thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Lynh Bacardi: "Xin đừng thổi còi tôi quá sớm"
Diệu Hoa (thực hiện)

 

Lynh Bacardi tìm thấy tập thơ Dự Báo Phi Thời Tiết
tại vỉa hè phố sách Nguyễn Xí (Hà Nội)

 

Tên khai sinh Nguyễn Thuỳ Linh, còn tên bút danh Lynh Bacardi . Nó có ý nghĩa gì?

Lynh là tên của nhà thơ Thận Nhiên, bạn trai của tôi, ghép với tên tôi. Nghĩa là chữ viết tắt của Linh yêu Nhiên. Còn Bacardi là tên một loại rượu mạnh, đại khái là Linh yêu Nhiên đậm đà như rượu Bacardi đó mà. Cái tên này của tôi bị nhiều người viết lầm, đó là một lỗi nhỏ, nhưng cũng có thể cho thấy người viết đã không cẩn thận, không tỏ ra có trách nhiệm với bài viết của mình. Họ làm tôi nghi ngờ tính lương thiện và tính chuyên nghiệp của họ.

 

Chị làm thơ từ bao giờ? Chị có chịu ảnh hưởng từ nhà thơ nào không?

Năm 14 tuổi tôi có làm thơ gửi báo Mực Tím nhưng không được đăng. Thực sự, đến giờ tôi vẫn phải cảm ơn họ vì điều đó. Sau này, tôi chơi với những người bạn làm văn chương, nên thường được sống trong một không khí rất nhạy cảm và đầy rẫy các vấn đề xã hội qua cái nhìn văn chương của họ. Tôi ấn tượng với thơ của Phan Bá Thọ. Thọ có cái nhìn rất riêng với từng vấn đề. Cách Thọ sử dụng ngôn từ để diễn đạt cũng rất mới. Đọc thơ của Thọ, chúng ta có thể nhận ra ngay anh chàng đang sống trong thế hệ của thông tin chớp nhoáng, mọi giá trị đều được thay đổi liên tục và thú vị, nhưng thơ Thọ vẫn không thiếu một cái nhìn rất con người. Hay trong thơ của Thanh Xuân, có những xáo trộn và bất an của một người trẻ trước bộ mặt của xã hội. Thơ Ðinh Linh có con mắt nhìn ngông nghênh. Phan Nhiên Hạo, Ðinh Trường Chinh thì tập trung nhiều về hình tượng và họ chú trọng trong việc chắt lọc kỹ càng con chữ để diễn đạt các hình tượng đó. Thơ Nguyễn Quốc Chánh có sự nóng nảy, sốt ruột trước tình trạng trì trệ của xã hội. Tất cả những tác giả này cho tôi thấy văn chương là sự đa dạng, cởi mở, phóng khoáng. Nó đúng với bản chất kinh khoái của thơ ca, không thể ép buộc nó phải theo duy nhất một hình thức nào. Qua những tác phẩm của những tác giả trên, người ta còn nhận ra thơ không chỉ nằm trong thể loại lục bát thì mới là thơ nữa, không còn à ơi, cầu tre, chiều tím thì mới là ngôn ngữ thơ nữa. Thơ của Nguyễn Quốc Chánh còn giúp tôi hiểu một nhà thơ không chỉ ru mình hoài trên một thân cây cổ thụ cao chót vót để nhìn ngắm trời xanh, hay nằm co mình trong chăn ấm trong một căn phòng màu hồng, rồi tự ca thán sao cuộc đời cô đơn quá. Mà nhà thơ phải ra ngoài, hít thở hơi hướm của đời sống. Sống với nó, trăn trở với nó, và tranh đấu cho niềm tin cũng như làm cho mọi người nhận ra sự có mặt của mình một cách tích cực.

 

Chị nói như đang nói tuyên ngôn?

Chúng không phải là tuyên ngôn, mà tôi đang muốn nói ra điều mình nghĩ một cách rốt ráo khi có cơ hội được nói.

 

Có một nhà thơ đã so sánh về chị với người khác thế này: “Cô Lynh Bacardi học hành không tới đâu, nhưng đã trải qua nhiều nghề từ nhà hàng, cafe...” Chị có thể nói rõ hơn điều này được không?

Ở góc độ nào đó, đây là một lời khen vì tôi đã có nỗ lực vươn lên. Nhưng nếu đó là một câu mỉa mai, thì hãy xem lại. Tôi nhớ là mình đã học hết lớp 5 rồi mà lại bảo không tới đâu thì tức cười quá. Tại sao nhà thơ kia không nói luôn cho tôi biết rằng, học đến cấp bậc, đạt đến trình độ nào thì mới gọi là đã tới đâu? Tôi chưa từng làm phục vụ, hay có tiền để mở một nhà hàng. Tôi cũng chưa từng làm nhân viên, mà chỉ từng làm chủ quán cafe. Có lẽ, để diễn đạt công việc mở quán cafe lương thiện của tôi thành kiểu ác ý như vậy, thì nhà thơ kia phải nên nói rằng: Lynh Bacardi từng là má mì, chứ không phải là gái. Tôi nghĩ, việc được học hành một cách chính qui, suôn sẻ, là điều may mắn của mọi con người. Nhưng đó không hẳn là thước đo giá trị, trí thức hay nhân phẩm cho một con người. Tôi có nghe người ta có ý kiến về tiểu sử của tôi, và cho rằng tiểu sử của tôi trong tập thơ Dự Báo Phi Thời Tiết không được nghiêm chỉnh. Vậy, nhân dịp này, tôi xin khai báo lại. Tôi, Lynh Bacardi, tên thật Phạm Thị Thuỳ Linh, sinh 03-04-1981. Suýt tốt nghiệp tiểu học lớp 5. Nghề nghiệp: bán báo, bán vé số, bán bánh da lợn, bán hột vịt lộn, bán bánh nhân thịt, và hiện nay nghề nghiệp chính là làm thơ, viết văn, dịch thuật. Tôi đã dịch 12 cuốn sách tâm lý tuổi mới lớn cho Nhà Xuất Bản Trẻ bổ sung vào tủ sách dạy làm người của Việt Nam. “Em xin thành thật khai báo, nếu có gì sai trái, em xin tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.”

 

Chị có tham gia vào nhóm thơ 5 con ngựa trời, tại sao có người nói 5 con đĩ ngựa?

Nhóm thơ này ra đời vào một buổi cafe, tôi và 4 cô bạn biết nhau qua thơ văn của nhau trước khi gặp mặt. Sau đó, chúng tôi thường gặp nhau, và kết thân. Một bài báo nói đến những cô gái làm thơ trẻ ở Sài Gòn và gọi chúng tôi là nhóm thơ nữ 8x của thế hệ @. Nếu tôi không lầm, thì hình như người gắn chữ @ lần đầu cho nhóm thơ Sài Gòn là nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên. Nhưng cái tên @ nghe sến, thời trang, nên trong buổi cafe đó, mọi người đã đùa nghịch bàn tán, và cuối cùng đồng ý nên đổi lại cái tên @ bằng Ngựa Trời. Ở bắc, gọi là Bọ Ngựa. Ở Nam, là Ngựa trời. Chúng tôi thích cái tên và con ngựa trời. Vì nếu nhìn kỹ, bạn sẽ thấy nó rất đẹp và mạnh mẽ. Nó hoàn toàn tự do, và không bị chi phối bởi bất cứ loài côn trùng nào quanh nó, kể cả con ngựa trời đực. Thậm chí, nếu sau khi làm tình xong, mà nó thấy tâm hồn sảng khoái, nó sẽ nhai luôn đầu con đực một cách chóng vánh. Còn chữ Đĩ Ngựa, ở hoàn cảnh này, nó vừa là danh từ, vừa là tính từ. Và cái tên này, chỉ có những người thân mật gọi mà thôi. Ví dụ, hôm nay, bạn cố tình ăn mặc, trang điểm đẹp, và một người bạn nói với bạn rằng: “ê, hôm nay nhìn mày đĩ ghê!”... thì đó lại là một lời khen. Đó là cái nghĩa mà chúng tôi biết. Còn nếu ai cố tình cho nó thêm một nghĩa nào khác, thì xin mời, vì mọi người đều có quyền bình (suy) luận mọi vấn đề.

 

Tập thơ in chung Dự Báo Phi Thời Tiết có phải là một tuyên ngôn của nhóm?

Tập Dự Báo Phi Thời Tiết được gửi đi in khi chưa có tên Ngựa Trời, nên chúng tôi xuất hiện trong tập thơ này với tư cách hoàn toàn cá nhân. Mặc dù, đến giờ, có nhiều điều đáng buồn xảy đến cho tập thơ. Nhưng chúng tôi vẫn hy vọng sự ra đời của tập thơ là một sự dự báo cho làng văn chương, hy vọng rằng không khí văn chương sẽ tiếp tục được đẩy lên mà không bị kéo lùi. Dự báo này giống như thời tiết, sẽ tạo nên không khí mới, kích thích sự sáng tạo cho những người trẻ khác và cũng là cho chính chúng tơi. Đây là một dự báo, một niềm tin mãnh liệt của người làm nghệ thuật.

 

Theo ông Nguyễn Phan Hách, thơ của Lynh Bacardi có phần tục tĩu. Chị nghĩ sao về vấn đề này?

Trước tiên, ông Hách phải nói cho rõ là cần bỏ những loại nào, và vì sao lại bỏ? Còn một tập thơ thì phải như thế nào mới gọi là hoàn chỉnh? Còn thơ tôi tục tĩu ư? Hãy cho tôi biết rõ câu nào chữ nào là tục, là phạm phải thuần phong mỹ tục, chứ không thể kết luận chung chung theo kiểu ông Đông Dương nói về thơ sex trước kia. Trước thái độ này, tôi cho rằng cách làm việc của những người có trách nhiệm đối với tập thơ rất không chuyên nghiệp, và thiếu trách nhiệm. Cũng như ông Vương Trí Nhàn, ông Hách cũng nói chỉ “liếc” sơ qua tập thơ. Nhưng ở câu trả lời tiếp theo, ông Nhàn nhận định rằng thơ Lynh Bacardi không tục tĩu, mà chỉ nói lên sự ẩn ức. Tôi cho rằng, khi đã nói được câu này, thì chứng tỏ, ông Nhàn đã đọc kỹ, và câu này, mâu thuẫn với câu trên. Nhưng tôi muốn bổ sung thêm vào câu của ông Nhàn: Thơ Lynh Bacardi còn nói lên một thực trạng hết sức lộ liễu của xã hội ngày nay, qua cái nhìn của một người công dân, một nhà thơ còn rất trẻ.

 

Chị có thấy thơ của mình khiêu dâm không?

Thật tức cười khi có ai đọc thơ của tôi mà thấy “cương”hay “ướt”, muốn lên giường thủ dâm hay muốn tìm ai để cưỡng hiếp. Họ tưởng viết dâm thư dễ lắm sao? Nhưng nếu một ngày nào đó, có độc giả nói với tôi rằng: họ thèm làm tình khi đọc thơ Lynh Bacardi, thì tôi sẽ chuyển qua viết dâm thư vậy. Như vậy vừa có tiền, vừa có ơn ích cho đời bằng việc giúp thiên hạ hồi phục “những dương vật buồn thiu” và lãnh cảm.

 

Vương Trí Nhàn trả lời phóng vấn có nói thơ của chị có “lỗi ngôn ngữ”. Chị có ý kiến gì không?

Đây là một câu kết luận đầy sai lầm, như đã nói ở trên, “lỗi ngôn ngữ” là lỗi gì, chính xác ở câu văn nào, ngữ cảnh nào? Sao ông ấy không nêu ra cụ thể. Người ta đọc tác phẩm văn chương với con mắt của một nhà giáo ư? Ông Nhàn đã đụng chạm đến vấn đề ngôn ngữ, vậy tôi sẽ nói rõ hơn, nếu ông ấy cho biết cái “lỗi ngôn ngữ” đó là gì. Hay ông Nhàn cũng đang muốn phân biệt giai cấp cho ngôn ngữ. Tôi tự hỏi mình, có ai tỉ mẩn ngồi nghĩ để viết ra 1 cuốn từ điển tiếng Việt, trong khi làm việc, người đó sẽ phân định như vầy: Mày là chữ cái “lồn”, mày không có quyền nằm trong văn chương. Mày là chữ “âm hộ”, mày chỉ được nằm trong y học, nên cũng không được sử dụng trong văn chương nốt, rồi phân loại cho một số ngôn ngữ để thiên hạ dùng vào văn chương. Nếu ai không tuân theo thì sẽ bị thổi còi và cho rằng “lỗi ngôn ngữ” và đem tác phẩm ấy ra ném đá. Nhưng ngẫm lại, đến nay, chưa thấy có cuốn từ điển nào như vậy ở Việt Nam, nên xin đừng thổi còi tôi sớm quá.

 

Trong thơ, chị thường sử dụng những ngôn từ thường thấy trong một môi trường khá “đen”. Có phải chị chọn con đường thử nghiệm bằng những ngôn từ gây shock như vậy?

 

Hàng giả rồi sẽ không qua được con mắt người tiêu dùng có kinh nghiệm, chúng sẽ tự đào thải và mất hút trong trí nhớ của độc giả. Nhưng trước tiên, tại sao không để cho tác giả chọn nhiều con đường để thử nghiệm, để xuất hiện?

Tôi không gây shock bằng cách cố tình xài ngôn ngữ này, nhưng đề tài, chất liệu tôi chọn để đưa vào thơ là những mà người ta thường cho rằng u ám, đen tối, dưới đáy xã hội. Cái mà trước kia, người ta không dám đưa vào thơ. Vì thế tôi sẽ tự mình mâu thuẫn với chính mình, nếu dùng những từ ngữ đẹp đẽ, sang trọng để diễn đạt. Tôi tin người đọc sẽ cảm nhận được nếu họ cảm được hoàn cảnh, nội dung của bài thơ. Tôi không cần thơ của mình phải là của công chúng. Tôi không phải nhà thơ bestseller. Người ta có thể dựa vào câu “văn là người” để đánh giá tôi là một người còn trẻ, nhưng đã từng trải, từng sống theo kiểu nào đó thì mới viết ra những dòng thơ như vậy. Nếu thế, họ thật nông cạn và kém. Bởi nếu hôm nay, tôi viết một câu thơ như “mẹ nàng được phát hiện bị giết trong phòng ngủ/ tay cầm con cu giả chạy pin” thì người ta đánh giá tôi là người dâm dật lăng loàn. Ngày mai tôi laïi sáng tác một thứ thơ của đạo đức, lãng mạn với những câu giống như “anh không phải là chiều mà nhuộm em đến tím” (thơ Hữu Thỉnh) thì hẳn người ta sẽ khen tôi là đạo đức, nhu mì, ngoan ngoãn sao?

 

Sự đồng cảm nào trong thơ của Lynh?

Tôi tin người đọc thơ tôi sẽ nhận thấy sự bất an, đau xót và cùng cực của đời sống ám ảnh trong đó. Thơ tôi không chỉ chuyển tải những bề mặt nổi, những cái mà ai cũng nhìn thấy được. Nó đào xới, và phô bày ra sự khốn cùng của số phận con người trong một xã hội của ngay thời đại này. Nhưng người đọc sẽ chẳng tìm ra một thứ triết lý vụn vặt nào trong thơ tôi. Tôi chẳng mong dạy dỗ ai, và tôi cũng biết đừng hòng có độc giả nào ngây thơ tìm đến thơ tôi để tìm một thông điệp, hay một nỗi lòng giống như họ. Sự đồng cảm nếu có thì tốt, nhưng nếu không thì cũng đành vậy.

 

Vậy, có thể thấy thơ chị có điều gì nhỉ? Chị có vẻ chối bỏ hết cả?

Bởi đó là kết quả của cái tôi nhìn cuộc sống, mà quả thật, mọi thứ trong xã hội hiện nay đều bất an như vậy. Sự trải nghiệm của bản thân tôi cũng có, mà qua những người xung quanh cũng có. Vì một người viết, trước tiên phải trang bị cho mình một số kiến thức nhất định nào đó. Câu “văn là người” cũng có cơ sở của nó, nhưng nếu lấy nó làm kim chỉ nam để đánh giá một tác giả thì thật đáng buồn. Bản thân thơ tôi nó vốn đã vậy. Nó có còn lại gì hay không là do độc giả biết. Vì tôi cũng chẳng thể nhét vào đầu độc giả những gì tôi muốn nói. Dù sao, tôi vẫn hy vọng rằng, mọi người nên có ý thức về nơi chốn mình đang sống, tìm cách có trách nhiệm với nó theo cách mình có thể nhất, nếu không anh chỉ như một loài thực vật sống vật vờ và bàng quan đối với đồng loại của anh, cho đến khi tàn một cuộc đời. Chỉ trừ khi anh nhìn không ra vấn đề, thì anh sống vô tư. Nếu nhìn ra vấn đề mà không tìm hiểu sự sâu xa của nó, thì anh là một kẻ lười biếng, nhìn ra vấn đề rồi và hiểu nguyên nhân rồi, mà anh còn trơ ra, thì anh đã mất hết xúc giác rồi.

 

Chị - một sinh vật có nhiều răng, móng vuốt và khi thần kinh bị kích động, thì thơ sẽ tiết ra từ lỗ chân lông, chị sẽ tiếp tục làm thơ chứ?

Dĩ nhiên rồi, và tôi còn đang thử khả năng của mình trong lĩnh vực văn xuôi.

 

Cảm ơn Lynh Bacardi.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021