thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NGƯỜI KHÁNG CHIẾN [trích]

 

QUẢNG TRỊ - TOURANE - MAI XÁ - SAIGON - DALAT - SAIGON

 

1

 

Viết về cha tôi, thật khó lấy một cái mốc để bắt đầu. Là công chức, là cán bộ, rồi công chức trở lại, trước khi trở thành tư chức, đời cha không thầm lặng, không trầm lắng như những từ hiền lành ấy thường dễ gợi cho ta. Là thư ký tòa sứ tỉnh Quảng trị, khoảng hăm bốn hăm lăm tuổi cha đánh sếp Tây của mình, nghe nói đánh đến chảy máu miệng; đứng đầu ngành thuế vụ thời Việt Minh ở thành phố biển Tourane, vì sáng sớm ngày toàn quốc kháng chiến cha đã phải hối hả đẩy mẹ con chúng tôi lên xe lửa về quê không kịp mua vé tàu, nên một ngày đẹp trời có thể không còn chịu nổi cảnh mất liên lạc gia đình, cũng có thể đơn giản là cha nhớ mẹ con chúng tôi, hay tiếc những buổi sáng cùng gia đình quây quần ăn sáng dưới ngọn đèn vàng ấm áp ở tầng lầu một (chỉ bước xuống chiếc cầu thang chữ U vuông bằng gỗ quí là đã có thể ngồi chễm chệ trong văn phòng!), hay đơn giản hơn là có thể chỉ vì nhớ một mình mẹ tôi thôi (mẹ thời ấy đã sinh sáu lần, giữ được năm) bởi lẽ mẹ đẹp vô cùng, cha thản nhiên bước ra khỏi phòng làm việc và tôi không nhớ có nghe cha nói bằng con đường nào cha đã vượt gần hai trăm cây số, trong hoàn cảnh giao thông khó khăn, hay gần như không có phương tiện giao thông nào, và về tới tận cái làng hẻo lánh ven biển không phải là làng chúng tôi, mà là làng chúng tôi được phép tản cư đến, để tìm gặp mẹ con chúng tôi – gặp một đêm, chỉ một đêm. Về một đêm này, chắc tôi sẽ không quên trở lại, nếu như lần nầy đây tôi có thể đi tới cùng cái thử thách viết về cha vẫn ấp ủ từ mấy chục năm nay, và mỗi lần thử bắt đầu, cũng do cái mốc phân vân muốn chọn lựa mà không chọn lựa nổi nói trên, chưa bao giờ tôi đi quá năm trang giấy.

 

Khi tôi ra đời, cha tôi đã là một người lớn. Sau này quan sát cha dạy dỗ chăm sóc các em tôi, các em đợt hai, tôi thường nghĩ có lẽ thời còn bé cha đã dạy tôi đủ điều. Nhưng tôi lầm. Tôi không nghi ngờ gì cả về việc cha có thương chúng tôi hay không, bởi vì hình như cha rất nổi tiếng về chuyện thương con, nhưng như lời mẹ tôi kể, thời ấy cha phó thác mọi việc cho các chị vú và người giúp việc (cũng sau này tôi được biết vú của tôi là một trang khuynh nước khuynh thành), thậm chí cha còn muốn cả mẹ cũng chỉ nên đứng bên cạnh để ngó mà thôi! Cha đi làm ở công sở, cuối tuần cha hớn hở trải khăn trắng lên cái bàn vuông ở phòng khách, đặt lên đó một bộ bài tây, bảo mẹ chuẩn bị trà và cà phê bánh ngọt, rồi sẵn sàng ngồi chờ bạn bè... Mẹ bảo cha không phải là khó tính lắm, nhưng khi chúng tôi chỉ ấm đầu một chút thôi, chứ chưa phải là sổ mũi, cha có thể mất hết bình tĩnh, bắt đầu canh chừng những người ăn ở trong nhà, đi lui đi tới, và... khịt mũi. Thế nhưng không phải cha hoàn toàn không gần gũi chúng tôi: cha thường thích đặt người xuống ngay giữa chiếc giường rộng, để nằm một bên là chị tôi, chị cả, một bên là tôi, ngó qua bên này, rồi ngó qua bên kia, và sáng tác một câu mà mãi đến khi tôi đã gần đến tuổi bảy mươi thỉnh thoảng trong nhà vẫn nhắc mãi: ngó qua con D thì tội thằng S, ngó qua thằng S thì tội con D. Câu nói có vẻ là nói đùa, có khi nghe như thơ, hay như một câu vè, tùy người nghe, nhưng với tôi dấu ấn của nó đậm đến nỗi mãi về sau, khi chính tôi có nhiều anh chị em trong nhà, rồi lớn lên nữa có nhiều bạn bè, rồi con cái, tôi vẫn cứ nghiêm chỉnh có cái suy nghĩ tương tự – về một thứ công bằng trong cuộc sống, ngay cả trong một số hoàn cảnh sự công bằng ít ai đặt ra.

Mẹ tôi rất đẹp, chữ nghĩa mộc mạc của tôi không làm sao tả ra hết được, nên tôi phải xin khất lại về sau, nếu như lần nầy đây tôi có thể đi tới cùng cái thử thách viết về cha vẫn ấp ủ từ mấy chục năm nay, và mỗi lần thử bắt đầu, cũng do cái mốc phân vân muốn chọn lựa mà không chọn lựa nổi, chưa bao giờ tôi đi quá năm trang, và tìm cho ra mỗi năm trang kia trong cái mớ ngổn ngang giấy má nằm đâu đó trong phòng làm việc của tôi là điều sức khoẻ tôi hiện nay không cho phép. Còn cha? Cha nước da ngăm, khuôn mặt không bảnh trai, mắt hơi hiếng, cái hiếng những lúc cha giận dữ thì trông xấu, nhưng những lúc cha vui vẻ thì, nói khách quan, nó tự ghép chung với một chiếc răng khểnh nằm đâu đó tôi không còn nhớ chính xác vị trí, để đặt lên khuôn mặt không bảnh trai ấy một vẻ thu hút lạ lùng, tựa như thiếu cái chút hiếng và cái răng khểnh kia thì khuôn mặt – và cả những điều nói ra – chưa tới. Có người cho rằng vì chỗ khác biệt đó, cha mẹ tôi không cân đối. Tôi có cái suy nghĩ khác mà tôi cho là chính xác và văn học hơn: cha và mẹ tôi là một kết hợp đẹp đẽ giữa thần và sắc.

Cuộc hôn nhân của cha mẹ tôi trôi chảy, bởi vì đây là một cuộc hôn nhân sắp xếp: thời ấy con gái một vị bác sĩ tây y nổi tiếng trong tỉnh về với con trai của một vị quan nhỏ trong triều, xuất thân từ một gia đình khoa bảng đã sản sinh ra những hoàng giáp nổi tiếng cả nước, đông tây gặp nhau, đâu thể có cái gì đẹp hơn? Như thế, cha mẹ tôi biết nhau, rồi gặp nhau, nói chuyện với nhau, nhất nhất đều do sắp xếp của hai bên, có thể dưới cả sự giám sát chắc hẳn không cần phải kín đáo hay ngụy trang của hai bà mẹ, và mọi thứ như thế cũng có lẽ đã khởi đầu trên chiếc chiếu bốn người ngồi của những buổi tứ sắc? Tôi không thể nào chắc chắn. Khi tôi đã lớn, trong nhà anh chị em không những có đợt một, mà còn có một phần của đợt hai, thỉnh thoảng trong những bữa cơm tối, ai nấy có quyền thong thả kéo dài những giây phút ấm cúng hiếm hoi trong đời sống hàng ngày bấy giờ đã bắt đầu trở nên gay go do những biến động xã hội, chiến tranh từ xa và có khi chiến tranh ngay cả trong thành phố, cha tôi hơn một lần thân mật nhắc lại một chi tiết trong quá khứ của cha và mẹ, nói với chúng tôi rằng lần đầu cha gặp mẹ, mẹ đang nhảy dây với các chị em của mẹ, hay bạn bè gì đó. Mẹ có nhiều hình đen trắng hoặc màu sepia chụp thời mới lấy chồng, nhưng những hình đó không giúp tí nào cho anh chị em chúng tôi trong việc tưởng tượng cái cô con gái nhỏ nhắn hiền lành, tóc vấn cao có rẽ đường ngôi một bên kia, đẹp hơn cả một đóa hoa, lại có thể đã là một bà vợ, và bà vợ ấy, không lâu trước đó, vẫn còn nhảy dây với chị em, với bạn bè... Những giai thoại về cha mẹ tôi thường không được kể lại, hoặc làm sống lại đầy đủ: những mảnh rời trong cuộc đời trải qua đủ các thời lịch sử giông bão khác nhau của một đôi vợ chồng bình thường, với những nỗi lo bình thường, khởi đầu tựa như hai thanh thiếu niên đầu hôm sớm mai bỗng thấy mình không còn ở cái chỗ xưa nay vẫn ở, với những người thân xưa nay, hàng ngày, vẫn gặp ra vào, từ những họ hàng bà con thân sơ thường lui tới, mãi từ những mảnh đất xa xôi trong nam ngoài bắc, cho đến những người khăn gói từ những vùng quê lân cận... Đầu hôm sớm mai, mọi chuyện đều khác, ra vào trong nhà, chỉ có hai người. Chỉ có hai người phải làm đầy, và phải hít đầy không khí của cả một căn nhà. Cha đi làm ở tòa sứ, ngày tám tiếng, tôi đoán chừng như thế, và chắc chắn cái thời ấy người ta chưa có sáng kiến hiện đại đi vào bàn giấy, để cái cặp xuống bàn, rồi lấy lý do công tác để đi ra ngoài phố ngồi quán nước như thời nay, mà ở một tỉnh nhỏ bé như thế tất nhiên cũng chẳng có quán nước để có thể ra ngồi. Cha lại không thích nhìn thấy mẹ làm việc này việc nọ, cha thường ít khi quên dặn mẹ, mỗi khi đóng cánh cửa lớn ngó ra bờ sông để đi làm: bên nớ không phải làm chi cả, mọi chuyện đã có chị vú và, vân vân...

Ít khi để ý đến việc nhà, càng ít khi cụ thể làm bất cứ một việc gì trong nhà, tay chân theo như tôi nhớ, không phải chỉ trong một quãng thời gian nhất định nào, mà trong nhiều giai đoạn khác nhau của cuộc sống gia đình, có vẻ như vốn rất là lều khều, nói thẳng ra là lúc nào cũng vụng về, cha tôi lại là một trong những người rất sớm đi Hướng đạo, và nghe đâu thuộc loại chức sắc, mỗi lần đi cắm trại – có khi vào tận Huế, nếu như căn cứ vào năm bảy tấm hình màu sepia sinh hoạt lửa trại trên núi Bạch mã và những vùng phụ cận Huế hay Quảng Trị còn để lại, mà mẹ tôi thỉnh thoảng đem ra cho chúng tôi cùng xem, vào cái thời cha tôi đã đi kháng chiến, ngày đêm còn đeo balô đạp xe đạp xuyên qua những núi rừng Việt bắc để làm công tác tuyên truyền về thuế nông nghiệp – chắc cha không quên nhờ một chị em nào đó, hoặc là chị em của mẹ, hoặc một trong những em gái của cha, đến nhà ngủ với mẹ.  Cha có cả thảy năm con trai, thì nói chung hết hai đã được thừa hưởng ít nhiều cái lều khều nhỏ này của cha: tôi chủ quan tự xét mình không có trong số đó. Nhưng ngược lại cha là một người không những có một đam mê thôi, mà còn có một năng khiếu kỳ lạ, về chuyện dọn nhà, nói đúng là thói quen dọn nhà. Cha là người ăn ở rất sạch. Chỗ nào cha buớc chân tới, chỗ ấy tất không thể có một hạt bụi. Trừ nhà bếp, mà cha không đặt chân tới, hoặc chỉ đặt chân tới để xem có mẹ tôi ở đấy hay không thôi (cha xưa nay vẫn có cái thói quen đi tìm vợ ngay trong nhà mình, vào bất cứ lúc nào, và có khi không để làm gì cả, nghĩa là việc đi tìm rất có thể chỉ bắt nguồn từ một cảm tưởng bất an có từ bao giờ không ai đoán được!), những phòng còn lại có thể nói liên tục được hưởng qui chế săn sóc và thay đổi ít ra là mỗi ba hay bốn ngày, hay lâu lắm là một tuần lễ. Như thế, cả cuộc sống kéo dài, trừ gần tám năm kháng chiến sống ở Việt bắc, và một thời gian không lâu ở thành phố Tourane, những căn phòng sắp xếp theo sáng kiến và kiểu cách mới thay đổi liền liền của cha tất nhiên nhiều lần bắt buộc phải trở lại bố trí cũ, cho dù với những sự hào hứng mới. Có một ngoại lệ chăng, là thời gian mới chuyển vào Saigon đầu năm 1953, cả nhà còn ở tạm trong một hai phòng nhỏ cọng với một phòng bếp ở tầng dưới một ngôi biệt thự nằm trên Boulevard Galliéni đi vào Chợ lớn mà tôi nghĩ là thuộc khu dành cho gia nhân, bởi lẽ toàn bộ biệt thự thời ấy được sử dụng làm nơi làm việc hành chánh của cả một Bộ trong chính phủ, mà Bộ trưởng chính là ông ngoại bác sĩ của tôi. Sự chăm sóc ấy của cha thường khi không được mẹ con chúng tôi hưởng ứng, có thể nói là kể từ những ngày sơ sinh của sự sáng tạo ấy cho đến khi cha đã già, do sức khỏe xuống dần nên đam mê cũng xuống theo, ít ra là nó không hề được hiểu là một công việc nhà. Nếu nó không thuộc phạm trù mỹ thuật, một đằng, thì đằng khác, nó cũng không được coi là một nhu cầu, có nghĩa trong trường hợp này, có những lúc, nói tội nghiệp cha, những nỗ lực sắp xếp của cha không thuộc loại nghệ thuật vị nghệ thuật, cũng không phải nghệ thuật vị nhân sinh. May cho cha, cha mẹ có cả thảy mười người con, cọng với mẹ tôi là mười một người, không ai coi là ch yện trịnh trọng bất cứ loại nghệ thuật nào trong hai thứ vừa kể. Cái nghệ thuật lớn nhất, đáng làm nhất đối với hầu hết anh chị em chúng tôi (có thể lấy từ cha, hay từ mẹ?) không lệ thuộc sáng kiến hay ý thích của người khác, nghệ thuật ấy là thứ nghệ thuật làm theo ý của riêng mình, và làm cho mình vui. Những người con của cha mẹ tôi ai nấy không giống phần còn lại trong đại gia đình, không bao giờ phải ngó trước ngó sau để xem ai thích cái gì thì mình thích cái ấy; làm nghệ thuật với chúng tôi, nếu có phải gọi như thế, ấy là làm đúng cái điều mình thích và làm được cái điều ấy, theo ý thích của mình – cho vui. Cũng như cha, là người kiên trì không vị bất cứ cái gì ngoài ý thích của chính mình, và gần suốt cuộc đời bên gia đình, cha cứ thế thay đổi vị trí những đồ đạc trong nhà, nhất là cái thời mới chân ướt chân ráo bước vào Saigon.

Cho đến bây giờ, tôi tin chắc những anh chị em đợt một chúng tôi không quên những buổi sáng cuối tuần được theo cha mẹ đến một nơi mà chúng tôi chỉ biết tên tiếng Tây là salle des ventes, tôi nhớ nằm ở tầng trệt trên đường Lagrandière về sau đổi lại là Gia Long, từ nhà chúng tôi ở khu Nancy (nửa đường Saigon Chợ lớn) đi về phía Saigon, nó nằm bên tay trái, đâu đó gần cái nơi về sau tôi được biết là Thư viện Quốc gia, đi thẳng tới đường Catinat, rồi quẹo trái là ra tới Nhà thờ Đức bà màu đỏ gạch cao lêu nghêu trông giống như từ những tấm cartes postales bước ra. Cái tên Tây salle des ventes ấy nằm lâu năm trong đầu chúng tôi như một nơi duy nhất ở đất Saigon (mà nhiều năm sau tôi vẫn nghĩ là chúng tôi chưa biết hết) người ta bán bàn ghế tủ kệ, giường ngủ, đèn bàn, salon, đivăng, ghế bành, đồng hồ treo tường, tranh ảnh, vân vân, với một người đứng trên cao lớn tiếng hô to giá người mua chịu mua, và cái hình ảnh mua bán kia một thời làm chúng tôi tin rằng ở những chốn văn minh, có thể mọi việc mua bán đều theo một phương cách như thế, phải qua một trận hỏi đáp kịch liệt: người hỏi phải la lớn, người mua cũng phải hét to... Có thể nói trong vài năm kéo dài sau đó, khi gia đình chúng tôi bắt đầu dọn ra ở một căn phố cũng trên đại lộ Galliéni ấy, nhưng là sát nách bên kia khu Nancy, phía sau nhà có một con kinh nhỏ đen sình lầy cũng là phía sau dãy nhà lợp tôn của Institution Kiến Thiết là nơi mấy tháng trước đấy lần đầu tiên tôi mặc cái quần sọt kaki mới tinh (do mẹ tôi may lấy, và may bằng tay) nép mình vào bộ áo quần tây màu nâu của cha đi vào lớp Troisième année, những vật dụng thu nhặt được từ salle des ventes là những đồ chơi thích thú đem lại cho cha tôi nhiều dịp tự thử thách sáng kiến và đầu óc mỹ thuật của mình, một mặt, và mặt kia, nó giữ chân cha ở nhà nhiều hơn với mẹ con chúng tôi thay vì đi rong nhậu nhẹt đàn đúm như nhiều bạn bè cha quen biết trong Bộ.

 

 
Catinat, SAIGON 1953

 

 

2

 

Sau này tôi biết tôi sẽ có thể phải mất công xáo tung những trang này, nếu như bây giờ tôi quyết định làm một công việc điên rồ là sắp xếp cuộc đời cha tôi theo một bố cục hẳn hoi. Suốt cuộc đời cha rao giảng sự thứ tự cho anh chị em chúng tôi, cả cho mẹ chúng tôi mà có thể lúc nào cha cũng yêu theo cái cách của một người anh cả, nếu không bảo là một người trên nói chung (cha hơn mẹ tám tuổi), thế nhưng trong những chuyện lớn, trong nhiều chuyện lớn, hình như cha thường cho mình sự ngoại lệ. Bảo rằng cuộc đời cha không có bố cục là không đúng, có điều hầu như lúc nào cũng chính cha là người có sáng kiến làm khác đi: chân ướt chân ráo bị bắt về thành, tức là về ngay Quảng Trị, rồi đang yên ổn ở Bộ Cựu chiến binh và phế binh ở Saigon, cha có sáng kiến nhảy qua Bộ tài chánh; ngồi không lâu ở Bộ tài chánh, có thể thích một số anh em bạn bè mới từ bên Tây về nước nhưng đặc biệt không ưa ai đó, cha khăn gói qua Thuế vụ; ngồi ở đây chưa nóng đít, cha bỏ những tay ba tàu ở Chợ lớn ngày đêm cứ đến đòi đút lót hối lộ, lên làm Thuế vụ Dalat; rồi ở đây, giữa lúc cả gia đình đang tận hưởng những ngày tháng thoải mái êm đềm với một cuộc sống riêng chỉ nói về vật chất thôi đã phải gọi là vượt rất xa sự mơ ước, trong một buổi họp với Đại biểu chính phủ (tương đương với Thủ hiến một miền, vả chăng cũng là một người cậu họ hàng xa của cha), giữa bao nhiêu chức sắc mặt mũi của cả một thành phố trung tâm Cao nguyên Trung phần, cha cảm hứng lên tiếng dạy và gần như mắng vào mặt vị Đại biểu kia, để rồi mấy tháng sau khăn gói đem cả một bầu đoàn thê tử trở về Saigon... Những thứ đổi đời đột ngột kia do một tay cha làm ra, và nói cường điệu, thì có thể gọi là dưới chiếc đũa phá cách của người điều khiển dàn nhạc là cha, cả gia đình chúng tôi đều có những cuộc phiêu lưu không ăn nhập gì đến những sắp xếp giao hưởng trật tự theo lý thuyết của con người kháng chiến ấy. Do đó, anh chị em chúng tôi, so với bạn bè chung quanh, bất cứ nơi nào cha đưa đến, cũng được xếp vào hạng vô địch về khoản... đổi trường, đưa đến một tình trạng có lẽ rất phù hợp với bản chất và cả hiện tượng nơi cha: giống như cha, anh chị em chúng tôi rất nhiều bạn.

 

 
Saigon, 1968.

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021