thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thuận và PHỐ TẦU: Dùng nghịch lý để kể những nghịch lý

 

     Tiểu thuyết Chinatown - Phố Tầu trình hiện một đoạn hồi kí của một phụ nữ Việt sống tại Pháp, một chuyện tình dang dở len lỏi trong dòng thế sự. Hà Nội của thời bao cấp và mở cửa, Liên Xô trước thềm Perestroika, Paris với khu phố Tàu, cuộc chiến Irac... Đó là cái ưu thế không thể tranh cãi của dòng hồi tưởng. Và tất cả chảy đi trong một nhịp điệu hết sức độc đáo, vừa xót xa vừa hài hước.
     Về một đặc điểm văn phong của tác giả này, có thể nhắc lại lời nhận xét của Natalie Levisalles đăng trên tờ Libération ngày 3/3/2005 nhân một truyện ngắn của Thuận được in chung trong tập Tầng trệt thiên đường (nxb Philippe Picquier): "...'What do you like for your breakfast?' của Thuận là một tuyệt tác bé nhỏ của khôi hài và nuối tiếc..."
     Nhân dịp về Việt Nam khi cuốn tiểu thuyết này của chị được Nxb Đà Nẵng ấn hành, tác giả đã dành cho báo Người Hà Nội cuộc phỏng vấn đầu tiên.
Nguyễn Chí Hoan thực hiện.

 

 

N.C.H: Người ta thường tìm kiếm trong đời sống riêng tư của các nhà văn những chỉ dẫn hay thậm chí cả một đề cương về tác phẩm của họ. Theo chị, việc đó có đúng không? Công chúng tìm thấy những gì bổ ích và thú vị trong đời tư của các nhà văn và nghệ sĩ? Chị sẽ nói về mình như thế nào trong một buổi giao lưu với bạn đọc của Chinatown?

 

Thuận: Để hiểu một tác phẩm, cách duy nhất là đọc nó. Đời tư của tác giả có thể bổ ích nhưng không bao giờ thay thế được tác phẩm. Mối quan hệ hiện thực/văn học ít khi có chung một logic với các mối quan hệ mà người ta vẫn gặp trong đời sống. Một nhà văn xuất thân là bác sĩ không nhất thiết phải có giọng văn sặc mùi thuốc khử trùng, cũng như trong số các cây bút hay rao giảng đạo đức chỉ vài phần trăm đã tốt nghiệp sư phạm. Một nhà văn chưa từng đạp xe khỏi năm cửa ô Hà Nội hoàn toàn có thể vừa huýt sáo vừa viết thiên chuyện tình éo le dưới chân tháp ép Phen. Tương tự, cuộc thi bảo vệ các giá trị văn học truyền thống mà được tổ chức, các tác giả đang sống bên ngoài nước Việt vẫn có khả năng đoạt giải nhất, giải nhì. Trong Chinatown, nhân vật chính-người phụ nữ xưng tôi- đang viết Im yellow, một tiểu thuyết như chị gọi, một tác phẩm độc lập mà độc giả có thể đọc và hiểu không cần sự hướng dẫn đến từ Chinatown-câu chuyện về cuộc đời chị. Ngược lại, Im yellow là một điểm không thể thiếu được trên chân dung nhân vật này. Hơn cả thế, chính nó đã rọi ánh sáng vào những phần vẫn bị che khuất.

Người đọc thông thường hay đi tìm những chỗ dựa dễ dãi để củng cố cho kiến thức văn học của họ. Chỗ dựa gần nhất, đáng tin nhất, chính là những chuyện đời tư của tác giả, để tin vào tác phẩm. Cách đọc này đưa họ đi xa khỏi văn học.

Nhưng tôi tin rằng có thể đọc được tính cách của tác giả thông qua tác phẩm. Cái cần thiết nhất là nhà văn đã cư xử như thế nào với hiện thực.

Tôi không thể kể trước những gì tôi sẽ nói với độc giả khi có dịp tiếp xúc với họ. Tôi thích những điều bất ngờ.

 

N.C.H: Trong tiểu thuyết Chinatown, nhân vật Tôi của chị có nói rằng: Mười hai năm sau tôi lờ mờ hiểu người ta không phải bỗng dưng mà có thể viết được. Sau đó, nhân vật ấy đã viết tiểu thuyết đầu tay của cô ta. Cũng nhân vật trên sau đó đã nói: Với tôi, viết không phải để nhớ lại. Cũng không phải để quên đi. Chỉ đến tiểu thuyết cuối cùng tôi mới biết viết để làm gì. Tất nhiên, Chinatown không phải là cuốn sách cuối cùng mà tất nhiên chị cũng không là cái nhân vật ấy theo đúng nghĩa. Nhưng sẽ rất thú vị nếu chị cho hay chị đã đến với tiểu thuyết như thế nào? Vì sao bỗng dưng chị đã viết và chị đã trải nghiệm cái suy nghĩ viết để làm gì như thế nào?

 

Thuận: Đối với nhiều người, viết là để giãi bày. Hai mươi sáu tuổi, sau mười năm xa nhà, tôi mới bắt đầu viết. Nhưng không vì mục đích tâm sự chuyện đời. ý nghĩ đầu tiên là viết một cái gì đấy, chỉ để phục vụ nhu cầu tưởng tượng, nhu cầu đi xa khỏi bản thân tôi, khỏi chuyện của tôi. Sau đó là tìm những lối viết khác. Đến đây nhu cầu viết chuyển thành nhiệm vụ viết, và hơn nữa, trách nhiệm viết. Nói giản dị hơn, người viết chỉ trở nên chuyên nghiệp khi anh bầy tỏ, bênh vực và chứng minh cho thái độ của anh với hiện thực.

Chinatown là tiểu thuyết thứ hai. Trước đấy tôi đã viết một số truyện ngắn và Made in Vietnam. Viết đối với tôi là một việc khó. Viết dài lại càng khó. Tiểu thuyết, chỉ tính đến số trang, đã là một thử thách. Chưa kể đến cấu trúc, văn phong, nhịp điệu, nhân vật... Truyện ngắn giống như một cuộc dạo chơi. Tôi có thể cho phép mình dừng lại những khi cạn ý, những khi đã mệt. Tiểu thuyết là một cuộc phiêu lưu nguy hiểm. Nguy hiểm nhất là không biết đi về đâu.

 

N.C.H: Trong cuốn tiểu thuyết này của chị, các Chinatown giống như một thứ quê hương mạnh mẽ và sống động và có mặt khắp nơi trên thế giới. Chị có lạc quan về điều đó không?

 

Thuận: Trên thực tế, Chinatown ở Paris rất nhỏ, nằm trong một góc của quận Mười Ba. Người ta nói thế kỉ 21 là thế kỉ Trung Hoa. Có thể trong tương lai, người dân Pháp sẽ được chứng kiến những Chinatown phát triển hơn nữa. Tôi không quan tâm đến điều đó lắm. Tôi chưa bao giờ coi mình là người Trung Hoa. Và tôi cũng kể về họ với cách hài hước của tôi.

 

N.C.H: Tất cả những câu chuyện, những nhân vật trong tiểu thuyết này đều được kể một cách châm biếm. Đó là logic của cái hiện thực, chính cái hiện thực đó? là logic của mối quan hệ giữa hiện thực và văn học, như chị đã nói, trong khuôn khổ cuốn sách này?

 

Thuận: Mỗi nhà văn có những cách riêng để đưa hiện thực vào văn học. Nguyên tắc của tôi là tránh càng xa càng tốt sự hoài cổ và lãng mạn. Câu chuyện của Chinatown có nhiều lý do để phải được kể một cách hài hước, thậm chí châm biếm, như anh nhận xét. Đã hồi ức lại còn hồi ức chuyện tình, lại còn chuyện tình dang dở, kết thúc bất hạnh. Nếu tôi không vừa cười vừa viết có lẽ độc giả sẽ phải vài phút rút khăn mùi xoa một lần, khóc thương cho đã mà không cần hỏi tại sao lại phải khóc, hoặc có nên khóc hay không. Tôi cho rằng dùng nghịch lý để kể những nghịch lý có thể gây nên nhiều băn khoăn cho người đọc. Họ phải ngừng lại nhiều hơn vì nghịch lý chứ không phải chỉ thuần tuý vì câu chuyện được kể. Những băn khoăn này có thể đã là những tiếp xúc đầu tiên của họ với văn học.

 

N.C.H: Nhân vật Tôi kể lại quãng đời của cô ta với những người và việc đương thời, việc viết văn, đồng thời trò chuyện với nhân vật của cô ta và tất cả đều là những bi hài kịch trong một không gian tôpô - có thể cùng một lúc vừa là mặt này vừa ở mặt kia. Phải chăng đó là thái độ của nhà văn, như chị nói, đối với cái hiện thực đó?

 

Thuận: Thái độ của nhà văn đối với hiện thực trong nghĩa lớn nhất là câu hỏi: sao chép hiện thực hay sử dụng hiện thực, trung thực hay bóp méo, đồng ý hay phê phán? Tôi tôn trọng hiện thực cùng sự thật. Nhưng dứt khoát người làm nghệ thuật không thể là nô lệ của hiện thực. Tôi muốn văn học là cái không thực nhưng lại thật hơn cả sự thực.

Tôi luôn tìm cách cải thiện mối quan hệ tác giả/tác phẩm. Trong khi viết tôi chỉ muốn được sống thật gần các nhân vật của mình. Tôi e ngại các cụm từ xây dựng nhân vật, phát triển nhân vật. Theo tôi, nhân vật không phải là con rối do tác giả giật dây trên sân khấu, hay con chó cảnh để tác giả buộc xích vào cổ rồi dẫn đi dạo vườn hoa. Trong Chinatown, tôi đã để cho chị phụ nữ xưng tôi - một nhà văn - tiếp xúc với nhân vật của mình một cách tự nhiên, như một người bạn đồng hành lý tưởng.

 

N.C.H: Trong Chinatown có bóng dáng một số diễn biến của lịch sử nước nhà vừa qua. Theo chị thì một ký ức cá nhân có thể mang tính đại diện đến cấp độ nào, như thế nào?

 

Thuận: Vấn đề không phải là một cá nhân thì kể chuyện lịch sử trung thực hơn hoặc kém chính xác hơn nhiều cá nhân. Có những cá nhân sẽ chẳng bao giờ đại diện nổi một cái gì. Có những cá nhân sẽ chỉ nhìn nhận lịch sử thông qua những lợi ích hoặc thua thiệt của cá nhân họ, của đẳng cấp của họ. Nếu hai nhân vật bố và mẹ trong Chinatown cũng viết hồi ký, họ sẽ cho ra đời một cuốn sử thi khác tươi mát hơn.

 

N.C.H: Cuốn tiểu thuyết này của chị có một nhịp điệu lạ lùng bởi sự lắp ghép và tự sản sinh không ngừng của các môtíp lặp lại. Chúng chứa đầy những hàm ngụ hài hước.

 

Thuận: Nhiều nhà văn tha thiết chia sẻ với độc giả lời hay, ý đẹp.Trong Chinatown, tôi cố gắng chọn từ rõ ràng, ý ngắn gọn, không ẩn dụ, không xuống hàng, ít tính từ và mỹ từ. Ở đây tôi sử dụng rất thường xuyên những câu ngắn, được gối lên trên một câu ngắn khác, rồi một câu ngắn tiếp theo, rồi nhường chỗ cho những tập hợp từ vựng trúc trắc hơn, rồi lại tiếp tục lặp lại. Như những con sóng nhỏ cứ chốc chốc lại đến cùng nhau rồi biến mất vào đất cát và sỏi đá. Toàn bộ cuốn tiểu thuyết được viết như vậy.

Tôi muốn cho cuốn sách này chỉ một loại nhịp điệu, bị cắt thành ba phần bởi hai quãng nghỉ. Tôi gọi chúng là ba phần đồng điệu. Hai quãng nghỉ cùng mang một cái tên I`m yellow, vừa thử thách vừa giúp đỡ tính kiên nhẫn của độc giả.

Nhịp điệu của Chinatown phần lớn được xây dựng bởi những phép lặp lại, trong từng nhân vật, giữa các nhân vật. Đó có thể là một cụm từ, một câu, thậm chí một đoạn văn. Đó cũng có thể là một động tác, một lời nói, một cái tên riêng. Tôi không muốn cuốn sách trở thành hồi ký, mà chủ trương lấy từ những suy tư lộn xộn và day dứt của nhân vật chính, một cách trực tiếp nhất.

 

N.C.H: Cám ơn chị!

 

 

----------------------
Mời độc giả xem một trích đoạn từ tiểu thuyết Chinatown của Thuận (đăng song song trên Tiền Vệ).

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021