thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thời gian tìm thấy lại

 

 

 

THỜI GIAN TÌM THẤY LẠI

 

... I have always been interested in the strangeness of memory and in the fact that the past is somehow rescued, or saved for us, by it. De Quincey thought of the human brain as a palimpsest, wherein all our yesterdays, down to the minutest detail, survive; for their release, these yesterdays only await the proper, unsuspected stimulus.
JORGE LUIS BORGES, The Captive — Commentaries

 

... Involuntary memory is an unruly magician and will not be importuned. It chooses its own time and place for the performance of its miracle... The whole of Proust’s world comes out of a teacup, and not merely Combray and his childhood.
SAMUEL BECKETT, Proust

 

“Những sự vật... ngay khi ta thấy được chúng, đã trở thành một cái gì vô hình trong ta.”

Câu trên đây, trích trong Le Temps retrouvé, chúng ta không nên xem như một luận đề siêu hình. Đó chỉ là một lối ẩn dụ miêu tả có tính cách rất thông thường.

Những nhà khảo luận ngày xưa không nghi ngờ về việc Marcel Proust (có phải) là một người khảo về thời gian (hay không), họ cũng thường yên trí rằng ý niệm về thời gian của Proust hoàn toàn chịu ảnh hưởng của Henri Bergson. Thật ra theo cách phân biệt tâm lý giữa hai loại “ký ức thuần tuý” và “ký ức tập quán” của Bergson — và của một vài người khác — thì “ký ức thuần tuý” là ký ức của trí tuệ nhờ đó sự tự trị của thời gian kéo dài trên bình diện hữu thể học được xác định, và “ký ức tập quán” là ký ức của thể xác trong đó sự giảm dần của thời gian được phô diễn bằng một không gian dành cho những hoạt động vụ lợi.

Lối phân biệt này khác với lối phân biệt — nếu có — của Proust, bởi vì ở đây ta thấy có một cái gì siêu hình và nhất là theo một hệ thống hẳn hoi.

Dựa theo kinh nghiệm, Proust chỉ phân biệt giữa những sắc thái của kinh nghiệm riêng tư:

Thay vì tìm lại được những thành ngữ trừu tượng “cái thời mà tôi hạnh phúc”, “cái thời mà tôi được yêu” mà cho đến bây giờ ông vẫn thường đọc lên mà không quá khổ đau, bởi vì trí óc ông chỉ cất giữ có một ít những đoạn cho rằng đã trích từ quá khứ mà không còn chứa đựng gì cả, thay vì tìm thấy lại những thành ngữ kia thì ông lại tìm thấy lại, từ nguồn hạnh phúc đã mất đó, tất cả những gì đã gắn chặt vĩnh viễn cái bản thể đặc biệt và dễ tiêu tan...

Ông chỉ quan tâm đến một sự khác biệt về công hiệu thực nghiệm giữa hai hình thức ký ức, hai hình thức ký ức chỉ có mỗi một điểm chung là chính cái danh xưng — một hình thức thì chẳng chứa đựng được gì cả, trong khi dưới tác dụng toàn năng của hình thức kia,

... tất cả những kỷ niệm, từ dạo Odette say mê ông... bây giờ thức dậy lại, và rất mau, trở lại hát một cách điên cuồng những khúc ca đã bị quên lãng của hạnh phúc cho ông nghe mà không thương hại cho nghịch cảnh hiện tại của ông.

Trong một bức thư gửi cho Antoine Bibesco, ông đã phân biệt một cách thật sắc bén hai thứ ký ức này:

Ký ức do ý chí tìm kiếm, là một thứ ký ức của trí tuệ và của mắt nhìn, chỉ cho chúng ta những bề mặt vắng bóng sự thật của quá khứ: trái lại một hương thơm, một mùi vị tìm thấy lại trong những trường hợp khác lại thức dậy trong ta, và ngoài ý muốn của ta, một cái quá khứ... thật khác biệt với cái quá khứ do ta cố tình vẽ ra, giống như những hoạ sĩ bất tài, với những màu sắc thiếu sự thật...

Dĩ nhiên Proust có thấy rõ, có cảm được chủ thuyết của Bergson, nhưng cái mà ông coi như tiêu chuẩn cho việc hồi sinh trí nhớ có hiệu quả chính là cái đã làm ông khác Bergson. Bởi vì, như ta đã thấy, ký ức thực sự với ông là ký ức tình cảm, trong khi đối với vị giáo sư ở Collège de France, cơ năng tình cảm không những không nối liền hiện tại và quá khứ được, mà còn nhất định phải đứng trong miền hiện tại, ở đó có thể nó tô điểm cho một kỷ niệm đang khoác tính cách thời sự, nhưng chắc chắn là không làm thành chính chất liệu của cái kỷ niệm đó.

Proust cho rằng tình cảm nằm chính ở trung tâm của ký ức, trong khi Bergson, trong Matière et Mémoire, cuốn sách hình như được xuất bản cùng một năm với Les Plaisirs et les Jours [1896], đã quả quyết “tình cảm của tôi nằm trong thân xác của tôi”, nghĩa là ở trong hiện tại thuần tuý.

Và trong số những kỷ niệm mà Proust cho là “thuộc trí tuệ”, “trừu tượng”, “khô khan và tầm thường”, “thiếu chiều sâu” và “không chứa đựng được gì”, bởi vì chúng không chứa đựng cơ năng tình cảm, chắc chắn ta phải xếp đặt lại phần lớn — nếu không phải là tất cả — những kỷ niệm thuần tuý của Bergson, bởi vì tính cách thuần tuý của trí nhớ ở đó không được bảo đảm bởi thực tế tình cảm, và cũng không thể có quyền được bảo đảm.

Với cái nhìn của một nhà thuần tâm lý không thắc mắc gì về hố thẳm của siêu hình, đồng thời mạnh mẽ tin tưởng “trí tuệ không phải là khí cụ bén nhọn nhất, mạnh mẽ nhất, thích hợp nhất để bắt được sự thật”, Proust gạt ra ngoài hai thứ ký ức của Bergson và chỉ chấp nhận một thứ ký ức thật, là ký ức của con tim.

Đối với ông, dĩ nhiên Combray “không phải chỉ gồm có hai tầng nhà nối liền nhau bằng một chiếc cầu thang mảnh khảnh”, dĩ nhiên Combray “không phải chỉ xuất hiện vào lúc bảy giờ chiều”; thế nhưng cái phần kia của Combray, cái phần còn lại mà ông không nói đến, không nghĩ đến, tuy cũng thuộc quá khứ, nhưng lại chỉ có thể thực sự đến với ông bằng cánh cửa của một ký ức do ý chí kêu gọi, vốn là ký ức của trí tuệ.

Những thứ đó đối với tôi thật ra là đã chết rồi,

bởi vì,

Tìm cách... gợi lại (quá khứ của chúng ta) là một việc hoài công, tất cả các nỗ lực của trí tuệ chúng ta đều vô ích.

Do đó, khi đi dạo cùng với Gilberte ở đoạn đầu cuốn Le Temps retrouvé, như trong thời thơ ấu ông vẫn đi dạo,

Tôi ân hận thấy mình sống lại được những năm xưa quá ít. Tôi thấy con sông Vivonne hẹp và xấu đi trên bờ đường kéo ghe, ...

Ông cũng thất vọng trước những hoàn cảnh thuận tiện đến tột đỉnh cho một sự đột nhập của những kỷ niệm thuần tuý theo Bergson. Những kỷ niệm thuần tuý theo Bergson thật ra lại có ý hướng làm sống lại toàn diện quá khứ... Proust viết:

Không phải là tôi nêu ra những sai lầm về vật chất rất lớn lao trong những gì tôi nhớ lại được... Nhưng... trong đó không có... sự bột phát tức thời, êm dịu và toàn diện của kỷ niệm.

Như vậy, rõ ràng là sự khơi dậy sở dĩ thiếu tính cách “toàn diện” không phải vì không được chính xác lắm mà vì không có được sự bột phát êm dịu.

Ký ức thuần tuý của Bergson là một thứ ký ức khoan thứ trong đó tất cả những kỷ niệm đều được gợi lại. Ký ức, theo ông, không hề nằm trên con đường từ hiện tại lui về quá khứ, trái lại nó nằm trên con đường từ quá khứ tiến đến hiện tại. Trong khi đó, mặc dù những tương đồng về từ ngữ hay về những lối ẩn dụ, ký ức theo Proust lại được ban cho ta như một đặc ân. Chiếc bánh madeleine, những gác chuông nhà thờ Martinville, những hàng cây trên đường Hudimesnil, những đá lát không bằng nhau của nhà lễ Saint-Marc ở Venise và của sân nhà Guermantes chỉ nổi dậy trên vùng chân trời ký ức như những con bài được sắp ra một cách tài tình (nhưng ít khi thực hiện được) nhờ sự “tình cờ”, hay đúng hơn là trong những khoảnh khắc tình cờ. Proust muốn cho ta tin rằng ta không có một quyền hạn gì về ký ức thật sự vốn chỉ đến với ta nhờ một ân huệ.

Proust có thấy rõ, có cảm được chủ thuyết của Bergson, nhưng ngay khi ông suy luận về một sự sống sót có thể có được của nhà văn Bergotte, ông loại ra những chứng cứ rút từ những kinh nghiệm chiêu hồn và giáo lý, ông cũng âm thầm gạt qua chứng cứ mới của Bergson — rút từ tính cách kiên trì của kỷ niệm, tin theo linh tính của tâm hồn và cho rằng tâm hồn có thể bất diệt — và cho cái kết luận duy linh của mình dựa trên một thứ chứng cứ tinh thần. Bởi vì chính tinh thần chứ không phải ký ức đã cho phép ta tin một sự sống còn.

Thật ra trong đề tài thường được Proust dùng, chẳng có gì đặc biệt của Proust cả — về thời gian trốn mất và huỷ hoại những “cái tôi” và những mối tình liên tiếp. Horace, Lamartine cũng đã từng dùng đề tài về cái thời gian huỷ hoại đó. Nhưng Proust đã dùng nó một cách vững vàng tài tình không ai vượt qua nổi, và cuộc tìm kiếm thời gian nơi ông hiện ra với khía cạnh một cuộc tìm kiếm chủ yếu hơn — một cuộc tìm kiếm cái toàn thể.

Vậy thì cái đặc biệt của Proust không phải ở thời gian đã mất, mà ở trong chủ thuyết thời gian tìm thấy lại, bởi vì chính đó là một chủ thuyết đặc biệt dù nó có bắt nguồn ít nhiều từ khoa “hữu thể học ký ức” mà Bergson đã nhập môn. Ai cũng đã đánh mất thời gian, nhưng chỉ có Marcel Proust mới làm một khám phá vĩ đại là tìm lại thời gian đã mất — hay nói cho đúng hơn, đã khám phá cách tìm lại thời gian đã mất đó.

Đối với Proust hiện tại không có thực tại, và thực thể khi còn ở trong hiện tại chỉ có một hiện hữu cỏn con, một hình bóng mà thôi. Sự hiện hữu chỉ đầy dẫy và toàn diện khi nó mang hình thức của một kỷ niệm.

Lối quan sát của ông là lối quan sát nội tâm, được đặt dưới dấu hiệu của thời gian.

Cũng như đã có một khoa hình học trong không gian, chúng ta cũng có một khoa tâm lý học trong thời gian, trong đó các con tính của một khoa tâm lý học phẳng sẽ không được đúng bởi vì ở đây người ta không quan tâm đến thời gian và một trong những hình thức mà thời gian bao trùm, là sự quên lãng...

Những cảm xúc hiện tại, trong khi trùng hợp với một cảm xúc xưa cũ, đã đột ngột sao lại trong ta, một cách tự phát, cái “tôi” trong quá khứ, và lúc đó chúng ta mới tìm thấy lại được cả nguồn rung động, tất cả những ấn tượng của cái tôi trong quá khứ đó.

Cái lúc gợi lên đó, cái khoảnh khắc tình cờ và thần diệu đó, như Michel Butor vẫn gọi, Proust đặt nó ở ngoài thời gian, và nhờ một diễm phúc bất chợt, chúng ta hiểu rằng chúng ta đã bắt được sự thật nhờ sức mạnh của vĩnh cửu. Tất cả Combray đều hiện ra từ một chiếc bánh madeleine nhúng trong một tách trà, bởi vì sự tình cờ, do cảm xúc của cậu bé, đã cho phép mở ra chiếc bình cũ đã đậy nắp kín trong đó hỗn độn những bồi hồi rung động, những tình cảm, những cảm xúc làm thành cái “tôi” của nhân vật kể ở ngôi thứ nhất, “cái tôi thầm kín”.

Nếu ta cố khẩn khoản bươi móc, ký ức chỉ làm sống lại một tập tranh kỷ niệm không tiếng nói, nhưng hình ảnh không vững vàng, nhập nhoà, trong khi chỉ tình cờ bắt gặp một cảm xúc hiện tại, với một kỷ niệm, ta cũng có thể tìm thấy lại cả một quãng thời gian phức tạp và sâu kín đã sống qua. Thời gian sống lại đó được hưởng cùng một lúc lối dùng tưởng tượng, bởi nó thuộc quá khứ, và luôn cả lối dùng cảm xúc hiện hữu, bởi nó thuộc hiện tại: như vậy chỉ có lúc đó ta mới được hưởng một ít thời gian ở trạng thái thuần tuý.

Vậy thì không phải bên ngoài ta, mà chính bên trong ta, ta mới có thể bắt được thực tại. Thúc đẩy mãi cuộc tìm kiếm ta sẽ nắm được sự thật của các tình cảm ta. Và chỉ đến đây ta mới có thể nói đến vai trò của ký ức trí tuệ mà Bergson cho là “ký ức thuần lý”. Có thể nói theo kiểu Gilles Deleuze, ký ức có tham dự ở đây, nhưng chỉ với một vai trò rất phụ mà thôi. Thế thì khi quá khứ được gợi ra, Proust đã tìm lại được những gì? Georges D. Painter, trong bộ sách đồ sộ viết về tiểu sử Proust, đã nêu ra bốn trường hợp coi như đã được chính Proust đưa ra để làm luận cứ cho khám phá của mình, bốn trường hợp ký ức tự phát: khu vườn ở Auteuil hiện ra trong tách trà con, “như những hoa giấy Nhật bản” nở ra trong nước; thành phố Venise còn giữ lại trong trí nhớ khi bước chân vấp phải một viên đá lát không đều trên sân nhà Guermantes; những hàng cây dọc theo đường xe lửa đầy dẫy những vạch bóng tối và ánh sáng dài sống lại do tiếng khua vang của chiếc thìa nhỏ trên mép đĩa; và những rừng cây hiện về khi Người thuật chuyện dạo chơi trên xe của bà de Villeparisis, gần Balbec. Những khoảnh khắc tìm thấy lại, những hình ảnh hiện về trong những khoảnh khắc thật tình cờ đó, không phải chỉ có vậy. Với sự tham dự của tưởng tượng, của cảm xúc, nghĩa là quá khứ và hiện tại đồng một lúc làm trung gian, chúng ta còn thấy ngôi nhà ở Combray hiện ra trước mắt ông, với những khuôn mặt quen thuộc thân yêu, bà ngoại, mẹ, dì Léonie, đứa tớ gái Françoise... Tiếp theo là ông Swann với những cuộc thăm viếng buổi tối, với tiếng chuông rung ngoài ngõ mỗi khi ông đẩy cánh cửa nhỏ ngoài vườn, rồi đến hai lối đi mà cậu bé Marcel thường dùng trong những cuộc dạo chơi: lối đi “về phía nhà ông Swann” và “phía gia đình Guermantes”, qua lâu đài của dòng họ này, dòng họ mà cậu nhỏ ở Combray luôn luôn mơ tưởng. Tất cả những tên họ mà cậu thấy đẹp trong thời thơ ấu, khi lớn lên, khi tiếp xúc với họ — với quận công phu nhân de Guermantes chẳng hạn — cậu thấy đều khoác một bộ mặt thực tại khá tầm thường. Proust còn tìm thấy được gì nữa? Ông còn tìm lại được nguồn hạnh phúc đã đánh mất (khi được nghe câu nhạc ngắn của Vinteuil), tìm lại được hình ảnh của Gilberte Swann, sau này sẽ kết hôn với Saint-Loup, viên sĩ quan đồn trú ở Doncières, tìm thấy lại những thiếu nữ chạy tung tăng trên bờ biển Cabourg của thời niên thiếu, tìm thấy lại Bergotte, Elstir, Vinteuil — với bản hoà tấu khúc bảy đoạn — nhất là tìm lại được Albertine với mối đam mê của ông, lòng ghen tương và những ngày chung sống thu kín trong căn nhà ở Paris... ông tìm thấy lại những khuôn mặt, những danh tánh, những cảnh vật, những cảm xúc và nhờ ký ức tình cảm, ông tìm lại cả quãng đời bây giờ đã lùi về quá khứ, đã mất đi.

Cách độc nhất để tìm lại quãng thời gian đã bị huỷ hoại — những mảnh đời — những nơi chốn đã lạc mất, những rung cảm đã qua đi, cách độc nhất để tạo lại những giây phút đẹp đẽ — mà khi thoát khỏi tính cách bất định của sự vật vốn thường kéo nhau trôi qua, chúng ta mới có thể thưởng thức cái thi vị của vĩnh cửu — đối với Proust là làm thành một tác phẩm nghệ thuật, bằng ngôn ngữ, và chính nhờ sự giúp sức của kỷ niệm, dựa trên những cảm xúc và chỉ trên những cảm xúc mà thôi, với chữ “Thời gian” ở cuối tác phẩm, Proust đã hoàn thành một kiến trúc vĩ đại, một ngôi giáo đường, một giao hưởng khúc có thể đem so sánh với một ca nhạc kịch của Wagner: A la Recherche du Temps perdu —

Nghĩa là đã hoàn thành giấc mộng mà ông ôm ấp mãi đến bốn giờ chiều ngày 18 tháng 11 năm 1922, trong căn phòng nực mùi thuốc xông và mùi giấy mực:

TÌM LẠI THỜI GIAN ĐÃ MẤT

 

HOÀNG NGỌC BIÊN

 

----------------
“Thời gian tìm thấy lại” đăng lần đầu tiên trên tạp chí Văn số 85 ở Saigon, 1967, số đặc biệt về Marcel Proust, sau đó được đưa vào Marcel Proust – Con người xã hội của Hoàng Ngọc Biên, 160 trang, Nhà xuất bản Trình bầy, Saigon 1971.
 
 
NỘI DUNG: Proust, một kỷ niệm trong mùa mưa - Nguyễn Đăng Thường [09] Marcel Proust – Cuộc đời thí nghiệm trong tác phẩm [17] Những chủ đề rời thời trẻ tuổi [49] Thời gian tìm thấy lại [61] Marcel Proust con người xã hội [77]. PHỤ LỤC I: “Đi tìm thời gian đã mất” [103] Chiếc bánh Madeleine – M. Proust [113] Những gác chuông nhà thờ ở Martinville – M. Proust [123] Vũ trụ của Vinteuil – M. Proust [129] PHỤ LỤC II: Quê hương của nhạc sĩ – Cao Thanh Tùng [139]

 

 

-------------------

Bài liên quan:

“Đi tìm thời gian đã mất”  (tiểu luận / nhận định) - Hoàng Ngọc Biên
... Cái thời gian được sống, được mơ mộng, rồi được viết ra đó, cái môi trường thám hiểm ký ức, vốn là một cuộc phiêu lưu của tư tưởng vừa không trung thành mà cùng lúc lại chính xác, chỉ có thể được thiết lập trong ta, được phân tiết từ chúng ta, bằng vào những đối chiếu thường ngày đặt ra với một vật gì, với một người nào, một cái nhìn nào mà chúng ta thực sự không biết từ đâu tới nhưng cảm thấy được, ghi nhận được sự êm ái ngọt ngào, trong những vùng tăm tối của ý thức chúng ta... (...)
 
... Trang sách đối với Proust không phải là tế bào xây dựng tác phẩm, mà là không gian đứng ra ngoài trôi dạt của thời gian. Khi viết sách, Proust không cần biết đến mình đang tạo tác phẩm mà chỉ thụ động để những kỷ niệm tuôn tràn tìm nơi ẩn náu qua dòng chữ. Một mai khi những giọng nói quen thuộc cứ tắt dần theo ngày tháng, khi chính con người Proust cũng lu mờ dần, hình ảnh Proust vẫn còn lại trong những dòng chữ triền miên, u buồn, man mác nghe như chính cái buồn êm ả của thời gian. Những cảm xúc, những tình tự, kỷ niệm và thời gian đã có con tàu tâm tư mang vào khép kín trong dòng chữ tâm tư... (...)
 
Quê hương của nhạc sĩ  (tiểu luận / nhận định) - Cao Thanh Tùng
... Đối với một nhạc sĩ, hình ảnh một khoảng rừng vừa lớn lên, một chiếc lá úa trên viền môi hay một tiếng khua của kiểng tù, tiếng võng đầu hiên, tiếng động nghiền nát của nhà máy... cũng có thể là đầu mối của những cảm xúc lớn lao. Được nuôi dưỡng bằng thực phẩm của quả đất, nhạc sĩ — cũng như những nghệ sĩ khác — đã được chính quả đất đặt nghệ thuật vào giữa bàn tay mình. Âm nhạc từ căn bản không phải là thứ xa xỉ của tâm hồn họ mà chính là sự hiện hữu, dưới hình thức khác, của tâm hồn... (...)
 
... Proust, nhà văn của những khám phá mới mẻ về tâm lý phức tạp của con người, nhà văn đã sáng suốt dành trọn đời mình để đi sâu vào những ngõ ngách và hố thẳm của mọi tình yêu, tìm tòi những định luật chung về ái tình và con người, đã thẳng thắn mổ xẻ và đôi khi phóng đại cho chúng dễ được nhìn thấy hơn và có cơ hội thoát ra ngoài, những sự thật chung và những tình cảm bất ngờ ẩn núp ở những nơi thầm kín nhất bên trong chúng ta, nhà văn của bút pháp mới và hình thức mới cho tiểu thuyết... (...)
 
Đi tìm thời gian, một lần nữa  (tiểu luận / nhận định)  - Hoàng Ngọc Biên
... Có điều là không ai chối cãi, cho đến bây giờ, là cuộc tìm kiếm của Proust quả có bắt nguồn từ một nỗ lực, một thúc đẩy nội tâm, từ nỗi thất vọng, lòng ghen tương, niềm xao xuyến trước tuổi già và cái chết đến gần. Nỗ lực đó là sáng tạo, như chính Deleuze cũng đã đồng ý: tìm lại kỷ niệm, tức là sáng tạo — và sáng tạo nơi Proust hướng về tương lai hay hướng về quá khứ không phải là vấn đề chính, vấn đề chính là tác dụng của nó nơi người đọc... (...)
 
... Proust chưa vĩnh viễn chết, bởi vì cuốn sách của ông luôn luôn là “biểu tượng cho sự hồi sinh của ông”. Nhờ khám phá được sức mạnh của Thời gian và của Nghệ thuật, ông đã hoàn thành được tác phẩm của mình, một tác phẩm mà ông đã xây dựng như người ta xây dựng một ngôi giáo đường... (...)
 
Khi tác phẩm đầu tay của Marcel Proust ra đời, với những nét thủy họa bay bướm của Madeleine Lemaire, những bài nhạc của Reynaldo Hahn và bài tựa ký tên Anatole France, người đọc đương thời đã đón nhận một cách xa lạ ngỡ ngàng... (...)

 

 

-------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021