thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
ÂM VỌNG: “Âu Cơ” [2]

 

Lời toà soạn:
“Âu Cơ” là một chương trong tiểu thuyết Âm Vọng của Lê Thị Thấm Vân (California: Anh Thư, 2003). Trong bản in trên giấy, chương này được xếp sau các chương “Tiên Dung” và “Mỵ Châu”, và trước chương “Man Nương”, nhưng, theo tác giả, cuốn tiểu thuyết có thể được đọc bằng cách bắt đầu từ bất kỳ chương nào, theo bất kỳ thứ tự nào. Chúng tôi xin giới thiệu chương này thành 6 kỳ.

 

 

Đã đăng: “Âu Cơ” [1]

 

Minh thương của má,

Những ngày như thế này... Ngày cuối tháng tư mỗi năm. Ngày đáng nhớ trong lịch sử nước Việt Nam. Mùa Xuân Giải Phóng hằn trên từng cá nhân, trong đó có gia đình mình. Má nhớ những ngày chạy loạn, mọi người đi tới đi lui như bầy kiến đi vòng quanh trên mặt chảo rang. Hoảng loạn định đoạt đời mình. Oan khiên ào xuống như trời giáng. Má như con gà bị cắt tiết, ba như con mèo bị trụng nước sôi. Đã bao năm... thời gian quả là liều thuốc tiên, bàn tay nhiệm mầu, có khả năng xoa dịu tất cả. Rồi thì cũng xong, cũng qua, cũng thôi, cũng được cả.

Tháng Tư Đen, đồng nghĩa nước mất nhà tan, tán loạn, chia lìa, hoảng loạn, tù tội, đổi tiền, kinh tế mới, xuôi Nam, “Anh giải phóng tôi hay tôi giải phóng anh?” Rồi thì vượt biên, vượt biển, lưu vong, định cư, hội nhập... gì gì nữa má không thể biết được hết. Má cũng phải sống như mọi người, vì các con, cùng với những mất mát và còn lại trong cuộc đời của má ở kiếp trần gian phiền lụy này.

Khi nãy cô Mây nói rằng nếu không có biến cố 30/4/75 thì không có cộng đồng người Việt tại Mỹ. Người Việt sống nơi đây thật nhạy cảm trước lằn ranh quốc-cộng. Phải là người trong cuộc mới thấu hiểu được. Phải là nạn nhân mới thấm thía vết thương suốt đời mưng mủ của chính mình. Má hiểu, thông cảm, chia sẻ những cuộc biểu tình, xé ảnh Hồ Chí Minh, la hét, chửi rủa, tức giận Cộng Sản của những ông HO, những bà có con mất xác trên biển đông. Còn la gào được là còn đỡ, cũng một cách giải toả, chứ dồn nén tâm thần đâm ra giết người còn kinh hoàng gấp trăm ngàn lần. Dân chủ, tự do có nhiều định nghĩa và giá phải trả tuỳ từng cá nhân, hay cả cộng đồng. Đúng sai khó lòng phân định.

Dừng xe, quẹo phải hay trái? Trả tiền chợ, lựa mua đồ giá hạ, đóng thuế, đổ rác, tăng lương, đổi việc, mua nhà, dạy con.... người Việt mình luôn khôn ngoan tỉnh táo. Ai tới đâu mình tới đó. Chẳng chịu thua bất cứ giống dân nào, thế nhưng đụng tới Quốc Gia/Cộng Sản là khối óc người mình đóng kín, trái tim mở banh, như người đàn bà đứng tuổi lên đồng, cậu con trai mới lớn biết yêu. Lý trí xoá nhoà, hận thù sục sôi, cảm xúc dào dạt, yêu thương lẫn hận thù ở cấp số nhân. Lắm lúc má thành thật nghĩ, tại sao một số người Việt mình ở đây cứ chê trách, thậm chí khinh thường những người đi biểu tình chống cộng, mà không bao giờ chịu khó tìm hiểu vì sao, lý do gì đã thúc đẩy họ kiên trì tham gia biểu tình chống cộng như thế cả.

Một số vùi quên, xoá sạch trí nhớ bằng cách nhìn vào những gì họ đang thành tựu: con ngoan, nhà to, xe mới, sức khoẻ tốt. Cái giá được đền bù.

Có rồi mất, được rồi thua cũng là trò chơi để tạo con người trưởng thành. Riêng má, má muốn được quên, quên tuốt, quên sạch, quên hết càng tốt. Má đã từng tay xách nách mang hai con thơ, dép đứt quai, tóc xổ tung... biết ra sao ngày mai? Giờ thì ngày mai đã tới, và đang dần dần đi qua.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má.

Tối qua chị con gọi điện, nói chuyện thiệt lâu, cho má hay là đang dự tính đi Việt Nam vào mùa hè này, và không chừng, sẽ ở Hà Nội sáu tháng.

Sau khi cúp máy, nằm trong bóng đêm, má nghĩ ngợi về Hà Nội, miền Bắc, một nửa quê hương trong thời chiến. Nhớ một lần bác Quân kể má nghe ngày đầu đổ đám tù cải tạo xuống đất Bắc. Trong khi ngồi chờ xe lửa ở ga Hải Phòng, bác ngó mảnh đất, nơi đã một thời ôhọọ thề phanh thây uống máu quân thù. Chợt một đoàn người gồm đàn bà lớn tuổi, trẻ con từ đâu túa ra la hét, chửi rủa, thậm chí ném đá vào đám tù ngụy ốm o run rẩy phần vì lo sợ, phần vì đói khát. Độ vài tiếng sau, đám tù được đẩy lên chiếc xe khác, che kín bịt bùng. Cả đám ngả nghiêng người không rõ số phận mình sẽ ra sao?

Mảnh đất chị con giờ mong muốn được tới, và bao người cũng mong ước được đặt chân lên, là xứ sở được mệnh danh ngàn năm văn vật.

Mảnh đất thời chiến: sinh Bắc tử Nam. Thời bình: sinh Nam tử Bắc.

Mảnh đất hàng chục năm trước ba con đã sống như đeo bản án tử hình. Và khi chết, rã xác, không cả nấm mồ. Má cũng đã từng chân xiêu chân vẹo ngược xuôi thăm nuôi ba con, lòng tối tăm mịt mù nương theo từng vuông đất lạ. Hi vọng, thương yêu vực má. Giờ tới phiên chị con, liệu có thể hàn gắn hay khoả lấp nỗi sợ hãi trong lòng má được không?

Mà thôi Minh ạ, chị con đã quyết định gì rồi, má chỉ có độc nhất con đường là hỗ trợ.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Nửa đêm má giật mình thức dậy vì giấc mơ ngắn ngủi. Trong giấc mơ má ngửi mùi nước tiểu tanh nồng, cứt phơi khô ở trại tị nạn. Má tưởng như mình đang còn ở trong tù. Má mím môi nắm chặt song sắt, nhìn ra thế giới bên ngoài, chẳng thấy mặt biển nhấp nhô hay hòn đảo vô hồn xa tít, mà chỉ núi, là núi, toàn núi. Núi câm điếc, ù lì. Mặt sàn xi măng gần tầm tay với cong khô, nóng bỏng, không cỏ cây, không tiếng đôỳng. Xa hơn chút nữa, là hàng rào kẽm gai bọc kín, bít bưng.

Chờ định cư. Chờ định cư. Chờ định cư. Ba chữ lập đi lập lại bao lần trong ngày từ miệng người chung quanh, và từ trong lòng má. Những người vừa rời nhà tù lớn, đánh đổi chín phần chết một phần sống, giờ đây nổi trôi phần đời còn lạ, sẽ ra sao, về đâu? Hành trình bất hạnh rũ bỏ sau lưng. Bất trắc, bất định, bất an chờ đón trước mặt?

Má nghiệm một điều: Tự Do không phải sinh ra mà có, chẳng do Chúa hay Phật, hay thậm chí ba má ban cho, mà do chính bản thân mình phải trả giá. Cái giá Tự Do lắm khi phải trả bằng chính mạng sống của ta.

Mà này Minh, trước kia, lúc mới biết lái xe, sao má ớn sợ những xa lộ rộng 12 lanes quá vậy không biết! Giờ thì hết rồi, trái lại má thấy mấy cây cầu nối từ xa lộ này bắc thông qua xa lộ kia thật tài tình. 101 nối 280 nối 880 nối 237 nối 17... biết bao nhiêu nhịp chuyên chở triệu triệu chiếc xe, triệu triệu con người lọt thỏm trong đó. Mỗi đoạn xa lộ móc nhau như từng chặng nối đời người. Xa lộ đêm ngày đưa người ta đi. Chẳng ai trước, và cũng chẳng ai sau.

Những con đê làng tuổi nhỏ, ngắn ngủi như tuổi thơ, và cũng dài như tuổi đời.

Những cái ray tàu lửa chứa đựng bao khuôn mặt buồn nhớ biệt ly, hay vòng tay ôm mừng vui hội ngộ.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Hình ảnh cuối cùng của ba con má còn giữ trong đầu là màu da tái mét. Tái đến độ làm từng ngón chân trong dép má đập mạnh cùng nhịp tim trong lồng ngực. Má khổ tâm vì bao điều chỉ chực bật tung, cùng bao điều cần cố giữ kín. Ba tháng, sáu tháng, có khi cả năm ba má mới gặp được nhau. Rồi những lần ba con bị chuyển trại, thì... này lon này túi này người lẫn vật cùng hàng hoá chất chứa lúc nhúc như dòi, đỉa, trong phạm vi xe đò chật chội, bể bánh, đứt dây thắng bất cứ lúc nào. Cả bầy rõ là điếc không sợ súng. Bất chấp, liều lĩnh. Trạm đổ cuối má đi lẩm nhẩm đếm từng bước chân trên từng cây số. Đường dài ngoằn ngoèo lê thê má cố nhủ lòng vượt được tất cả, tất cả... Má lủi thủi tay xách nách mang, lòng dạ càng lúc càng bồi hồi.

Bởi vì màu da tái mét của ba con, má đành bóp bụng hỏi. “Họ nghi anh bị lao,” ba con vừa nói vừa cố cười, lại húng hắng ho. “Biết đâu trời cứu. Nếu bị lao thật thì anh sẽ được thả, chậm lắm là sáu tháng.”

Trên suốt quãng đường về, má chỉ mong sao ba con bị lao thật. Ho khạc ra máu, ra đờm thì không là sáu tháng mà là ba tháng, ba về với má con mình.

Thôi má mệt quá, ngày mai viết tiếp.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Đảo. Hải đảo. Hàng chục tàu cướp chờ sẵn. Mười một đêm đợi chờ. Khổ nạn, là từng thân xác đàn bà đồng nghĩa (bạo quyền) hải tặc được toàn quyền lựa chọn. Ai nghiến răng cắn lưỡi chịu làm vợ hờ (hải tặc) đồng nghĩa được biệt đãi, phần thức ăn được nới tay cho cả nhà. Thoả thuận thì bề hộ đồng, chống cự là tiêu tán. Khốn nạn rơi xuống cùng lúc với bầu trời sẩm tối.

Sau một tháng, tàu quốc tế vào cứu vớt. Vớt khổ nạn và khốn nạn. Ngày vớt, má nhớ mưa tầm tã suốt.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Tuổi thơ của má gắn liền với mấy trái đu đủ xanh. Trưa nay đi chợ, mua được hai trái hơi hườm, má bày lên bàn thờ ông bà. Đứng vuốt dọc trái đu đủ như chạm vào tuổi thơ, gây cho má cảm giác hoang mang, sợ hãi lẫn thích thú, bồi hồi. Tuổi thơ cùng nỗi sợ hãi không tên, không hình dạng chập chùng chồng chéo. Sau này qua tới đảo, giữa màu lá xanh bạt ngàn, lẫn lộn những trái đu đủ vàng chín, má kiếm cán cây cứng đứng ngửa cổ thọt, trái rơi độp, mủ trắng chảy dài dọc bìa rừng. Những cây đu đủ hoang nuôi sống đám tị nạn ngu ngơ chân ướt chân ráo, da còn tẩm nồng mùi biển ngoài khơi. Đồng thời, bìa rừng cùng ngàn cây đu đủ chứng kiến bao buổi hẹn hò của đám tình nhân tị nạn vừa thoát chết. Từng cặp quấn chặt nhau trong lùm cây. Nằm có, ngồi có, và cả đứng, tạo thành đường mòn đi mót củi, đường lên trời, có người hay chữ gọi như thế. Nó ngoằn ngoèo, dẫn về đâu? Tiếng chim lanh lảnh bén liền gót.

Những mùa hè thơ ấu, má về ở chơi bên ngoại. Vườn ngoại trồng nhiều đu đủ. Bên cạnh trái, còn có cả thân và lá. Má ưa nằm sấp, duỗi dài, chui người vào giữa tàn lá, tưởng tượng là nhà. Má bẻ từng cọng, kết thành hình người. Ban đầu người sống, rồi đến người chết. Từ từ những nhân vật trong truyện cổ tích xuất hiện, bày binh bố trận lính tráng oán thù đánh nhau, rồi thương xót nhau. Má thả trí tưởng theo bốn bề im ắng. Gió ru, đất ấm, tiếng ve râm ran. Cứ thế, chỉ một mình, trốn bà ngoại, anh chị, mọi người... cho đến khi nghe tiếng người nhà tìm gọi về ăn cơm chiều.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Trưa nay cô Mây đi biển Santa Cruz. Trên đường về, cô dừng lại Gilroy, mua cho má mấy cái artichoke thật to, cô biết má thích hấp chín ăn với bơ. Nhìn artichoke má nhớ lại thời gian làm cho ông bà Jack ở trên đồi Santa Cruz, và món này, má cũng bắt chước ăn ở nhà ông bà ấy.

Chắc con còn mang máng nhớ họ phải không Minh? Ông Jack dạy Sử ở đại học Santa Clara, vợ là bà Kathy, bác sĩ làm cho nhà thương Stanford. Ông bà có thằng con kháu khỉnh, tròng mắt xanh như màu trời hè. Thỉnh thoảng hai chị em con được nghỉ học, má dẫn theo. Sáng sáng má đến lau chùi dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc thằng bé một tuổi, chiều chiều đi đón đứa con gái riêng của bà Kathy bốn tuổi từ vườn trẻ về.

Ông Jack nghiện rượu nặng. Má nhớ mỗi tối thứ ba và thứ năm là ổng phải đi dự A A meeting. Ổng muốn cai và vợ cũng hỗ trợ tối đa. Má nhớ cả hai cứ khốn khổ dằn vặt to tiếng với nhau hoài, má phải chứng kiến một cách chẳng đặng đừng, với điệu bộ ấm ớ, lấm lét, ngớ ngẩn như con mẹ ở đợ nhà quê mới lên tỉnh. “Làm công cho người Mỹ giàu, mình học cách họ nuôi con, và họ giúp đỡ con mình vào đại học. Họ cho mình đồ cũ, rồi mình học tiếng Anh cũng nhanh.” Bà Thục đi trước lanh lẹ chỉ bày tận tình. Má lúc đó cần có việc làm, và làm bất cứ việc gì. Ông bà Jack trả tiền tính ra ngày đó cũng khá. Họ tử tế, cho má mượn tiền trước một tháng mua cái xe chạy đỡ hơn. Ông bà thấy xe má cà rịch cà tang chở con gái của họ, họ cũng ớn, sợ nổ bánh dọc đường bất tử. Con bé Laura bơi lội, đùa nghịch, trò chuyện với hai con rất tự nhiên, thoải mái. Má thích hình ảnh ấy làm sao, nó rất bình đẳng. Má làm gần một năm, học được mấy món ăn Mỹ, nhập vào xã hội Mỹ qua ngả chủ tớ. Ông bà chỉ dạy má bằng cử chỉ, ánh mắt. Họ vất bỏ cái gì là má xin đem về nhà xài. Từ quần áo, mền gối, cho đến thức ăn còn dư má cũng gói đem về cho hai con. Má thôi việc đó bởi đường xa, đồi dốc, sương mù, cũng tiếc. Một ngày mùa đông má suýt bị tai nạn, sợ mất hồn. Lúc má nghỉ ông Jack vẫn chưa cai được rượu. Bà Kathy doạ nếu không bỏ rượu bà sẽ bỏ ông. Rượu làm người ta hay nói láo, mất tự chủ. Khi ông không say, ông dịu dàng với vợ, từ tốn với con. Khi say vô thì quả là hung thần, như một người nào khác. Vợ chồng gây gổ to tiếng hầu như ngày một suốt thời gian má làm. Tiếng anh tiếng u má không hiểu nhưng má biết gia đình không thua địa ngục. Tội cho hai đứa nhỏ. Mỗi lần ông bà gây nhau, má kéo chúng ra sau vườn, má còn sợ huống chi tụi nhỏ. Thường buổi tối gây nhau, sáng hôm sau, vài đồ bể lăn lóc trên sàn, má phải dọn sạch. Má khổ vì không chồng, bà Kathy khổ vì có chồng. “Chắc tôi phải rời xa ông ấy,” bà nói. “Nhưng nghĩ tội nghiệp con,” bà tâm sự. Thì ra người Mỹ họ cũng thương con như người Việt mình. Ngày đó má thiển cận, đầy thành kiến. Má cũng nhận ra, người trí thức học cao cũng có biết bao vấn đề như người nghèo hay không được học. Bà nói bà phục ý chí, sức mạnh sống còn của má. Má nói má phục trí thông minh, tài giỏi giang của bà. Má chỉ thắc mắc, ông uống rượu kinh niên như vậy, tại sao bà lấy, rồi lại đẻ con? Má cũng đã trải qua một đời chồng rồi. Thiệt tình, má rất muốn hỏi mà tiếng Mỹ hồi đó dở quá, lại sợ, nên chỉ biết thương bà bằng cách nấu ăn thật ngon, dọn nhà sạch sẽ, coi con cái bà chu đáo. Mấy lần bà làm về sớm, ngồi nói chuyện với má, nói gì đó, dài lắm, như dốc lòng tâm sự, chỉ cần người nghe, còn má ráng hiểu, mà không hiểu được. Có hôm bà sụt sịt khóc, má bỗng thấy bả yếu đuối tội nghiệp làm sao. Má thấy như mình đưa lưng che chở cho bả. Má muốn nói với bà rằng “Cũng vì hai con, tôi liều chết sang tới đây.” Má hiểu ra một điều, cái đau nào cũng giống cái đau nào. Sau này má còn biết thêm là ông Jack tằng tịu với một cô sinh viên trong trường, bị nhà trường cho nghỉ việc. Má với bà Kathy an ủi lẫn nhau, hiểu nhau dù chỗ đứng hoàn toà khác biệt. Tận đáy lòng, cả hai đều muốn được yên thân, dốc lòng làm việc, nuôi con, gắng gìn giữ mái ấm gia đình. Và sợ đối đầu với cô đơn.

Giờ thì má không biết hai ông bà còn ở với nhau không? Và ông Jack đã cai được rượu chưa? Con bé Laura giờ ra sao? mong nó học hành giỏi giang như chị của con. Mỗi lần má làm meat loaf, apple pie, nấu spaghetti, hay hấp artichoke, đều nghĩ tới gia đình bà Kathy, cùng căn nhà trên ngọn đồi Santa Cruz có nhiều cánh cửa gương rộng, mùi thông nồng ngát, và những quả bí đỏ to nặng mọc dại ở vườn sau. Khuôn mặt bốn người là bốn thế giới cư ngụ trong căn nhà đó.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má.

Thỉnh thoảng ngồi không má hay nhớ lại những ngày chẵn/lẻ của mấy má con mình vào những đêm xa xôi. Căn apartment hai phòng ngủ chia chung với vợ chồng già người Việt gốc Cam Bốt. Bà vợ ho sù sụ suốt đêm, ông chồng hút thuốc liền tay. Cả hai cùng bị chung chứng mất ngủ, đêm ngày đổ thừa cho nhau. “Vì bà ho làm tui mất ngủ.” “Vì ông hút thuốc mà tui ho.” Má ở giữa nghe cả hai tố khổ, vậy mà họ sống với nhau trên 50 năm, con nghe có khiếp không? Mấy năm đầu chưa xin được housing, mấy má con mình dọn chỗ ở lia lịa. Mỗi năm một lần, có khi hai lần. Khổ nhất là chuyện học của hai con. Má nhớ căn phòng rộng, kê hai giường nhỏ. Ngày chẵn má nằm với con, ngày lẻ má nằm với chị con. Má kể đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Từ chuyện cổ tích Con Tấm Con Cám, Công Chúa Ngủ Trong Rừng, Ăn Khế Trả Vàng, Con Bé Bán Diêm, Thằng Buôn Vịt Trời... Thỉnh thoảng má kể chuyện phóng dựa trên mấy show Tivi hai con thường coi: Popeye, My Litle Pony, Superman, Barbie, Spiderman, Cabbage Patch Kids.... Má nhớ chuyện con thích nhất là thằng bé có tật nói láo, hay hô hoán nhà cháy, nhà cháy... Lần thứ nhất, thứ nhì cả xóm tin, mang nồi gàu lon thùng múc nước tới chữa giúp. Lần thứ ba, nhà bị cháy thiệt, nó hô hoán cả làng chẳng người nào tin. Còn chị con thích chuyện hai anh em mồ côi nương tựa nhau sống. Người anh có trí nhớ tốt và đôi chân khoẻ, nhưng bị mù. Người em gái bị què nhưng có đôi mắt sáng, giọng nói hay. Hai anh em sống bằng cách di chuyển qua từng làng, lượm lặt những mẫu chuyện hay, thú vị, khác lạ của người làng này kể cho người làng nọ nghe. Đến đâu cũng được mọi người bu quanh lắng nghe, và cho thức ăn, áo mặc... Cứ thế, hai anh em nương dựa nhau sống hết đời. Về sau hết chuyện, má bịa, cố kể như thật, mục đích vừa dạy, vừa ru hai con ngủ. Chị con nằm yên, say sưa lắng nghe. Sau này, khi đã lớn, một ngày chị con nói, “Con biết nhiều chuyện má bịa, nhưng hay, con muốn nghe.” Một lần khác, chị con lại nói, “Trí tưởng tượng của má phong phú thật, lại có biệt tài kể, sao má không là nhà văn?” Má nghe, nghĩ thầm trong bụng con gái mình lớn tự bao giờ mà mình không biết. Chị con luôn cho má hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Má còn giữ bài thơ chị con làm cho má, Mother’s Day. Và bài thơ chị con làm về Mưa.

hôn con.

 

 

 

 

[còn 4 kỳ]

 

------------

Đã đăng:

... Ánh nắng gắt, mặt trời đỏ lòm lom. Nhắm mắt trăm ngàn hoa thị nổ bụp như bong bóng. Rồi thì mặt biển lại êm ru, con tàu vẫn thế, lướt trên sóng. Những con chim biển rủ rê nhập cuộc. Hành trình trên mặt nước mênh mông, bao la... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021