thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BA MƯƠI NĂM: KHOẢNG CÁCH & DẤU NỐI [Phan Nhiên Hạo]
(phỏng vấn Phan Nhiên Hạo)

 

 

Thưa ông, hiện ông đang sống ở đâu, việc chính hiện nay của ông là? Ông đã về Việt Nam vào khoảng thời gian nào? Xin ông cho biết tâm trạng của ông trong đêm trước lúc về Việt Nam và trong đêm trước lúc rời Việt Nam?

 

PNH: Tôi sống ở Los Angeles, làm việc trong một thư viện đại học. Tôi về Việt Nam lần đầu năm 1999, sau đó về làm việc ở Sài Gòn khoảng một năm rưỡi. Mới đây cũng có dịp đi công tác về Việt Nam vài ngày. Trước lúc về Việt Nam bao giờ cũng háo hức, nếu về ngắn ngày thì khi đi thấy chưa đủ, nếu về lâu thì khi đi thấy nhẹ nhõm. Đặt chân trở lại Mỹ bao giờ cũng có cảm giác bình yên.

 

Tác phẩm văn học nào xuất bản trong nước, ông muốn đọc đầu tiên? Sau đó ông đã đọc…? Và ấn tượng nhất là?

 

PNH: Tôi không biết có đọc nhiều tác phẩm trong nước lắm không, nhưng có lẽ những người cần đọc thì đều có đọc. Vì tôi làm trong thư viện, sách vở cũng sẵn, kể cả sách Việt Nam. Tôi ấn tượng với Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Những Người Đàn Bà Gánh Nước Sông của Nguyễn Quang Thiều, các truyện của Nguyễn Viện, một số bài thơ của Inrasara, Nguyễn Quốc Chánh, Mai Văn Phấn, Trần Tiến Dũng. Tôi đặc biệt thích thơ Trần Vàng Sao nhưng không tìm được nhiều để đọc.

 

Sau thời gian ở Việt Nam, trước thực trạng mọi mặt của Việt Nam, giờ phút đẹp nhất và tồi tệ nhất của ông là?

 

PNH: Giờ phút đẹp nhất là lúc mới về, tiền còn nhiều, bạn bè chưa chán nhau, không phải lo lắng công ăn việc làm, cảnh vật vừa lạ vừa thân thương. Về Việt Nam chơi thì không thể nghĩ ngợi nhiều, vì nhìn quanh sẽ thấy rất nhiều chuyện không vui: trẻ em bán vé số, đánh giày, ăn xin, hố cách biệt khổng lồ giàu nghèo, tham nhũng, độc đoán, u mê… Nếu nghĩ ngợi những chuyện này nhiều quá, người ta sẽ muốn rời Việt Nam ngay. Những chuyện này, qua lại bên Mỹ mới nghĩ, mới thấm.

 

Sau thời gian về Việt Nam thơ/văn ông đã chuyển động ra sao ?

 

PNH: Việt Nam cho người viết những chất liệu và cảm hứng quan trọng. Những điều này có thể không tác động ngay đến người viết, nhưng dần dần sẽ thể hiện trong tác phẩm.

 

Sau thời gian dài sống và viết ở hải ngoại, có nhiều người nay muốn quay về mái nhà “tinh thần lục bát / tinh thần văn kể” ông nghĩ sao?

 

PNH: Với việc một số người đang “cách tân” bằng cách đề cao thơ vần, thơ nhịp điệu hiện nay, có thể trong tương lai không xa, lục bát lại lên ngôi (với chút ít biến cách), giống như áo dài vậy. Cũng không sao. Vấn đề là đừng cho mình là câu trả lời duy nhất, là “tiên phong” nhất.

Tôi không rõ lắm anh dùng “tinh thần văn kể” theo nghĩa nào. Có lẽ anh nên giải thích rõ hơn những cụm từ có tính khái quát như vậy. Nếu “tinh thần văn kể” chỉ là kể những câu chuyện nói chung, thì tôi thấy kể chuyện vẫn đang là xu hướng chủ đạo của văn chương thế giới. Ra các nhà sách Mỹ, thấy đại đa số sách đều là truyện. Những tác giả đương đại nổi tiếng, nhất là những tác giả Hoa Kỳ, cũng đều là những nhà kể chuyện xuất sắc. Chúng ta vẫn cần những người kể chuyện xứng đáng với lịch sử và hiện thực rất đặc thù của Việt Nam.

 

Theo ông, văn học Việt Nam trong và ngoài nước có những khác biệt gì đáng kể?

 

PNH: Ở Việt Nam tôi thấy đối với giới trẻ quan trọng nhất là chiếc điện thoại di động. Từ người nghèo đến giàu, từ gái bán bia ôm cho đến họa sĩ, ai cũng gắng hết sức, nhiều khi gom góp cả gia tài, để mua một chiếc điện thoại di động tân kỳ nhất, mắc tiền nhất. Mua chủ yếu để loè nhau, chứ không xài hết chức năng. Ở Mỹ, phần lớn điện thoại di động được tặng không cho khách hàng. Mà người Mỹ cũng ít để ý đến chuyện điện thoại hiệu gì, mắc hay rẻ. Vì nó chỉ là chuyện quá nhỏ.

Người Việt ở nước ngoài không so đo chuyện điện thoại di động, nhưng khoe xe. Ở đây có câu “Ăn mì gói để mua Lexus”. Họ có thể ăn uống rất đạm bạc, nhà cửa chung chạ chật chội, nhưng ra đường phải chạy xe hiệu mắc tiền. Không đủ tiền mua xe mới thì mua xe cũ, nhưng phải hiệu sang. Cách sống này khác với đa số người bản xứ, là những người có thể chạy xe hiệu vừa phải nhưng ở nhà cửa rộng rãi, độc lập, để giành tiền đi du lịch, cho con cái học trường tốt.

Văn chương trong và ngoài nước đại loại cũng vừa giống vừa khác nhau như vậy. Nói chung cả hai đều không giống ai.

 

Ông có tin là văn học trong và ngoài nước một ngày nào đó sẽ nhập làm một hay không? Điều kiện để dẫn đến sự “thống nhất” ấy là gì?

 

PNH: Văn học trong và ngoài nước cũng chỉ là văn học Việt Nam. Và nó đã, đang và sẽ là một, cho dù nó có thể viết về những đề tài khác nhau. Bất cứ sự ngăn sông cấm chợ nào cũng là hiện tượng rất “phản động”, và nói như những gì tôi đã được học trong nhà trường Xã Hội Chủ Nghĩa, “tất yếu sẽ bị lịch sử đào thải”.

 

Trong cuộc “thống nhất” của nền văn học bằng tiếng Việt ấy, đóng góp chính của mỗi bên (trong/ngoài) là gì?

 

PNH: Là tác phẩm. Và chỉ bằng tác phẩm hay. Chứ không phải bằng phe nhóm, lực lượng gì cả.

 

Bao giờ ông trở lại Việt Nam? Ngày ấy trên trán ông và trong túi ông điều quí nhất là?

 

PNH: Quý nhất là trong túi có một bản thảo hay, mang về Việt Nam tự do in ấn công khai mà không phải xin phép ai cả.

 

(Trần Nhuệ Tâm thực hiện)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021