thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
MỘT ÔNG GIÀ ĐỌC TIỂU THUYẾT TÌNH YÊU [VII]

 

Bản dịch của Nam Giang

 

LUIS SEPÚLVEDA

(1949~)

 

Luis Sepúlveda sinh năm 1949 tại Ovalle, Chile. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông học ngành kịch nghệ tại Đại Học Quốc Gia Chile. Năm 1969, ông được học bổng 5 năm để tiếp tục học ngành kịch nghệ tại Đại Học Mátxcơva, nhưng chỉ sau 5 tháng, ông bị đuổi học vì đã kết bạn giao du với một vài người bất đồng chính kiến dưới chế độ Xô-viết, và phải quay về Chile.
 
Ông trở thành một lãnh tụ của sinh viên và làm việc với bộ văn hoá của chính phủ Salvador Allende, phụ trách việc xuất bản những tác phẩm văn học cổ điển với giá rẻ cho quần chúng. Sau vụ đảo chính 1973, chế độ quân phiệt của nhà độc tài Augusto Pinochet đã bắt giam Luis Sepúlveda 2 năm rưỡi, rồi được thả nhờ sự can thiệp của Hội Ân Xá Quốc Tế (chi nhánh Đức), nhưng vẫn bị quản thúc tại gia. Thế nhưng, ông đã trốn thoát và ẩn nấp bí mật gần một năm và thành lập một nhóm kịch phản kháng. Rồi ông bị bắt lần nữa và lãnh án tù chung thân (sau này được giảm còn 28 năm tù) vì tội “phản quốc” và “phiến loạn”.
 
Hội Ân Xá Quốc Tế (chi nhánh Đức) lại can thiệp, và bản án của ông được giảm xuống còn 8 năm lưu đày, và năm 1977 ông rời Chile. Từ đó, ông sống và làm việc ở nhiều nước khác nhau, tiếp tục hoạt động như một nhà vận động chính trị - xã hội, và trở thành một nhà văn nổi tiếng. Ông đã xuất bản gần hai mươi tác phẩm văn chương. Ngoài ra, ông còn hoạt động trong ngành điện ảnh, và đã thực hiện bốn cuốn phim.
 
Ngày 19.2.2009 vừa qua, ông được trao tặng giải thưởng lớn Premio Primavera de Novela với số tiền 200 ngàn Euro cho tiểu thuyết La sombra de lo que fuimos [Bóng tối của quá khứ chúng ta, 2009].
 
Tuy nhiên, cuốn Un viejo que leía novelas de amor [Một ông già đọc tiểu thuyết tình yêu, 1989] là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Cuốn này đã được xuất bản qua hơn 60 ngôn ngữ.

 

_________

 

 

MỘT ÔNG GIÀ ĐỌC TIỂU THUYẾT TÌNH YÊU

 

Đã đăng: [I] - [II] - [III] - [IV] - [V] - [VI]

 

VII

 

Dân chúng tập trung từ sáng sớm, lúc người ta mới chỉ đoán được những tia nắng đầu tiên lấp ló sau những đám mây dầy. Họ lục tục kéo nhau tới, đi chân đất, quần xắn tới đầu gối, vừa đi vừa nhẩy tránh những đống bùn ở trên đường.

Xã trưởng ra lệnh cho vợ mang cà phê và chuối xanh phục vụ mọi người, trong khi hắn phân phát đạn. Mỗi người được nhận ba băng đạn kép, cộng thêm vài điếu thuốc lá được buộc thành bó, diêm và một chai rượu Frontera.

— Việc này thì nhà nước trả tiền; các người phải ký giấy biên nhận khi xong việc.

Mọi người ăn uống và chuyền tay nhau những ngụm rượu đầu tiên trong ngày.

Antonio José Bolivar ngồi cách xa mọi người, và không đụng đến bữa ăn sáng để trong cái nồi sắt trắng.

Ông đã ăn từ rất sớm vì biết rằng đi săn khi quá no bụng là một điều không tốt. Người thợ săn bao giờ cũng phải hơi đói, bởi vì cơn đói khiến những giác quan tỉnh táo. Ông không ngừng nhổ nước bọt lên lưỡi dao, mài đi mài lại con dao rừng, rồi nheo mắt lại để kiểm tra độ bén của lưỡi thép.

— Chương trình sẽ như thế nào? — Một người hỏi.

— Chúng ta sẽ đi tới nhà của Miranda, rồi tính sau.

Lão béo rõ ràng không phải là người biết tính toán. Sau khi kiểm tra một cách phô trương khẩu súng Smith&Wesson đã được nạp đạn, hắn chui đầu vào một bộ quần áo bảo hộ mầu xanh bằng ni-lông chật chội. Bộ quần áo bó siết hắn lại làm lộ những ngấn mỡ.

Bốn người cùng đi không ai cả gan bình phẩm một lời. Họ chỉ cười thầm khi thấy hắn toát mồ hôi đầm đìa như một cái vòi nước gỉ bị buộc phải chảy tong tỏng mãi không thôi.

“Rồi mày sẽ thấy, con sên trần. Mày sẽ biết thế nào là nóng bức trong cái áo mưa kia. Đến con cu của mày cũng sẽ bị nấu chín trong đó.”

Ngoài xã trưởng, tất cả mọi người đều đi đất. Dân chúng bọc mũ rơm trong túi ni lông, còn xì-gà, đạn, diêm... đều được họ gói cẩn thận để vào trong gùi có nắp bằng cao-su. Họ đeo súng không nạp đạn ở trước ngực.

— Xin phép ông, tôi nghĩ đôi ủng cao-su sẽ làm ông vướng víu trong chuyến đi. — Một người nói

Lão béo làm ra vẻ không nghe thấy, giơ tay ra hiệu khởi hành.

Họ nhanh chóng bỏ lại ngôi nhà cuối cùng của El Ildilio ở lại sau lưng và đi sâu vào rừng. Trời ngớt mưa, nhưng nước mưa nặng nề trút xuống từ những tán lá. Mưa bị giữ lại trên mái cây rừng, rồi đọng lại trên lá, cho đến lúc cành cây không chịu nổi sức nặng, đổ chúng xuống với tất cả hương vị của rừng.

Họ đi chậm chạp vì bị ngăn cản bởi bùn, cành cây, và những cây bụi xông ra lấn chiếm con đường mòn với tất cả sức sống mãnh liệt của thiên nhiên.

Họ chia thành toán nhỏ để di chuyển dễ dàng hơn. Hai người đi trước dùng dao rừng mở đường. Kế đó là xã trưởng vừa đi vừa thở hổn hển, ướt từ trong ra ngoài. Hai người đi chặn hậu và chặt nốt những cành cây bị bỏ sót.

Antonio José Bolivar thuộc vào số người đi cuối.

— Mọi người hãy nạp đạn vào. — Lão béo ra lệnh. — Nên chuẩn bị sẵn sàng trước.

— Để làm gì, thưa ông. Băng đạn để trong gùi sẽ được khô ráo.

— Tôi là người chỉ huy ở đây.

— Thưa ngài xã trưởng. Vâng, xin tuân lệnh, đúng đây là đạn của chính phủ. — Mọi người giả vờ nạp đạn.

Sau năm giờ đi bộ, họ mới đi được khoảng hơn 1km. Rất nhiều lần, họ phải dừng lại vì đôi ủng của lão béo.

Chân hắn liên tục tụt xuống bùn với tiếng động như thể bùn sắp sửa nuốt toàn bộ thân thể phì nộn của hắn. Hắn cứ vùng vẫy vụng về, để rồi ngập sâu xuống bùn hơn. Mọi người phải xốc nách hắn lên, nhưng chỉ vài bước tiếp theo, bùn lại ngập tới đầu gối hắn.

Bất ngờ hắn bị mất mất một chiếc ủng. Bàn chân được giải phóng rút lên trắng nhởn, nhưng để giữ thăng bằng hắn lấp tức dẫm lại xuống đúng vào cái lỗ mà chiếc ủng đã biến mất.

Ông già và những người đi cùng phải kéo hắn lên.

— Chiếc ủng của tôi. Các người phải tìm nó cho tôi. — Lão béo ra lệnh.

— Chúng tôi đã nói nó chỉ gây thêm phiền toái cho ông. Ủng đã mất rồi, hãy làm như chúng tôi. Hãy dẫm lên những cành cây mục. Đi chân đất dễ dàng hơn, chúng giúp chúng ta đi được nhanh hơn.

Tức giận, xã trưởng cúi người, cố gắng dùng tay vét bùn. Một việc không thể làm được. Hắn chỉ móc lên những nắm bùn đen nhầy nhụa mà không thể đào được một cái hố trên mặt bùn phẳng.

— Nếu tôi là ông, tôi sẽ không làm như thế. — Một người nói. — Người ta không thể đoán được có những con bọ gì đang nằm dưới đó.

— Đúng là thế. — Ông già tiếp lời. — Ví dụ như những con bọ cạp. Chúng ẩn sâu dưới bùn chờ cho đến hết mùa mưa, và rất căm ghét kẻ nào quấy rầy chúng. Những con bọ xấu xa ấy rất bẳn tính...

Xã trưởng, vẫn cúi người xuống, ngước nhìn ông một cách căm ghét.

— Các người nghĩ rằng tôi sẽ nuốt trôi những điều ngu xuẩn ấy à? Các người muốn doạ tôi với những câu chuyện dành cho đàn bà.

— Không phải, thưa ngài xã trưởng, ông hãy chờ tôi một tí.

Ông già cắt một cành cây. Chẻ đôi một đầu để làm thành một cái dĩa, rồi xọc nó xuống nhiều lần trong đám bùn lõm bõm. Cuối cùng ông rút nó lên, dùng dao cạo bùn một cách thận trọng rồi gạt xuống đất một con bọ cạp ở tuổi trưởng thành. Con bọ còn bị phủ đầy bùn, nhưng người ta có thể nhìn rõ, cái đuôi chứa đầy nọc độc của nó dựng đứng lên.

— Ông nhìn thấy chưa. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại như ông, đúng là một lời mời ăn tối hấp dẫn với những loài bọ kia.

Xã trưởng không nói gì. Hắn trừng trừng nhìn con bọ cạp đang cố gắng chui lại vào đống bùn, rồi rút súng ra bắn liền sáu viên vào nó. Sau đó, hắn rút nốt chiếc ủng còn lại, vứt vào đám lá.

Lão béo đã vứt ủng đi, mọi người có thể đi nhanh hơn. Nhưng hắn tiếp tục làm mất thời gian khi leo dốc. Sau khi mọi người leo lên dốc một cách dễ dàng, họ phải dừng lại để nhìn xã trưởng leo lên bằng cả hai chân hai tay. Hắn tiến được hai bước, rồi tụt xuống bốn bước.

— Hãy leo lên bằng cách đi giật lùi. — Họ gọi xã trưởng. — Hãy nhìn chúng tôi đây. Nhấc cao chân lên trước khi đặt nó xuống. Ông không chịu nhấc chân cao quá đầu gối. Ông cứ làm như một bà xơ rón rén đi ngang qua cửa trại lính. Nhấc cao chân lên và đi giật lùi.

Lão béo, mắt đỏ lên vì giận dữ, tìm cách leo lên bằng cách của mình, nhưng thân thể nặng nề luôn phản bội hắn. Mọi người phải nắm tay nhau thành một dây dài để kéo hắn lên.

Lúc xuống dốc thì nhanh hơn. Xã trưởng tụt xuống trong đủ mọi tư thế: ngồi, nằm ngửa, hay nằm sấp. Hắn luôn là người xuống nhanh nhất, người lấm bê bết bùn đất và cành cây.

Đến giữa buổi chiều, những đám mây khổng lồ lại bắt đầu tụ lại trên bầu trời. Họ không nhìn thấy, nhưng đoán được vì bóng râm làm cho rừng càng âm u hơn.

— Chẳng thể nào tiếp tục đi được nữa. Không còn nhìn thấy gì cả. — Xã trưởng nói.

— Đấy mới thật là lời nói chí lý. — Ông già trả lời.

— Vậy thì hãy dừng lại ở đây. — Xã trưởng ra lệnh.

— Hãy chờ tôi. Tôi muốn tìm một chỗ an toàn hơn.Tôi sẽ không để mọi người chờ lâu lắm đâu. Mọi người hãy hút thuốc, như vậy tôi dễ định hướng lúc quay lại hơn.

Ông già trao khẩu súng cho một người trong đoàn. Ông biến đi như bị nuốt chửng trong bóng tối. Những người khác ở lại, chụm tay che mưa, để hút xì-gà.

Ông nhanh chóng tìm được một khoảng đất bằng phẳng. Ông đi vài bước chân để đo diện tích và thử thăm dò nền đất với con dao của mình. Đột nhiên, con dao gây một tiếng động như chạm vào sắt, làm ông thở phào nhẹ nhõm. Ông quay trở lại, được định hướng bằng mùi thuốc lá và thông báo với mọi người đã tìm một chỗ để dừng chân qua đêm.

— Đáng tiếc là chúng ta không đốt lửa được. — Xã trưởng than phiền. — Có lửa sẽ an toàn hơn.

— Như thế này tốt hơn. — Một người nhận xét.

— Tôi không thích thế này. Tôi không thích bóng tối. Ngay cả bọn mọi rợ cũng đốt lửa để bảo vệ. — Xã trưởng phân trần.

— Ông nghe này, thưa Ông. Chúng ta ở chỗ an toàn. Nếu giả dụ có con thú đang ở đây. Chúng ta không nhìn thấy nó, nhưng nó cũng không nhìn thấy chúng ta. Nếu chúng ta đốt lửa, điều đó giúp cho nó nhìn thấy chúng ta, nhưng chúng ta vẫn không thể nhìn thấy nó, bởi bị lửa làm chói mắt. Ông cứ yên tâm và cố ngủ đi. Tất cả mọi người đều cần một giấc ngủ cho lại sức. Hơn nữa, nên tránh nói chuyện.

Mọi người tán thành những lời nói của ông già. Họ thoả thuận nhanh chóng với nhau canh gác. Ông già gác phiên đầu tiên.

Đi rừng mệt mỏi làm mọi người thiếp đi nhanh chóng. Họ ngồi xổm như những con chó đang gác. Tay vòng qua đùi, mũ bịt xuống che mặt. Tiếng động đều đều của mưa rừng làm lấp đi những hơi thở đều đều.

Antonio José Bolivar ngồi khoanh chân tựa lưng vào gốc cây. Thỉnh thoảng ông lại vuốt ve vào lưỡi dao rừng của mình và chăm chú theo dõi từng tiếng động. Có những tiếng động lặp đi lặp lại đều đặn, tiếng của một khối khổng lồ đập vào nước làm cho ông biết rằng họ đang ở gần một nhánh sông hay một dòng suối đang trong cơn lũ. Vào mùa mưa, mưa rào làm rơi từ những cành cây xuống vô số côn trùng. Cá quẫy lên đớp mồi. Chúng nhẩy lên vì sung sướng, và thoả mãn.

Ông nhớ lại lần đầu tiên ông nhìn thấy con cá sông thật sự. Đã lâu lắm, thời mà ông còn ngỡ ngàng với rừng.

Một buổi tối đi săn, ông cảm thấy thân thể mình chua loét mồ hôi. Khi đi ngang qua một con suối, ông muốn nhẩy xuống tắm. May mắn, một người thổ dân kịp nhìn thấy và cảnh giác gọi ông.

— Đừng làm thế, rất nguy hiểm.

— Vì có cá pirana hay sao?

Không. Người thổ dân giải thích. Cá pirana sống ở chỗ nước lặng và sâu, không bao giờ chúng sống ở nơi nước chảy xiết. Đấy là một loài cá chậm chạp, chúng chỉ trở nên nhanh nhẹn khi bị đói hay ngửi thấy mùi máu.

Trong thực tế ông chưa bao giờ có chuyện với chúng. Những người thổ dân Shuars dậy ông, chỉ cần trát vào người mủ cao-su là có thể giữ chúng ở xa. Mủ cao-su làm người ta bỏng rát như bị lột da, nhưng cơn ngứa sẽ biến đi, khi người ta ngâm mình xuống nước lạnh. Cá pirana sẽ bỏ đi khi chúng đánh hơi thấy mùi mủ cao-su.

— Còn đáng sợ hơn pirana. — Người thổ dân nói và chỉ cho ông một điểm nổi lên trên mặt suối. Ông nhìn thấy một vết đen dài cỡ độ một mét đang lướt nhanh trong nước.

— Đó là cái gì vậy?

Bagre-guacayamo

Một con cá trê. Loài cá trê khổng lồ. Sau này ông đã câu được những con dài tới 2m và nặng hơn 70kg. Ông cũng được biết rằng loài cá này hiền lành, nhưng lại thân thiện đến chết người. Khi nhìn thấy có người dưới nước, chúng liền sán lại để đùa giỡn và những cú vẫy đuôi của chúng có thể đập gẫy sống lưng người ta.

Những tiếng đập nặng nề trong nước vẫn tiếp tục. Có thể đó là một con cá trê đang đánh chén no nê những con mối, bọ que, châu chấu, dế con, nhện rừng, hay kiến rừng bị nước mưa gạt xuống.

Trong bóng tối, đó là tiếng động của sự sống. Giống như những người Shuars nói: ban ngày có con người và rừng. Ban đêm rừng là một con người. Ông thích thú lắng nghe tiếng động cho đến lúc nó tắt hẳn.

Người đến phiên đổi gác ông dậy trước giờ. Anh ta vươn vai bẻ xương răng rắc và đi đến chỗ ông.

— Tôi ngủ đủ rồi. Ra chỗ tôi mà ngủ. Tôi đã sưởi sẵn cho lão.

— Tôi không mệt. Tôi thích ngủ khi trời rạng sáng hơn một chút.

— Có cái gì đang quẫy trong nước, phải không?

Ông già kể chuyện con cá cho anh ta. Nhưng ông bị ngắt quãng bởi một tiếng động mới đến từ phía một bụi cây.

— Lão có nghe thấy không?

— Suỵt! Hạ thấp giọng xuống.

— Có cái gì vậy?

— Tôi không biết, nhưng chắc chắn là quan trọng. Đánh thức mọi người dậy, nhưng đừng gây tiếng động.

Anh ta chưa kip đứng dậy, thì cả hai đã bị loá mắt bởi một luồng ánh sáng trắng. Nó càng chói hơn do bị khúc xạ bởi nước đọng trên lá rừng.

Đó là xã trưởng đang tiến lại gần tay cầm đèn măng-xông, do bị đánh thức bởi tiếng động.

— Ông tắt đèn đi. — Không cất cao giọng, ông già cứng rắn ra lệnh.

— Tại sao? Có một cái gì đó. Ta muốn xem nó là cái gì. — Lão béo trả lời, chiếu ánh đèn về tứ phía và lên đạn.

— Tôi nói với ông tắt cái đồ bẩn thỉu này đi. Bằng một cái gạt, ông lão hất văng cái đèn xuống đất.

— Lão có quyền gì...

Câu nói của lão béo chìm đi trong tiếng vỗ cánh ầm ĩ. Một thác nước thối đổ lên đầu mọi người.

— Xin chúc mừng ông. Chúng ta chỉ còn nước nhổ trại thật nhanh, trước khi kiến rừng đến tranh ăn đống phân tươi này.

Xã trưởng đứng đờ người. Hắn sờ soạng tìm cây đèn và cố gắng bám theo mọi người rời bỏ địa điểm.

Mọi người lầm bầm những câu chửi không thành tiếng, nguyền rủa sự ngu ngốc của lão béo.

Họ đi tới một bụi cây, để mặc mưa quất xối xả vào mặt.

— Có chuyện gì đã xẩy ra vậy? Đó là cái gì? — Lão béo hỏi khi mọi người dừng lại.

— Phân. Ông không ngửi thấy à?

— Tôi biết đó là phân. Chúng ta ngủ dưới một bầy khỉ à?

Một thứ ánh sáng mờ nhạt bắt đầu làm rõ nét những bóng người và hình khối của rừng già.

— Thưa ông xã trưởng, giá như điều này có thể giúp ông được chút gì. Khi người ta đóng trại trong rừng, thì phải trú dưới một cái cây bị cháy hay đã chết khô. Những con dơi đậu trên đó là những cái chuông báo động tốt nhất. Bởi khi chúng bay theo hướng ngược lại của tiếng động, những con vật đó chỉ cho người ta biết tiếng động đến từ đâu. Nhưng ông đã làm chúng sợ với tiếng quát và cái đèn của ông. Thế là chúng bay mất và ỉa lên đầu chúng ta. Giống như tất cả các loài gặm nhấm, đó là những con vật nhạy cảm. Chỉ cần một tín hiệu nguy hiểm rất nhỏ, chúng sẽ nhả tất cả những gì chứa trong bụng để làm nhẹ mình trước khi bay đi. Thôi, bây giờ ông hãy gội đầu cho kỹ, nếu ông không muốn bị muỗi ăn thịt.

Xã trưởng bắt chước mọi người lau chùi những đám phân hôi thối. Khi họ làm xong, thì trời đã đủ sáng để họ tiếp tục lên đường.

Họ đi bộ ba tiếng liền, luôn hướng về hướng đông, đi vượt qua các dòng suối đang cơn lũ, các khe hẹp, các bụi cây. Họ vừa đi,vừa ngửa mặt hứng nước mưa trên trời cho tỉnh táo, rồi họ dừng chân bên một đầm nước để ăn uống một cái gì đó.

Họ hái quả rừng và bắt cua, mà lão béo từ chối không dám ăn sống. Vẫn quấn tròn mình trong cái áo mưa mầu xanh, hắn run rẩy vì lạnh và tiếp tục than vãn vì không thể đốt lửa.

— Chúng ta đã đi gần đến nơi rồi. — Một người nói.

— Đúng, nhưng chúng ta sẽ đi vòng ra phía đằng sau. Đi thẳng dọc theo dòng suối sẽ dễ dàng hơn, nhưng con thú vốn thông minh và nó có thể dành cho chúng ta một sự bất ngờ. Ông già đề nghị.

Mọi người gật đầu đồng ý, họ nuốt một ít đồ ăn với vài ngụm Frontera.

Nhìn thấy lão béo đang đi ra xa, nấp sau một cái cây nhỏ. Họ lấy khuỷu tay hích nhau làm hiệu.

— Ông lãnh chúa không muốn chìa cái mông trước mặt chúng ta.

— Cái lão ngốc ấy có khi ngu đến mức ngồi xổm trên một tổ kiến lửa mà lại tưởng đang ngồi trên ngai vàng.

— Tôi đánh cược là hắn sẽ tự hỏi lấy đâu ra giấy toa-lét để chùi. — Một người khác chêm vào trong tiếng cười vang của mọi người.

Họ cười sau lưng con sên trần, giống như họ chẳng chừa dịp vắng mặt nào mà không nhắc đến hắn. Những tiếng cười tự nhiên ngừng bặt bởi một tiếng hét hoảng sợ tiếp đó là một chuỗi tiếng súng. Liền sáu phát, hết cả băng đạn một lúc.

Xã trưởng hiện ra, vừa kéo quần lên vừa gọi mọi người.

— Mau lên! Mau lên! Tôi đã nhìn thấy nó. Nó ở đằng sau và định vồ. Tôi đã bắn trúng nó rồi. Mau lên! lại chỗ này đi tìm.

Họ lên đạn và chạy về phía lão béo chỉ. Họ lần theo một vệt máu rộng khiến xã trưởng hân hoan và đi đến trước một con vật có một cái mũi dài đang giẫy những cái giẫy cuối cùng trước khi chết. Bộ lông vàng có đốm của nó lấm máu và bùn. Con vật nhìn mọi người, mắt to thao láo. Một tiếng rên khò khè yếu ớt phát ra từ cái mũi dài như cái kèn.

— Đây là một con gấu ăn mật. Ông không thể nhìn trước khi bắn bằng cái đồ chơi bẩn thỉu của mình à? Bắn chết một con con gấu ăn mật là điềm xấu. Không có một con vật nào trong rừng hiền lành như nó, đến những kẻ ngu ngốc nhất trên đời cũng biết thế.

Mọi người gật đầu, cảm động vì sự bất hạnh của con vật khốn khổ, trong khi xã trưởng nạp đạn tiếp và chẳng tìm được điều gì để biện bạch.

Đã quá trưa, khi họ nhìn thấy tấm biển quảng cáo phai mầu với dòng chữ Alkaseltzer báo hiệu cái quán của Miranda. Đó là một miếng kim loại bằng đồng xanh với dòng chữ đã mờ gần hết mà chủ quán đóng lên trên một thân cây cao gần túp lều của mình.

Họ tìm thấy chủ nhà ở cách cửa một vài mét. Lưng bị xẻ rách bởi hai vết vuốt chạy từ giữa lưng đến thắt lưng. Cổ bị xé nát một cách man rợ, để hở cả xương sống. Người chết nằm sấp mặt, tay vẫn còn nắm chặt con dao rừng.

Mọi người kéo hắn vào trong nhà, không thèm bận tâm đến kỳ công của bầy kiến rừng. Chỉ trong một đêm, chúng đã dựng xong một cái cầu bằng lá và cành cây để khai thác cái xác theo ý muốn. Trong nhà, một ngọn đèn dầu còn cháy leo lét. Khắp nơi bốc mùi mỡ bị cháy.

Khi đến gần cái bếp dầu, họ phát hiện ra nguồn gốc của mùi mỡ. Cái bếp vẫn còn ấm, nhưng dầu đã cạn, và bấc đã cháy hết. Một cái chảo còn đựng hai cái đuôi kỳ đà đã cháy thành than.

Xã trưởng ngắm cái xác.

— Tôi không hiểu. Miranda là một người giầu kinh nghiệm, hắn không phải là một thằng chết nhát. Nhưng người ta có thể nói hắn đã hoảng sợ đến mức không kịp nghĩ tới chuyện tắt bếp. Tại sao hắn không đóng cửa lại để chờ con báo? Súng của hắn vẫn treo trên tường. Tại sao hắn không dùng?

Những người khác cũng đặt câu hỏi tương tự. Xã trưởng cởi cái áo mưa ra. Một suối mồ hôi đổ ròng ròng xuống tận chân. Mọi người vừa tiếp tục ngắm cái xác chết vừa hút thuốc, uống rượu. Một người sửa lại cái bếp dầu, và xin phép xã trưởng cho phép mở những hộp cá hồi.

— Hắn không phải là một thằng tồi tệ.

— Từ ngày vợ hắn bỏ đi. Hắn sống đơn độc còn hơn một thân cây khô. — Một người khác tiếp lời.

— Hắn không có người thân à?

— Không. Hắn tới đây với một người em. Anh ta đã chết vì sốt rét từ lâu. Vợ hắn bỏ hắn đi với một người thợ chụp ảnh rong. Người ta đồn cô ta sống ở Zamora. Có thể thuyền trưởng biết cô ấy hiện sống ở đâu.

— Tôi nghĩ là cái quán này cũng giúp hắn kiếm được chút đỉnh. Các người có biết hắn làm gì với số tiền kiếm được.

— Tiền của hắn? Hắn chơi bài và chỉ giữ lại tiền đủ để mua hàng dự trữ. Ở đây là như thế, nói như vậy phòng trường hợp ông còn chưa biết. Đấy là lúc rừng đã ăn vào gan ruột người ta. Khi chẳng còn hi vọng gì để bám vào, người ta sẽ chẳng bao giờ thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn ấy.

Mọi người xung quanh tán thưởng sự tệ hại ấy với một vẻ kiêu hãnh. Đúng lúc đó, ông già đi vào.

— Còn một cái xác nữa nằm bên ngoài.

Họ vội vàng chạy ra, người ướt lướt thướt vì mưa. Họ phát hiện một cái xác thứ hai. Hắn nằm dang tay ra, quần còn tụt dưới chân. Hai vai bị cầy nát bởi những cái vuốt. Cổ họng rách toang mang đến cho họ một hình ảnh đã bắt đầu trở nên quen thuộc. Con dao rừng cắm xuống đất nói lên rằng nạn nhân không có thời gian để sử dụng nó.

— Tôi nghĩ đã hiểu được sự việc. — Ông già nói.

Mọi người đứng xung quanh cái xác, và theo dõi trong ánh mắt của xã trưởng những cố gắng để hiểu lời giải thích của ông già.

— Xác chết là của Placencio Punan, một gã chẳng mấy khi xuất hiện. Họ có vẻ định ăn cơm cùng nhau. Các ông có thấy hai cái đuôi kỳ đà bị cháy không? Chắc là Placencio mang chúng đến. Người ta không thể tìm thấy loài vật này ở xung quanh đây. Hắn đã phải săn ở đâu đó cách đây ít nhất vài ngày theo đường rừng. Các ông không biết hắn. Hắn không đi tìm vàng như những thằng điên kia. Hắn tin chắc rằng, ở trong rừng sâu, người ta có thể tìm thấy đá quý. Tôi nhớ, có lần hắn kể về Colombia và những viên đá quý mầu xanh to bằng nắm tay. Thằng khốn khổ. Chắc hắn muốn trút cho nhẹ bụng, nên đi ra ngoài. Con thú đã bất ngờ vồ hắn trong tư thế đó. Hắn ngồi xổm, tay bám vào chuôi dao cắm xuống đất. Con báo cái đã tấn công hắn từ trước mặt. Nó đã cắm những cái vuốt lên trên vai, và ngoạm răng vào cổ. Miranda phải nghe thấy tiếng kêu, và chỉ kịp chạy ra chứng kiến điều tệ nhất đã xẩy ra. Vì thế hắn chỉ nghĩ tới việc đóng yên con lừa để chạy trốn. Như người ta đã thấy, hắn không đi được xa.

Một người lật úp cái xác xuống. Trên lưng hắn còn có những vết phân.

— Vẫn còn may là hắn có thời gian để ị. — Anh ta nói. — Họ bỏ cái xác nằm sấp bên ngoài để cho nước mưa rửa sạch hết những dấu vết của hành động cuối cùng mà người chết đã làm trong thế giới này.

 

[còn tiếp]

 

 

--------------
Dịch theo bản tiếng Pháp, Le vieux qui lisait des romans d'amour, của François Maspéro (Paris: Editions Métailié, 2004).
 

 

 

Đã đăng:

... Ngồi yên, đồ chó. Hạ hai cái cẳng trước xuống! Đúng là nó đau, nhưng lỗi của ai, hử? Của thằng này? Không, đó là lỗi của nhà nước. Hãy nhồi điều đó vào đầu, do nhà nước. Đấy là tội lỗi của nhà nước khi chú mày có những cái răng thối và nó làm chú mày đau. Lỗi của nhà nước... [Bản dịch của Nam Giang] (...)
 
... Một buổi tối sau khi thoả cuộc mây mưa với Joselina, một cô gái quê ở tỉnh Esmeraldas, người có một nước da nhẵn và khô như mặt trống, ông nhìn thấy một chồng sách xếp gọn gàng trên nóc tủ đầu giường. — Em cũng thích đọc sách à? — Ông hỏi. — Vâng, nhưng em đọc chậm lắm. — Em thích những loại sách nào? — Những tiểu thuyết tình yêu. — Cô gái trả lời... [Bản dịch của Nam Giang] (...)
 
... Cô không có bầu. Hàng tháng kinh nguyệt đến đều đặn một cách ghê gớm. Mỗi lần tới tháng càng làm tăng thêm sự cô lập của cô. — Con bé này đẻ ra đã vô sinh. — Các bà già nói với nhau. — Tôi đã nhìn thấy kinh của nó từ lần đầu tiên. Nó chứa đầy những con nòng nọc chết. — Một bà già khẳng định. — Con bé này đã chết từ trong ruột. Thứ đàn bà như nó thì dùng làm được việc gì? — Mấy bà già tiếp tục... [Bản dịch của Nam Giang] (...)
 
... Ông tiếp tục chăm chú nhìn theo bàn tay cha cố. Bàn tay béo mập, trắng nõn, đặt ở trên bìa quyển sách mầu đen. — Các quyển sách khác kể những gì? — Ta vừa nói với con, đủ thứ chuyện: thám hiểm, khoa học, cuộc đời của những thánh nhân, kỹ thuật, tình yêu... — Cái điều cuối cùng làm ông chú ý. Tình yêu... [Bản dịch của Nam Giang] (...)
 
... Antonio José Bolivar ngủ ít, không bao giờ quá 5 tiếng một đêm và 2 tiếng ngủ trưa. Thời gian còn lại, ông dùng để đọc sách, để mơ màng theo những bí ẩn của tình yêu và tưởng tượng đến những nơi mà câu chuyện đã xẩy ra... [Bản dịch của Nam Giang] (...)
 
... Một cái hôn nồng cháy. Một cái hôn. Giờ đây ông mới phát hiện ra, ông không hôn bao nhiêu và duy nhất chỉ hôn vợ mình, bởi vì người Shuars không biết hôn. Họ, cả đàn ông và đàn bà chỉ vuốt ve khắp thân thể nhau và không hề quan tâm tới sự có mặt của một người thứ ba. Ngay cả khi làm tình với nhau, họ cũng không hôn. Phụ nữ thích ngồi lên trên người đàn ông... [Bản dịch của Nam Giang] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021