thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mộng của mộng [kỳ XV: "Giấc mộng của Cecco Angiolieri, thi sĩ và kẻ phạm thánh"]
(Diễm Châu dịch)

 

Một đêm vào tháng Giêng năm 1309, trong lúc ông nằm sóng sượt trên một chiếc đệm rơm của bệnh viện thành Sienne, người quấn những dải băng tanh tưởi, Cecco Angiolieri, thi sĩ và kẻ phạm thánh, nằm mộng. Ông mộng thấy rằng, vào một ngày hè nung nấu, ông đi qua trước tòa đại thánh đường. Biết rằng nơi này thật mát mẻ, ông nghĩ tới chuyện bước vào đó để trốn cái nóng mùa viêm nhiệt, nhưng thay vì làm một cử chỉ quỳ gối và nhúng ngón tay vào nước phép, ông lại bắt tréo những ngón tay ra dấu trừ tà, là vì ông sợ rằng nơi này đem lại tai họa cho ông.

Ở nguyện đường đầu tiên bên phải có một người họa sĩ đang vẽ một bức tranh Thánh mẫu. Người họa sĩ là một chàng trai trẻ tóc hoe vàng, anh đang ngồi trên một cái ghế dựa, bảng trộn màu ở giữa hai cánh tay, trong một dáng điệu nghỉ ngơi. Bức tranh thánh thiêng đã gần xong: đây là một bức Thánh nữ Đồng trinh có đôi mắt xiên xiên và nụ cười khó nhận thấy, đang giữ Chúa hài đồng Giê-su trên đầu gối, trong những nếp quần áo. Người họa sĩ chào ông thật dễ thương, và đáp lại, Cecco Angiolieri bật ra một tiếng cười. Rồi ông bắt đầu xem xét bức tranh, và cảm thấy hết sức khó chịu. Vẻ mặt của người đàn bà kiêu kỳ này làm ông bực tức; bà nhìn thiên hạ với sự kiêu căng dị hợm như thể hết sức khinh bỉ những sự vật trần thế. Ông không thể chịu nổi nữa: ông lại gần bức tranh và, đưa thẳng cánh tay phải tới, ông làm một cử chỉ tục tĩu với nó. Chàng họa sĩ từ ghế ngồi nhẩy chồm lên, toan chận ông lại, nhưng Cecco Angiolieri, như bị quỷ ám, vùng vẫy và làm một cử chỉ tục tĩu khác bằng cánh tay trái. Lúc đó Đức nữ Đồng trinh chuyển động hai con mắt như thể ấy chính là con mắt người ta và nhìn ông một cái nhìn như nẩy lửa. Cecco Angiolieri cảm thấy một sự rùng mình kỳ dị qua khắp thân thể, ông bắt đầu co rút và thu nhỏ người lại, thấy rằng tứ chi phủ đầy lông đen, và nhận ra rằng giữa hai cẳng chân ông đã mọc ra một cái đuôi dài; ông tìm cách hú lên, nhưng thay vì một tiếng hú, ấy là một tiếng mèo kêu ghê rợn thoát ra từ miệng ông, và, nhỏ bé và nổi giận dưới chân người họa sĩ, ông ý thức rằng ông đã trở thành một con mèo. Ông nhảy tới một bước, lui một bước, như hoảng hốt vì chốn ngục tù quái gở là cái thân xác mới này, rồi ông nghiến răng, giận dữ, và ra khỏi ngôi nhà thờ trong lúc meo-meo một cách hung dữ. Trong lúc đó, buổi chiều đã xuống trên quảng trường. Cecco Angiolieri trước hết đi men sát những bức tường, rồi ông nhìn quanh ông xem có ai để ý tới ông. Nhưng quảng trường đã hầu như hoang vắng. Ở góc đường, gằn một tửu quán, một nhóm người trẻ vẻ du đãng đã mang những hũ rượu lớn ra ngoài mà uống. Cecco Angiolieri nảy ra cái ý rảo qua trước quán rượu, là vì ông đói, và có lẽ ông rất có thể kiếm được một cái vỏ pho-mai nào đó. Ông đi dọc theo vách tường của quán rượu, qua trước cánh cửa được thắp sáng với hai cây đuốc móc lên khung cửa. Đúng lúc này, một đứa trong bọn trẻ vô lại kêu ông bằng cách phát ra thứ tiếng chút môi đặc biệt dành cho lũ mèo, và chỉ cho ông một lớp da bọc quanh miếng dăm-bông. Cecco Angiolieri chạy vội tới chân nó và ngoạm lấy miếng da, nhưng ấy đúng là lúc bọn trẻ vô lại đã tóm lấy ông bằng cách ghì chặt và đưa ông vào bên trong quán rượu. Cecco Angiolieri đã toan cắn và quào cấu, nhưng bọn du-côn giữ ông thật chắc: một đứa bóp miệng ông, những đứa khác giữ chặt lấy chân cẳng khiến ông không thể làm gì được. Khi bọn chúng đã ở bên trong quán rượu, bọn ranh con này lấy cái bình chứa nhựa thông thường dùng cho những ngọn đuốc, bôi trét nhựa vào lông ông thật tỉ mỉ. Rồi, dùng một bó đuốc, chúng châm lửa vào ông và thả ông ra. Cecco Angiolieri, bị biến thành một trái cầu lửa, vọt ra ngoài quán rượu trong lúc kêu meo meo khủng khiếp, lao ình vào những vách tường nhà, rồi lăn lộn dưới đất, nhưng ngọn lửa không tắt. Ông bắt đầu chạy qua khắp các con hẻm nhỏ tối tăm ở Sienne như một ánh chớp, soi sáng chúng trên lối ông qua. Ông không biết đi đâu, để mặc cho bản năng cuốn theo. Ông đã quay vòng hai lần liên tiếp, rảo qua ba con đường, băng qua một quảng trường, leo lên những bậc thang, tới trước một cung điện. Ấy đó là nơi thân phụ ông ở. Cecco Angiolieri trèo lên cầu thang lớn, đi qua trước mặt những gia nhân kinh hãi, bước vào trong phòng ăn nơi thân phụ ông đang dùng bữa và hú lên: cha ôi, con đã thành một ngọn lửa, xin cha hãy cứu lấy con! Và vào đúng lúc ấy Cecco Angiolieri thức dậy. Các y sĩ đang tháo gỡ các đồ băng bó cho ông và thân hình ông, phủ đầy những vết thương khủng khiếp do bệnh sủi nấm của lúa mạch gây ra,[1] thiêu đốt ông như một ngọn lửa.

 

(trích Mộng của mộng)

 

----------------------

* Cecco Angiolieri. Sienne, 1260-1310. Ông là một người Toscane dễ nóng giận và hay xúc phạm tới thần thánh. Ông thường phải phạt vạ và bị kiện tụng, phá tán di sản của cha ông và chết trong khốn cùng. Trong lúc thơ của thời ông tán tụng người đàn bà hoàn hảo như thiên thần, ông cất lời ngợi khen cô con gái thô lỗ, cục mịch của một người thuộc da. Ông để tâm chăm sóc đến sự lăng mạ và chửi rủa, tán dương đổ bác, rượu chè, tiền bạc và tự hào về nỗi oán thù đối với bâc sinh thành của mình và sự nguyền rủa của thiên hạ. (Chú thích của Antonio Tabucchi trong «Những người nằm mộng trong sách này»)

-------------------------

Đã đăng:

Mộng của mộng [kỳ I: "Giấc mộng của Dédale, kiến trúc sư và phi hành gia"]

Mộng của mộng [kỳ II: "Giấc mộng của Publius Ovidius Naso, thi sĩ và nịnh thần"]

Mộng của mộng [kỳ III: "Giấc mộng của François Villon, thi sĩ và kẻ gian phi"]

Mộng của mộng [kỳ IV: "Giấc mộng của Arthur Rimbaud, thi sĩ và kẻ phiêu lãng"]

Mộng của mộng [kỳ V: "Giấc mộng của Fernando Pessoa, thi sĩ và người giả bộ"]

Mộng của mộng [kỳ VI: "Giấc mộng của Vladimir Maïakovski, thi sĩ và nhà cách mạng"]

Mộng của mộng [kỳ VII: "Giấc mộng của Federico García Lorca, thi sĩ và người chống phát-xít"]

Mộng của mộng [kỳ VIII: "Giấc mộng của Bác sĩ Sigmund Freud, người giải mộng của kẻ khác"]

Mộng của mộng [kỳ IX: "Giấc mộng của Anton Tchekhov, nhà văn và y sĩ"]

Mộng của mộng [kỳ X: "Giấc mộng của Henri de Toulouse-Lautrec, hoạ sĩ và người bất hạnh"]

Mộng của mộng [kỳ XI: "Giấc mộng của Achille Claude Debussy, nhạc sĩ và nhà thẩm mỹ"]

Mộng của mộng [kỳ XII: "Giấc mộng của Francisco Goya y Lucientes, hoạ sĩ và người có linh thị"]

Mộng của mộng [kỳ XIII: "Giấc mộng của Samuel Taylor Coleridge, thi sĩ và người nghiện thuốc phiện"]

Mộng của mộng [kỳ XIV: "Giấc mộng của Lucius Apulée, nhà văn và pháp sư"]

 

 

 

ANTONIO TABUCCHI, nhà văn Ý, sinh tại Pise năm 1943, đã có trên 15 tác phẩm (có một cuốn viết bằng tiếng Bồ-đào-nha), gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, nghiên cứu văn học..., còn là người phiên dịch Fernando Pessoa sang tiếng Ý. Hai (hay ba) cuốn phim đã được thực hiện dựa theo các tác phẩm của ông.

Mộng của mộng (1992) được đề tặng con gái ông là Teresa, gồm hai mươi «chuyện kể» mà đa số liên hệ tới các thi sĩ (9), một số tới các nhà văn (5), các họa sĩ (3) và cả một nhạc sĩ, một nhà phân tâm học và một.. «phi hành gia»! Lối văn hài hước nhẹ nhàng thân ái của một người yêu mến các văn nhân, nghệ sĩ mình nói tới, đặc biệt khác với lối viết trong các «truyện ngắn» của chính tác giả. Trong một «Ghi chú» ở đầu sách, Tabucchi viết: «Tôi thường ao ước được biết những giấc mộng của các nghệ sĩ mà tôi yêu. Thật không may, những người mà tôi nói tới trong tập sách này đã không để lại cho chúng ta những đoạn đường đêm hôm của đầu óc họ. Sự cám dỗ bù đắp lại điều ấy thật lớn, bằng cách kêu gọi tới văn chương để thay thế những gì đã mất. Tuy nhiên, tôi biết rằng những mẩu chuyện thay thế này, do một kẻ luyến tiếc những giấc mộng không được biết tới tưởng tượng ra, chỉ là những giả thiết nghèo nàn, những ảo tưởng mờ nhạt, những vật giả không có gì là chắc chắn. Ước chi chúng được đọc như thế và ước chi hồn thiêng của các nhân vật của tôi, lúc này đang mộng từ Phía Bên kia, hãy khoan dung độ lượng với kẻ đại diện tồi tàn cho đám hậu thế của họ. A.T.» Có dịp trao đổi thư từ với Antonio Tabucchi và gặp mặt tác giả trước khi dịch, tôi đã bày tỏ với ông ý định của mình và đã được ông vui vẻ chấp thuận.

Bạn đọc Pháp văn có thể coi thêm Antonio Tabucchi, Rêves de rêves, bản dịch Bernard COMMENT, nhà xuất bản. Christian Bourgois, Paris, 1994.

 

_________________________

[1]du feu de Saint-Antoine. (Diễm Châu).


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021