thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Phỏng vấn Thi Vương Charles Simic: Thế giới, những cái đẹp và những cái ác của nó

 

Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường

 

CHARLES SIMIC

(1938~)

 
Cuộc gặp gỡ duy nhứt giữa Charles Simic và tôi — giống như thơ ông — rất siêu thực và ngắn gọn. Tới Đại học UC Berkeley trong ngày Thánh Patrick, năm 1993, tôi nhận ra rằng mình không có gì để cho ông ta ký tên vào. (Như một nhà truyền đạo Simic, tôi có thói quen tặng sách của ông cho bất cứ ai bày tỏ sự quan tâm.) Nằm chờ lâu năm sau ghế tôi, vật duy nhứt tôi có thể tìm được lúc đó là một quả bóng chày. Đúng với tư cách của ông, Simic không chớp mẳt trước sự hiến dâng quả cầu của tôi [để ông ký tên vào], và ngày nay nó nằm yên dưới vòm kính nylon đựng các vật kỷ niệm trên mặt lò sưởi của tôi.
 
Tất nhiên, những gì tôi đã nhận được từ Simic quan trọng gấp bội: một viễn ảnh về những gì có thể là thơ. Điều này đã đến dưới hình thức một tập thơ văn xuôi, Chưa tận thế (The World Doesn't End, Harvest Books, 1989) được trao giải Pulitzer trong năm 1990. Simic chọn thể loại sẵn có và tầm thường nhứt, những đoạn văn xuôi tầm thường và ông rót vào đó những hình ảnh bất ngờ, gây ngạc nhiên sững sờ làm tăng hoả lực của mỗi chữ. Cuốn sách cũng phơi bày một tính khôi hài châm biếm; những khổ thơ luôn luôn hiện về với tôi mô tả một tuổi thơ nghèo khó đến đỗi nhà thơ “phải vào ngồi làm mồi trong bẫy chuột ... Đây là những ngày đen tối và tàn ác, con chuột nhắt nói với tôi trong khi nó cắn nhẹ vào tai tôi.”
 
Tôi đã hiểu rằng việc sử dụng siêu thực của Simic không phải là cuộc thí nghiệm chữ nghĩa điên cuồng của trường thơ Siêu Thực trong những năm đầu thế kỷ 20. Nó đến, đúng hơn, qua những cuộc tung cánh ngắn đầy ắp những hình ảnh đuợc sử dụng để phong phú hoá nội dung của một bài thơ lẽ ra rất “bình thường”. “Những bài thơ như là những tấm ảnh Polaroids tự phát hiện, trong đó một cảnh, dần dần tự lắp ráp thoát ra từ những hình ảnh không thể giải thích, đột nhiên kết hợp lại thành một toàn thể có thể nhận ra được”, một phê bình gia của tờ New York Review of Books đã viết.
 
Simic chào đời ở Belgrade, Nam Tư, năm 1938, đã trải qua nhiều năm của thời thơ ấu dưới bóng Thế chiến II. Trong cuộc ném bom Belgrade vào năm 1941, một quả bom rơi trúng nhà bên cạnh đã đẩy văng ông ra khỏi giường khiến ông bất tỉnh. Ông theo gia đình di cư sang Mỹ ở tuổi 16. Ông lớn lên ở Chicago và đậu bằng cử nhân của Đại học New York. Ông là giáo sư danh dự giảng dạy về văn học Mỹ và dạy môn viết văn tại Đại học New Hampshire. Ông sống trên bờ hồ của hồ Bow Lake ở Strafford, New Hampshire.
 
Cùng với giải Pulitzer, Simic đã được cấp một học bổng MacArthur Fellowship (1984-1989) và một giải thuởng Wallace Stevens (2007). Ông là đồng biên tập viên của tạp chí Paris Review, và cũng đã từng l àm việc như một dịch giả, tiểu luận gia, và triết gia. Năm 2006, New York Review Books tái bản Dime-Store Alchemy, cuốn sách Simic viết năm 1992, ca ngợi tài năng của Joseph Cornell nhà nghệ sĩ lắp ghép của Mỹ. Thi tập Cái nho nhỏ đó (That Little Something) của ông, được nhà xuất bản Harcourt phát hành vào đầu năm 2008.
 
Ngày 2 tháng 8 năm 2007, Simic được phong chức Thi Vương (Poet Laureate) của Hoa Kỳ, một vị trí với món thù lao 35 ngàn Mỹ kim, nhưng không kèm theo một yêu cầu cụ thể nào.
 
Cuộc phỏng vấn này đã được thực hiện qua điện thư. Không có trao đổi những quả bóng chày.
 

_____________

 

THẾ GIỚI, NHỮNG CÁI ĐẸP VÀ NHỮNG CÁI ÁC CỦA NÓ

 

Terrain.org: Trong nhiều bài báo loan tin ông được bầu Thi Vương, tác phẩm của ông được mô tả là “đen tối”. Có vẻ như là không hoàn toàn đúng.

Charles Simic: Tôi là một anh chàng bi quan vui vẻ. Cuộc sống rất tuyệt vời, thế nhưng chúng ta bị bủa vây bởi những thảm kịch mỗi ngày, nếu không của ta thì của tha nhân. Tôi để cho độc giả tự suy luận qua từng bài thơ. Tôi chỉ tường thuật lại cảm giác của riêng tôi về thế giới, những cái đẹp của nó và những cái ác của nó.

Terrain.org: Nói về những cái đẹp và những cái ác, nhiều bài thơ của ông dường như thường xảy ra lúc đêm đã thật khuya, và bối cảnh bình thường cũng như đồ vật đã được nâng lên tới mức thiêng liêng. Có phải đó là công việc của nhà thơ, soi sáng cái không được quan sát, được cho là dĩ nhiên?

Charles Simic: Vâng, đúng như vậy. Chúng ta thường thấy được rất ít trong các thứ vây quanh chúng ta. Một bài thơ thành công phục hồi lại thị giác và thính giác của chúng ta. Điều đó tất nhiên là một trong những thành tựu của thơ ca. Tôi luôn luôn yêu mến những cửa tiệm xập xệ gần nhà: tiệm cầm đồ, tiệm bán súc vật, tiệm hớt tóc, muỗng rửa chưa sạch mỡ. Cả đời tôi tôi đã viết về chúng. Về chuyện lựa chọn bối cảnh giữa đêm thật khuya thì đó là sự lên tiếng của cả một đời bị mất ngủ. Tôi thường bước xuống giường khi mọi thứ chung quanh đang chìm trong tiếng ngáy.

Terrain.org: Như nhiều người, tôi phát hiện phong cách của ông lần đầu tiên trong The World Doesn't End (Chưa Tận Thế), tập thơ văn xuôi của ông. Có một cái gì đó trong những khổ thơ có vẻ giản dị nhưng đầy ắp những hình ảnh tuyệt vời — tuyển tập thơ này đã được hình thành như thế nào?

Charles Simic: Các “bài thơ” này đã được viết không với mục đích để trở thành thơ văn xuôi. Tôi đã ghi vội chúng vào các cuốn sổ tay trong nhiều năm và đã phát hiện chúng về sau. Tất nhiên, khi đã cảm thấy thích thú, tôi nhào nắn chúng lại mãi, cho tới khi thật sự vừa ý. Điều thú vị về cuốn sách đó là tôi không hề nghĩ tới chuyện viết nó ra, do vậy tôi hoàn toàn được tự do như chưa hề.

Terrain.org: Một khía cạnh khác của cuốn sách đó, là việc sử dụng những hình ảnh siêu thực. Thế nhưng cái siêu thực hình như càng ngày càng thêm hiếm hoi. Ông có gặp khó khăn khi bảo bọn sinh viên “bay bổng” hay không?

Charles Simic: Họ không quen sử dụng óc tưởng tượng. Phần đông họ đều có dư, nhưng cảm thấy ngượng nghịu, do vậy công việc của tôi là thuyết phục họ cứ đánh liều thử xem sao, dù có cơ nguy trở thành một tên hề và bị vỡ mặt. Nếu không thì viết để làm gì?

Terrain.org: Sự vắn tắt trong thơ ông, cái cảm giác rằng chúng đã được gọt đẽo đến tận cốt lõi, rất ngoạn mục. Đó là do sự dày công, hay là ông khởi công từ sự tối giản và trơ trụi ngay từ lúc đầu?

Charles Simic: Tôi tu chỉnh chúng lại mãi và đúng vậy, trong tiến trình viết, các bài thơ của tôi cứ ngắn hơn và ngắn hơn. Tới một điểm nào đó, tôi nhận ra rằng những cái mà tôi đang có được đã đủ cho bài thơ. Sự thử thách nói lên “tất cả” trong một vài chữ vẫn còn tiếp tục quyến rũ tôi.

Terrain.org: Ngắt dòng có vẻ là khía cạnh khó hiểu nhứt — đối với một nhà thơ mới vào nghề — của thơ tự do. Một số nhà thơ sử dụng chúng để gây sự bất ngờ nơi người đọc, hoặc để vất bỏ nhịp tiết bình thường của lời nói, trong khi thơ ông rất trơn tru và không phô trương. Đây có phải là do cố ý, hay chỉ là tự nhiên?

Charles Simic: Tôi rất thận trọng với việc ngắt dòng trong khi tôi tu chỉnh bài thơ. Tôi sửa đi sửa lại không thôi. Cái lý tưởng là làm cho người đọc quên rằng họ đang đọc một bài thơ.

Terrain.org: Ông có viết một cuốn sách gồm những bài tiểu luận và thơ về nhà nghệ sĩ lắp ghép Joseph Cornell. Ông có thường tìm cảm hứng từ các hoạ sĩ và nhạc sĩ? Ông có nhận thấy rằng mình áp dụng các giác quan của âm nhạc vào các âm thanh của chữ?

Charles Simic: Âm nhạc thì không. Tôi nghe nhạc thường xuyên, nhưng đối với âm nhạc của ngôn ngữ, tôi tìm đọc các nhà thơ tên tuổi của quá khứ hơn là lắng nghe Bach. Đối với các nghệ thuật khác, nhiếp ảnh và điện ảnh luôn luôn quan trọng đối với tôi, cũng như hội hoạ, kể từ khi tôi biết yêu hình ảnh.

Terrain.org: Điều gì đã hấp dẫn ông trong tác phẩm của Cornell?

Charles Simic: Kỹ thuật lắp ghép. Cái quan điểm cho rằng các đồ vật tình cờ nhặt được có thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật.

Terrain.org: Ai là những nhà thơ ưu ái của ông?

Charles Simic: Emily Dickinson, Robert Frost, và Wallace Steven.

Terrain.org: Ông có từng bị cám dỗ viết câu thơ theo truyền thống?

Charles Simic: Tôi có viết một số bài thơ có vần và thể điệu (meter) khi tôi còn trẻ. Tôi có thể làm điều đó một lần nữa.

Terrain.org: Có một loại nhạc nào mà ông thích nghe khi viết?

Charles Simic: Âm thanh của nồi chảo trong khi vợ tôi sữa soạn bữa ăn tối.

Terrain.org: Có một cái gì đặc biệt đã thu hút ông tới New Hampshire?

Charles Simic: Ban đầu là do một công việc, nhưng về sau tôi dần dần yêu mến nơi đó.

Terrain.org: Có một giải trí yêu thích nào mà ông theo đuổi khi ông cần thu hoạch những ý tưởng?

Charles Simic:Đi bộ.

Terrain.org: Ông có bắt gặp những phần mảnh của thời thơ ấu ở Nam Tư — hay những khía cạnh của nền văn hoá đó — xuất hiện trong các tác phẩm của ông?

Charles Simic: Tôi rời Nam Tư 54 năm trước đây. Thỉnh thoảng tôi có viết về thời thơ ấu, nhưng ít mấy khi nghĩ về nó nữa. Không phải là nền văn hoá đó đã để lại hệ quả nơi tôi, mà những quả bom rơi trên đầu tôi từ năm 1941 đến năm 1944, cùng với tất cả những điều khó chịu khác đã liên tục xảy ra trong vùng Belgrade bị chiếm đóng đó.

Terrain.org: Ông có thích đọc thơ trước công chúng không? Ông có bắt gặp mình tu chỉnh các bài thơ sau khi đọc to?

Charles Simic: Tôi đã cống hiến hơn 1.000 buổi đọc thơ trong 40 năm, và vâng ạ, tôi thích làm chuyện đó. Và, tất nhiên, tôi có sửa đổi những bài thơ trong khi đọc và đã luôn luôn làm vậy.

Terrain.org: Lời khuyên bảo thường xuyên nhứt ông dành cho các nhà thơ trẻ là gì?

Charles Simic: Đọc tất cả mọi thứ.

Terrain.org: Trở ngại lớn nhứt và duy nhứt ngăn cách người Mỹ trung bình và thơ?

Charles Simic: Giáo dục. Không đủ thơ đang được đọc trong trường, mặc dù trẻ con thích thơ.

 

 

-------------
Michael J. Vaughn là tác giả của cuốn truyện tình dục khôi hài bí hiểm Double Blind, cuốn tiểu-thuyết-với-thơ Rhyming Pittsburgh, và là người viết bài thường xuyên cho các tạp chí Writer’s DigestPublishers Weekly. Thơ của ông đã xuất hiện trên các tạp chí Many Mountains Moving, The Montserrat Review,Terrain.org.
 
Nguyên tác Anh văn của bài phỏng vấn này đã đăng trên tạp chí Terrain.org, Issue 22 (22.08.2008)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021