thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BA MƯƠI NĂM: KHOẢNG CÁCH & DẤU NỐI [Trần Minh Quân]
(phỏng vấn Trần Minh Quân)

 

Thưa ông/bà , hiện ông/bà đang sống ở đâu, việc chính hiện nay của ông/bà là? Ông/bà đã về Việt Nam vào khoảng thời gian nào? Xin ông/bà cho biết tâm trạng của ông/bà trong đêm trước lúc về Việt Nam và trong đêm trước lúc rời Việt Nam?

 

TMQ: Tôi sống ở Mỹ, đang còn đi học. Tôi rời Việt Nam với gia đình vào lúc 11 tuổi, chưa có dịp về VN.

 

Tác phẩm văn học nào xuất bản trong nước, ông/bà muốn đọc đầu tiên? Sau đó ông/bà đã đọc…? Và ấn tượng nhất là?

 

TMQ: Tôi bắt đầu tìm đọc văn chương Việt Nam lúc tôi 15, 16 tuổi. Lúc đó, tôi chủ yếu chỉ muốn đọc về Việt Nam nên tôi không cần biết người viết là ai. Hơn nữa, thành phố tôi ở là một thành phố nhỏ, rất ít người Việt nên không có nhiều sách Việt cho tôi đọc. Những cuốn sách bằng tiếng Việt tôi tìm được trong thư viện toàn truyện… chưởng hoặc truyện dịch lại của Pháp. Người đầu tiên tôi đọc là Dương Thu Hương, đây chỉ là sự ngẫu nhiên. Lúc đó tôi không biết bắt đầu từ đâu nên tôi bắt đầu từ chữ cái đầu tiên A, rồi từ từ dò xuống, đến “D” thì tôi tìm được Dương Thu Hương với hai cuốn sách của bà ấy ở thư viện. Sau này, khi tìm hiểu văn học trong nước bằng tiếng Việt thì tôi thích nhất là Thanh Tâm Tuyền. Có thời gian ngắn tôi chịu ảnh hưởng thơ của Nguyễn Quốc Chánh. Bây giờ thì tôi chỉ thích văn của Nguyễn Thúy Hằng, vì tôi đọc được ở tác phẩm của cô ấy (những tác phẩm đã in lẫn chưa in) sự quyết liệt phá vỡ hình thức của người đọc/ người viết bằng kỹ thuật và con chữ nặng trịch. Hướng đi của Hằng rất mới, tôi không thấy được trong bất cứ cây bút Việt nào tôi đọc được.

 

Sau thời gian dài sống và viết ở hải ngoại, có nhiều người nay muốn quay về mái nhà “tinh thần lục bát / tinh thần văn kể” ông/bà nghĩ sao?

 

TMQ: Với tôi, “tinh thần lục bát” vẫn còn tồn tại một cách “vui vẻ” trên báo Tuổi Trẻ Cười đó chứ? Còn về “tinh thần văn kể”, văn chương Việt Nam vẫn còn xài đều đều, có đi đâu mà “quay về”?

 

Theo ông/bà , văn học Việt Nam trong và ngoài nước có những khác biệt gì đáng kể?

 

TMQ: Hình như văn học trong nước có sức sống và sôi động hơn ngoài nước. Tôi chưa về Việt Nam nên tôi chưa có dịp đối mặt với họ. Nhưng tôi có liên lạc và trao đổi qua email với vài người (Thận Nhiên, Nguyễn Quốc Chánh, Nguyễn Hữu Hồng Minh chẳng hạn) và có nghe kể về những buổi gặp mặt, café, nhậu nhẹt và “đấu khẩu” của họ, tôi thấy vui kinh khủng. Họ gặp mặt đề cãi nhau về văn học, người nào có bài mới mang ra cho kẻ khác đọc, rồi kẻ khác được hứng, chạy về nhà làm một bài thơ mới. Cứ thế mà thách nhau và đẩy nhau viết. Tôi không biết quan hệ cá nhân của họ ra sao, nhưng tôi hình dung được sự đam mê và bức xúc ấy. Với văn giới hải ngoại, trong những lần tôi họp mặt văn nghệ sĩ dưới San Jose, hay những dịp tôi làm quen và café với từng người riêng, tôi không thấy ai “hăng” cái “hăng” mà tôi thấy các cây bút trong nước đang có, có lẽ vì cuộc sống ở Mỹ không cho phép họ sống hết mình với cái viết. Đã đành là khi tôi đọc văn chương hiện đại tiếng Việt trong và ngoài nước tôi ít khi nào có cảm giác bồn chồn trước một tác phẩm hay, nhưng tôi cho rằng việc đó chỉ là thời gian—cái cần thiết là “máu” viết. Văn học ngoài nước là sự kéo dài của văn học miền Nam trước 75 bị đứt đoạn, nhưng nó lại thiếu khả năng nhìn xa, nhìn sâu và những đam mê quyết liệt cho cái mới, nó thiếu luôn cả tinh thần khái quát, mở rộng của một thời đại văn học VN đã một thời đầy sức sống.

Tiện đây tôi cũng xin đính chính lại một điều mà tôi thấy đã được xem như là một biểu tượng chung cho các nhà văn hải ngoại. Đó là sự so sánh rất chủ quan giữa con người, xã hội Việt Nam và của nước ngoài, như Mỹ chẳng hạn. Con người, văn hóa, và xã hội Mỹ thường được mang ra để làm tấm gương cho mọi người soi sáng, và cuộc sống ở hải ngoại được xem như một sự hoàn hảo, tự do và dân chủ. Đây là một cách nhìn thiển cận, thiếu tinh tế. Thật ra văn hóa, xã hội Mỹ không đẹp đẽ như thế, và tự do ở Mỹ cũng có quy luật và giới hạn của nó. Tôi thật sự ngạc nhiên khi có một số nhà văn, tuy được xem là những người khá hiểu biết vẫn tôn sùng văn hóa Mỹ như thế (hoặc giả tạo nói lên rằng họ tìm thấy được tự do và bình yên ở đất nước này). Có phải họ cần khẳng định rằngï đã “thoát ra được” và đang ở trong một vị trí “ý thức” và “văn hóa” hơn để chỉ chứng minh một điều duy nhất: họ có tự do hơn Việt Nam? Xã hội Mỹ mà họ nhắc đến hoàn toàn không giống xã hội Mỹ mà tôi đang sống, vì tôi thấy con người và văn hóa Mỹ chẳng những kỳ thị (hãy hỏi những người da đen, những người Mỹ bản xứ thật sư, ïhay những người đạo Hồi về cách nhìn của họ về tự do và nhân quyền ở Mỹ, bạn sẽ thấy một khía cạnh rất khác) mà nó vẫn còn nhiều tầng lớp ấu trĩ như tất cả mọi quốc gia khác, vẫn còn nhiều bất công như tất cả quốc gia khác. Nó chỉ được đánh bóng bằng sự tự do tiêu sài trên hệ thống vay mượn và huyền thoại về tự do dân chủ. Tôi không ngạc nhiên khi phần đông cộng đồng người Việt hải ngoại lại thích hoàn thiện hoá văn hóa và xã hội Mỹ, vì kinh nghiệm chính trị và lịch sử không cho phép họ nhìn xa hơn cá nhân họ. Nhưng đối với những người viết có sức quan sát rộng vàsâu hơn , tôi muốn đòi hỏi ở họ một thái độ khác, thật sự ý thức hơn. Nếu chúng ta thấy được và chống đối cái thối tha của văn hóa và xã hội Việt Nam, thì chúng ta cũng phải thấy được và chống đối cái thối tha của cái văn hóa và xã hội chúng ta đang sống.

 

Ông/bà có tin là văn học trong và ngoài nước một ngày nào đó sẽ nhập làm một hay không? Điều kiện để dẫn đến sự “thống nhất” ấy là gì?

 

TMQ: Nếu nó là tiếng Việt thì nó sẽ là văn chương Việt Nam. Tôi không nghĩ những tác phẩm bằng tiếng Anh của Monique Trương hoặc tiếng Pháp của Linda Lê là văn chương Việt Nam. Nhưng giả sử các tác giả ấy tự dịch tác phẩm ra tiếng Việt, lúc đó sẽ có những vấn đề lý thú để bàn cãi—chẳng hạn như nếu Linda Lê tự dịch nguyên bản tiếng Pháp của mình ra tiếng Việt, và ngoài bìa sách đề rõ đây là tác phẩm dịch, vậy tác phẩm đó có thể gọi là tác phẩm của văn học Việt Nam hay không? Và nếu tác giả không ghi chú đó là một dịch bản, vậy nó có được xem là một tác phẩm mới của văn học Việt Nam hay không?

 

Trong cuộc “thống nhất” của nền văn học bằng tiếng Việt ấy, đóng góp chính của mỗi bên (trong/ngoài) là gì?

 

TMQ: Thật là nhiều những câu hỏi trong/ngoài. Lấy điều kiện gì để quyết định trong/ngoài? Phạm Thị Hoài viết Thiên Sứ ở trong nước. Giờ, Phạm Thị Hoài ở Đức, nhưng nước ngoài lại xem bà ấy là một nhà văn trong nước, như vậy bà ấy trong hay ngoài? Nguyễn Viện sống ở trong nước, nhưng “Rồng và Rắn” lại được in ở ngoài nước, như vậy Nguyễn Viện trong hay ngoài? Nguyễn Thúy Hằng đang du học ở Mỹ, tác phẩm được hoàn thành khi Thúy Hằng ở Mỹ, nhưng gửi về Việt Nam để in, vậy tác phẩm in ra sẽ là trong hay ngoài? Tôi hoàn toàn không quan tâm đến những vấn đề trong/ngoài và đóng góp trong/ngoài. Cái hay của một tác phẩm không phụ thuộc đến trong/ngoài trước tiên. Người ta nghĩ rằng, nhà văn “ngoài nước” sẽ thu nhập được những cái hay của văn học và lý thuyết thế giới để sáng tác những tác phẩm thật táo bạo, nhưng chuyện đó đã không xẩy ra. Trước hết, hãy cho tôi đọc một tác phẩm haỵ, còn đóng góp gì và đóng góp như thế nào là chuyện để bàn cãi sau “hậu trường”…say xỉn.

 

Bao giờ ông/bà trở lại Việt Nam? Ngày ấy trên trán ông/bà và trong túi ông/bà điều quí nhất là?

 

TMQ: Khi nào tôi có tiền, tôi sẽ về Việt Nam. Điều quý nhất trong túi tôi lúc đó chắc sẽ là cặp mắt kính đen…..để đỡ chói, và trán tôi chắc sẽ nhiều mồ hôi, vì nóng và vì ngồi lề đường ăn vặt.

 

(Trần Nhuệ Tâm thực hiện)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021