thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
ÂM VỌNG: “Mỵ Châu” [2]

 

Lời toà soạn:
“Mỵ Châu” là một chương trong tiểu thuyết Âm Vọng của Lê Thị Thấm Vân (California: Anh Thư, 2003). Trong bản in trên giấy, chương này được xếp sau chương “Tiên Dung” và trước các chương “Âu Cơ” và “Man Nương”, nhưng, theo tác giả, cuốn tiểu thuyết có thể được đọc bằng cách bắt đầu từ bất kỳ chương nào, theo bất kỳ thứ tự nào. Chúng tôi xin giới thiệu chương này thành 6 kỳ.

 

 

Đã đăng: “Mỵ Châu” [1]

 

Ngày... tháng...

Sốt li bì, nằm bẹp dí suốt hai ngày trước, hôm qua thấy đỡ, vào làm hai tiếng phải xin về sớm, đầu choáng váng chịu không thấu. Làm bộ nail được ba đồng tiền tip, mua tô phở thì thiếu mà ly cà phê sữa đá thì dư. Ghé McDonald’s mua cho thằng Lô cái happy meal. Đã bị bệnh, con Tiên làm mình quỵ thêm. Nó về, mặt lầm lì như điệp viên 007, mình chửi rủa la mắng, nó im thin thít. Ông già dở giọng năn nỉ ỉ ôi, coi bộ nó còn chịu khó ngồi yên, nhưng nghe, thì chưa chắc. Ông già doạ mình: “Con mà nói, la, đánh, là nó bỏ nhà đi luôn.” “Đi cho đi, chết bờ chết bụi, kệ cha nó!” Mình hét toáng. Ôi, lại đụng đến thằng con “trời đánh thánh đâm” của ổng, mặt ổng tối sầm như trời sụp, giờ mình lại thấy tội nghiệp ông già, căn bệnh ung thư bọng đái mà lên cơn chỉ tổ làm khổ ổng khổ mình. Thôi, không muốn nghĩ gì trong lúc này, đầu nặng như đeo tảng đá, mà người thì nhẹ như đang lướt trên mây. Ngày mai phải khoẻ. Nghỉ một ngày là con mẹ chủ trừ lương một ngày, còn doạ nạt chia phần trăm lung tung. Tay làm hàm nhai. Khách mà qua tay người khác là nửa phần mất. Thông ghé lại khi nãy, mang cho tô phở gà, nuốt không trôi, mùi phở mùi ống cống y chang nhau. Thằng Lô càng ngày càng bám ông già và Thông, bớt bám chị và má, mình đi cả ngày, tối về mệt đứ đừ đư, chỉ muốn nằm thẳng cẳng coi phim bộ. Thương con mà chẳng biết làm sao, nghĩ má mình ngày trước chắc cũng khổ y mình bây giờ. Mười lăm tuổi mình đã tập tành bỏ nhà đi hoang, cũng bị bà già chửi bới, đánh đập, rượt đuổi, la hét um sùm quanh xóm. Mình cũng doạ lại bà già làm quá là mình đi luôn. Bà già nói ừ có gan thì đi, mà phải đi luôn, đừng vác cái mặt về lại nhà. Mình đi một hai ngày là mò về, có khi lâu thì hơn tuần lễ. Lần cuối là đi luôn một lèo sang tới Mỹ. Đi xa rồi mới nhớ bà già. Giờ có con mới thấy thương, tội bà già. Bù lại, làm được bao nhiêu tiền mình kí cóp gửi về cho bả xây nhà, làm vốn buôn bán. Xong bà già, mình quay qua lo cho mấy bà chị, ông anh, rồi bầy em... mấy cũng chẳng thấm tháp vào đâu. Tiền vô nhà khó như gió vô nhà trống, thiệt đúng y chang. Xấp hình tết vừa rồi bả chụp gửi sang cho coi nhà vừa xây xong, hai tầng, mái ngói, sàn gạch bông, có cả song sắt chắn. Đã quá đã! Bả ngồi bệt trước cửa nhà, người nhỏ thó cong queo như tép rang, cười chẳng còn răng chỉ toàn lợi. Cái nhà to, đẹp nhất hẻm. Cả xóm “gán” mình là “đứa con gái hoang đàng, hư hỏng, đĩ thoã, mất nết, bất trị, chẳng ra gì, ngu dốt, nghèo hèn, không học hành, thứ con nhà bán mía ghim... Giờ qua Mỹ, chỉ tổ làm đĩ mới lắm tiền gửi về cho má nó xây nhà to nhất xóm.” Ừ, mà mình làm đĩ thật, mà cũng làm nghề móng tay thật. Kệ cha thiên hạ, cây nào trái nấy, nhà nào cảnh nấy. Chắc vì họ ganh ghen với bà già mình nên bày trò gièm pha nói bóng nói gió. Họ có cho bà già mình đồng bạc cắc nào đâu. Lần đầu mình về thăm nhà, cả xóm túa ra xem như đi coi mặt đào gánh hát. Mình tay xách nách kẹp mấy cái va li to tổ chảng đầy ứ áo quần quà cáp. Mô-đen Mỹ về Việt Nam trời nóng thở không ra hơi, bận chỉ để khoe bà con lối xóm, chọc tức cha con chơi, trả thù ngày xưa cả xóm khinh chê gia đình mình nghèo. “Thứ con nhà bán mia ghim mấy đời.” Trước ngày rời Việt Nam, mình phát ch mỗi người một cái, vất luôn va-li quần áo màu mè kiểu cọ, toàn thứ cất treo trong viện bảo tàng vì chẳng biết mang đi đâu, ai coi ai ngắm. Cái xóm mỗi khi mưa là bị lụt, nước ngập, phải xắn quần tận háng mà lội. Mùa nắng thì nóng như bị sốt thương hàn, mồ hôi mồ kê chảy ròng ròng. Có mình dị dạng vô duyên từ Mỹ về, bà con chòm xóm ngắm mình như ngắm thằng hề múa quạt mo ngày mồng một tết. Lần về thứ nhì, hết tay xách nách kẹp, mình rút tỉa kinh nghiệm, túi đựng mớ đô-la tờ trăm giúp bà già mở sạp bán thịt. Bà già khoái bán thịt, nhất định không bán cá. “Thịt sạch hơn, không tanh tưởi.” Bà già nói. “Bán thịt bớt ruồi bu.” Chị Ba nói. “Mở được cái sạp cho bà già ngồi là bả mừng rồi.” Anh Tư nói. Mọi người trong nhà ai cũng xăng xít hớn hở phấn khởi ra mặt. Chỉ có con Tám giọng yếu xìu, “Kiếp này bán thịt, kiếp sau đầu thai làm con heo, con bò.” Con Tám là đứa trầm ngâm ưa nghĩ ngợi nhất nhà. Từ ngày có sạp thịt, bà già bớt bị chòm xóm coi thường. Vậy là mía hết ghim vào dòng họ nhà mình rồi. Bà Sáu mía ghim giờ đổi thành bà Sáu bán thịt. Như ở Việt Nam gọi mình là con Bảy, qua Mỹ đổi thành Kimberly. Mấy con mẹ làm chung trong tiệm cứ gọi tắt là Kim-bờ cho tiện.

Mệt rồi, đầu lại choáng váng, phải đi uống thuốc, nằm nghỉ, ngủ, bữa khác viết tiếp.

 

Tối thứ tư,

Khi chiều ghé nhà Mây mang cho nó bịch hạt dẻ, tha hồ con nhỏ nướng, rồi vừa coi tivi vừa ăn. Biết nó mê hạt dẻ, Safeway đang sale, hột to, ngọt, bùi, dễ bóc, không sượng như lần trước mua ở Nobhill. Mình nhờ Mây khuyên nhủ con Tiên giùm, con Tiên có vẻ “phục nể” Mây. Mây nói sẽ gắng thử, nhưng không dám chắc có hiệu quả. Mây cắt tóc ngắn lên nửa gang tay. Cắt rồi, để xoã, tóc vẫn còn che lưng. Mây có mái tóc đẹp. Trông Mây hôm nay có vẻ buồn. Mình nói với Mây, “Mỗi lần tui chán đời, hay muốn thay đổi, dứt khoát cái gì là tui đổi kiểu tóc.” “Tui thấy tóc bà khi nào cũng một kiểu: ngắn!” Nó nói lại. Mình đoán có lẽ Mây đang có ý định rời khỏi San Jose. Hỏi nó, nó lắc đầu nói chưa. Không lẽ nó khổ vì thất tình. Hỏi, nó cũng lắc đầu cười: “Được vậy, cũng đỡ.” Con nhỏ khó hiểu bỏ mẹ. Ráng hiểu được nó chỉ tổ thêm nhức đầu.

Khi sáng trong tiệm lại gây gổ nhau. Chuyện chẳng ra đâu vào đâu, thật lãng xẹc. Thu Cúc, cháu bà chủ nói điện thoại với chồng, giọng Huế rặc, “bai hí, bai hí...” “Có phải ngựa đâu mà hí miết.” Con Linh bày têu. “Hí đâu mà hí, hị hị thì có, chữ gì cũng dện dấu nặng.” Bà Dung bồi thêm. “Không lẽ nửa đêm nứng, cạ cặc chồng rủ ‘đụ hị đụ hị... anh hị,’ ” mình nói. Cả đám phá cười to, tưởng Thu Cúc qua Hương Lan mua bánh mì thịt nguội, không ngờ nó còn nằm trong phòng. Thu Cúc là tiểu thư xứ Huế thứ thiệt. Cái tên nghe cũng kêu, và rất phiền: Công Tằng Tôn Nữ Thu Cúc. Ngày đầu, bà Dung nói mình thử đọc ngược cái tên Thu Cúc. “Nghe như đực rựa cứng cặc.” Cúc lấy chồng Việt Kiều. Cô nàng mới từ tiểu bang Oregon xuống đây học nghề móng tay. Hai mươi hai tuổi, tóc thề, trắng trẻo, gót chân màu hồng đào như lòng bàn tay. Giọng nhẹ như gió thổi, dáng đi khoan thai nhìn sốt cả ruột. Thu Cúc gọi điện mách dì, chồng. Chưa tới nửa tiếng cả dì lẫn chồng có mặt tại tiệm cùng lúc, lôi cả đám ra mắng cho một trận, dám cả gan chọc quê, cà khịa cháu gái yêu quý, đài các, đáng giá ngàn vàng của bà. Con Linh doạ tuần tới nghỉ làm luôn, mình khuyên nó đừng, không biết ngày mai vào làm nó có đổi ý không.

Hôm nay thấy khoẻ trong người một chút. Thông mua cho lọ thuốc bổ cả hơn tháng nay, dặn mỗi ngày uống một viên mà mình cứ nhớ nhớ quên quên, ngày đực ngày cái. Mình phải tập ăn uống điều độ, ngủ nghê đều đặn, nhất là siêng tập thể dục. Cái bụng ngồi nhiều bắt đầu phì, phải bận quần jeans hãm lại, và bớt ăn vặt. Trông cái tướng bà Dung lê qua lê lại trước mặt mình mỗi ngày thấy phát sợ. Mập quá đi đứng cũng mệt, thở nói cũng mệt. Mình chưa mập nhưng không khéo giữ thì cũng có triển vọng. “Em mà mập anh còn thương em không?” Mấy lần mình hỏi Thông. “Mập ốm gì anh cũng thương cả.” Ảnh dễ thương ở chỗ đó, dù chẳng xơ múi mần ăn được gì. Mình thương ảnh làm sao đâu... khó nói, khó diễn tả. Chẳng khi nào mình muốn ảnh buồn. Ảnh mà buồn mình còn buồn hơn ảnh nữa kìa.

 

Chủ Nhật. Ngày... tháng...

Đêm qua hai giờ sáng Thông điện thoại từ nhà người bạn bảo mình đến chở anh về. Anh say bí tỉ, chẳng còn biết trời đang đêm hay ngày, kẻ đứng trước mặt anh là ai. Gần nửa năm nay Thông mới say lại như thế dù anh vẫn uống bia, rượu mỗi ngày như đi đái đi cầu. Nhấc được anh vào nhà cái lưng mình muốn gãy đôi. Trời giữa mùa thu, giữa đêm hôm, lạnh cóng làm mười đầu ngón chân mình tê cứng. Cũng may anh và mình đồng cân lượng, nếu không đành chịu, chắc phải mướn người vác. Mình loay hoay thay quần áo, rửa mặt, mình mẩy cho anh. Anh lẩm bẩm vài câu gì đó rất nhỏ, mình cóc thèm nghe, đã quá quen những lần say mềm người của anh như vậy. May cho anh và cho cả mình, là những lúc say, anh không la hét, ói mửa, đập phá, hay chửi bới. Khi say, anh chỉ nói nhỏ, rất nhỏ (như mấy bà già lẩm nhẩm đọc kinh cầu Chúa hay niệm Phật). Đôi khi anh khóc, nước mắt chan mờ tròng mắt, rồi anh xoay người, úp mặt ngủ. “May mà khi say trông anh không dữ tợn.” Mình từng nói với anh như thế. Lắm lúc buồn bực, mình nói nặng nói nhẹ, nhưng nghĩ cho cùng, nếu ép ảnh, không cho hút thuốc, không được uống rượu cũng thấy tội... tội ảnh làm sao!

Lúc thảy được anh lên giường, mình nằm xuống cạnh, thò tay vào quần đùi chơi với thằng nhỏ một lát. Thỉnh thoảng mình vẫn ưa làm cái trò khùng điên, quái đản như vậy. Tỉnh, anh cũng để yên, mà say anh cũng nằm yên. Thằng nhỏ mềm tuột chảy như mảnh da thiu thừa. “Đồ chơi của em. Nó là của em.” Mình nói với anh, như với miếng thịt thừa vô dụng cuộn tròn trong lòng bàn tay.

Lần đầu, đã lâu lắm. Dễ chừng tám năm rồi mảnh da thiu thừa rớt trên từng kẽ tay, rơi rủ trên lưỡi... với lòng háo thắng, kiêu hãnh của con mụ đàn bà đĩ ngựa nổi xung giận dữ. Tại sao? Tại sao? Tại sao? Chẳng tại sao cả. Nó là như thế. Đưa cả bàn tay kéo lên kéo xuống. Lè lưỡi liếm, bú, mút, ngậm... thậm chí nhai, nó vẫn là mảnh da thiu thừa, nhão nhợt, im lìm tựa tảng đá chết tự ngàn năm. Anh, vẫn là anh. Chỉ mình với sự điên cuồng tức giận, tự ái một cách vô lối, như bị sỉ nhục không vì tội tình gì. Mình nhất định gắng hết sức cho anh biết làm người đàn ông như thế nào. Những sợi tóc trên đầu mình anh xoắn mạnh liên hồi. Xúc động lắm chỉ đến thế. Ngón tay xoắn mạnh của anh và chân tóc đau của mình. Tám năm, thời gian dài đủ để trải qua mọi cảm xúc và giờ thì tất cả biến thành thói quen, nhưng không quên. Thỉnh thoảng, như đêm qua, lại ùa về, như cơn gió chướng giữa trời thu đêm. Thò tay vò, vọc, chơi với mảnh da thiu, thừa thãi, vô nghĩa. Khô. Chết.

Có một lần, lúc còn nhỏ, mình nghe ai kể hay đọc đâu đó câu chuyện Ba Điều Ước của cặp vợ chồng già ngớ ngẩn, bộp chộp, nông cạn, háu ăn. Một đêm đông, ông bà ngồi bên bếp củi chuyện trò trên trời dưới đất. “Ước gì mình có được ba điều ước, bà há?” Ông vừa nói xong, bà tiên bỗng hiện ra ngay trước mắt. “Kể ta nghe, ta sẽ cho hai con toại nguyện.” Ông già bộp chộp: “Ước gì có được khúc dồi để... nhậu thì sướng biết mấy!” Khúc dồi to tướng hiện chình ình ngay trước mặt. Bà già tiếc toi một điều ước, mất cả trí khôn, “Khúc dồi dính lên mũi ông bây giờ.” Liền tức khắc khúc dồi nhảy lên đeo dính cứng cánh mũi trái ông già. Ông già vừa tức bà già vừa giận cái mũi bị lệch vì nặng, “Tổ cha khúc dồi biến liền cho ông.” Khúc dồi tức thì biến mất. Ba điều ước đến đi trong tích tắc. “Còn em, nếu được một trong ba điều ước, em sẽ ước là anh được khúc dồi... thật. Rồi một trong hai điều ước còn lại là có thật nhiều tiền cho chắc ăn. Anh khỏi phải hằng đêm đi gác dan, em ngưng nghề móng tay. Có tiền tụi mình làm được thiếu cha chi chuyện, phải không anh?”

Ôi khúc dồi, lạp xưởng, hot dog, xúc xích, chả giò, bì cuốn mặn, gỏi cuốn chay... Mình đã nhai, nuốt, tọng, ngốn, ngấu vào bụng biết là bao, trong từng ấy năm trên cõi ta bà, tục lụy, trần gian này!

 

Sáng thứ hai...

Trời đẹp dễ sợ. Nắng sáng rực. Mưa suốt đêm qua chắc vậy mà trời đẹp. Lá dọc đường đồng loạt ngả sang màu vàng. “Sau cơn mưa trời lại sáng.” Mình thích câu này, dù hiếm hoi đúng với mình. Cứ dứt cơn mưa này nối tiếp cơn mưa khác. Trời đẹp cũng thấy lòng nao núng. Muốn đi shopping, đi lòng vòng khu Lion hay chợ Senter, tới nhà con Hà tán dóc, rủ Thông đi ăn, đưa thằng Lô ra công viên ném banh, chùi cọ nhà cầu, dọn sạch tủ lạnh, hút bụi thảm... Chiều qua thằng Mễ ghé nhà, để trước cửa bịch bánh ngọt, cái xe chữa lửa chạy bằng pin cho thằng Lô, nó không dám vô, ớn ông già. Cả ngày nay nó phải đi làm, về đến nhà cũng phải hơn 10 giờ đêm. Không chừng hứng, rủ nó chuồn một hai tiếng đi ăn trưa. Dạo này nó ưa khoe được lên chức phụ nướng bánh, lương chẳng tăng là bao. Tiếng Mỹ nó dở quá, chỉ được cái khoẻ và chịu khó. Ai chửi la gì nó cũng nín thinh. Nó là thằng quá tốt với mấy má con mình. Chốc nữa rủ nó đi ăn bún thịt nướng ở tiệm Minh, nghe hấp dẫn, chỉ sợ chủ biết được rầy rà, trừ lương thì tội nó quá. Chơi thân nó, lưỡi mình cũng quen tacos, burritos, taquitos, nachos... Mình sao cứ loay hoay mãi với mấy thằng đàn ông con trai. Cũng tự thấy mình trắc nết. Thế thì làm sao dạy dỗ con cái đây hả trời?

 

11 p.m. cùng ngày

Cả ngày lu bu làm đủ chuyện, đi đủ nơi. Ăn, đụ, uống, nói, hát, cười... không bỏ sót trò gì. Thằng Mễ xin chủ nghỉ hai tiếng, xạo là đi sửa xe. Hai đứa đi ăn bún chả ở tiệm Minh. Thịt heo nửa mỡ nửa nạc nướng than thơm phức dầm trong nước mắm pha có củ cải, cà rốt, đu đủ sống giòn rụm. Rau tươi rói đủ loại. Nó có vẻ sành thức ăn Việt Nam, rành nhà hàng Việt Nam, nói tóm gọn là nó có “tâm hồn ăn uống.”

Mình hay chọc, “chắc kiếp trước mày là người Việt Nam.” Nó nghe cười hì hì, lộ cái răng trái trên dát vàng 24 sáng chói, càng Việt Nam bạo. Sau khi ăn uống no nê, hai đứa vác nhau ra cái nhà kho chứa hàng trên đường 13. Chỗ “hú hí” tương đối vắng vẻ. Nó đã từng ở đó gần sáu tháng không phải trả cắc bạc nào. Quét sân, hốt rác, lau cửa kiếng trừ. Một bữa tối nó đi làm về, có ông da đen say xỉn đến nằm chết ngay đơ ở cửa, thằng Mễ tởn hồn dọn đi, nhưng thỉnh thoảng hai đứa ra lại góc nhà kho đó, giữa hai bức tường hẹp bằng xi măng thẳng vút lên trời, chỉ một xe đi lọt, và phải biết cách lui ra mới được. Giữa hai bức tường xi măng thẳng vút đó, móc với nhau bằng giàn bông giấy màu gạch cua, mùa này nở rực đến nhói cả tim, chói cả mắt. Cái phòng ngủ thiên nhiên, mùa không hoa nở thì thấy cả ngàn ngôi sao. Vòm kiếng là vòm trời, cũng tình tang lắm chứ bộ.

Trong tất cả những gã đàn ông con trai đi vô đi ra đời mình. Thằng Mễ chơi là đã nhất, làm mình thoả mãn nhất. Khoẻ một phần, mà chính là nó biết lúc nào mạnh lúc nào nhẹ, lúc nào nó muốn lúc nào mình muốn. Chịu, nhiều khi mình cũng tự hỏi tại sao mà không biết câu trả lời, đi theo thể xác như người lên đồng hay bị bịt mắt. Hai đứa đeo cứng như đỉa đã lâu. Cũng vì cứ đeo như vậy mà cả hai bị đuổi việc, tởn tới già lần đó. Nó về bị bà dì la, thiếu điều suýt đuổi ra khỏi nhà. Mình có con phải nuôi. Nghĩ lại còn thấy ớn lạnh xương sống. Ông chủ đập cửa nhà cầu ầm ầm khi nó chưa kịp đút con cặc vào. Mình còn nhớ cái mặt tím ngắt của thằng nhỏ, điếng đơ như bị dây thòng lọng tròng qua cổ, con cu teo tóp còn chút xíu như ngón út thằng Lô trong vòng mười giây. Lúc đó nó mới 16 tuổi, còn mình đã qua hai đời chồng với hai đứa con. Thằng cha chủ đuổi hai đứa thẳng tay, mình biết một phần vì chả ghen với thằng Mễ. Chả hay rủ mình đi Lido nhảy đầm mà mình không đi, bị ớn bà xã của chả quá chừng chừng. Bả nói với người làm mà hai cái môi dính chặt như quẹt keo, mắt độc tròng trắng, thứ màu mủ lậu. Cha chồng mà hó hé là bả dám cắt cu như chơi, mà chả lại mập, bụng bự như nồi hủ tiếu hâm tới hâm lui trên lò. Kể ra mình cũng dễ dãi, bị tai tiếng mê đàn ông con trai không oan ức chút nào, vậy mà cha chủ tiệm bánh mì thịt nguội đó mình ngửi không vô. Suốt chín tháng mình làm chung với thằng Mễ, việc của nó là dọn dẹp lau chùi rửa nồi ly bát, việc mình quấn chả giò, ướp thịt, cắt đồ chua, phụ ra bánh mì. Ông bà chủ gây nhau mỗi ngày đủ hai bữa như giấc trưa giấc chiều bán hàng cho khách, dám không chừng về nhà gây thêm giấc tối. Thật đúng là chửi ngày chưa đủ tranh thủ chửi đêm. Ông chủ tới tiệm sáng sớm mở cửa, ra hàng. Bà chủ tới trễ hơn. Giờ bả về đón con ở trường là mình với thằng Mễ xà nẹo, chẳng biết đứa nào rủ rê trước, chắc phải là mình, bởi lúc đó nó còn nhỏ quá, nhưng chỉ nhớ là chuyện xảy ra rất nhanh, chỉ sau một tuần mình vào làm là đã lột truồng thằng nhỏ ở nhà kho rồi. Sau đó thì lúc trong nhà cầu đàn ông, lúc trong nhà cầu đàn bà, vài lần lẹ làng chạy nước rút trong nhà mát, nhà kho, có lúc trên xe mình sau giờ đóng cửa tiệm. Nứng lên, nó ra hiệu bằng cách trỏ ngón tay ngay lồn mình, rồi le cái lưỡi liếm liếm quanh mép mồm, mắt chớp chớp, trông nó lúc đó vừa đĩ vừa gợi tình lại vừa... khôn lanh ra một chút.

Sau khi cả hai bị đuổi việc, thằng Mễ mò đến nhà mình khi con Tiên đi học, thằng Lô thì bé xìu xiu. Lúc hai đứa đang đụ nhau, mình la hét cào cấu, cả hai bò càng trên sàn nhà bếp, thằng Lô bỗng ho khan một tràng, mắt trợn trừng, ngưng thở, da tím ngắt, mình càng lắc, mắt thằng Lô càng trắng dã, vội bấm 911, xe cấp cứu tới chở vô nhà thương, thì ra thằng nhỏ mắc chứng suyễn. Ngồi chờ trong nhà thương, mình thề là sẽ không bao giờ cho thằng Mễ tới nhà nữa. Nhưng nó vẫn cứ mò tới, ngựa quen đường cũ. Một lần thằng chồng cũ về thăm, chưa kịp lâm trận nó đã bị rượt khệnh một trận, què chân, rách mặt. Về sau mình nhất định không là không, coi như bữa thằng Lô lên cơn suyễn là sự cảnh cáo của trời vì cái tính trắc nết tham mê dâm dục của mình. Ôi cái chuyện mình với thằng Mễ thì dài dòng chẳng khác chi phim bộ Hồng Kông, soap opera của Mỹ, kể mãi không hết, chỉ biết không có nó mình chịu không nổi. Biết nó cũng có mấy con bồ Mễ, thứ giống dân ăn burrito, taco, đậu đỏ nghiền nửa chừng, gì gì... của tụi nó nữa, như mình ưa bún mắm, phở tái nạm, cơm tấm bì sườn chả... “Không ăn bean là không phải Mễ. Không đi trễ không phải Việt Nam.” Hai đứa không cách chi tách ra được, cứ xà nẹo bao nhiêu năm nay, lúc thường xuyên, lúc đứt quãng. Nó mò kiếm mình, còn không mình mò đi kiếm nó. Kiếm nó hay kiếm cu nó? Nghĩ cho cùng, nó cũng thương mình thật, mà mình cũng thương nó nữa, dù chưa từng nói rõ cho nhau nghe. Tiếng Việt nó đéo hiểu, tiếng Mễ mình chịu, tiếng Anh thì cả hai quơ cào là giỏi, rồi mạnh ai nấy hiểu. Không lẽ rên la hét thở gào... là tiếng nói chung của hai đứa?

Chịu, thôi thì chịu, kệ cha nó, tới đâu tới. Chỉ biết trưa nay, sau khi hai đứa vật nhau một tăng, về nhà mình đỡ nhức đầu, chóng mặt, dễ chịu, sảng khoái đi hút bụi, lau sạch nhà cầu, giặt hai rổ quần áo. Mình ớn mình, sợ mình. Không lẽ cứ sống cái đời lăng quăng quanh mấy thằng đàn ông con trai mãi vầy sao?

Tối qua mình nằm nghĩ thật tình như vầy: đàn ông khoẻ mạnh trẻ trung to con cỡ như thằng Mễ, một ngày ra ba lần là hết xí quách, đi chân nam đá chân chiêu, mắt nhìn gà hoá chó. Còn con mụ đàn bà, như tụi điếm, làm tình một ngày cả tá thằng đàn ông không sao cả, vẫn ca vọng cổ, cải lương rất ư mùi mẫn, vẫn gánh nước đi khơi khơi... Đúng ra đàn bà có thể lấy một lúc nhiều chồng được, chứ tại sao một ông mà có hàng lố bà vợ được??? (Trai năm thê bảy thiếp!) Một bà có thể làm thoả mãn ba thằng đàn ông trong cùng một lúc. Còn đàn ông là no way! Không cách chi làm thoả mãn được mụ vợ thứ ba chứ đừng nói chi đến mụ vợ thứ bảy!!! (Gái chính chuyên một chồng!) Chắc vậy mà đàn ông hay sợ quê, tự thấy bị lép vế, yếu kém thua đàn bà nên ưa toác họng ưỡn ngực, thằng nào cũng mạnh mồm cho ta đây mạnh khoẻ, sức lực dồi dào macho “đêm bảy ngày ba, vô ra chưa kể.” Dóc tổ mẹ. Toàn một lũ nói cho đã mồm. Thằng nào cũng nhiều đào, nhiều em, nhiều vợ, nhiều gái... Cả một lũ nằm mơ. Thôi thì cho tụi nó ước ao sống tận cùng với những giấc mơ, nhưng trong thực tế tụi nó tự biết là đéo chẳng bao giờ đạt được.

Ừ, mình nghĩ con người cũng lạ lùng. Loài thú chỉ biết chơi một kiểu, và tuỳ mùa còn con người bày ra đủ kiểu chơi, và chơi nhau bất cứ lúc nào nứng!

 

Ngày... tháng...

Cảm thấy buồn bã làm sao. Nửa đêm thức giấc, ngủ lại không được, nằm ôm cứng thằng Lô vào lòng, hôn lên trán, lên tóc, nó thì cứ đẩy mình ra. Nghĩ tới chuyện bà Dung kể khi trưa về người chị họ mới chết vì bị ung thư vú, để lại hai đứa con trai đứa chín đứa mười một. Chồng li dị đang ở tiểu bang khác. Mấy tháng cuối cùng, biết trước sẽ chết, cơn đau của lòng trộn với cơn đau của xác băm bà triệu triệu mảnh. “Má không chết, không bỏ tụi con phải không má?” Hai thằng con ôm chặt bà hỏi, như muốn chui vô lại nơi chúng đã cuộn tròn từ trứng nước. Bấp bênh trong bào thai, nhưng bình yên, không sợ té ngã. Bà làm đủ mọi thứ để che đậy cái chết. Mỗi sáng sau khi con đi học, bà vừa mệt vừa đau, nằm rúc trong đống mền, lả người cho đến khi đồng hồ chỉ gần ba giờ, giờ hai con sắp đi học về, bà tụt xuống giường, thoa chút son, phấn hồng, đội đầu tóc giả sau vài lần kimô chẳng còn cọng tóc. Con về, bà nướng bánh mì phết bơ, pha nước chanh, bóc cam gọt táo cho con. Con có hỏi, bà dịu dàng trả lời, “Ồ má khoẻ, cả ngày nay má vẫn loay hoay làm này... làm nọ...” Nào biết được những tế bào trong người bà đang teo chết dần. Mấy tuần cuối, bà gắng ra khỏi nhà, đến Target mua lố bàn chải đánh răng, thuốc ho, băng keo, quần lót, tất, áo ấm, size lớn hơn, trừ hao cho con vài năm nữa sau khi bà không còn. Ngồi nghe bà Dung kể, mình sụt sùi chùi nước mắt. Suốt buổi chiều ngồi làm móng tay cho khách mà cứ tưởng tượng tới khuôn mặt bạc phước của người đàn bà chưa lần gặp, rồi nghĩ tới hai đứa con của mình, lỡ mình có mệnh hệ gì thì chúng sẽ ra sao, có cha cũng như không. Mình chỉ muốn xin chủ về sớm, ôm thằng Lô con Tiên vào lòng như khi tụi nó còn lẫm chẫm tập đi tập nói tập bỏ tã, bỏ sữa, mọc răng.

Lắm lúc con Tiên làm mình điên tiết, muốn bóp cổ hay tống nó ra khỏi nhà, ai rước đi được mình làm cỗ ăn mừng. Giờ nghĩ lại, thấy thương con, mỗi đứa mỗi phận số, như mấy cái size, cái shape móng tay giả gắn cho khách. Sống với má, má lo được ngày nào đỡ cực tấm thân ngày đó, mai sau lấy chồng có con rồi phải tất tả ngược xuôi. Thức hôm thức đêm cơm nước lo cho con y như mình bây giờ. Học hành thì khó, mình chẳng giúp dạy làm giùm cho con được. Mình là thứ thất học, ngu dốt. Còn giặt quần áo, đi chợ nấu ăn, dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa mình làm cho con được. Mong tụi nó còn được sống cạnh má ngày nào thì cứ sướng thân, mai sau ra đời, lúc cơ cực nghĩ nhớ lại những ngày sống với má là sướng, mọi thứ có má lo cho hết. Làm chuyện nhà không khó, không cần học cũng làm được, chỉ học chữ mới là khó. Rồi liệu thằng chồng nó có thương yêu nó không? hay lại như hai thằng chồng mất dạy vô tích sự mà mình đã lấy? Cầu mong đời con Tiên khá hơn đời má nó.

Trời bắt đầu lạnh. Ngày mai đi mua cho thằng Lô mấy đôi tất. Tất nó lạc mất gần hết. Mỗi sáng sớm, nội ông già đi kiếm tất cho nó cũng mất gần nửa tiếng. Cuối tuần này, đi mua cái game nó thích cả tháng nay mà mình tiếc tiền không mua. Ôi, thấy thương hai con làm sao!

 

Ngày... tháng...

Dạo này mình hay có cảm giác như đang bay trên mặt đất. Không được bay bổng như chim, mà la đà nghiêng ngả, mất thăng bằng. Cảm giác kì quặc bám lấy mình nhiều giờ trong ngày. Mình hỏi Thông “tại sao?” Thông đùa: “Em tả nghe như người đang phê.”

Hai răng cửa thằng Lô chìa ra chắc phải đưa đi nha sĩ niềng lại. Răng cửa to không sao, chỉ nhìn hơi kì, mặt nó còn lớn, sẽ cân xứng, (hi vọng vậy). Chìa, hô là mệt, tốn bạc ngàn chứ chẳng chơi. Sao không giống má cái gì, lại giống ngay hai cái răng cửa hả con? Nhiều khi mình cũng muốn có tiền để đi niềng răng lại, nhưng trễ rồi, để “phần” cho con.

Con Tiên sáng nay đòi đi học lái xe. Nó nói sang năm là phải mua xe cho nó, chẳng biết có xe để làm gì, trường cách nhà chỉ năm phút đi bộ. Có xe chỉ tổ đi rông, hoang, rượn với trai. Mình nói đào tiền đâu ra mà mua xe, rồi còn tiền bảo hiểm, xăng nhớt, thuế má, bảo trì... Nó nói sẽ đi làm part-time. Kiếm thằng cha mày mà xin, mình nói. Chữ vừa ra khỏi miệng lại thấy hối hận. Mình còn không biết thằng cha nó ở đâu thì làm sao mà nó biết. Nghe đâu, thằng cha nó lúc thì đang dẫn bồ nhí đi ăn kem ở Việt Nam, lúc thì nằm bẹp dí trong tù vì tội đánh nhau với Mỹ đen, lúc thì đang dệt mộng giàu bằng cách làm cá ở Alaska.

Cả đời mình cũng có biết hai lần kinh nghiệm đi thi. Hai lần đều được Thông hộ tống, hộ mệnh. Lần thi bằng lái và lần thi bằng móng tay. Còn cái bằng thi vô quốc tịch Mỹ thì chưa. Mình lấy sách về học mà không vô, không nhớ. Thi bằng lái xe Thông đi theo hỗ trợ tinh thần, phải lần thứ ba mới đậu, đậu dư một điểm, đậu mà không tin mình đậu, ngồi lái xe mà như xe lái, chỉ chực lao xuống vực, hầm hố, hay va vào bìa đường. Thi bằng móng tay mình nhờ ảnh đi theo làm thông dịch, và người mẫu. Tội nghiệp, ảnh học gần như thay mình, lo từng li từng tí, chỉ mình cách abc khoanh. Mấy hôm trước khi đi thi, mình lo mất ăn mất ngủ, chưa kể trước đó gần cả năm trời ảnh đưa đón, phải học cho đủ 359 giờ trả nợ quỷ thần để lấy cái bằng hành nghề móng tay. Mà phải công nhận ảnh có bàn tay đẹp thật, chắc chắn là đẹp hơn tay mình. Da tay ảnh mềm mại, ngón thuôn dài. “Nghề này hi vọng sống được,” ảnh nói. “Em phải tập yêu móng tay móng chân như môi mắt tóc da, em mới thành công,” ảnh ví von văn vẻ. “Coi bộ khó quá! Nếu móng đẹp thì tay em đã không chành bành như vầy.” Mình xoè hai bàn tay, dí vào mặt ảnh. “Cũng được chứ đâu đến nỗi,” ảnh nói. “Thôi đi cha nội, đừng an ủi. Chai, cụt, thô, nhám, sần sùi... còn gì gì nữa...” Mình cay cú. Nhưng rồi ảnh cũng tình nguyện làm người mẫu cho mình đem đi thi thực hành. Tóm lại, ảnh luôn có mặt khi mình cần. “Cố gắng lên em, nghề dạy nghề. Có công mài sắt có ngày nên kim. Nhất nghệ tinh nhất thân vinh.” Những lúc ảnh nói vậy, ảnh còn hơn ông già đẻ ra mình nữa.

 

[còn 4 kỳ]

 

 

------------

Đã đăng:

... Soi gương thấy mặt mình bành nát ra như cái bánh tráng nhúng, phờ phạc, rệu rạo, không chút sức lực. Hai môi tím thâm, tóc dựng đứng, lỉa chỉa như cái chổi cào, xấu xí như con ma trơi. Mình vừa sợ vừa chán cả mình, bẩn thỉu dơ dáy như con đĩ già hết thời, cạn nước, mà mình là con đĩ chứ còn gì nữa... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021