thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
THANG MÁY SÀI GÒN [chương 14-15]

 

 

CHƯƠNG 14

Paris

 

"Đúng vào ngày sinh nhật thứ hai mươi, tôi quyết định hỏi mẹ tôi về bố đẻ của mình. Lý luận của tôi thế này: con người cần phải biết kẻ đã sinh ra mình là ai. Mẹ tôi quá bất ngờ, chủ đề bố đẻ chưa bao giờ xuất hiện giữa hai mẹ con. Mẹ tôi ngay lập tức từ chối, lấy lý do vấn đề này đã thuộc về quá khứ, không cần thiết phải nhắc lại. Nhưng tôi nằn nì. Tôi hứa dù thế nào cũng không để hai mẹ con xích mích. Tôi còn nói thêm tôi sắp hai mươi tuổi, đủ chín chắn để đương đầu với sự thật, và tôi không tin có một thứ tình cảm gọi là phụ tử giữa những người chưa bao giờ sống với nhau ngày nào. Cuối cùng, mẹ tôi cũng xuôi lòng. Nhưng tất cả thông tin mà mẹ tôi có thể có được chỉ là họ và tên của người được coi như bố đẻ của tôi. Paul Polotski”.

Bill ngừng nói. Cô giật mình. Hóa ra trên đời cũng lắm tình cờ. Tối hôm qua, cầm điện thoại lên cô phải đợi một lúc. Đã ngỡ bị gọi nhầm máy thì đầu kia một giọng đàn ông nói rằng muốn gặp cô không phải để xin học tiếng Việt, mà để nói chuyện về một người có tên là Paul Polotski. Giữa đêm cô giật mình tỉnh dậy. Cô thấy tiếc là đã vội nhận lời, đã quên không hỏi làm cách nào anh ta biết được mối quan hệ giữa cô và Polotski, mối quan hệ mà cô tin rằng ngay cả Polotski cũng chẳng hay.

Thông tin duy nhất mà cô có được về anh ta là cái tên Bill không kèm họ. Nó khiến cô nghĩ tới tổng thống Clinton. Cái tên đặc Mỹ, cô suy luận.

Cô tới nơi sớm hơn mười lăm phút, hồi hộp. Trong tàu điện ngầm, cô chợt có ý nghĩ Bill sẽ thay đổi ý kiến và tự hủy cuộc hẹn, mặc dù chính anh ta là người đưa ra đề nghị. Sau đó cô lại nghĩ anh ta sẽ xuất hiện ở điểm hẹn đúng giờ đã định, sẽ ngay lập tức yêu cầu cô không nên đi theo Polotski, vì nếu biết, ông ta có quyền kiện cô ra tòa hay thuê côn đồ đánh cho một trận. Cô hơi rùng mình. Cuối cùng để bớt sợ, cô tự thuyết phục rằng hành động của cô mấy tuần nay đã bị anh ta phát giác, nhưng việc ấy chỉ nói lên một sự thật rằng cả anh ta và cô cùng có chung một đối tượng theo dõi - Paul Polotski.

Quán đã bớt đông. Khách tới đây phần lớn để ăn trưa. Mặt bàn la liệt đĩa bát bẩn và vỏ chai rỗng. Sau khi đã chạy như những con thoi trong một tiếng liền, bồi bàn mệt mỏi, vừa thu dọn vừa ngáp và lấy tay áo lau mồ hôi.

Hai người đối diện nhau trong tiếng ồn ào không ngừng vang lên từ tứ phía.

Hóa ra hai khả năng mà cô nghĩ tới lúc nãy đều không xảy ra. Bill đến đúng giờ nhưng im lìm như một pho tượng thạch cao (trên người anh ta một màu trắng toát, từ quần áo tới khăn quàng và mái tóc bạch kim). Đi thẳng tới bàn cô đang ngồi, anh ta thậm chí không mở miệng chào cũng không đưa tay ra bắt. Sau khi đứng một lúc thì anh ta tự động ngồi xuống chiếc ghế còn lại và nhìn cô chằm chằm. Tuy vậy, cô không cảm thấy ngạc nhiên hay khó chịu. Vẻ lạnh lùng bất lịch sự của anh ta, cô đã từng thấy ở ông Linh. Nếu ông Linh đã khiến cô liên tưởng tới một pho tượng đồng đen thì Bill khiến cô liên tưởng tới một pho tượng thạch cao. Cái nhìn của anh ta lúc này cũng là cái nhìn của ông Linh cách đây mấy tháng. Cách đây mấy tháng, trong phòng khách nhỏ của con hẻm nhỏ của một thành phố không nhỏ, cô đã thất vọng vì bức tường trước mặt không có một bức tranh, không có một khung ảnh, không có cả một vết bẩn để có thể tránh được cái nhìn ấy. Còn bây giờ, cô thở dài rồi quay đầu xuống phố. Phố trải một màu vàng. Sáng sớm nay, một cơn giông lớn đã đi qua Paris và đem theo toàn bộ hơi nóng tích tụ từ đầu hè. Bao lâu rồi cô không quay lại đây. Tối hôm qua, lúc Bill hỏi có thể gặp nhau ở đâu, cô nói tên của quán, cái tên tự nhiên hiện ra trong đầu, rõ ràng rành mạch với cả địa chỉ và cách đến. Anh ta đồng ý và đặt máy xuống khiến cô ngay sau đó muốn thay đổi mà không kịp.

Bao lâu rồi cô không quay lại đây, không ngồi ở cửa sổ này, ở cửa sổ này nếu nhìn xuống thì thấy phố mà nhìn lên sẽ thấy các mái nhà nhấp nhô. Lần cuối cùng ngồi đây, cô phát hiện ra một lồng chim treo trên cây tiêu huyền, gần sát mái nhà thấp nhất. Lần cuối cùng ngồi đây, cô không nói gì với Kai. Thời gian trước khi chia tay, Kai cáu kỉnh như khỉ ăn mắm tôm, vì những lý do mà cô không sao hiểu nổi. Một ngày giữa hè, từ nhà nghỉ của gia đình, Kai gửi tin nhắn: “Anh không muốn tiếp tục mối quan hệ của chúng ta”. Một tuần sau, cô định nhắn lại: “Anh làm ơn im đi được không”. Nhưng cuối cùng cô đã không gửi gì cả.

Bồi bàn tiến lại hỏi có muốn uống gì không. Hỏi tới lần thứ hai thì cô đành gọi một ly nước cam với thật nhiều đá bào. Không cần nhìn sang Bill, cô cũng biết là anh ta không nghe thấy gì hết, kể cả câu hỏi của bồi bàn, kể cả câu trả lời của cô, kể cả đám người đang đi xuống cầu thang, vừa đi vừa ồn ào bình luận về một bộ phim mới ra, rất bạo lực mà không ghi cấm trẻ em, như thế là phạm luật. Ai đó còn nói to không phải cứ tiếng súng thì mới là bạo lực, “có những sự im lặng còn nguy hiểm hơn tiếng súng!”, những kẻ khác vỗ tay tán thưởng rồi cả bọn chen nhau bước ra đường.

Trong góc phòng, một phụ nữ trung niên ngồi lật họa báo, trước mặt bày một chai bia đã cạn tới đáy. Chị ta có mái tóc vàng xù như rơm và cứ vài phút lại buông họa báo để ngó nghiêng. Bill ngồi quay lưng lại. Như vậy có lẽ tốt hơn, cô nghĩ. Bởi nếu thấy chiếc khăn trắng toát thế nào chị ta cũng sẽ bỏ họa báo để nhìn chằm chằm vào mặt anh ta như anh ta đang nhìn chằm chằm vào mặt cô bây giờ, rồi rất có thể sẽ buột miệng kêu to: “Chỉ những pho tượng mới quàng khăn giữa mùa hè!”. Sau đó, vì Bill sẽ im lặng, chị ta sẽ kêu to hơn nữa: “Có những sự im lặng còn nguy hiểm hơn tiếng súng!” hay một câu gì na ná như thế mà người ta vẫn hằng ngày đọc được trong các họa báo.

Bồi bàn sau khi mang lại ly nước cam thì giơ tay nhìn đồng hồ và phi xuống cầu thang. Có vẻ như đã quá giờ phục vụ. Anh ta không nhận ra khách quen một thời. Ngày trước mỗi khi cô đặt chân tới cửa, anh ta đều nháy mắt chỉ lên gác, nơi ấy Kai đã ngồi sẵn bên chiếc bàn kê sát cửa sổ, tờ báo mở đôi đặt trên ghế đối diện. Có lần cô hỏi Nagasaki cũng phải xếp gạch giành chỗ như Hà Nội hay sao, Kai không hiểu và cô cũng không tìm cách giải thích.

Cô đẩy ly nước cam đến trước mặt Bill. Chiếc khăn quấn mấy vòng quanh cổ khiến mồ hôi chảy tong tỏng từ trán anh ta xuống mặt bàn. Nhưng sự ngốt ấy, anh ta không thể nói lên lời nên đành trút vào cái nhìn về phía cô và cô lại đành ngó xuống phố.

Phố vẫn trải một màu vàng tươi. Trong màu vàng không lẫn đi đâu được của tháng Sáu, cô lại nghe thấy cái giọng đều đều của Bill kể tiếp:

“Ngoài cái tên Paul Polotski, mẹ tôi không có thông tin nào khác. Đấy là một cuộc gặp gỡ bất ngờ và chớp nhoáng, cả hai không biết gì về nhau và cũng không có ý định gắn bó cuộc đời với nhau. Cách đây hai mươi năm người ta hầu như chưa biết tới bao cao su và thuốc tránh thai. Ngay lập tức tôi tìm thấy tên ông ta trong danh bạ điện thoại. Tôi tin đó là bố đẻ của mình, bởi tôi đã kiểm tra danh bạ của cả nước Pháp, chỉ có đúng một người mang tên họ như vậy, trong thành phố Paris. Và cũng vì linh tính. Càng sống tôi càng tin là trong các cuộc tìm kiếm, linh tính luôn đóng vai trò quan trọng. Tôi cầm điện thoại lên, bấm số vừa tìm được. Ba lần chuông reo, có tiếng trả lời. Một giọng đàn ông khiến tôi run bắn. Cố trấn tĩnh, tôi bảo tôi tìm một người tên họ như thế này, nếu đúng xin được phép nói chuyện riêng. Đầu dây kia ngần ngừ rồi đồng ý. Lấy hết can đảm, tôi nói cái câu đã hình dung nghìn lần trong đầu: “Bố ơi, chắc là bố không biết con đâu, nhưng con là con trai của bố”.

Đầu dây kia im phăng phắc. Tôi lại lên tiếng: “Con sẽ không làm phiền bố đâu. Con chỉ muốn biết rằng bố tồn tại trên đời. Một tuần nữa là con tròn hai mươi tuổi”. Tôi im lặng chờ đợi. Một lát sau, đầu dây kia trả lời, rằng ông cũng rất vui được biết tôi sắp hai mươi, ông không ngờ là có một đứa con trai đã lớn như vậy, sau cuộc gặp gỡ chóng vánh, ông và mẹ tôi không hề liên lạc với nhau. Tôi liền bảo tôi không trách ông, rằng không ai có lỗi trong việc này, rằng tôi không hề cảm thấy bất hạnh khi sống một mình với mẹ vì đó là một người mẹ trên cả tuyệt vời... vân vân và vân vân. Câu chữ cứ thế mà tuôn trào. Như thể bao nhiêu năm không được nói. Tôi nhớ là tôi đã bảo ông: “Đó có lẽ là sự lựa chọn của mẹ, bố ạ”. Tôi đã chuẩn bị tinh thần, nhưng lần đầu tiên được gọi ai đó là “bố”, thấy xúc động khôn tả. Cuối cùng, tôi nói với ông rằng vài ngày nữa tôi có việc phải lên Paris, đây là đầu tiên tôi đặt chân tới thủ đô, nếu ông không cảm thấy ngại thì tôi rất muốn được gặp ông, ở một quán cà phê chẳng hạn, độ nửa tiếng. “Con sẽ không làm phiền bố đâu. Con chỉ muốn biết rằng bố tồn tại trên đời”, tôi nhắc lại cái câu lúc nãy. Ông chấp nhận, lại còn đưa cho tôi địa chỉ của một quán cà phê mà ông nghe bảo là khá yên tĩnh. Tôi đặt máy xuống mà thấy người lâng lâng”.

 

 

CHƯƠNG 15

Paris

 

“Mấy tối liền sau đó tôi nằm mơ thấy Paul Polotski, và dù chưa bao giờ biết mặt ông, tôi cũng có cảm giác đó là một người đàn ông bé nhỏ, tóc đen, có vẻ nhút nhát và mơ màng, một “tâm hồn Nga” như người ta hay nói.

Trong mơ tôi thấy ông đưa tôi về một làng nhỏ hệt trong tiểu thuyết Sông Đông êm đềm, tối hôm đó chúng tôi được dân làng làm tiệc tiếp đón, lần đầu tiên tôi biết thế nào là bánh rán nhân thịt và bia làm từ lúa đại mạch, và được nhảy với một thiếu phụ vô cùng duyên dáng mà không hiểu sao tôi cứ nghĩ đó là nàng Asinia. Tỉnh dậy tôi vẫn còn ngất ngư. “Paul Polotski” với tôi là một cái tên đẹp nhất lúc đấy. Tôi bắt đầu tiếc là đã không được mang họ Nga của ông, và tự hỏi không hiểu sao mẹ tôi lại đặt cho tôi một cái tên đặc Mỹ. Thậm chí tôi còn thử ghép tên tôi với họ của ông và ngán ngẩm lắc đầu: Bill Polotski nghe không ổn chút nào.

Đúng hẹn, tôi đáp máy bay lên Paris, rồi tiếp tục đi tàu điện ngầm tới quán cà phê. Tôi đến nơi sớm hơn một tiếng. Phải nói là tôi hồi hộp, bảo là lên thủ đô có việc nhưng thực ra chỉ là cớ để gặp bố. Tôi chọn một bàn khuất nhất của một góc vắng nhất, ngồi tì tay nhìn ra cửa, hy vọng sẽ nhìn thấy bố ngay khi ông xuất hiện. Tôi chuẩn bị một tệp khăn mùi soa giấy. Tôi biết là tôi sẽ khóc ngay câu đầu tiên. Tôi biết là tôi đã không giữ lời hứa với mẹ. Nhưng tình phụ tử là cái gì đó không thể nói là không thiêng liêng.

Tháng Sáu nắng bao giờ cũng vàng một màu không lẫn đi đâu được. Nửa tiếng trôi qua. Nửa tiếng nữa trôi qua. Quá giờ hẹn một tiếng, vẫn không thấy ông đâu. Quán quả là yên tĩnh như ông đã nghe nói, trong suốt mấy tiếng đồng hồ chỉ có vài khách bước vào, nhưng ba người thì đi với một ai đó, còn lại là một ông say bí tỉ và một thanh niên hút thuốc phì phèo. Tôi hết cả kiên nhẫn và bỏ điện thoại ra bấm để rồi choáng váng: đầu dây bên kia là giọng tổng đài, thông báo rằng số điện thoại ấy không còn hợp lệ. Tôi gọi lại một lần nữa, vẫn là giọng tổng đài. Tôi gọi lại một lần nữa. Sau ba lần, tôi mới đành chấp nhận đó là sự thật”.

Bill dừng lại. Cô quay sang nhìn anh ta. Cô vẫn không thoát được cảm giác trước mặt mình là một pho tượng thạch cao. Và từ khi pho tượng ấy mấp máy môi, cô lại có thêm cảm giác đang nghe một băng học ngoại ngữ. Nhưng rồi cô tự nhủ có lẽ nhờ cái giọng đều đều dễ gây buồn ngủ này mà người nghe đã không rơi nước mắt trước câu chuyện của anh ta. Một ý nghĩ chợt tới trong đầu cô: rất có thể cả đêm hôm qua, Bill đã giam mình trong phòng riêng, kể đi kể lại câu chuyện ấy cả chục lần, mới đầu vừa kể vừa thút thít, sau đó vừa kể vừa oán hờn, cuối cùng khi thuộc như cháo chảy thì cũng là lúc đã chai sạn cảm xúc. Gần một tiếng đồng hồ lúc nãy, anh ta đối diện với cô mà không mở miệng nói câu nào, chẳng qua chỉ để dượt thêm vài lần nữa trong đầu cho thật chắc. Và kết quả đúng là ngoài sức tưởng tượng: anh ta đã kể câu chuyện của chính mình như kể câu chuyện của một người khác. Cô có cảm giác thậm chí mấy câu trao đổi ở điện thoại tối hôm qua cũng được anh ta tập trước, chúng cũng được nói bằng một giọng đều đều vô cảm đến nỗi cô đã mất bình tĩnh và phản ứng như một cái máy: ngay lập tức đồng ý tới gặp anh ta, rồi lại ngay lập tức đưa cho anh ta tên của cái quán vừa bất ngờ hiện ra trong đầu.

Nếu có một cuộc thi lạnh lùng thì Bill và ông Linh sẽ đồng giải nhất, cô tự nhủ. Ông Linh muốn cô hiểu rằng cơn “ám ảnh chết người” mà mẹ từng gây cho ông ấy ngày nào đã chấm dứt từ lâu, còn Bill muốn cô hiểu rằng nỗi “xúc động khôn tả” mà Polotski từng gây cho anh ta ngày nào cũng chấm dứt từ lâu.

Cô nhìn anh ta một lần nữa. Khả năng tỏ ra lạnh lùng của Bill kể ra cũng đáng gờm. Bộ quần áo trắng toát cùng chiếc khăn quàng trắng toát kết hợp tài tình với mái tóc bạch kim. Anh ta quả là tính đến từng chi tiết. Nhưng điều khiến cô ngạc nhiên hơn cả là chính Bill chứ không ai khác đã vô tình gây ra nỗi khốn khó mà cô phải gánh chịu trong quá trình tìm kiếm Paul Polotski: sau cú điện thoại mà anh ta nằng nặc nhận là con trai, Polotski lúc ấy hẳn đã lập gia đình, không muốn gặp rắc rối, đã quyết định đổi số điện thoại nhà riêng. Từ đó đến nay hai mươi năm, mỗi năm ông ta phải trả France Télécom một khoản tiền để họ tên không bị hiện lên danh bạ điện thoại.

Mười ngày sau khi đưa tang mẹ, quay lại Paris, cô đã mở danh bạ điện thoại, tìm khắp thành phố và ngoại ô Paris, rồi sau đó là hai mươi bốn vùng của nước Pháp, nhưng không thấy người nào là Paul Polotski. Lúc ấy, ông ta chưa bắt đầu dạy hợp đồng cho khoa Đông Âu. Bấm họ tên ông ta ở Internet, chỉ được một vài thông tin mù mờ, một vài địa điểm nơi ông ta đã là giáo viên thỉnh giảng từ những năm nảo năm nao, trong một thời gian rất ngắn, cho một chủ đề lỗi thời, đến nỗi khi cô gọi điện tới, chẳng ai buồn vào lưu trữ để kiểm tra. Một thư ký còn nói huỵch toẹt rằng ngày xưa làm gì có máy vi tính để có thể cất vào kho ảo “mọi thứ hổ lốn trên đời”.

Mấy tuần tiếp theo, cô không nhớ đã gõ cửa bao nhiêu khách sạn và bưu điện để xin danh bạ điện thoại cũ. Hai trăm cuốn danh bạ điện thoại của Paris và hai mươi bốn vùng nước Pháp cũng không giúp cô dò được dấu vết nào của Paul Polotski.

Mấy tuần tiếp theo, cô đành ngồi lập danh sách tất cả những ai mang họ Polotski mà cô tìm thấy trong hai trăm cuốn danh bạ điện thoại, với hy vọng mong manh rằng đó là những kẻ ruột thịt của Paul Polotski.

Có máu nhập cư trong người cũng có nghĩa là ít khi nào chấp nhận dừng chân. Sau khi tra xong hai trăm cuốn danh bạ, cô biết được rằng toàn bộ nước Pháp trong vòng chục năm nay có chín vị mang họ Polotski, nhưng duy nhất một vị tên là Anatole trong năm năm cuối không chuyển nhà lần nào, còn lại thì cứ đều đặn hai hay ba năm lại thấy thay địa chỉ một lần. Có những vị bỗng dưng từ đâu xuất hiện, có thể thanh niên ra ở riêng, hoặc trung niên mới ly dị, hay bất kỳ tuổi nào nhưng vừa từ Nga sang. Có những vị tự nhiên biến mất, có thể đã qua đời, vào nhà dưỡng lão, trở về cố quốc hay lập gia đình rồi chuyển đến ở với vợ, hoặc rất đơn giản, đã bỏ điện thoại bàn và chỉ sử dụng di động như rất nhiều dân Pháp độc thân bây giờ. Cô không còn cách nào hơn là gọi điện tới từng vị. Cô nghĩ, thám tử tư đầy kinh nghiệm thì cũng phải sử dụng cái phương pháp thủ công này.

Chín vị nhưng cuối cùng thành mấy chục cú điện thoại, mấy chục cú điện thoại đều bắt đầu bằng câu hỏi “Xin lỗi, có phải đây là nhà ông Paul Polotski?”, mấy chục cú điện thoại trong đó một nửa vừa nghe xong, đầu kia đã đặt máy, không biết vì lý do gì và cô đành để vài ngày sau gọi lại, vài ngày sau mà vẫn bị đặt máy thì lại đành để vài ngày sau nữa gọi lại. “Quá tam ba bận” cô tự đặt cho mình quy tắc như thế. Có cú điện thoại chỉ kéo dài chưa đầy nửa phút, đủ để cô nhắc lại cái câu hỏi đã thuộc lòng ấy và đầu kia trả lời ngắn gọn: “Xin lỗi, nhầm số rồi”. Lại có cú điện thoại kéo dài cả tiếng, cô vừa nghe vừa nghĩ tới hóa đơn điện thoại tháng sau, nhưng đầu kia một cụ già nào đó đang buồn chán và thèm trút bầu tâm sự, không có Paul Polotski nào ở đây nhưng có cụ, cụ cũng gốc Nga, càng già càng nhớ cố hương, càng phát khổ phát sở vì các kỷ niệm. Có cú điện thoại khiến cô phì cười khi đầu kia một giọng phụ nữ quang quác: “Thằng Paul đâu, lại thêm một con ranh gọi mày đi nhảy đây này”. Lại có cú điện thoại khiến cô không cười nổi khi đầu kia một giọng phụ nữ nghẹn ngào: “Cô là ai mà không biết Paul đã qua đời năm ngoái, một ngày trước khi anh ấy tròn ba mươi”. Nhưng cú điện thoại sau đây cô cho là kỳ lạ nhất:

- Xin lỗi có phải đây là nhà ông Paul Polotski?

- Sáng nay cũng có một người Mỹ gọi tới đây hỏi Paul Polotski. Cô gọi có việc gì?

- Tôi chỉ muốn xem ông Paul Polotski có sống ở đây không.

- Nói thật cho tôi biết có đúng là mafia Hoa kiều đang truy lùng cái văn tự thổ trạch ấy?

- Văn tự thổ trạch nào cơ?

- Văn tự thổ trạch mà nhà Thanh của các người đã ký với Sa hoàng của chúng tôi.

- Tôi không hiểu ông đang nói gì.

- Thôi đừng giả bộ. Các người đã làm mất văn tự trong chiến tranh Hoa-Nhật, giờ đây mới cuống cuồng tìm lại, nhờ cả CIA tìm giúp.

- Nhưng văn tự về cái gì vậy?

- Các người đã lợi dụng Sa hoàng để mua rẻ bốn hòn đảo phía Đông sông A-mo của chúng tôi.

- Sông A-mo ở tận Xi-bi-ri ấy à?

- Chứ còn ở đâu nữa.

- Lần đầu tiên tôi nghe thấy chuyện này đấy.

- Thôi dừng giả bộ. Các người chẳng tính toán từ cả thế kỷ nay.

- Thế mafia quận Mười Ba thì có dính dáng gì tới chuyện này?

- Chính các người vừa ra giá một trăm triệu cho ai tìm thấy văn tự.

- Thế Paul Polotski thì có dính dáng gì tới văn tự?

Mỗi khi nhớ lại cú điện thoại này, cô lại tự nhủ không biết vì lý do gì mà đầu kia thình lình đặt máy ở đúng câu hỏi cuối cùng của cô, rồi ngay lập tức để kênh máy và từ ngày hôm sau, cắt luôn số điện thoại. Cách đây mấy ngày, cô thử gọi lại vẫn bị rơi vào tổng đài. Bây giờ, ngồi trước mặt Bill, cô chợt nghĩ rất có khả năng Bill đã là người gọi điện tới số máy ấy vào buổi sáng hôm đó: sau hai mươi năm sống trong thắc mắc, anh ta không chịu nổi và lại bắt đầu cuộc tìm kiếm dấu vết của bố đẻ. Việc đầu tiên mà anh ta làm là lục tung danh bạ điện thoại Paris và hai mươi bốn vùng của nước Pháp để lên danh sách tất cả những ai mang họ Polotski, với hy vọng mong manh rằng đó là họ hàng máu mủ của ông ta (và vì thế cũng là họ hàng máu mủ của chính anh ta). Lập xong danh sách chín vị, Bill đã quyết định cầm máy lên gọi điện cho từng vị một. Lý luận của anh ta cũng chẳng khác gì cô: thám tử tư đầy kinh nghiệm cũng không thể không sử dụng phương pháp thủ công này. Tóm lại, anh ta và cô đều vô tình suy tính và tiến hành một số thao tác tìm kiếm cơ bản bằng điện thoại. Rồi có một ngày cả hai cùng gọi tới một số máy, cùng đặt câu hỏi về Paul Polotski và đã bị đầu dây kia ngờ là đang truy lùng văn tự thổ trạch của bốn hòn đảo trên sông A-mo, anh ta thì đại diện cho CIA (vì có tên đặc Mỹ) còn cô thì đại diện cho mafia Hoa kiều (vì có giọng Á châu).

Trời tối lại từ lúc nào, không phải vì đã muộn mà vì một cơn mưa. Tầng vẫn không có thêm khách, bồi bàn cũng chẳng buồn quay lại hỏi thăm.

Cô chợt muốn đứng dậy để ra về. Thình lình người phụ nữ tóc vàng tiến thẳng tới bàn cô, một tay chống nạnh, một tay chỉ vào chiếc khăn màu trắng quấn quanh cổ Bill, miệng nói dõng dạc: “Đúng là thằng chập mạch!”. Cô vội đứng lên cầm tay chị ta kéo ra chỗ khác. Ngay sau đó, cô hơi bất ngờ vì hành động của mình rồi tự lý giải rằng cô chỉ muốn bảo vệ một kẻ không có khả năng tự vệ: trước sự tấn công của người lạ mặt, Bill tiếp tục ngồi im như tượng.

Người phụ nữ tóc vàng giãy giụa quyết liệt. Sau mấy cái vung tay khiến cô bắn ra một góc, chị ta quay phắt lại và nổ như súng liên thanh vào Bill cái câu lúc nãy: “Đúng là thằng chập mạch!”, tay tiếp tục chỉ vào chiếc khăn màu trắng. Vì Bill vẫn không phản ứng nên chị ta nhảy choi choi, vừa nhảy vừa ngó nghiêng khắp phòng, nhưng vẫn không quên đong đưa bộ tóc vàng làm duyên. Có cảm giác chị ta đang tìm một vật đủ sắc để cắt phéng chiếc khăn. Lại cũng có cảm giác chị ta đang đóng vai một quí bà nạ dòng đỏng đảnh. Cảnh tượng vừa hung hãn vừa khôi hài. Cô suýt bật cười, đứng nhìn cho tới khi bồi bàn từ dưới nhà lao lên, lôi chị ta xuống cầu thang, tống ra ngoài.

“Đúng là một lũ chập mạch!”, tiếng bồi bàn rú rít. Cô phẩy tay, đứng lên.

Buổi chiều, trên đường tới trường mẫu giáo đón thằng Mike, cô không thể nào không nhớ lại cảnh này, và vẫn thấy buồn cười như lúc nãy. Người phụ nữ tóc vàng có thể đập vỡ chai bia để tấn công chiếc khăn quàng màu trắng, nhưng Bill bắt buộc phải ngồi im vì anh ta đã không lường trước được rằng chiếc khăn của mình có khả năng khiến ai đó nổi điên. Anh ta không biết phải làm gì trong trường hợp này. Đánh lại một người điên thì anh ta không dám, mà lên tiếng giải thích cho chị ta hiểu thì anh ta không thể (anh ta chưa kịp luyện giọng trước ở nhà). Anh ta chấp nhận bị một người điên tấn công còn hơn là phải để lộ giọng thật của mình.

Cô có linh cảm rằng cô và Bill sẽ còn gặp lại nhau, trong một hoàn cảnh khác.

 

[còn tiếp]

 

-----------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021