thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
ĐẮM [phần I, chương 6-10]

 

Đã đăng: [chương 1-5]

 

6.

 

Anh thức dậy, không thấy cô bên cạnh. Anh liếc thấy cô để lại trên chiếc bàn trà một mảnh giấy: “Em thấy anh ngủ mê mệt. Anh thở nặng nhọc, không êm như mọi khi. Hình như anh nói mớ nữa. Em thức giấc một hai lần. Em ra biển tắm đây. Có thể em sẽ đi dọc bãi biển mua một ít đồ hải sản, trưa về tụi mình nhậu. Không biết anh còn nhậu được không? Khoảng 10 giờ em về. Em để điện thoại ở nhà. Nếu anh dậy sớm, anh gọi tiếp tân đem mấy tờ báo lên phòng cho anh. Vì em có yêu cầu khách sạn vô thành phố mua báo cho anh, em dặn kỹ phải có tờ Thể thao.” Đêm qua là một trận yêu đương dữ dội sau khi hai người tắm chung. Khi xoa xà phòng lên người cô, anh bất ngờ nhận thấy vú cô dường như đã nhỏ đi so với cách đây ba năm. Phải không? Anh hỏi vì sao vú cô nhỏ đi vậy, cô bảo “em cũng không biết”. Anh cầm cái vòi sen xịt nước mạnh lần lượt vào hai vú cô, một tay nâng nhẹ vú, thành thật mong rằng đây là một thủy liệu pháp giúp cho nó phục hồi săn chắc như ngày nào. Cô đứng im ngoan như đứa trẻ đang được điều trị trong tay bác sĩ. Rồi anh xịt nước dọc từ trên xuống đường rãnh giữa ngực cô. Cô kêu lên thích thú. “Đã lắm. Để em làm cho anh.” Anh không thấy “đã” như cô nói, chỉ thấy hơi nhột, nhưng anh cương cứng phấn khích khi tâm trí vạch bóng tối cố tìm lại những cảm giác no nê ngày xưa trên ngực cô. Anh vội lấy khăn lau cho hai người và bế cô lên giường...

Điện thoại di động của cô reo một đoạn trong bài Fantasie-Impromptu của Chopin và xoay nhẹ trên bàn trà. Anh rón rén cầm lên, nhìn vào màn hình và giật mình thấy một hàng số có mã số nước Mỹ. Điệu nhạc nhanh nhất và buồn nhất mà anh từng biết lặp đi lặp lại nhiều lần rồi im bặt, nhưng dư âm của nó đang tỏa lan trong anh. Anh buồn cười với ý nghĩ cô vẫn vô tình hay cố ý “cài” buồn phiền vào những giây phút hoan lạc của hai người như những tháng ngày trước đây.

Anh đắp chiếc áo ngủ màu rêu của cô lên mặt, chợt nhớ đến câu nói nửa đùa nửa thật của cô khi cô ngả đầu vào vai anh ở phòng chờ sân bay Tân Sơn Nhất: “Em báo cho anh một tin buồn. Em đã ly dị. Và em về đây với anh...” Ba ngày qua anh chưa có nhiều thì giờ nghĩ ngợi về chuyện này. Họ không rời nhau nửa bước ngoài bãi biển, và quấn lấy nhau khi về đến phòng. Những mẩu chuyện rời rạc, không đầu không đuôi, thường xuyên bị cắt ngang vì những trận hôn dài...

 

7.

 

Cô bước vào, một tay cầm mấy tờ báo, một tay cầm bọc nilông đựng những viên đá đủ màu sắc.

Anh nói:

“Có người gọi cho em.”

Cô cầm chiếc điện thoại lên:

“Chồng em gọi.”

“Có chuyện gì không?”

“Không, em có hẹn ảnh sáng nay nói chuyện nhưng quên mất. Em chỉ muốn biết chuyện nhà thôi.”

“Sao không viết email?”

“Ảnh không xài email. Nhưng tối nay em sẽ email cho con trai em.”

“À, con trai em. Nó thế nào rồi em?”

“Ra dáng một chàng trai Mỹ rồi. Đang học đại học năm thứ nhất. Tự lái xe hơi đi học.”

“Anh không thể hình dung ra được.”

“Anh gặp nó một lần rồi, phải không?”

“Phải. Lần em dẫn nó đi siêu thị, và em gọi anh đến ngắm con em. Quả thực nó đẹp, giống mẹ.”

Cô cởi áo khoác, cho thấy tấm lưng trắng lốp. Hai mảnh đỏ trên người cô như muốn bật tung ra dưới tấm thân chắc lẳn. Đã gần 9 giờ. Anh vẫn chưa thấy đói. Anh nhìn từ đầu đến chân cô:

“Sao em không tắm?”

“Biển động, đục ngầu. Em tưởng anh biết biển động chứ. Em tưởng anh đứng bên cửa sổ nhìn em đi dọc bãi biển, nên em mới mặc bộ áo tắm chói chang này. Anh chưa ăn gì à?”

“Chưa. Anh không đói.”

“Em có mua gần chục con ghẹ gởi chị bếp khách sạn luộc giùm.”

“Anh quên nói em, đang mùa trăng, ghẹ tôm không chắc thịt, ăn không ngon.”

“Ồ, em không biết. Mà đêm qua em có thấy trăng đâu.”

“Có chứ, chỉ vì trời nhiều mây nên mình không thấy. Nhưng nửa khuya dường như có ánh trăng chảy qua cửa sổ...”

Cô ghé ngồi ở cuối giường, lần từng ngón chân anh rồi ủ chúng trong hai bàn tay cô. Anh có thể cảm thấy được bàn tay và những ngón tay của cô nhỏ nhắn và mềm mại như thế nào.

Giai điệu bài Fantasie-Impromptu vang lên. Anh bật dậy, đi nhanh vào phòng tắm để cho cô được tự nhiên nói chuyện điện thoại. Anh vừa đưa bàn chải đánh răng lên miệng thì dừng tay, và suýt tung cửa chạy ra khi nghe tiếng cô kêu lên: “Không! Không! Không! Anh đừng nói nữa!...”

Anh mở nước vòi tắm thật mạnh để không phải nghe tiếng cô nói chuyện. Anh nhìn mình trong gương. Một khuôn mặt suốt đời xa lạ, không bao giờ anh có thể làm quen được với nó. Cặp mắt chất chứa những hoài nghi. Vầng trán như sắp ứa máu suy nghĩ. Đó không phải là khuôn mặt mấy đêm qua vùi sâu vào giữa hai chân cô vừa như trốn chạy vừa như lần tìm về cái hang huyền thoại của Plato. Phải rồi, mình chỉ là một thành viên trong đám người lặn ngụp trong cái hang ấy. Nó sợ ánh mặt trời, sợ những âm thanh lạ lẫm bên ngoài hang.

Khi anh đi ra, cô đang vén rèm cửa sổ nhìn ra biển. Ngoài ấy không một bóng thuyền. Những ngọn cờ đen báo nguy chới với sắp rách nát trong cơn giận của những đợt sóng.

Anh đến đứng cạnh cô.

“Sao anh không hỏi em về cú điện thoại?” – Cô hỏi, mắt vẫn nhìn ra xa

“Anh hỏi làm gì.”

“Anh hết yêu em rồi hả?”

“Em sao vậy? Không lẽ cú điện thoại vừa rồi có liên quan đến anh?”

“Cái gì của em cũng liên quan đến anh cả. Không phải trước đây chuyện gì của em anh cũng muốn biết đó sao?”

Anh lùa tay vào mái tóc của cô, cắn nhẹ vành tai cô:

“Không có chuyện gì đâu em. Anh luôn yêu em.”

Cuối cùng cô cũng tiết lộ cái tin vừa nhận được: chồng cô đòi tự tử. Anh ta nói anh chờ hai người ly dị xong anh mới tự tử là để cô không phải vướng bận gì. Nhưng thực ra anh đã bộc lộ ý định tự tử từ nhiều năm nay. Anh nói rằng mình sống vô ích. Vì không được yêu thương. Vì anh già đi mỗi ngày trong khi cô đẹp lên mỗi ngày khiến vực thẳm tuổi tác giữa hai vợ chồng càng ngày càng mở toang trong nhà, ăn sâu vào đầu anh, nhuộm đen tất cả từ kỷ niệm, hôn nhân, con cái, gia đình hai bên, bạn bè hai bên đến những chuyện thường ngày. Ngay cả những vật dụng trong nhà cũng dường như có khuynh hướng phân ly. Chiếc lược của cô anh không dám cầm đến. Tấm gương nhỏ trong buồng ngủ cô từ lâu rồi anh tránh không đi ngang, tuyệt nhiên không nhìn vào nó.

Cô quay lại, ôm anh:

“Kể chuyện đi anh.”

 

8.

 

Buổi trưa hôm ấy hình như anh đã lội bộ đi hết các con đường trung tâm Sài Gòn. Không để làm gì cả. Cũng như anh đã nhảy lên một chuyến xe đò từ miền trung vào Sài Gòn mà không rõ mục đích, chỉ lờ mờ trong đầu là tìm đến căn gác trọ của một đám bạn đang học đại học và một địa chỉ khác – nhà của thằng bạn gia đình khá giả. Cần phải nói rằng bọn chúng đều là những thằng rất nghệ sĩ.

Buổi trưa hôm ấy anh đói lả mà không còn đồng xu dính túi. Anh ngồi nghỉ chân mấy lần ở các trạm xe buýt. Nhưng dừng chân thì chỉ đỡ mỏi chân chứ không thể đỡ đói. Cơn đói hò hét trong bụng anh. Cơn đói tàn bạo nhất trong đời. Vì không hứa hẹn sẽ được ăn một miếng gì. Sao mình không xỉu đi cho hết đói giống như người đi rừng yếu bóng vía bất chợt nhìn thấy con thú dữ từ xa và té xỉu thì không còn biết sợ? Vậy thì phải ráng lết cho tới nhà thằng Bảo ở trong con hẻm đường Cống Quỳnh. Nhưng lỡ nó đi vắng thì sao? Anh vừa lê bước, vừa hoang mang nghĩ. Cuối cùng anh cũng tới. Và điều anh lo sợ nhất đã là hiện thực: cánh cửa màu xanh tuyệt đẹp anh thấy từ đầu con hẻm đã bị khóa kín bằng một ổ khóa bự chảng. Anh bước thêm mấy bước nữa, trừng mắt nhìn cái ổ khóa vàng choé đã đóng kín mọi hy vọng của anh. Anh ngồi bệt xuống thềm nhà, úp mặt vào hai bàn tay và ...giận mẹ ghê gớm. Nắng trưa hầm hập trùm khắp người anh và con hẻm yên tĩnh đến kỳ lạ. Trời ơi, mới đêm Noël vừa rồi, mẹ anh còn làm tiệc réveillon cho mười người trong nhà và hơn mười người khách, trong đó có bốn thằng bạn anh, mỗi người lớn nhỏ đều có một con vịt tiềm thơm ngon như nhau nằm trong cái tô sứ màu trắng để trước mặt! Anh cứ ngồi ngoài bàn tiệc ôm đàn guitar chơi hết bài Capricho Arabe đến bài Thème et variations, hết bài Mazurka đến bài Gavotte, không cần ăn uống. Nếu hôm đó anh chăm chú ăn thật lực con vịt tiềm của mình thì hôm nay biết đâu anh không thấy cồn cào gan ruột thế này. Anh đau đớn nghĩ. Và chìm vào mê man. Trong cơn mê man, anh nghe tiếng con mèo kêu. Rồi giọng một đứa bé gái la mắng con mèo, rồi có tiếng cót két. Cánh cửa sổ trên đầu anh hé mở. Sau cùng giọng đứa bé gái cất cao lên, đánh thức anh: “Ông gì kia, ai cho ông nằm đây?” Anh lồm cồm đứng dậy, thấy bên trong cửa sổ một cô bé khoảng 10, 11 tuổi tóc bạch kim, da trắng, khuôn mặt xinh xắn. Rõ là một cô bé lai Mỹ, anh nghĩ vậy. Anh đáp: “Anh là bạn của Trí.” Cô bé nói ngay: “Cậu Trí đi làm rồi.” Không thẹn thùng gì nữa, cái bụng réo sôi bắt anh lên tiếng: “Anh đói bụng quá. Trong nhà còn gì ăn không em?” Cô bé nhìn anh một lúc như để hiểu chuyện gì đang xảy ra, rồi gật đầu, nhưng liền đó gằn giọng: “Nhưng cậu Trí không cho mở cửa nhà.” “Anh biết rồi. Em đưa qua cửa sổ cho anh.” Cô bé không nói gì, quay đi vào trong. Anh sắp khụy xuống. Anh thấy rõ hai tay, hai chân mình run run. Anh áp người vào khung cửa sổ. Và mắt anh sáng lên khi thoáng thấy cô bé đi tới phía anh, trên tay bưng bê khệ nệ. Anh thầm kêu lên “Cám ơn em.” Cô bé đưa qua song cửa cho anh một cái dĩa, rồi lần lượt thò tay đưa từng muỗng cơm, miếng cá, chút rau, chút đậu phộng, chút nước canh rón rén nghiêng đổ vào cái dĩa đang được giữ thật chặt trong tay anh. Chẳng mấy chốc cái dĩa đầy ắp như ngọn núi. Anh vục mặt ăn, cái trán của anh chạm nhẹ vào đỉnh núi. Dĩa thứ nhất rồi dĩa thứ hai...Không một lần anh ngước lên nhìn cô bé. Nhưng thật lạ, anh không cảm thấy xấu hổ mà thấy mình được thông cảm. Anh không thấy mình bị thương hại khinh bỉ dù cô bé không lúc nào rời mắt khỏi anh. Cô bé nhìn chăm chú vào bữa ăn của anh là để tận tình phục vụ, đúng theo nghĩa đen. Cá hết, một con cá khác được đặt nhẹ vào đĩa. Rau hết, trên cái dĩa chợt hiện lên những nhúm rau xanh tươi. Và không thể tưởng tượng nổi, giữa chừng, cô bé lên tiếng hỏi anh có ăn ớt không. Trời ơi, khỏi nói. Bữa ăn ngon mấy, ê hề mấy mà không có ớt, nhiều ớt, đối với anh cũng là bữa ăn dở tệ. Sau cùng là một ly nước lọc... Qua vành ly anh nhìn cô bé, và thật lòng muốn ghi thật kỹ vào tâm trí: Khuôn mặt mẹ Maria! Vì cô đẹp như mẹ Maria nên cô làm điều tốt lành, hay vì cô làm điều tốt lành mà khuôn mặt cô bỗng đẹp lên như mẹ Maria?

 

9.

 

Khoảng bốn giờ sáng, anh đánh thức cô dậy. Đêm qua hai người ngủ yên, ngủ sớm trong âm thanh một chuỗi sonate của Tchaikovsky. Cô ngồi dậy, mắt vẫn nhắm nghiền, ngái ngủ. Anh muốn đỡ nhẹ lưng cho cô nằm xuống lại. Nhưng đêm qua cô đã đồng ý với anh sáng nay dậy sớm, ra biển. Anh làm một chiếc khăn nóng lau mặt và lau người cô, chọn cho cô bộ bikini màu lục nhạt, khoác bên ngoài chiếc măng tô mỏng màu trắng. Anh mặc áo pull đen, quần short màu cà phê sữa. Hai người đi chân trần. Anh tắt nhạc, đèn, máy lạnh, vắt lên vai cái khăn lông lớn nâu đỏ. Anh dìu cô xuống những bậc thang. Cô dụi đầu vào vai anh, hình như để ngủ tiếp, hai tay vòng dưới bụng anh.

Chàng trai bảo vệ khách sạn mở cửa, không nói không rằng. Hai người bước ra, và ngay lập tức bị vây phủ trong gió mát lạnh và ánh sáng mờ ảo của trăng đang tàn và mặt trời dường như đang tìm cách trồi lên khỏi đường chân trời bằng cách chứng minh sự hiện hữu của nó qua một lớp ánh sáng tím mỏng manh hắt lên mấy đám mây. Tiếng sóng vỗ bờ rào rạt êm đềm, dường như đã thấm mệt sau mấy ngày biển động tuy ngoài xa vẫn có những con sóng lớn như cái lưỡi của con thủy quái muốn liếm bờ cát ngay tức khắc mà không kịp.

Vừa tới sát mép biển, gần chỗ một con sóng dài nhất vừa lan tới, tan đi, hai người dừng lại. Sẽ không có con sóng thứ hai nào lan đến đây nữa đâu, anh nghĩ.

Anh ngồi xuống, duỗi dài hai chân; cô nằm xuống xuôi theo giữa hai chân anh, gối đầu lên đùi anh. Anh e một lúc nào đó sóng sẽ chồm lên làm ướt đôi chân cô, nhưng nhìn kỹ, anh thấy thân hình cô thật ra không dài lắm, và khoảng cách từ hai bàn chân dựng đứng lên của cô tới chỗ những lớp sóng lan tới rồi tan đi đủ xa để anh có thể yên tâm nhắm mắt trầm tư một chút. Nhưng nếu bây giờ đột nhiên biển dâng sóng thần cuốn anh và cô biến mất vào mênh mông vô tăm tích, thì cũng không sao, anh không nuối tiếc gì cuộc đời này. Anh không bơi giỏi, có thể nói là không biết bơi, để chống lại sức lôi cuốn của những vực nước hung bạo, lúc ấy anh sẽ chỉ cố gắng giữ được cô trong tay đến phút cuối cùng.

*

Chợt hình ảnh một đứa bé học lớp sáu mỗi sáng, mỗi chiều đi học trong bộ đồng phục áo trắng quần short xanh da trời hiện ra trong trí anh. Nó không bao giờ, hay rất ít khi, đi trên con lộ lớn từ nhà đến trường mà len lỏi trên con đường mòn nhỏ chỉ vừa một người đi, hai bên cây cỏ rậm rạp. Đi lủi thủi. Thỉnh thoảng phải vẹt cành nhánh vướng víu trên đầu. Đôi khi giẫm lên một trái cây lạ nát vữa. Sao ba mẹ nó không hề hay biết? Hoặc là biết nhưng cứ để vậy? Anh thấy tội nghiệp thằng bé đó quá. Bàn tay ai đã dẫn dắt nó đi một cách bí mật cô đơn suốt bao nhiêu ngày tháng như vậy? Nó là anh, thằng Phúc Vinh ngày thơ bé. Cũng thằng bé đó, trong những đêm văn nghệ bắt chước người lớn, đứng hát mà hai mắt nhắm nghiền, không nhìn khán giả. Chị Thư, học trên nó mấy lớp, người tổ chức chương trình, bảo mấy nó cũng không mở mắt ra, nhưng chị không gạch tên nó trong tiết mục đơn ca mà hàng tuần vào tối thứ bảy lại giới thiệu với khán giả: “Và bây giờ, ca sĩ mù Phúc Vinh!” Một hôm hát xong mở mắt ra thì khán giả đã về hết từ hồi nào. Không, vẫn còn một người ngồi gần sát “sân khấu” (“sân khấu” là hiên nhà chị Thư): con Hà, con ông sáu Hào. Nó ghét con nhỏ này quá. Cái kiểu ngồi chồm hổm thật xấu xí không xứng với khuôn mặt sáng sủa của nó chút nào. Nhưng nghĩ lại không phải nó ngu: ngồi vậy thì quần không dính đất. Chị Thư nói con Hà tối thứ bảy nào cũng mua “vé” sớm nhất, ngồi chồm hổm đúng chỗ sát “sân khấu” đó. Chị Thư nói, “Con Hà mê giọng ca Phúc Vinh lắm, mỗi lần Phúc Vinh hát, miệng con Hà há tròn lập bập cặp môi hát theo. Phúc Vinh nhắm mắt làm sao thấy được.” Nghe vậy nó nghĩ thầm, “Vậy càng phải nhắm mắt thôi. Để khỏi phải thấy cái kiểu ngồi “ngoài đồng” và cái miệng hứng muỗi của con Hà.” Nghĩ cương quyết vậy nhưng ban ngày thấy con Hà đi qua đi lại trong xóm, thấy tấm thân mềm mại uyển chuyển, thấy cặp môi đỏ ửng, hai má mịn màng, đôi mắt lấp lánh, và nhất là hai chút nhô lên sau lần áo, nó dõi theo không chớp mắt, lòng bổi hổi rộn rực, và khi con Hà khuất bóng, nó phải nén một tiếng thở dài. Bữa tối đó, tâm hồn nhẹ tênh bềnh bồng, nó xin chị Thư hát một ca khúc của ...Trịnh Công Sơn. Chị Thư tròn mắt nhìn nó:

“Bài gì?”

“Dạ, bài Hạ trắng.

“Em thuộc không?”

Nó gật đầu lia lịa. Nó mặc chiếc áo trắng, quần xanh, đồng phục đi học còn mới cáu cạnh vì mới khai giảng có một tháng thay cho bộ cánh xuề xòa bụi bặm thường khi. Vẫn giữ nguyên phong cách độc đáo nhắm mắt trong khi hát, nhưng đêm nay nó tự cho phép mình phá cách, phá cách chút thôi, sẽ không ai biết. Khi chờ đợi hát lần hai, lúc ấy chị Thư đàn guitar gian tấu, đèn mờ đi một chút, nó cúi đầu, đưa bàn tay lên che mặt, và qua khe hở của hai ngón tay, nó nhìn xuống phía khán giả, chỗ gần sân khấu nhất, chỗ gần với nó nhất. Hà đây rồi. Nhưng cô bé đang làm gì vậy? Ồ, cô bé đang cười. Nó nhích rộng hai ngón tay ra chút nữa, mắt hé thêm chút nữa, thì thấy một thằng con trai đang ngồi bên con Hà. Thằng Đức. Thằng học trên nó một lớp, có khuôn mặt rất ngầu, đẹp trai, bố mẹ nó là người Bắc di cư vào Nam năm 1954. Ba nó đánh trận Ba Gia mất tích hơn năm nay chưa về nên nó hay nổi nóng với bạn bè trong xóm. Đã có đứa bị nó đánh bầm mày bầm mặt không rõ nguyên cớ gì. Phúc Vinh chợt sợ, rồi mất hứng luôn. Chị Thư “đưa đẩy” nhịp đàn đến mấy lần nó mới sực tỉnh, vào lời hai. Nó nhắm nghiền mắt, bóng tối bủa vây nó. Và nó cố hát cho xong... gọi tên em mãi suốt cơn mê này. Từ đêm đó, phần vì ghét con Hà thay lòng đổi dạ, phần vì sợ thằng Đức, Phúc Vinh tìm cách tránh không nhìn theo con Hà thật lâu nữa, nhất là không nhìn vào những chi tiết gợi cảm lồ lộ trên thân thể nó. Chỉ len lén nhìn từ phía sau một gốc cây nào đó khi con Hà đi học mỗi sáng, hoặc nhón chân nhìn qua chỗ trống phía trên cánh cửa bếp nhà mình mở về phía giếng nước nơi con Hà thường ra mỗi ngày ít nhất một lần, để giặt quần áo hay gánh nước về nhà. Nhưng thật lạ, những lúc ấy con Hà lại dáo dác, có vẻ như tìm kiếm Phúc Vinh, hay tìm ánh mắt của Phúc Vinh. Tâm hồn nó lại mơ hồ xao động.

Một đêm thứ bảy, chương trình văn nghệ của chị Thư bị hủy bỏ vì biết không cạnh tranh nổi với tuồng cải lương “Trái sầu riêng” do Bạch Tuyết và Dũng Thanh Lâm đóng vai chính được phát trên tivi. Cả xóm chỉ nhà ông Tư, người giàu nhất xóm, chủ của hai chiếc xe tải, có chiếc tivi đen trắng 14 inches. Ông đem tivi đặt ra giữa sân, và cả xóm, trẻ già trai gái sẽ tụ tập lại tròn mắt thưởng thức. Ông Tư thật là một người tốt bụng với bà con lối xóm. Ông chỉ có tội hay nổi nóng, rất cộc, văng tục vô cớ với đối thủ khi đánh cờ tướng bị thua. Phúc Vinh chỉ nghĩ được vậy. Khi vừa chen chân kiếm được một chỗ đứng giữa đám đông khán giả thì Bạch Tuyết xuất hiện, khuôn mặt chiếm hết màn ảnh nhỏ và cất giọng ngọt lịm: “Ai mua sầu riêng, có ai mua sầu riêng, hãy dừng chân ghé quán em, em đây bán trái sầu riêng, nhưng không bán tình duyên...” Đang xem đến cảnh Dũng Thanh Lâm tán tỉnh cô Bạch Tuyết bán sầu riêng thì Phúc Vinh nghe thoang thoảng một mùi gì thật dễ chịu từ phía sau thoảng tới. Và một làn da mềm mại, phải, một tấm thân con gái đang áp sát vào người nó từ phía sau. Nó đứng im không nhúc nhích. Linh tính báo cho nó biết đó chính là con Hà. Và nó hơi quay đầu lại. Con Hà nghiêng người tới. Nó thoáng thấy một khuôn mặt lạnh lùng bí ẩn và gợi cảm. Một luồng điện chạy qua người Phúc Vinh làm tay chân nó run rẩy. Bản năng sai khiến đôi tay đang khoanh tròn của nó động đậy. Tay phải thõng xuống đưa ra sau là chạm ngay tay Hà. Nó nắm nhẹ, mân mê từng ngón, thỉnh thoảng để cho cái móng tay nhọn của Hà đâm nhẹ vào gan bàn tay mình, có khi năm đầu ngón tay nó chụm lại thành một búp sen non bọc từng ngón tay Hà. Bàn tay Hà từng ngón tỏ ra biết đối đáp vâng lời. Rồi Phúc Vinh rời bỏ bàn tay, lần tìm đùi Hà, vuốt ve mơn trớn qua làn vải thô mỏng. Cuối cùng bàn tay nó tiến thêm chút nữa, vào đúng cái chỗ kín đang phồng lên như chiếc bánh của Hà. Bàn tay nó xếp các ngón lại đặt vừa vặn lên cái bí mật ghê gớm nhất, tráng lệ nhất trong người Hà. Nó như muốn reo lên, không phải vì khoái lạc mà vì nó đang nắm giữ trong tay một bí mật. Cả người nó nóng lên như một bếp lò. Nó bỗng sợ đám đông khán giả xem cải lương sẽ bị thiêu đốt, sẽ la lối lên. Thân người Hà chuyển động nhẹ, lập tức bàn tay Phúc Vinh như bị nam châm hút theo một đừơng tròn, đi mãi, đi mãi như cái hình con cơ bằng gỗ xoay xoay trên chiếc chiếu của người lên đồng. Cho đến khi thấm ướt cả hai bàn tay. Bàn tay trái của Phúc Vinh cũng đang túm con chim cứng ngắc của mình từ bên ngoài quần đùi. Nó thu hai tay lên trước ngực, khoanh lại. Chợt ập vào mũi một mùi thật nồng nàn như hỗn hợp của muôn hoa. Nó lại sợ đám đông ngửi thấy cái mùi lạ lẫm, sẽ hỏi nhau và truy tìm ra địa chỉ. Nó đẩy hai bàn tay sâu hơn vào trong nách mình. Mùi lạ lại nồng hơn, đậm hơn. Nó từ từ rút bàn tay phải ra khỏi nách. Và hai chân nó bây giờ mới thật sự bủn rủn, muốn khụy xuống khi tuồng cải lương chấm dứt, bóng đèn tròn màu vàng trên bậc cửa nhà ông Tư sáng lên. Cách nó một hàng người phía trước, thằng Đức quay đầu lại lia ánh mắt sắc như dao nhìn thẳng vào nó. Phúc Vinh cúi đầu, tránh cái nhìn đầy đe dọa của thằng Đức. Khi bước ra khỏi đÊm đông, nó không thấy Hà đâu cả. Suốt đêm đó, nó không ngủ được. Cảm giác lâng lâng sung sướng vừa dâng lên thì bị dìm xuống bởi cảm giác bất an. Hình bóng con Hà chưa rõ nét thì gương mặt dữ dằn của thằng Đức phủ chồng lên. Nó cảm thấy cô đơn trơ trọi quá. Không ai xua đuổi giùm nó những đám mây u ám bao quanh để nó được thả sức sống lại cơn ngây ngất đầu đời vừa đến.

Ba ngày sau, Phúc Vinh bị thằng Đức chặn đường đánh. Đang đạp xe bon bon ra phố mua báo cho ba nó, vừa qua khỏi xưởng tiện sáng đèn đến quãng đường vắng mù mờ, gần khu vực trường tiểu học, một bóng đen bên vệ đường băng ra, nhảy xổ vào nó, phang thật mạnh một khúc cây vào đầu nó. Nó vừa kịp nhận ra cái tướng thấp đậm tròn như khúc gỗ và một loạt tiếng chửi thề của thằng Đức thì một biển ánh sáng đỏ rực cháy lên trong đầu nó. Người và xe lảo đảo ngã xuống. Máu chảy đầy mặt, xuống cổ, thấm hết vạt áo trước. Không hiểu sao nó không gục xuống mà còn đủ sức lê lết về tới nhà.

Đến bây giờ cú đánh của thằng Đức thỉnh thoảng dường như còn hiện lên trong đầu anh qua những ý nghĩ u tối, rối rắm, bi phẫn, buồn chán...Có lúc anh muốn thét lên. Nhưng anh ngăn được. Và cái ranh giới giữa “thét lên” và “im lặng” sao thật mong manh; đó là ranh giới giữa điên loạn và bình tĩnh.

Anh sớm biết đến sự tàn bạo đi liền với sự ngọt ngào. Anh sớm biết sự ghen tức, thù hận đầy trong lòng người. Anh sớm biết địa ngục chính là tha nhân.

Nhưng sau cái đêm đau đớn khôn xiết đó anh vẫn thầm mong mỏi cho ba thằng Đức sớm trở về với gia đình nó, như thể nếu ba nó chưa về thì nó còn hung bạo và không để yên cho anh gần gũi con Hà.

 

10.

 

Tất cả những chuyện đó đã diễn ra tại một nơi được gọi là Vườn ông Phụng, cha của chị Thư. Gọi là vườn nhưng thực chất nó là một khu đất với khoảng chục mái nhà nằm cách thị xã chừng hai cây số, phía trước có một xưởng gỗ án ngữ sát đường lộ, phía sau có hàng rào bao bọc, ngăn cách với một con đường mòn ban ngày ít người qua lại, nhưng khuya khoắt thường có những toán người đi đứng bí mật. Khu vườn đó thoạt tiên cũng có nhiều cây trái, nhiều nhất là cây vú sữa, cây ổi, cây dừa (anh nhớ nhất những cây dừa nơi anh và Hà hay chạy vòng vòng, anh đuổi bắt Hà và Hà chạy trốn anh), nhưng dần dần ông Phụng đốn gần hết cây trái để lấy đất cất nhà, cho thuê. Ông chỉ để lại cho mỗi nhà một cây trước nhà. Gia đình anh đến đây thuê một căn nhỏ, vách đất, mái lợp tôn. Nhưng trong khu vườn này không chỉ xảy ra chuyện của anh với con Hà, thằng Đức mà còn những chuyện kỳ lạ khác suốt đời anh không thể nào quên được. Chuyện anh Khoa học giỏi, hiền như Phật, rất mực hiếu thảo với người mẹ già không chồng. Một đêm khuya anh trèo lên cây ổi trước nhà, hô to: “Đả đảo quốc gia!”. Không biết anh hô như vậy mấy lần, nhưng nghe nói chỉ một lát sau anh bị lính nghĩa quân trong xã dùng súng cạc-bin bắn chết, rớt từ trên cây xuống. Bà Sáu, mẹ anh Khoa, khóc không thành tiếng, lặng lẽ đem xác con đi đâu đó thật xa để chôn cất rồi không quay lại nữa. Như thể bà biết trước tất cả mọi chuyện sẽ xảy đến với con mình. Với anh, anh Khoa là biểu tượng của sự hiền hòa (anh hay cười hết miệng nhưng không thành tiếng) và sức khỏe (anh thường xách hai tay hài thùng nước từ giếng đi nhanh một mạch về nhà, vài chục lần như vậy thì cái thùng phuy nhà anh đầy nước). Làm sao một một cơn cuồng loạn dữ dội chết người lại có thể có mặt trong một thân thể tráng kiện và một tâm hồn lành mạnh như thế được? Người lớn trong khu vườn thầm thì nói với nhau rằng anh Khoa bị điên. Họ nói chỉ có kẻ điên mới im lặng suốt ngày! Còn sự vắng mặt khó hiểu của người đàn ông, chồng bà Sáu cha anh Khoa cùng với cái dáng cam chịu của người mẹ nữa; là nguồn cơn làm nên sự kiện kinh hoàng đó. Hay là người ta thêu dệt nên chuyện anh Khoa điên để che giấu tội ác giết người? Vì sao anh Khoa chỉ lên cơn điên một lần duy nhất và đi thẳng tới cái chết? Trong rất nhiều thắc mắc không bao giờ được giải đáp trong thời thơ dại của anh, có những thắc mắc đó.

Khu vườn, sau cái chết của anh Khoa, vốn không yên ổn từ lâu vì nằm trong một vùng tranh chấp quốc gia – việt cộng đã trở nên bất an hơn. Mỗi nhà bây giờ đều có một hầm trú ẩn đạn pháo, đào chìm hoặc xây nổi. Anh bắt đầu biết lo âu từ những ngày ấy. Chạng vạng, những người đàn ông gói ghém mền chiếu, áo quần, rồi vội vã đạp xe đi vào thị xã ngủ, để lại sau lưng vợ con và những ngôi nhà đóng cửa, tắt đèn sớm. Sát vách nhà anh là nhà cô Nhị. Cô Nhị đẹp mặn mà, nhưng không có chồng. Nhà cô Nhị không có hầm tránh đạn. Không biết vì cô nghèo không có tiền xây hầm hay vì lý do nào khác? Anh đoán có một lý do khác -- là cô không thường xuyên có mặt ở nhà. Mẹ anh (chắc chắn không phải là cha anh) cho khoét ở cái vách chung một cái cửa có miếng ván đóng mở đủ cho một người lớn chui qua, để nếu đêm nào có pháo kích nhà anh sẽ mở cái cửa đó cho cô Nhị chui qua, xuống trú trong hầm nhà anh. Thế rồi một đêm đạn pháo rú rít ầm ào đầy trời. Trước khi lùa các con xuống hầm mẹ anh đã kịp mở cửa vách và kêu cô Nhị. Nhưng mãi không thấy cô Nhị qua. Mẹ bảo anh chui qua nhà cô Nhị. Để rồi anh phải chứng kiến cảnh cô Nhị và một người đàn ông lạ trần truồng hì hục hổn hển trên giường dưới ánh sáng lập lòe của chiếc đèn hột vịt. Anh lắng nghe, mở to mắt một hồi rồi vội vã chui về, nói với mẹ rằng cô Nhị không có nhà. Và đêm đó cô Nhị đã làm nên một cơn bão táp mây mưa trong nhà mình để át hẳn và vượt qua trận đạn pháo ầm ào chết chóc bên ngoài. Thật là liều mạng và lãng mạn! Nhưng anh vẫn thắc mắc không biết đêm ấy cảm giác hoan lạc có hoàn toàn chi phối cô Nhị không? Hay chen lẫn trong hạnh phúc là nỗi sợ sệt nhưng cô không thể bỏ người đàn ông nằm đó một mình để chui qua nhà anh? Rồi chẳng bao lâu sau đêm đó cô Nhị âm thầm trả lại nhà cho ông Phụng, đi đâu mất, không cho ai hay biết, không nói với gia đình tôi một tiếng. Thiên hạ lại đồn rằng cô Nhị có chồng là Việt cộng nằm vùng. Và hai người đã rủ nhau “nhảy núi” (tức là vào chiến khu) rồi. Liệu người đàn ông đêm đó có phải là chồng cô không?

Những buổi ca nhạc do chị Thư tổ chức thưa thớt dần rồi cuối cùng chấm dứt hẳn vài ngày trước khi ông Phụng sang khu vườn cho người khác, đưa cả gia đình vào Sài Gòn. Từ đây anh không còn được mỗi chiều đọc ké tờ nhật báo Chính Luận nặng trĩu những trang quảng cáo ông hay để trên lan can nhà sau khi đọc xong. Ông Phụng ra đi vì sự an toàn của gia đình – là công chức cấp cao và thạo tin, ông biết rõ chiến tranh ở vùng đất này sẽ ngày càng ác liệt. Từ đây anh không còn trông thấy chị Thư nữa. Chị đi, để lại một khoảng trống vắng trong tâm hồn anh. Lần đầu tiên trong đời anh cảm thấy mình mất đi niềm âu yếm như làn gió nhẹ từ người chị lan tỏa khắp khu vườn và vương vương trên thềm nhà chị nơi anh hay ngồi xuống chờ đợi mỗi khi chị vắng nhà.

 

[còn tiếp 5 chương]

 

 

-------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021