thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BA MƯƠI NĂM: KHOẢNG CÁCH & DẤU NỐI [Đinh Linh]
phỏng vấn Đinh Linh

 

 

Thưa ông, hiện ông đang sống ở đâu, việc chính hiện nay của ông là? Ông đã về Việt Nam vào khoảng thời gian nào? Xin ông cho biết tâm trạng của ông trong đêm trước lúc về Việt Nam và trong đêm trước lúc rời Việt Nam?

 

ĐL: Tôi đang sống ở Philadelphia, một thành phố phía Đông nước Mỹ, cách New York 1 tiếng ½ lái xe. Tôi dạy thơ và đọc thơ rong ở các trường đại học. Tôi đã về Việt Nam 3 lần. Trước khi về, tôi luôn hớn hở. Trước khi đi, tôi cũng hớn hở.

 

Tác phẩm văn học nào xuất bản trong nước ông muốn đọc đầu tiên? Sau đó ông đã đọc…? Và ấn tượng nhất là?

 

ĐL: Những tác phẩm nổi tiếng của Việt Nam đều có bán ở ngoài nước, nhưng chỉ ở trong nước, tôi mới có thể nhìn sâu vào văn chương và xã hội Việt Nam. Tôi có cơ hội đọc Nguyễn Quốc Chánh và Bùi Hoằng Vị. Tôi cũng có cơ hội đọc những thứ rác rưởi như những tuyển tập Hội Nhà Văn, báo Công An và các truyện ngắn của Bác Hồ. Về nước, tôi có cơ hội gặp gỡ và tâm sự với nhiều người, kể cả những nhà văn Việt Kiều hồi hương. Lần đầu tiên tôi gặp Phan Nhiên Hạo, Phạm Thị Hoài, Khánh Trường và Nguyễn Hưng Quốc là ở Sài Gòn. Tôi ăn cơm với vợ chồng chị Hoài tại nhà một nhạc sĩ. Thấy người vợ trẻ lăng xăng phục vụ, chị Hoài bảo chủ nhà: “Có người hầu, sướng nhỉ?” Ở Hà Nội, Phan Huyền Thư dẫn tôi đi nghe nhạc thính phòng và tặng cho tôi quyển Văn Xuôi Tự Sự Việt Nam Thời Trung Đại. Nguyễn Huy Thiệp thì kể cho tôi chuyện ông ấy đi lang thang trong rừng cả đêm để kiếm củ sắn mà ăn. Trên thành nhà, tôi thấy một con chuột khổng lồ đang bò lơ lửng qua đầu ông. Ông Thiệp chỉ đem trà ra uống, không mời bia. Tôi rủa thầm. Khi gặp ông bên Mỹ sau này, tôi mới biết là ông Thiệp chỉ thích uống sữa tươi. Bảo Ninh thì đem Johnny Walker Black Label ra nhậu. Ở Sài Gòn, tôi uống bia và rượu đế với Nguyễn Quốc Chánh, Nguyễn Đạt, Cù An Hưng, Phan Bá Thọ, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Inrasara, Hoàng Hưng, Văn Cầm Hải, Mai Sơn và nhiều nhân vật khác. Chúng tôi cùng nhau giải quyết nạn chó hoang ở Sài Gòn. Khi ăn xong, Bùi Hoằng Vị xỉa răng có phương pháp, thứ tự, từng kẽ một, không sót chỗ nào. Tôi gặp Lý Đợi trước khi hắn mở miệng ở nhà Trần Tiến Dũng. Khi nghe Nguyễn Quang Thiều đọc thơ ở Hà Tây, tôi thầm nghĩ, "Ông này sợ ma và không thích vắt dòng." Trong thơ ông Thiều, ở cuối mỗi hàng là một dấu chấm khổng lồ.

 

Sau thời gian ở Việt Nam, trước thực trạng mọi mặt của Việt Nam, giờ phút đẹp nhất và tồi tệ nhất của ông là?

 

ĐL: Nước Việt Nam dơ bẩn, vô trật tự. Người Việt thì mê tín, ba gai. Ai lưu manh thì được coi là khôn. Ai thật thà thì bị chửi là ngu. Người Việt có thể thờ bất cứ cái gì, cứ thấy tượng thì lạy. Nguyễn Huy Thiệp viết “Việt Nam đầu thế kỷ XX là một đất nước nghèo nàn, gần như mọi rợ...” Đầu thế kỷ XXI thì cũng vậy thôi. Người Việt khúm núm và nhỏ nhẹ khi đối đáp với người trên, hằn giọng, đanh đá và cộc lốc khi nói chuyện với người dưới. Chỉ một dân tộc mù chữ, tự ti và không biết đếm mới dám bô bô là mình có 4,000 năm “văn hiến.” Một người bạn Mỹ, một cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam thích nhạc Trịnh Công Sơn, đùa với tôi: “Tụi bay có 4,000 năm lịch sử, không có tiến bộ!” Giáo dục Việt Nam bắt đầu bằng một câu láo phét.

 

Sau thời gian về Việt Nam thơ/văn ông đã chuyển động ra sao ?

 

ĐL: Có lẽ thơ/văn tôi ba gai, lưu manh và đanh đá hơn trước.

 

Sau thời gian dài sống và viết ở hải ngoại, có nhiều người nay muốn quay về mái nhà “tinh thần lục bát / tinh thần văn kể” ông nghĩ sao?

 

ĐL: Trong cộng đồng Việt Nam, cả trong và ngoài nước, thái độ cổ hủ không bao giờ thiếu. Tôi ngậm ngùi vì người Việt luôn dở dở ương ương. Mới thì không mới, cũ cũng không cũ. Bên ngoài thì mô đen hời hợt, học đòi, bên trong thì ù lì, cố chấp. Tôi nghĩ người Việt nên phân tích và khai thác cái mọi rợ ngàn năm đang bị lãng quên ở dưới đáy tâm hồn. Đừng làm mọi dỏm cho du khách mà hãy về nguồn thật sự. Hãy chui vô cái bầu của đàn bầu mà nằm. Hãy ráp mình lên mặt trống đồng và vùi mình xuống cái nền của thành Cổ Loa. Nhà thơ phải là những người mở đường cho công cuộc này.

 

Theo ông, văn học Việt Nam trong và ngoài nước có những khác biệt gì đáng kể?

 

ĐL: Văn phạm của một số nhà văn ngoài nước, đặc biệt những người có ngoại ngữ như Phạm Thị Hoài và Lê Thị Thấm Vân, chẳng hạn, chuẩn, phức tạp và đa dạng hơn tất cả những nhà văn trong nước.

 

Ông có tin là văn học trong và ngoài nước một ngày nào đó sẽ nhập làm một hay không? Điều kiện để dẫn đến sự “thống nhất” ấy là gì?

 

ĐL: Nếu viết bằng tiếng Việt thì đã là văn chương Việt Nam rồi. Sự chia rẽ giả tạo hiện thời là do chính sách độc tài của chính quyền Việt Nam mà thôi.

 

Trong cuộc “thống nhất” của nền văn học bằng tiếng Việt ấy, đóng góp chính của mỗi bên (trong/ngoài) là gì?

 

ĐL: Những nhân vật như Khánh Trường, Khế Iêm, Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn và Phạm Thị Hoài đã dựng lên những diễn đàn chung để văn chương Việt Nam có thể nẩy nở, không phân biệt trong hay ngoài nước. Công của họ lớn vô cùng. Họ chính là những cột trụ của văn chương Việt Nam đương đại.

 

Bao giờ ông trở lại Việt Nam? Ngày ấy trên trán ông và trong túi ông điều quí nhất là?

 

ĐL: Tôi chỉ đem chuyện đi và đem chuyện về. Tôi là một thằng buôn lậu chuyện. Ngoài việc đó, tôi không có gì để đóng góp.

 

(Trần Nhuệ Tâm thực hiện)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021