thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Herta Müller: viết bằng kéo

 

Bản dịch của Nguyễn Ðăng Thường

 

 

HERTA MÜLLER

(1953~)

 

HERTA MÜLLER: VIẾT BẰNG KÉO

 

(Phỏng vấn Herta Müller, do Florence Noiville thực hiện)

 

Bá Linh, tháng hai 2012. Tại cung văn hóa nơi chúng tôi hẹn gặp, Herta Müller tới trễ và trong trạng thái rối loạn. “Tôi, một kẻ luôn luôn đúng giờ tới mức kỳ cục... tôi đã bị thu hút bởi một bài cắt dán, chị nghĩ xem. Thời gian gần đây, hễ bừng mắt dậy là tôi chạy đến cái cắt dán chót còn dở dang — hiện tại là một câu chuyện về ruồi và đồ tể. Cách viết này đang ám ảnh tôi. Nó thu hút hết sinh lực của tôi. Thế nên sáng nay, trong bộ đồ ngủ và với cây kéo trên tay, tôi quên phứt thời gian.”

Người ta rất dễ hình dung một Herta Müller với các cây kéo lớn của bà. Cắt tỉa các phần của những câu cú thành những khoanh tròn. Khâu chung lại “những chữ ăn cắp đó đây, trên các trang báo hàng ngày, tạp chí, hay trong cuốn in mẫu hàng của hảng Ikea.” Nghịch đùa xem sự va chạm giữa “cái tầm thường và cái văn chương”. Nói tóm gọn, chế tạo lại hàng ngày cái ngôn ngữ sắc bén và thi vị đã giúp bà đoạt giải Nobel văn chương năm 2009.

Hai năm trước, Nhà Văn Chương (Literaturhaus) ở Bá Linh, có “thử nghiệm” một cuộc triển lãm quan trọng nhìn lại quá trình sáng tác của Herta Müller. Người tới xem được thấy cùng lúc các bản thảo — hơn hai chục cuốn song chỉ có năm tác phẩm được dịch sang tiếng Pháp — và các mẩu cắt dán. Ðối với tác giả có sự khác biệt nào giữa chúng hay không? “Không,” bà đáp. “Cả hai trường hợp đều chỉ là tạo nghĩa bằng cách cắt những mảnh bất quy tắc vào tấm vải của ngôn ngữ. Cắt chữ, chuyển hướng, tạo khoảng trắng giữa chúng. Tôi thường viết lại các cuốn truyện của tôi cả chục lần. Cắt tỉa tối đa. Ngòi bút hay lưỡi kéo đều cho tôi kết quả hệt nhau.”

Kết quả là một tác phẩm không ngớt nói lên cuộc sống hàng ngày dưới chế độ độc tài. Nỗi sợ khi thức giấc rằng mình sẽ không còn có mặt trong bữa ăn tối. Nỗi sợ bị hỏi cung, bị khám nhà. Nỗi sợ bị nhục mạ, sẩy bước, bọn tình báo, sự cô đơn, điên loạn, lưu đày...

Sanh năm 1953 trong ngôi làng Nitzkydorf nói tiếng Ðức, ở Rumani, Herta Müller thuộc bộ tộc “souabe” của miền Banat. Hậu duệ của các thế hệ cha ông gốc Ðức đã lập nghiệp tại đấy, ở cái rìa của Ðế quốc Áo-Hung, từ thế kỷ 18, Herta Müller đã trưởng thành trong một môi trường Ðức, hấp thụ tiếng Ru-ma-ni ở trường “như một ngoại ngữ”. Năm 1945, giống như nhiều người Rumani sử dụng tiếng Ðức, thân mẫu bà bị đưa tới một trại lao động ở Liên Xô suốt 5 năm. Ở tuổi thiếu niên, cô bé Herta đã phát hiện rằng cha cô, như hầu hết những người đàn ông trong làng, đã phục vụ trong đội ngũ của Waffen SS trong thế chiến 2. Và, hệt những kẻ khác, ông vẫn tiếp tục sống theo “nhịp của những cơn say và của những tiếng ca vinh danh đấng Lãnh Tụ (Fuhrer)”. “Năm lên 17, tôi muốn đoạn tuyệt với cộng đồng ấy”, Herta Müller tâm sự. “Tôi tham gia nhóm Aktionsgruppe Banat, một tổ chức hoạt động chánh trị tranh đấu đòi quyền tự do ngôn luận”.

Trong những năm 70, dưới chế độ độc tài của Nicolae Ceauscescu, đó là một lựa chọn nguy hiểm. Chẳng mấy chốc, Herta Müller bị mất việc làm ở xí nghiệp. Lý do: Không tác hợp với Securitate (Công An). Từ đó, bà thường xuyên bị theo dõi — thậm chí bị “bủa vây”, bà nói. Và không cần nhấn mạnh thêm để cảm thấy sự sụp đổ tinh thần của bà lúc ấy. “Ich war total kaputt”, [1] bà nói tiếp. “Bị huỷ diệt, bị khủng hoảng tinh thần. Tôi không còn phân biệt được rõ ràng giữa tiếng cười và tiếng khóc. Nếu không ra đi thì tôi không sống nổi.” Hỏi phải chăng như Lola, một trong số các nhân vật của bà trong Animal du cœur, [2] cuốn truyện mới nhứt của bà, rằng bà đã nghĩ tới chuyện quyên sinh. “Có chớ”, bà gật dầu, “nhưng thôi đừng nhắc tới chuyện đó nữa.” Chúng tôi không nhắc tới chuyện đó nữa.

Nhưng chính trong một bối cảnh lịch sử kinh ngạc đến sững sờ mà Herta Müller đã xin được quyền di chuyển sang nước Đức trong năm 1987. Lúc đó, chế độ cộng sản đang bán đứng không chút xót thương cộng đồng Đức cho chính phủ của ông Helmut Schmidt. Một mạng người đổi lầy khoảng 5000 Mác. Müller không cho biết rõ bà có bị trao đổi như vậy hay không, mà chỉ nói: “Tôi chưa hề trở lại ngôi làng cũ và sẽ không bao giờ trở lại. Tôi có mặt ở đó, với các cuốn sách của tôi, vậy là đủ rồi. Đầu óc tôi quay về nhưng đôi chân tôi thì không.”

Khi được hỏi tại sao đã hơn 20 năm từ sau cái chết của Ceaucescu mà bà vẫn còn muốn đào bới lục tìm thêm và thêm mãi những tác hại của sự độc tài, bà giương to đôi mắt. “Chị nghĩ rằng, một lúc nào đó người ta có thể phủi bỏ được những thiệt hại đó à? Chị không thấy rằng sự chuyên chế đang nhen nhúm lại ở Đông Âu bây giờ là do bởi sự câm lặng về cái quá khứ đó?” Chúng tôi chuyển câu chuyện sang hoạt động của Marius Oprea, nhà sử học được mệnh danh là “Kẻ săn đuổi Securitate”. Năm 2005, nối gót Trung Tâm Simon-Wiesenthal, Oprea đã thành lập trung tâm tìm tòi nghiên cứu các tội ác của chế độ cộng sản Rumani. (IICCR). Ông ấy có tò mò tọc mạch quá đáng chăng trong các cuộc điều tra? Năm 2010, chính quyền đã thu hồi sứ mạng ấy. “Chị thấy đó,” Herta Müller nói, “thêm một chiến thắng cho các cấu trúc của chế độ cũ.”

Chúng tôi trở lại chuyện của bà. Về cách thức đặc thù của bà để gợi lại không khí chánh trị từ những chuyện cỏn con. Như cây cỏ, chẳng hạn, mà bà thuộc lòng mỗi cái tên. “Trong thời thơ ấu cô đơn, tôi đã chuyện trò với cỏ cây, thậm chí đã kết hôn chúng với nhau. Tôi quan tâm đến các cọng cỏ hơn tới cảnh trí.” Bà suy gẫm, nói thêm: “Đối với tôi, có hai loại người trong cuộc sống. Những kẻ cảm thấy được che chở bởi chi tiết, sự riêng biệt, và những kẻ thích toàn cảnh, như Hitler. Tôi ghê tởm những cảnh trí bao la. Với chúng, tôi luôn luôn có cảm tưởng rằng mình sẽ bị nuốt chửng.”

Còn đồ vật thì sao? Tại sao chúng luôn luôn có mặt trong các tác phẩm của bà? Vì chúng trấn an? Hay vì chúng không phản bội? Tại sao một vài đồ vật riêng biệt? Trong quyển Animal du cœur chẳng hạn, có một ám ảnh thực sự về những lưỡi kéo. Lại kéo! Khắp nơi, chúng chọc thủng bố trí của các mảng văn xuôi. Kéo cắt cây, dao thọc huyết, kéo cắt móng tay, cắt tóc, kéo để vá may... Người ta liên tưởng đến Nathalie Sarraute mà đôi khi có người đã ví Herta Müller với nhà văn này (những khoảng im lặng, cách lược từ, nghệ thuật né tránh không nói tới...). Sarraute cũng vậy, cũng có mối liên hệ với những cây kéo. Trong [hồi ký] Enfance (“Thời thơ ấu”, Gallimard, 1983) Sarraute có nói về một hình minh họa trong Struwwelpeter [3] (1845), cuốn truyện kinh điển của văn chương dành cho tuổi thiếu niên của bác sĩ Hoffmann. “Một người đàn ông rất gầy, có chiếc mũi nhọn và hai vạt áo dài lùng thùng, vung một lưỡi kéo mở toác. Hắn sắp cắt vào da thịt, máu sẽ chảy ra...” Cô bé Nathalie khiếp sợ quá nên đã xin mẹ dán hai trang sách có cái hình vẽ đó chung lại để khỏi nhìn thấy nữa...

Ở nhà văn Herta Müller, các cây kéo có tạo một ức nặng huyền ảo đặc thù như vậy hay không? Bà chỉ mỉm cười. Không. Ở bà, chúng chỉ gợi lại một câu chuyện khác. “Sau thời gian ở xưởng, tôi muốn trở thành một cô thợ cắt tóc”, bà thuật lại. “Nhưng không được. Các tiệm cắt tóc được mật vụ đặc biệt chú ý. Đó là những nơi có nhiều ảnh hưởng, vì người ta có thể biết tất cả mọi thứ về mọi người. Tôi được thuyết phục nên bỏ qua chuyện đó. Người ta đã bảo với tôi rằng tôi có học thức. Cái nghề đó nó không thích hợp với tôi...” Phải chăng vì vậy mà bà đã trở thành nhà văn? “Từ chuyện nọ bắt sang chuyện kia, vâng... Do sự ngẫu nhiên.” Bà có nói đùa không nhỉ? Bà chẳng hề luôn luôn muốn viết lách à? “Không phải như vậy đâu. Tôi đã có một nhu cầu nội tâm để viết. Một nhu cầu buông neo. Nhưng tôi không có ham muốn trở thành văn sĩ. Một câu văn hay một lọn tóc quăn...” Đồng ý. Tuy nhiên... một cái sẽ tồn tại và cái kia sẽ mai một? Herta hơi bực mình. “Giá như có thể mang tất cả theo mình thì tốt hơn biết mấy. Tôi hoài nghi sự vĩnh hằng. Những cái để lại khiến tôi lo sợ.”

 

 

--------------------
Nguồn: “Herta Müller: écrire aux ciseaux” trong mục Gặp Gỡ / Phỏng vấn (Rencontre) trên Le Monde des Livres, ngày 09.03.2012.

 

_____________
Bản dịch có bổ sung và sửa chữa thêm. Cám ơn anh Hà Thúc Lang đã chỉ cho thấy vài chỗ không chính xác. NĐT (10.04.2012).

 

_________________________

Phụ chú của Hoàng Ngọc-Tuấn:

[1] “Ich war total kaputt” (tiếng Đức) nghĩa là “Tôi hoàn toàn suy sụp”.

[2] Animal du coeur là bản dịch tiếng Pháp của Claire de Oliveira từ nguyên tác tiếng Đức Herztier của Herta Müller. Trong tiếng Đức không có chữ Herztier. Đây là một chữ do Herta Muller sáng chế bằng cách ghép Herz (trái tim) và tier (con vật).

[3] “Struwwelpeter” nghĩa là “Thằng Peter bờm xờm”.

 

 

-----------------------------------------------------------------------

Những tác phẩm của Herta Müller đã đăng trên Tiền Vệ:

Ngày làm việc  (truyện / tuỳ bút)  - Herta Müller
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2009] ... Bảy giờ rưỡi sáng. Chuông báo thức reo. Tôi thức dậy, cởi áo quần, đặt nó lên gối, mặc bộ pyjama, đi đến nhà bếp, bước vào chậu tắm, lấy chiếc khăn tắm, dùng nó để rửa mặt, lấy cái lược, dùng nó để lau khô mình, lấy bàn chải đánh răng, dùng nó để chải tóc, lấy miếng bọt biển, dùng nó để chà răng... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Công viên đen  (truyện / tuỳ bút)  - Herta Müller
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2009] ... Khi tiếng cười trở thành tràng cười sặc sụa, khi họ oằn người xuống vì cười, khi họ chết với tiếng cười, thì có chút hy vọng nào chăng? Và tuy nhiên chúng ta còn quá trẻ. Và một nhà độc tài khác đã bị lật đổ ở đâu đó, và Mafia lại giết thêm một người nào đó, và một tên khủng bố nào đó đang chết ở nước Ý. Cô không thể uống để bớt sợ hãi, cô gái. Cô đang hớp từng hớp rượu từ chiếc ly này giống như những người đàn bà không có một cuộc sống, không thích nghi được với tất cả những thứ rác rưởi ấy. Ngay cả không chịu nổi chính bản thân mình... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Mẹ, Bố, và thằng nhóc  (truyện / tuỳ bút)  - Herta Müller
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2009] ... Bố đang toát mồ hôi và đang ngáy, Bố nằm sấp, úp mặt xuống và trong giấc chiêm bao Bố phun nước miếng làm hoen cái áo gối. Thằng nhóc đang níu chặt tấm chăn, đạp hai chân, nhíu mày và trong giấc chiêm bao nó nói lảm nhảm bài thơ mà nó đã đọc ở những buổi liên hoan cuối cùng của lớp đồng ấu. Mẹ đang nằm thao thức và thẳng đờ dưới những tấm trải giường được giặt vấy vá, dưới cái trần nhà được sơn vấy vá, đàng sau những khung cửa sổ được lau chùi vấy vá... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Những người quét đường  (truyện / tuỳ bút)  - Herta Müller
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2009] ... Những người quét đường đang làm việc. Họ quét đi hết những bóng đèn, họ quét những đường phố ra khỏi thị trấn, họ quét cuộc sống ra khỏi những ngôi nhà, họ quét những ý tưởng ra khỏi đầu tôi, họ quét tôi từ chân bên này đến chân bên kia, họ quét những bước chân của tôi ra khỏi lối đi của tôi... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Bài điếu văn  (truyện / tuỳ bút)  - Herta Müller
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2009] ... Ông ấy đã hiếp dâm một phụ nữ trong một cánh đồng trồng củ cải, người đàn ông nhỏ thó nói. Cùng với bốn người lính khác. Bố của cô đã thọc một củ cải vào giữa hai chân cô ta. Khi bọn tôi bỏ đi thì cô ta đang chảy máu. Cô ta là người Nga. Suốt nhiều tuần lễ sau đó, bọn tôi gọi mọi thứ vũ khí là những củ cải. Lúc ấy là cuối mùa thu, người đàn ông nhỏ thó nói. Những lá cải nám đen và quăn lại vì sương muối. Rồi người đàn ông nhỏ thó đặt một hòn đá to lên chiếc quan tài... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Gia đình tôi  (truyện / tuỳ bút)  - Herta Müller
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2009] ... Mẹ tôi là một người đàn bà bị câm. Bà ngoại tôi bị mù vì mắt kéo mây. Một con mắt của bà kéo mây xám, con mắt kia kéo mây xanh. Ông ngoại tôi bị bệnh sa ruột vào bìu dái. Cha tôi có một đứa con khác với một người đàn bà khác. Tôi không biết mặt người đàn bà khác và đứa trẻ khác ấy. Đứa trẻ khác ấy lớn tuổi hơn tôi, và đó là lý do tại sao người ta nói tôi là con của một người đàn ông khác... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Cuộc tắm của cả gia đình  (truyện / tuỳ bút)  - Herta Müller
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2009] ... Mẹ trèo vào chậu tắm. Nước vẫn còn nóng. Xà-phòng đang nổi bọt. Mẹ kì cọ chiếc cổ cho sạch những bợn cáu xám xịt. Những bợn cáu của Mẹ trôi lềnh bềnh trên mặt nước. Chậu tắm có một quầng màu vàng. Mẹ trèo ra khỏi chậu tắm. Nước vẫn còn nóng đây này, Mẹ gọi Bố. Bố trèo vào chậu tắm. Nước âm ấm. Xà-phòng đang nổi bọt. Bố kì cọ lồng ngực cho sạch những bợn cáu xám xịt. Những bợn cáu của Bố trôi lềnh bềnh cùng những bợn cáu của Mẹ trên mặt nước. Chậu tắm có một quầng màu nâu. Bố bước ra khỏi chậu tắm. Nước vẫn còn nóng đây này, Bố kêu Bà nội... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 

Đọc thêm:

[NOBEL VĂN CHƯƠNG & NOBEL HOÀ BÌNH 2009] Bay Vút — tạp chí Việt ngữ liên mạng của Radio Australia, trực thuộc Australian Broadcasting Corporation (ABC) — phỏng vấn Hoàng Ngọc-Tuấn... “Một người là nhà văn, một người là nhà lãnh đạo chính trị, nhưng cả hai đều vươn lên từ bóng tối — một người từ bóng tối của sự kỳ thị chủng tộc, một người từ bóng tối của chế độ độc tài phi nhân tính. Họ cùng vươn lên từ bóng tối, nên họ cùng khát khao ánh sáng. Tôi tin rằng họ khao khát ánh sáng không chỉ cho riêng họ mà cho cả chúng ta...” (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021