưa tay, hỡi em bé da đen, hái lấy một vì sao.
Từ tận cùng hơi gió thoảng lãng quên
       Là đêm tối đó.
       Chỉ hái lấy
       Một vì sao thôi.
 
 

Thập giá

 
Cha già của tôi là một ông cụ da trắng
Và mẹ già của tôi là một bà da đen.
Nếu như tôi đã nguyền rủa người cha già da trắng,
Tôi xin rút lại những lời chửi đó.
 
Nếu như tôi đã nguyền rủa người mẹ già da đen
Và mong cho bà sa địa ngục,
Tối hối tiếc lời chúc hung dữ đó
Và bây giờ tôi muốn bà được yên thân.
 
Cha già của tôi qua đời trong ngôi nhà to và đẹp.
Mẹ tôi đã chết trong một túp lều.
Tôi tự hỏi mình sẽ chết ở nơi nào,
Bởi tôi không đen không trắng?
 
 

Những kẻ lang thang

 
Chúng tôi là những kẻ tuyệt vọng,
Những kẻ không bận tâm,
Những kẻ đói khát,
Không có lấy một chỗ
Để ăn,
Không một nơi nào để ngủ,
Những kẻ không nước mắt
Không biết
Khóc.
 
 

Epilogue / Kết

 
Tôi, tôi cũng ca ngợi America.
 
Tôi là thằng em đen tối.
Họ bảo tôi xuống nhà bếp ăn
Khi có khách tới,
Nhưng tôi cười
Và ăn khoẻ
Và lớn mạnh.
 
Ngày mai,
Tôi sẽ ngồi lại bàn
Khi có khách tới.
Lúc đó,
Chẳng còn ai còn dám
Bảo tôi,
“Xuống bếp mà ăn.”
 
Vả lại,
Họ sẽ thấy tôi xinh đẹp xiết bao
Và họ sẽ xấu hổ —
 
Tôi, tôi cũng là America.
 
Nguyễn Đăng Thường dịch
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021