thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tứ tuyệt

 

Bác tôi có bốn người con, đều là gái. Nói theo kiểu miền Bắc là vịt giời, nói theo xứ này là ngao. Toàn là những tiếng dè bỉu, chê bai.

Chờ mãi mà chẳng có một thằng cu, nên bác trai cảm thấy cái chức trưởng họ của mình nó lỏng chỏng cứ như một tổng thống được chỉ định chứ không phải do dân bầu lên. Còn bác gái, cứ mỗi lần nghe bà mụ bảo: “Ơ lại là con gái”, thế là thở dài; lần sau dài hơn lần trước, và lần sau cùng thì khóc. Chẳng phải bác lo chồng cưới vợ bé để kiếm con trai (có cho cũng không dám) mà vì, như bác nói, làm đàn bà khổ lắm, vui vẻ gì mà sinh ra cả lũ!

Tuy vậy, nhìn bốn cô con gái xinh xinh hai bác cũng yên ủi ít nhiều. Bác trai vốn là người sinh ra chỉ biết làm thơ chứ không làm gì khác, đã rất lạc quan, tự hào. Bác nói: “Nhà có con gái như có ngọc, sáng hẳn ra. Mình được đến những bốn viên, sang quá chớ bộ!”

Bác gái thì nguýt: “Ở đó mà sang, ông không nghe người ta nói đó là bom nổ chậm à? Một trái đã mất ăn mất ngủ, đến những bốn trái thì biết làm sao đây!”

“Vớ vẩn!” Bác tôi cãi lại. “Bà có biết làm thơ không đấy! Mỗi đứa là một câu thơ, bốn đứa làm thành một bài thơ tứ tuyệt. Ôi chao, Lý Bạch, Đỗ Phủ cũng phải thua tôi nữa kìa!”

“Hay nhỉ,” bác gái cười, “vậy ông thử đọc bài thơ đó nghe xem nào!”

Ông trợn mắt ngạc nhiên: “Thơ nào nữa. Bốn đứa là bốn câu thơ, tròn trịa, xinh xắn. Sống động như thế, nhìn chưa đã con mắt hay sao mà còn đòi đọc cho nghe nữa!”

Rồi mỉm cười ý nhị, bác hạ thấp giọng như chỉ đủ cho bà nghe: “Mà bài thơ tuyệt tác đó, chính bà là tác giả. Bà chẳng biết vần điệu gì ráo, nhưng đã đã sáng tạo ra chúng trong những phút xuất thần, đúng là thiên tài!”

Mặc dù được bác trai bốc lên đến tận giời, nhưng bác gái tôi chỉ cười. Một lúc sau, bác nói như thể kéo bác trai xuống mặt đất:

“Tôi thì tôi lo lắm. Thời buổi này, kiếm được một thằng rể đã là khó. Mà đến những bốn đứa thì biết kiếm đâu cho ra. Bọn con trai, nếu không suốt ngày say xỉn thì bài bạc hút xách. Những đứa coi được được lại vô công rồi nghề, cứ ngồi chảy thây ra ở các quán cà-phê! Ông hãy liều liệu mà ăn với ở. Con gái nhờ đức cha kia đấy!”

“Bà khỏi phải lo,” bác tôi cao giọng. “Ăn ở như tôi đấy à? Đến mười đứa còn chưa hết đức, nói gì bốn đứa. Này nhé, tôi không tham nhũng thụt két, không bóp hầu bóp họng ai, không nịnh trên nạt dưới,... Tôi chỉ là nhà thơ, một nhà thơ chân chính không thèm vào hội nhà văn, thì đứa nào bẻ cong ngòi bút tôi được!”

“Thì đấy,” bác gái đãi giọng ra, “điều tôi lo là ông thừa cái đức của các cụ xưa mà thiếu cái đức của bọn trẻ ngày nay!”

“Đức của bọn trẻ ngày nay là đức thế nào?”

“Là tiền!”

“Ơ!” Bác tôi kêu lên như từ trên trời rơi xuống. “Là tiền à? Đức mà lại là tiền à? Thế cái bọn bán rừng bán biển, cướp đất cướp ruộng của dân, bọn vun quén tài sản rồi chuồn ra nước ngoài với cả đống đô la, là đức đó à?”

“Cũng gần như vậy.”

“Đó là cái đức cống, thối hoắc!” Bác tôi phẫn nộ.

“Nhưng đời này thì nó thơm lắm. Không thối như ông tưởng đâu. Này tôi hỏi ông, khi ông đi ra đường với chiếc áo xệch xạc, chiếc mũ bèo nhèo, đôi giày vẹt gót, thì đúng là nhà thơ đó, nhưng có ai chào nhà thơ không? Hay là người ta chỉ chào ông giám đốc này, ông chủ doanh nghiệp nọ? Ngay cả một chú công an đứng đường cũng được thưa gửi kính cẩn. Nói đâu xa, anh em trong họ nhà này, dù ông là trưởng họ nhưng có ai coi ông ra gì. Ông còn thua cả thằng Bang, làm chủ hàng trăm con vịt đẻ, là cháu ông nữa đấy!”

Bác gái tôi nói tới đó thì nghèn nghẹn, rơm rớm nước mắt. Một lúc, bác thở ra: “Tôi nghĩ mà thương cho tụi nó. Bốn chị em mà có mỗi chiếc xe cà tàng, thì ai mà thèm vào. Tụi nó nói: ‘mỗi đứa một chiếc tay ga, còn chưa chắc nữa là’. Làm cha làm mẹ mà để con cơ cực như thế, tôi xấu hổ quá!” Và, bà khóc thành tiếng.

Bác trai cứ trợn trừng ngó lên trần nhà, miệng lẩm nhẩm hai tiếng “đức” và “tiền” như người bị ma nhập; rồi bất ngờ nắm lấy vai bác gái, nói như reo:

“Tiền cả đống kia đấy! Hơ hơ!”

Bác gái mệt mỏi đứng dậy định đi, nhưng bác trai giữ lại.

“Nhiều tiền thật mà. Bốn đứa con gái là bốn cục vàng, hà hà. Này nhé, con Phong mà ai cũng kêu là cây sào, thử hỏi ở cái xứ dân lùn này có ai chân dài bằng nó không? Nó mà đi thi hoa hậu thì đoạt vương miện là cái chắc. Còn con Hoa suốt ngày hát hò, cứ ghi tên mà thi Idol hay Giọng hát Việt. Con Tuyết dù còn đi học nhưng cái làn da trời cho đúng như tên nó, thì thi người đẹp sinh viên. Con Nguyệt lém lỉnh giỏi ngoại ngữ, làm phóng viên cho Việt Tấn Xã, đi nước ngoài như đi chợ, miễn là đừng có chĩa hàng. Bốn đứa là bốn cái máy in tiền. Bà là mẹ, rồi sẽ được đăng hình lên báo, còn tôi, khi được phỏng vấn, chúng nó thỏ thẻ: ‘dạ bố em là nhà thơ ạ’, nghe còn oách hơn cả giám đốc ngân hàng đấy chứ! Ơ kìa, nhưng bà sao thế, bà ngất đấy à? Này cháu, giúp bác đưa bác gái vào giường, bà ấy vui quá, ngất đi đấy!”

Đúng là bác gái tôi đang ngất, nhưng chẳng phải vì vui. Sau này bác nói: “Chán bác giai mày quá! Toàn những chuyện không đâu. Cầu trời cho tụi nó không đứa nào vớ phải một thằng chồng như bác mày!”

Cũng vì không thể tin được một ông chồng cứ mải nghĩ chuyện đâu đâu, nên bác gái dẹp bốn cái máy in tiền qua một bên. Bác bảo: “Ai thì mơ chứ bác không mơ. Hay ho gì cái trò thi hoa hậu với thần tượng. Cứ phơi tồng tộc ra trước bàn dân thiên hạ như phơi bánh tráng ấy, thì là con gì chứ đâu phải con gái!”

Cái nỗi lo con gái ế chồng cứ mãi ám ảnh bác gái tôi, như một người chèo đò lo thuyền chìm khi phải chở nặng. Mỗi khi nhìn cái Phong, đã hơn ba mươi tuổi đầu mà chẳng thấy tăm hơi động tĩnh gì cả, bác cứ thở dài thườn thượt. Nhưng bác trai, lúc nào cũng lạc quan tin tưởng:

“Sao mà ế được? Chẳng qua là nó phải chịu cái dớp của một câu thơ hay, thế thôi. Mà thơ hay cũng như ngọc trong đá. Phải mất một thời gian đẽo gọt người ta mới tìm ra được ngọc. Bốn đứa là bốn câu thơ toàn bích. Thì bốn thằng rể cũng phải vậy. Bà làm thơ xướng thì tôi làm thơ hoạ. Nhất định tôi sẽ làm. Tôi sẽ tìm ra đủ bốn đứa để hoạ lại. Phong, Hoa, Tuyết, Nguyệt thì hoạ lại phải là Cầm, Kỳ, Thi, Hoạ. Tôi ví dụ là vậy, chứ không phải đốt đuốc đi tìm bốn cái thằng có tên như thế. Nhỡ cầm mà không biết đàn thì sao. Nhỡ kỳ mà không biết đánh cờ cũng hỏng. Nhỡ thi mà nói một câu chẳng nên lời thì thi cái nỗi gì. Còn hoạ mà vụng về làm gì cũng không nên thì chỉ có nước là tai hoạ. Những câu thơ tôi chọn phải thật giàu hình tượng, nhiều ý tưởng; nói rõ hơn là phải đẹp giai này, chỉ số IQ thông minh phải cao đến tận nóc!”

“Thôi, thôi,” bác gái kêu lên như hét, “một mình ông là thơ, tôi đã đủ mệt quá rồi. Thêm bốn đứa con gái ông cũng gọi là thơ. Giờ thêm bốn thằng rể, ông lại gọi là thơ nữa, có mà tôi chết sớm!”

“Bà không việc gì phải chết sớm đâu. Hãy cứ sống mà xem tôi chọn rể. Đẻ như bà thì tôi không làm được, nhưng người khác đẻ để tôi chọn, thì là nhất!”

Thế là bác tôi, với bổn phận nặng nề làm cha, cọng với nguồn thi hứng dạt dào, đã lùng sục trong đám con cháu bạn bè quen biết, đưa về một “lũ bốn tên” như bác gái tôi mỉa mai. “Một lũ người không ra người, ngợm không ra ngợm, nhưng ăn thì như ngạ quỷ, bao nhiêu cơm, phở, bún, bánh đều sạch nhẵn. Rể như thế thì chỉ có nước bán nhà!”

Nhưng bác tôi cãi lại: “Có như thế chúng mới là đàn ông. Chúng ăn như hổ, uống như rồng, bà không thấy là đối quá chỉnh với thực như miêu của các con mình à? Còn cái bề ngoài, bà phải nhớ chiếc áo không làm nên thầy tu, đừng tưởng chúng khùng, chúng là những nhà thơ đương đại, có điều chưa kịp nổi danh đấy thôi.”

Bác gái tôi lại buông một câu quen thuộc: “Chán bác giai mày quá!” Còn các câu thơ trong bài tứ tuyệt, khi thấy các “câu thơ” nửa như tân hình thức nửa như hậu hiện đại mà ông đem về, thì đồng loạt kêu lên: “Thôi, bố gả chúng con cho Đại Hàn hay Trung Quốc đi. May ra bố mẹ còn được vài trăm đô!”

Cuộc chiến về thơ cứ nhùng nhằng như thế thì đùng một cái, bác tôi lăn ra chết! Không phải chết trong một đêm trăng huyền hoặc như Lý Bạch, mà là chết trong một đêm ba mươi tối đen như mực. Bác chết ngoài hiên, bác gái nói đi giải ngã đấy thôi, trong khi các thi hữu thì bảo bác đi tìm vần thơ. Dù sao thì bác cũng đã chết rồi. Cái nỗi buồn mất cha, mất chồng không đủ che lấp cái nỗi nhẹ người (tôi không dám nói nỗi vui), khi trong nhà bớt đi một bóng người mà ai cũng cho là lẩn thẩn.

Di cảo của bác để lại là những tập vở học trò đề bên ngoài là thi phẩm, nhưng lật bên trong chẳng có bài thơ nào, ngay cả một câu cũng không! Nhớ lúc sống bác bảo: “Tác phẩm chưa hoàn thành là tác phẩm hay nhất, đạt nhất.” Tiếc rằng, bác không sống đủ lâu để hoàn thành, cho dù khi ấy nó không còn là hạng nhất nữa. Cái hay, cái đạt ấy bác đã đột ngột đem theo xuống mồ!

Như thế, cả một đời làm thơ, bác chỉ còn để lại duy nhất một bài thơ tứ tuyệt. Tiếc rằng, (cũng lại tiếc) bài thơ còn sống lâu hơn bác đó thì không phải bác làm một mình mà đồng tác giả cùng với bác gái!

Bốn câu thơ ấy, sau khi mãn tang cha cũng lần lượt đi lấy chồng. Người chèo đò chở khẳm là bác gái tôi cũng cặp được bến. Bác đã có thể thở phào nhẹ nhõm.

Có điều bốn chàng rể chưa chắc đã làm nên một bài thơ hoạ đắc ý như bác trai tôi mong muốn. Nếu còn sống, thế nào bác cũng chê là sai niêm luật, lạc vần lạc điệu, chỉ được cái đối nhau chan chát.

Cô chị cả tên Phong, cao một thước tám thì lấy một anh chàng mà chiều cao khiêm nhường của anh ta, chỉ vừa đúng cái chân dài của cô. Ngày cưới, cô dâu mặc váy trắng trông như nàng Bạch Tuyết, còn chú rể tuy vậy mà rất tự tin, tự cho mình là một trong bảy chú lùn.

Cô hai Hoa, thì lấy một anh mặt mụn nhiều như cám. Cô không đủ tự tin để chụp hình bên anh, nhưng cô rất thích khi thấy anh chường mặt ra quảng cáo đủ kiểu trên truyền hình. Anh sẽ đem về cho cô ngoài những tấm ngân phiếu còn có cả đống kem dưỡng da, thuốc tẩy trắng.

Cô ba Tuyết, không thể tìm đâu ra cách đối nào hoàn chỉnh hơn, khi sánh duyên với một cầu thủ bóng đá người Ghana. Cô tự hào mà bảo rằng anh ấy là đêm, cô là ngày, có như thế cuộc sống lứa đôi mới không buồn chán.

Cô út Nguyệt, có lẽ là xấu số nhất, lấy một ông chồng già những mong được cưng chiều, nhưng chưa hết tuần giăng mật thì chồng bị đột quỵ, chữa chạy lắm cũng chỉ lập bà lập bập tiếng được tiếng mất.

Các thi hữu của bác tôi khi dự lễ cưới, đều khề khà phẩm bình những câu thơ “đực” không hợp vì chúng mới quá, lạ quá, “đối” với các câu thơ “cái” nghe trúc trắc làm sao! Nhưng các cụ cũng gật gù mà khen rằng bày ra được một cuộc trình diễn nghệ thuật có một không hai như thế này, nào là có cao có thấp, có trắng có đen, có xấu có đẹp, có già có trẻ, thì chỉ có mỗi một nghệ sĩ bậc thầy duy nhất, là số phận mới tạo dựng được mà thôi.

Bác gái tôi, suýt chết ngộp vì thơ, nên chẳng ưa gì bốn câu thơ mới. Chỉ có một điều làm bác nguôi ngoai, ấy là cả bốn đều nhiều đức, tức là nhiều tiền.

Thôi, nói nhiều thêm tội cho cái linh hồn thanh cao của bác giai tôi!

 

01/4/2014

 

 

---------------------------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021