thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nhà thơ nói về thơ tình: Thận Nhiên
(phỏng vấn nhà thơ Thận Nhiên)

 

 

Thời thanh niên ông đã yêu bài thơ tình nào? Nếu ngay lúc này, trở lại tuổi mười tám và người yêu của ông muốn nghe ông đọc một bài thơ tình, trong những bài thơ tình ông biết (sau thời kỳ tiền chiến) ông chọn bài nào?

 

TN: Tôi đã yêu rất nhiều thơ, của nhiều tác giả, và yêu chúng trong từng giai đoạn của đời mình. Kể ra thì rất nhiều, không thể nhớ hết. Có điều những bài thơ đó là những mối tình ngắn ngủi. Có khi tôi yêu từng dòng chữ đang đọc, chúng cho tôi trạng thái “nhập đồng” cùng với những hình tượng, những tâm cảm của tác giả ngay lúc đó, nhưng thường khi đọc xong trọn bài thì tôi không còn nhớ gì nhiều, chẳng còn mấy đọng lại trong tôi. Tuy nhiên theo cách khác, có những bài thơ tình đã đọng lại rất lâu, hay có thể nói là chúng sống mãi trong tâm hồn tôi. Đó là những bài thơ tình đã được các nhạc sĩ phổ thành ca khúc. Như nhạc sĩ Phạm Duy chẳng hạn, qua tay ông, một bài thơ lẽ ra chỉ sống không hơn 5 phút, đã có đời sống dài hơn 50 năm trong tâm hồn người nghe, dù các tác giả của chúng không tiếng tăm mấy. Tôi thử nói ra vài cái tên nhé, ví dụ: Tình khúc chiến trường của Ngô Đình Vận, Trả lời một câu hỏi (Kỷ vật cho em) của Linh Phương, Quán bên đường của Trang Thế Hy, và còn nhiều nữa. Có vẻ như hôm nay nhiều người không thích thơ tình, riêng tôi, tôi không thích loại thơ tán gái dễ dãi, thơ õng ẹo, thơ “sến”, thơ chữ nghĩa mềm và nhão kiểu “Gói mây trong áo”; nhưng tôi yêu thích loại thơ tình mang chứa được tâm thức, khát khao, hoàn cảnh của con người trong thời đại mà tôi đang sống. Tôi thấy chúng (thơ tình) thú vị hơn là thơ lên gân, thơ tự trào tự thán, thơ chữ nghĩa chén kiểu, hay thơ triết lý vặt (loẻng xoẻng như bạc cắc).

Tôi vừa đọc được một bài thơ tình của tác giả Trịnh Cung trên Tiền Vệ, và tôi rất thích giọng thơ trẻ này, hình như chàng vừa chớm xuân thì phải!

Nhưng dĩ nhiên, nếu em (của tôi) muốn nghe tôi (mười tám) đọc một bài thơ tình, tôi sẽ đọc một bài thơ tình của tôi (trung niên). Đã nhiều lần tôi đọc như thế, và em đã dịu dàng run rẩy nói rằng thơ tôi “mùi” nhất thế giới. Chúa có biết và đồng ý với điều này!

 

Giả sử một ngày mai ông đối diện với ba sự kiện — Thứ nhất: Người yêu muôn thuở bước ra từ giấc mơ. Thứ hai: Cuộc cách mạng nhân văn. Thứ ba: Người ngoài hành tinh mời ông đi du lịch một chuyến. Trong ba sự kiện, chỉ được phép chọn một. Ông chọn sự kiện nào để làm bài thơ lớn của đời ông? Tại sao?

 

TN: Thú thật, ba sự kiện mà ông đưa ra đều rất ngán (với tôi), vào lúc này chẳng có cái nào làm cho tôi hứng khởi. Cái thứ nhất thì tôi đủ già để hiểu rằng chẳng bao giờ có một em muôn thuở nào hiện ra từ giấc mơ cả, giá mà em hiện ra từ trong quán bia ôm thì đời hơn, thực hơn và chắc hẳn nồng nàn hơn nhiều. Cuộc cách mạng nhân văn ư? Tôi hình dung nó lấp lánh như đồ trang sức mạ vàng bày trên mẹt hàng xén. Người hành tinh thì có vẻ hấp dẫn hơn, nhưng giá mà cho tôi có xu hào và thời gian để đưa em đi du hí trên chính thế giới này thì cũng đủ thú vị rồi. Có khi tôi mơ những giấc mơ hà tiện như vậy đấy! Nhưng nếu bị ép phải chọn, kiểu thầy giáo ra đề rồi cầm roi nạt “mần thơ không thì bảo”, tôi đành chọn em hành tinh vậy (cầu trời em này hấp dẫn, hay nói theo ngôn ngữ hôm nay là em điện nước đầy đủ). Vì nghĩ, ngoài chuyện mần thơ, có khi được mần các chuyện khác với em thì chắc cũng ngộ, chắc là một kinh nghiệm đáng đồng tiền bát gạo để đi vào văn học sử vũ trụ :-). Có khi một đêm nào lại hứng khởi trở thành thi sĩ kiêm triết gia đứng trên sân thượng khoanh tay nhìn lên bầu trời, chiêm nghiệm về thân phận con tinh trùng cô đơn của mình đang lặng lẽ bơi trong âm đạo vũ trụ hun hút và hắt hiu?

 

Ông có tin một bài thơ tình biết phản bội không? Ông có từng rơi vào trường hợp bị một bài thơ tình đưa vào cảnh trớ trêu, thậm chí vì một bài thơ tình nào đó mà ông bị em đá đít không? Ông có nghĩ hiện nay mọi người đang có nhu cầu đọc thơ tình thuần khiết không?

 

TN: Tôi chưa có kinh nghiệm về thơ tình biết phản bội nên không có khái niệm gì về nó. Và cũng chưa có kinh nghiệm chí vì một bài thơ tình nào đó mà ông bị em đá đít. Nhưng khi tôi còn trẻ hơn (tuy nhiên, bây giờ tôi vẫn trẻ và khỏe), tôi từng “chôm” những bài thơ tình rất “mùi” của một ông bạn già để tán gái, nhưng tôi thường bị thất bại. Sau này, khi “cáo” hơn, có đôi lần tôi làm một bài thơ tình rồi gởi tặng nhiều em (chỉ cần thay tên các nàng ở dòng đề tặng nên rất tiện). May thay, tuy vậy tôi chưa rơi vào tình cảnh trớ trêu là hai, ba, hay bốn nàng (tôi cùng yêu và cùng yêu tôi :)) khoe nhau cùng một bài thơ tôi tặng. Thế nào là thơ tình thuần khiết? Là thơ chữ nghĩa thơm tho và trinh bạch vĩnh viễn, hay thơ chỉ yêu chay thôi mà không vướng cơm áo gạo tiền? Không lo ngại chuyện ngừa thai và bệnh AIDS?

Tôi nghĩ một số người, không nhiều, có ý thích đọc thơ tình hay, thơ tình với những kỹ thuật, ngôn ngữ, tình cảm… của tình yêu của loài người hôm nay, nhưng nâng nó lên thành “nhu cầu” thì e rằng lớn chuyện quá.

 

Một quan niệm chung cho rằng cái đẹp tình yêu và những bài thơ viết về tình yêu là bất biến. Ông có cho rằng trong 10.001 năm nữa thơ tình chẳng cần thay đổi? Rằng mặc kệ các thời đại, không cần phải đưa chất liệu mới vào thơ tình? Ngày mai ông có tin rằng con ông sẽ đọc cho người yêu nghe thơ tình của ông hoặc bài thơ tình mà ông đã thích?

 

TN: Tôi nghĩ, quan niệm này nông cạn và đỏm dáng lắm. Chẳng có gì bất biến với thời gian cả, kể cả cái đẹp tình yêu và đồ phụ tùng của nó là thơ tình. Bây giờ mà phải đọc thơ tình mang giọng điệu của thời TTKH, Xuân Diệu… thì tôi dám tự tử vì buồn chán lắm (tôi không hiểu sao những món sáo mòn và hàng nhái kiểu này vẫn còn hiện diện thường xuyên và chiếm lĩnh các trang báo văn nghệ cả trong và ngoài nước). Vì thế, chất liệu mới cho thơ là yếu tố cần thiết.

Con tôi hiện sống trong một xã hội có nền văn hóa khác với Việt Nam, nó dùng tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt, nên không mong gì chuyện sẽ đọc cho người yêu nghe thơ tình của ông hoặc bài thơ tình mà ông đã thích. Và cho dù nó có khả năng thông hiểu tiếng Việt thì điều này cũng khó xảy ra. Vì mười năm nữa có lẽ thế hệ chúng nó không còn và không hứng thú kiểu tình tự qua email, hay hào hứng đưa nhau vào khách sạn như chúng ta hôm nay. Như chúng ta cũng từng đã ngán tận cổ chuyện thề non hẹn biển dưới ánh trăng vàng của các thế hệ trước. Và khi đó sự biểu hiện tình yêu trong thi ca, nếu còn có thi ca, cũng cần có những tâm tình, hình tượng, ngôn ngữ, kỹ thuật … tương thích.

 

Cũng là ánh mắt, ngôn ngữ, cử chỉ, hoa hồng, trong không gian tràn ngập cảm xúc hoa hồng... một bài thơ tình điên điên cất lên. Ông có nghĩ là thiếu văn hoá, là đáng bị em cho là đồ yêu quái rồi "bái bai"…? Hay ông cho đó là liệu pháp cảm xúc chống lại bệnh não hoá biểu tượng tình yêu? Ông có làm thơ tình khùng, hay từng đọc tặng người yêu mình bài thơ khùng của ai khác không? Ông có thể bộc bạch cảm xúc nghệ thuật không kềm giữ của ông với bạn đọc không?

 

TN: Tôi nghĩ, điều này cũng gần như ông vào tiệm phở mà kêu hủ tíu vậy. Tôi không khoái các nhà thơ điên, hay người yêu thơ điên, hay thơ điên điên được đọc lên ở nơi không đúng chỗ, đúng lúc. Mấy năm trước, khi mới về Sài Gòn, các bạn thường kéo tôi đi uống bia ở hội văn nghệ thành phố. Ở đó là nơi “thiên tài thi ca” hội tụ nhiều vô cùng, tình trạng “thi nhân mãn” là thường xuyên. Có khi ngồi trong một bàn lại có gần 20 thi sĩ hiện diện cùng một lúc. Vì sợ nhiều người cao hứng đọc thơ, nên có anh đặt ra luật rằng nếu ai muốn đọc thơ của mình thì phải đãi cả bàn một két bia để bù lỗ cho nỗi khổ phải nghe thơ (dở) :). Thú thật, tôi không hiểu bệnh não hoá biểu tượng tình yêu mà ông nói là loại bệnh gì nên không biết có phải đó là liệu pháp cảm xúc để chống lại nó hay không. Nhưng như đã nói, sau này tôi hơi dị ứng với chuyện đọc (ngâm) thơ. Tôi cũng không hiểu rõ đến mức nào thì được xem là thơ tình khùng nên không biết thơ mình có khùng không. Có điều tôi thấy dường như có khá nhiều nhà thơ muốn mình hiện diện khùng trên bàn nhậu hôm nay, càng tăng đô khùng thì uy thế chữ nghĩa càng tăng theo tỉ lệ thuận, điều này chắc ông cũng thấy. Còn việc từng đọc tặng người yêu mình bài thơ khùng của ai khác thì tôi chưa từng. Mà ngu sao nhỉ, tại sao lại tặng nàng hàng (có thể là dỏm) do thằng cha nào khác sản xuất mà không tặng nàng hàng (xịn) của mình? Còn ông có thể bộc bạch cảm xúc nghệ thuật không kềm giữ của ông với bạn đọc không thì còn tùy cơn, thường khi xỉn rồi thì tôi rất hào phóng cảm xúc (kể cả cảm xúc nghệ thuật và nhiều loại cảm xúc khác) với mọi người không kể giới tính, tuổi tác, giai cấp, hay thành phần xã hội, Chúa cũng biết điều đó!

 

Trên đỉnh cảm xúc lãng mạn của một đôi tình nhân trẻ. Nếu được phép nghe lén (trừ lúc lên giường) ông cho rằng sẽ nghe được gì?

 

TN: Trừ lúc lên giường, nhưng ông có trừ lúc thanh vắng bên hiên nhà hay trên tấm bạt trải trong vườn đêm của năm tôi hai mươi tuổi không? Tôi nghĩ âm thanh tuyệt vời nhất trong những khi đó là âm thanh của “con người” đang lớn dậy thành CON NGƯỜI, âm thanh của bản năng CON NGƯỜI này rất gần với tiếng nói của Thượng đế. Và trong trường hợp này tôi rón rén xin phép được tự nghe tiếng kêu thống khoái của chính mình thay vì phải nghe lén ai khác. Tôi có một kinh nghiệm là thường mở TV thật lớn (nếu trong khách sạn) để khỏi làm phiền lòng hàng xóm và chỉ có bốn lỗ tai của chúng tôi sở hữu những âm thanh gây nghiện đó.

 

Nếu một chàng trai 18 tuổi nào đó, như mọi chàng trẻ tuổi trên đời, bỗng một hôm bị cái đẹp tính dục quyến rũ không cưỡng được. Anh ta muốn làm bài thơ “hai trong một” tình yêu và tính dục. Bỏ qua lời khuyên “anh hãy giấu trong cõi riêng”. Ông sẽ nói gì với chàng trai ấy?

 

TN: Tôi sẽ năn nỉ: "Này chàng trai, sau khi đã cho nàng xem, hãy cho tôi là người thứ hai được xem bài thơ, để tôi thỏa tính hiếu kỳ, để tôi thấy mình vẫn còn rung cảm trước thơ tình thời đương đại. Tôi hứa sẽ bảo vệ cẩn mật và xem bài thơ đó nghiêm trọng hơn bí mật quốc gia, tôi hứa không tiết lộ với một ai cả (kể cả với má nàng)", và khuyến khích chàng thi sĩ trẻ gởi đăng lên Tiền Vệ cho các ông chủ nhiệm, chủ bút và độc giả cùng đỏ mặt với tôi.

 

Xin cảm ơn sự cộng tác của ông.

 

(Trần Nhuệ Tâm thực hiện)

 

----------------------------------
Hình trên: Chân dung Thận Nhiên, qua nét điện hoạ của Nguyễn Đăng Thường.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021