thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BA MƯƠI NĂM: KHOẢNG CÁCH & DẤU NỐI [Đỗ Kh.]
(phỏng vấn Đỗ Kh.)

 

 

Thưa ông, hiện ông đang sống ở đâu, việc chính hiện nay của ông là? Ông đã về Việt Nam vào khoảng thời gian nào? Xin ông cho biết tâm trạng của ông trong đêm trước lúc về Việt Nam và trong đêm trước lúc rời Việt Nam?

 

ĐKh: Tôi hiện đang ở lúc Pháp lúc Mỹ, nên việc chính của tôi là đi qua đi lại. Nhưng tiếc là không kiếm sống được bằng những điểm trung thành (cây số tích luỹ) của những hãng hàng không.

Tôi được trở về nước lần đầu vào năm 1990. Thủa trẻ, tôi vẫn ước ao làm biệt kích nhảy vào vùng địch (Biệt kích thứ thiệt chứ không phải biệt kích vớ vẩn văn nghệ) nên đêm trước đó, ở Bangkok tôi nằm trằn trọc, tưởng như là sắp đạt thoả nguyện của một đời. Phải nói, tôi rời miền Bắc trước ngày 20.7.1955, rời miền Nam vào ngày 30.4.1975, thuộc dạng hai lần nhanh chân nên tâm trạng khi tàu đáp xuống Tân Sơn Nhất là tâm trạng Việt kiều sang... Tần. Thò đầu ra khỏi cửa máy bay đã thấy tèm lem cờ đỏ, công an bộ đội lố nhố áo xanh áo vàng, thực tình tôi định kiếm một cái trực thăng nào đang bốc mà bám càng nhanh chân lần nữa. May mà có vợ tôi đi cùng. Cô là người, khi ở một nơi khác loạn lạc, lúc có vệ binh chỉ mặt tôi tách ra khỏi đám để dẫn đi nơi nào đó trò chuyện riêng, đã can thiệp kịp thời và hữu hiệu, cho nên tôi mới vững bụng đôi chút mà không bỏ chạy ngay.

 

Tác phẩm văn học nào xuất bản trong nước, ông muốn đọc đầu tiên? Sau đó ông đã đọc…? Và ấn tượng nhất là?

 

ĐKh: Tôi gặp gì cũng đọc, không phân biệt trong ngoài. Thời điểm đó, có gì trong nước thì tôi đọc nấy, ấn tượng nhất là “Khi người ta trẻ” của Phan Thị Vàng Anh.

 

Sau thời gian ở Việt Nam, trước thực trạng mọi mặt của Việt Nam, giờ phút đẹp nhất và tồi tệ nhất của ông là?

 

ĐKh: Tôi ở Việt Nam một tháng vào lần đầu, đủ để thấy chán vào những ngày cuối. Lần trở về đó, khi đi tìm một địa chỉ cũ, hỏi đường một thiếu niên 14-15 tuổi, em trả lời ai biết được, tên đường kia là chuyện xưa rồi! Chiến tranh đối với tôi thực sự chấm dứt vào lúc đó chứ không phải vào 1975. Chuyện thứ nhì là tôi được bình an đi lại trên khắp miền đất nước. Một phút đẹp là ngồi đằng sau một xe tải chở gạch không mui, đi ngang Nghệ Thanh lớt phớt mưa, tôi che đầu với một tấm ny lông. Phút tồi tệ thì không có, chỉ có (nhiều) những phút buồn cười. Chẳng hạn, 11 giờ trưa tôi muốn rời khách sạn Hoà Bình ở Hà Nội, dám đòi thanh toán tiền phòng. Lễ tân không có quyền thâu ngân, thâu ngân mới có quyền thâu ngân mà phải là thâu ngân ngoại tệ, có con dấu đặc biệt. Sau đó, phải có quản lý phó giám đốc gì đó ký nhận là đã cho phép thanh toán tiền, tôi mới được rời khỏi khách sạn. Tôi bị giam tại đây cho đến 2 giờ chiều, đợi các vị trên dùng cơm xong, đi đón con về v.v... để đóng đủ cả 3 con dấu có 2 chữ ký. Chiều đến, tôi sang một khách sạn khác gần Nhà Hát, coi cũng đẹp không kém. Cô lễ tân đang ăn chè, mất cỡ chừng 15 phút, tôi lịch sự ngồi đợi cô chùi mép rồi mới hỏi phòng. Cô vặn tôi ngược lại “Thế anh ở đâu đến?” Nghe tôi trả lời cô bèn bảo “Sao anh không ở bên đó luôn!” và bỏ đi vào buồng trong, tất nhiên là không buồn trở ra. Tôi kể lại, vì với những thiếu niên ngày hôm nay 15 tuổi, đây cũng là chuyện đã xưa rồi! Giờ những tên đường đã đổi và tên khách sạn cũng đã đổi. Thời bao cấp, cũng như chiến tranh, đã chấm dứt.

 

Sau thời gian về Việt Nam thơ/văn ông đã chuyển động ra sao ?

 

ĐKh: Tôi học được nhiều từ mới, cập nhật và hiện đại, trên cả hiện đại. Điển hình là cụm “hơi bị tuyệt vời”, đoạn văn thơ nào nhét vào được là tôi nhét.

 

Sau thời gian dài sống và viết ở hải ngoại, có nhiều người nay muốn quay về mái nhà “tinh thần lục bát / tinh thần văn kể” ông nghĩ sao?

 

ĐKh: Nói chung, tinh thần ngoài nước là tinh thần bảo tồn và hoài niệm, tinh thần vọng cổ. Trong nước mới là tinh thần cầu tiến và... vọng ngoại. Đây là điều tự nhiên thôi. Vừa rồi tôi mua được một đôi giày Timberland, về nhà nhìn kỹ thì thấy là Made in Vietnam. Tôi đâu dám đi vào chân, mà đem đặt ở trên bàn thờ tổ quốc.

 

Theo ông, văn học Việt Nam trong và ngoài nước có những khác biệt gì đáng kể?

 

ĐKh: Tôi không nghĩ là có văn học trong / ngoài. Khác biệt là (may mà còn có) ở người viết. Và ở những khâu như xuất bản, in ấn, phát hành... Đó là chuyện nhỏ.

 

Ông có tin là văn học trong và ngoài nước một ngày nào đó sẽ nhập làm một hay không? Điều kiện để dẫn đến sự “thống nhất” ấy là gì?

 

ĐKh: Cali giờ đang mưa tầm tã, trượt cả những lưng đồi. Thống nhất là 300 năm sau, khi có nạn nhân ở đồng bằng Cửu Long bị lụt khóc Cao Tần “Nhà tôi ở trên đồi / Sáng ra thấy đời mình... bị lở”.

 

Trong cuộc “thống nhất” của nền văn học bằng tiếng Việt ấy, đóng góp chính của mỗi bên (trong/ngoài) là gì?

 

ĐKh: Theo tôi nền văn học Việt, muốn sống thì phải có người... viết thôi. Ai thì tôi không biết, chứ tôi thì việc này tôi thấy khó vô cùng (trên cả vô cùng).

 

Bao giờ ông trở lại Việt Nam? Ngày ấy trên trán ông và trong túi ông điều quí nhất là?

 

ĐKh: Khi nào tiện, khi nào cần, khi nào có dịp, “Bởi vì tôi chưa thích”. Tôi có nhu cầu đi chơi hơi bị to tát, nhưng nhu cầu về Việt Nam chơi, về Pháp chơi, về Mỹ chơi, lại trên cả …tàm tạm. Đất nước tôi mang ở trên người, trong cái túi mươi năm về trước khách du lịch nào cũng có ở trước bụng và gọi là cái “túi Việt kiều”.

 

(Trần Nhuệ Tâm thực hiện)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021