thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thời của những tiên tri giả [phần 2.13]

 

PHẦN HAI

13.

 

Florida, ngày...

Em của anh,

Anh hy vọng là em sẽ nhận được thư này và tin là em vẫn chờ đợi nó, bởi thế anh đã bắt đầu bằng “Em của anh”. Ừ, nếu em không phải là của anh thì còn có chuyện gì. Em vẫn mạnh khỏe phải không. Tuy nhiên, tưởng tượng tới sự vất vả của em suốt ngày ngoài đường lòng anh lại uất nghẹn, cho dù ở bên này, có lẽ, sự tất bật còn hơn thế.

Anh luôn nhớ tới em, nhớ điên cuồng, nhớ như một niềm hy vọng. Càng nhớ càng thấy diệu vợi. Bao giờ thì mới có thể gặp lại được nhau? Thế giới có phải ngăn cách thế đâu, sao chúng ta lại xa xôi đến thế. Nhiều lúc anh nghĩ, nếu không vì gia đình, vì em thì cuộc sống này còn có ý nghĩa gì. Thế mà cảm giác chúng ta đi ngược chiều nhau vẫn cứ lớn dần lên.

Hãy tìm cách sang với anh. Anh không thể sống thiếu em. Anh đã viết thư cho gia đình anh tìm cách lo cho em. Em đừng nghĩ ngợi gì. Anh trông em từng ngày...”.

Những lá thư như thế Thư nhận được đều đặn một tháng bốn lần. Có vẻ như Minh chỉ viết vào những ngày nghỉ. Ông Phát cũng đã đến gặp Thư, ông ta nói sẵn sàng lo cho Thư vượt biên nếu Thư đồng ý. Thư ậm ừ cho qua chuyện. Nếu muốn đi, Thư đã đi từ ngày ấy với Minh.

- “... Em chỉ có thể ra đi khi đó là tình yêu mà điều đó đối với em dường như chưa chắc chắn lắm. Nhiều người bảo em ngu, sao lại từ chối một cơ hội như thế. Người ta đâu biết rằng, em quí trọng anh, em không muốn làm tổn thương đến tình cảm anh đã dành cho em. Cuộc sống làm cho người ta trở nên thực dụng một cách tàn nhẫn. Trong việc làm ăn buôn bán, em cò kè từng đồng và dữ dội đến mức sắp thành quỉ cái. Nhưng với anh, em không bao giờ muốn làm một việc không phải như kẻ mượn thuyền qua sông. Em cũng không muốn mang tiếng là kẻ “bỏ nhà theo trai”, dẫu rằng việc ra đi này đang được thiên hạ gắn cho những ý nghĩa lớn lao. Anh đừng chờ đợi em làm gì...”.

Tuy thế, Minh vẫn viết thư cho Thư với đầy lòng thương nhớ và buồn bã. Thỉnh thoảng, Minh cũng gởi quà cho Thư: Vải vóc, khăn, kem đánh răng, xà bông thơm, thuốc và dầu gió... Một vài thứ Thư giữ lại còn hầu hết Thư đều bán lấy tiền. Thư viết cho Minh: “Quả thực là cuộc sống ở đây thiếu thốn nhiều thứ. Nhưng em vẫn tự lo được cuộc sống cho mình dầu không được như trước kia. So với số đông cũng không đến nỗi nào. Em cảm thấy ngại khi phải nhận quà của anh, nhất là em không chịu nổi cái cảnh người ta đi lãnh quà Mỹ mà cái mặt nào cũng câng cáo như thể đấy là niềm tự hào của gia đình mình và là niềm vinh quang của tổ quốc...”.

- “... Em bận tâm đến thiên hạ làm gì. Anh không nghĩ là những gì anh gởi có thể chia sẻ gánh nặng cuộc sống với em, chỉ nên coi những thứ đó như cách anh chăm sóc em...”.

- “... Dẫu sao thì em cũng cám ơn anh. Ít ra thì vẫn có một người nghĩ đến em. Cuộc sống như mũi tên bắn đi mà người ta không biết nó sẽ đến đâu, chỉ chắc chắn rằng đến một lúc nào đó khi nó chưa kịp ghim vào đích thì đường bay đã hết. Bởi thế, em vẫn cảm thấy được an ủi qua những lá thư của anh...”.

- “... Anh cảm nhận được rằng, trong nỗi buồn phiền vô vọng, nếu như người ta có nhau thì nỗi vô vọng kia không làm cho cuộc sống trở thành vô nghĩa. Có nhau, như anh có em thì chỉ điều ấy thôi cũng đủ. Mọi thứ khác bỏ vào sọt rác. Cuộc sống sẽ trở nên sạch sẽ và được cứu rỗi...”.

- “... Anh bắt đầu mơ mộng rồi đấy. Làm sao có thể được cứu rỗi trong một thế giới đầy hận thù và hung bạo thế này. Mình không thể bỏ vào sọt rác tất cả mọi thứ trừ phi chính mình cũng tự tiêu hủy...”.

- “... Anh có cảm giác rằng cuộc sống đã làm em trở nên chai đá và không còn tin tưởng vào bất cứ điều gì. Anh nghĩ, nếu như người ta không còn tin vào các giá trị thì người ta vẫn có thể tin vào những con người và đấy chính là khả năng cứu vãn...”.

- “... Có thể em đã mất sự bình tâm. Quả thật, niềm tin vào những con người chung quanh nếu mất đi thì mọi sự tan rã cả. Dù sao, em vẫn còn cảm thấy tin cậy, phải nói thực sự tin cậy vào mối thân thuộc chung quanh...”.

- “... Anh hy vọng... Ở đây người ta đã bắt đầu nói tới chuyện trở về. Có rất nhiều vấn đề phức tạp trong việc trở về này. Anh không quan tâm tới bọn làm chính trị. Anh chỉ muốn về như một người đi xa về nhà. Anh chỉ muốn về vì nơi đó có em. Có lẽ, em không thể tưởng tượng nổi sự trống vắng và nỗi buồn thảm của anh. Bọn con gái Mỹ đen vẫn vén váy và gọi “Come here” cho không mọi thứ, nhưng điều ấy chẳng giải quyết gì cả. Anh không biết có phải em còn là quê hương hay không mà anh vẫn cứ nhớ như nguồn cội...”.

- “... Em không thể tượng tượng có thể làm được gì như những điều anh đã viết. Anh thấy đấy, em đang khô đi, cả tâm hồn và thân xác. Suốt ngày quay cuồng với chuyện cơm áo mà chưa bao giờ cảm thấy có thể an tâm được cho ngày mai. Nó không phải là cơn lốc mà là vực thẳm. Nó không có niềm hy vọng...”.

- “... Ngày mai bao giờ cũng tiềm ẩn một sự bất trắc, người ta không thể hy vọng vào cái không thuộc về mình là ngày mai...”.

- “... Anh cũng không còn niềm tin nữa ư?...”.

- “... Niềm tin của anh là sự hy vọng về em như là chỗ anh có thể quay về...”.

- “... Anh có nghĩ rằng khi trở về, gặp em, đấy lại là một cô gái khác không? Người ta vẫn luôn luôn ảo tưởng và ngộ nhận...”.

- “... Em giống như một căn nhà đóng cửa. Anh gõ mãi, cửa không mở, chỉ có những tiếng vọng của sự trống không. Em hững hờ mãi thế sao?...”.

- “... Em không nghĩ là em đã hững hờ với anh, bằng chứng là em vẫn viết cho anh. Có thể vì sự đối thoại vắng mặt này đã làm cho em trở thành độc thoại, mà sự độc thoại thì như anh biết đấy, người ta nhìn vào chính mình và mất khả năng chia sẻ. Đừng trách em chứ. Anh không thấy rằng em cũng đang rất cô đơn sao?...”.

- “... Anh xin lỗi em. Có lẽ chúng ta không phải đã nói với nhau mà nói với một bóng ma. Bóng ma ấy do chúng ta thêu dệt ra và nó trả lời mình bằng chính tiếng vọng của mình. Bởi thế, chúng ta đã không nghe được nhau. Một thế giới bị khép kín bởi những lô cốt cá nhân, người ta nhìn ra ngoài qua lỗ châu mai và nhắm bắn. Đó là cách người ta giết nhau bằng sự giao đãi. Chúng ta đã giết nhau bằng nỗi cô đơn.

Thế giới bị chia cắt nhưng thế giới vẫn hòa mạng bởi một thế lực vô hình. Dường như đang có một chuyển động từ rất xa mang tên glasnost và perestroika, nó có thể làm thay đổi thế giới và cải thiện đời sống nhân loại và nhất là nó đang trở thành niềm hy vọng đưa anh trở về với em.

Chưa bao giờ anh thấy sự tương tác trong thế giới lại lớn lao đến thế. Ngày xưa, Phật bảo rằng chỉ một cái gẩy móng tay của bồ tát cũng làm rung động ba nghìn thế giới. Thế thì, việc cảm-cúm-nhức- đầu-ho- sổ-mũi của các vĩ nhân tất nhiên ảnh hưởng tới bá tánh. Ôi, xin người đừng nổi cơn thịnh nộ mà hãy đoái hoài tới số phận chúng con. Xin người đừng ra oai mà chúng con phải khốn nạn vì vinh quang người...”.

- “... Anh nói năng gì mà lung tung thế, không sợ Mỹ bỏ tù à?...”.

- “... Anh đang tưng lên đấy. Dàn đồng ca đã trỗi dậy rồi. Những cái lô cốt sẽ bị phá bỏ. Đó là thời của những kẻ cơ hội và phản bội. Lạy Chúa, xin tha thứ...”.

- “... Minh ạ, dường như có điều gì bất ổn đang xảy ra với anh phải không? Hãy nói thật cho em biết đi. Em rất lo lắng...”.

- “... Anh không sao cả. Không ốm đau. Không thất nghiệp. Không có em. Không ốm đau thì khỏe mạnh. Không thất nghiệp thì có tiền. Không có em thì mọi thứ thành vô nghĩa. Anh sắp điên lên rồi đấy. Hãy nói yêu anh đi...”.

- “... Đừng làm nũng với em như thế. Anh không biết rằng em chỉ còn có anh sao?...”.

 

[còn tiếp]

----------------------------

Đã đăng:

Thời của những tiên tri giả [phần 1.1]

Thời của những tiên tri giả [phần 1.2]

Thời của những tiên tri giả [phần 2.1]

Thời của những tiên tri giả [phần 2.2]

Thời của những tiên tri giả [phần 2.3]

Thời của những tiến tri giả [phần 2.4]

Thời của những tiên tri giả [phần 2.5]

Thời của những tiên tri giả [phần 2.6]

Thời của những tiên tri giả [phần 2.7]

Thời của những tiên tri giả [phần 2.8]

Thời của những tiên tri giả [phần 2.9]

Thời của những tiên tri giả [phần 2.10]

Thời của những tiên tri giả [phần 2.11]

Thời của những tiên tri giả [phần 2.12]


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021