thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BA MƯƠI NĂM: KHOẢNG CÁCH & DẤU NỐI [Nguyễn Thị Ngọc Nhung]

 

Thưa bà, hiện bà đang sống ở đâu, việc chính hiện nay của bà là? Bà đã về Việt Nam vào khoảng thời gian nào? Xin bà cho biết tâm trạng của bà trong đêm trước lúc về Việt Nam và trong đêm trước lúc rời Việt Nam?

 

NTNN: Tôi hiện sống ở California và làm việc trong ngành vi tính. Tôi về Việt Nam năm 1996 vỏn vẹn có 10 ngày. Tất nhiên là trước đêm về tới Sài gòn tôi trằn trọc khó ngủ vì đã lâu chưa thấy lại Việt Nam và vì biết vài chuyện rắc rối không ngờ đã xảy đến cho dăm ba người thân và bạn bè nên có phần lo ngại. Nhưng, đêm trước ngày rời Việt Nam, tôi cảm thấy hài lòng là đã xong một chuyến đi và có một nơi để về sau chuyến đi ấy. Tất nhiên nơi về ấy không còn là Việt Nam.

 

Tác phẩm văn học nào xuất bản trong nước bà muốn đọc đầu tiên? Sau đó bà đã đọc…? Và ấn tượng nhất là?

 

NTNN: Tôi không biết “muốn đọc” là gì, bất cứ trước sau, trong ngoài. Cách đọc và kiểu đọc của tôi là, có thì đọc, vui thì đọc, có thì giờ thì đọc, không thì thôi và đọc rồi thì quên, có nhớ chăng là nhớ những cảm tưởng đã xảy ra trong lúc đọc, nếu có. Những gì người ta càng khen, càng tán tụng, tôi lại càng không tìm đọc chừng nấy. Thành thử có nhiều truyện, nhiều tác giả, tôi đọc sau, sau tất cả mọi người, sau những tán tụng khen chê.

 

Sau thời gian ở Việt Nam, trước thực trạng mọi mặt của Việt Nam, giờ phút đẹp nhất và tồi tệ nhất của bà là?

 

NTNN: Thời gian tôi ở Việt Nam quá ngắn, 10 ngày, không đủ để có một phán đoán (tương đối là) công bằng. Giờ phút đẹp xấu, tôi không có, chỉ có bực bội.

 

Sau thời gian về Việt Nam thơ/văn bà đã chuyển động ra sao ?

 

NTNN: Tôi không nghĩ rằng 10 ngày (bực bội) đó lại có đủ khả năng thay đổi cách viết hay cái nhìn của tôi về mọi thứ, nhất là về Việt Nam.

 

Sau thời gian dài sống và viết ở hải ngoại, có nhiều người nay muốn quay về mái nhà “tinh thần lục bát / tinh thần văn kể” bà nghĩ sao?

 

NTNN: Tôi không biết lý do của những người “tinh thần lục bát...”, hay hoàn cảnh, đời sống của họ, tôi chỉ biết tôi. Mỗi người ai cũng có lý do và biện chứng cho hành động của mình, và không có biện chứng hay hành động nào là đúng hay sai. Thích thì về. Thích thì ở. Thích thì đi. Không thích thì thôi. Thích làm thày tu hay thích nghĩ như thày tu, tuỳ. Bình thường tôi vẫn không biết tôi có tinh thần gì... ngoại trừ tinh thần giữ mình an lành trong mọi tình huống.

 

Theo bà, văn học Việt Nam trong và ngoài nước có những khác biệt gì đáng kể?

 

NTNN: Tôi không dám cho là mình đọc “đủ nhiều”, văn học trong hay ngoài nước (chắc chắn là Việt Nam!) để có một phán đoán rõ rệt về khác biệt. Tất nhiên khác biệt thì có, nhưng khác biệt đến đâu, ra sao thì tôi xin nhường cho các nhà chuyên môn. Cái nhìn của tôi chủ quan như những người khác. Tôi chỉ thấy thái cực và cực đoan mà không thấy dung hoà, giao hợp, hay bình thường.

 

Bà có tin là văn học trong và ngoài nước một ngày nào đó sẽ nhập làm một hay không? Điều kiện để dẫn đến sự “thống nhất” ấy là gì?

 

NTNN: Điều này hoàn toàn nằm ngoài khả năng trả lời của tôi, vì tôi:

a) không phải là thầy bói, và

b) không chuyên ngành nghiên cứu văn học Việt Nam (trong / ngoài / ở giữa).

 

Trong cuộc “thống nhất” của nền văn học bằng tiếng Việt ấy, đóng góp chính của mỗi bên (trong/ngoài) là gì?

 

NTNN: Giả như có một “thống nhất” văn học (như câu hỏi đưa ra) đóng góp chính vẫn là người viết và người đọc. Không có người đọc thì người viết, viết cho ai? Và không có người viết, thì người đọc lấy gì mà đọc? Đây là nói về “viết” và “đọc” với cái nghĩa rộng nhất có thể. Ngoài ra, tôi chưa nghe tới một “thống nhất” văn học bao giờ (ở cái nghĩa hẹp nhất của nó), ở bất cứ đâu, thì tại sao lại chỉ xảy ra ở Việt Nam mà thôi?

 

Bao giờ bà trở lại Việt Nam? Ngày ấy trên trán bà và trong túi bà điều quí nhất là?

 

NTNN: Tôi không biết khi nào thì tôi sẽ trở lại Việt Nam, chỉ biết đấy không phải là một điều tất yếu, trong lúc này.

 

(Trần Nhuệ Tâm thực hiện)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021