thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Quanh vụ tập thơ DỰ BÁO PHI THỜI TIẾT bị thu hồi
Trần Tiến Dũng thực hiện

 

Tâm trạng của các bạn trước lúc đi Hà Nội họp báo ra mắt tập thơ Dự Báo Phi Thời Tiết và “nỗi sợ” của các bạn trước sự kiện tập thơ bị thu hồi ra sao?

 

- Nguyệt Phạm: Em chuẩn bị làm mẹ nên không đi cùng các bạn ra Hà Nội họp báo. Ở nhà, tâm trạng của em hồi họp chờ đợi để biết biết khía cạnh nào là thành công nhất của tập thơ. Đến khi nhận được tin tập thơ bị cấm em chưng hửng. Sợ, em không có gì phải sợ! Chỉ thấy lo cho các bạn.

- Lynh Bacardi: Dĩ nhiên là tôi rất vui, vui vì đây là lần thứ hai tôi đến tham quan Hà Nội, và lần đầu tiên tôi cùng 3 người bạn thơ đi với nhau trong cùng một mục đích thú vị. Sự kiện tập thơ bị thu hồi đối với tôi chẳng thể gọi là “nỗi sợ”, vì nó không ám ảnh tôi đến nỗi phải dùng từ đó để diễn đạt. Mà chính xác nên dùng chữ “thất vọng”, bởi cái cách mà những kẻ gác cánh cửa văn chương đối xử với một tác phẩm, và với những tác giả còn rất trẻ.

- Khương Hà: Trước khi ra Hà Nội thì tôi chỉ cảm thấy vui vì tập thơ cuối cùng cũng được xuất bản. Việc tập thơ bị thu hồi không gây ngạc nhiên hay sợ hãi gì cho tôi cả, vì tôi biết thể nào cũng có sóng gió nổi lên. Điều đó chẳng ảnh hưởng gì đến chuyện tôi vẫn tiếp tục sống và viết. Chuyến đi này cũng là một dịp để tôi đi chơi và thăm một số bạn bè, không họp báo được thì hơi tiếc, nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ với tôi.

- Thanh Xuân: Nói thật anh đừng cười, chứ trước khi tôi ra Hà Nội, điều tôi chuẩn bị không phải là mình sẽ nói gì, mà là mình sẽ mặc gì. Tôi mang 2 vali quần áo, chỉ với mục đích “chụp ảnh” và mang về khoe Mẹ. Tôi thoải mái lắm, xem văn chương là văn nghệ, không phải đối phó hay học thuộc những gì sắp nói, tôi xem đó như một cuộc “giải lao”. Ngày đầu tiên chúng tôi đặt chân tới Hà Nội, tại bữa cơm đầu tiên có dịch giả Dương Tường, nhà văn Bùi Ngọc Tấn, họa sĩ Nguyễn Thúy Hằng, giám đốc nhà sách Kiến Thức (cũng là người giúp đỡ chúng tôi khá nhiều cho tập thơ) dè dặt và áy náy tuyên bố “Cấm rồi mấy em ơi”. Tôi nói chắc anh không tin, nhưng cá nhân tôi KHÔNG HỀ NGẠC NHIÊN, tôi chỉ lo là lo anh Thắng bị lỗ khá nhiều về tài chánh như in ấn, tiếp đãi chúng tôi, đi chơi bời, họp báo, và cả mời khách giùm chúng tôi nữa.

- Phương Lan: Tôi lên đường ra Hà Nội họp báo với rất nhiều tin tưởng và hy vọng. Tôi ngây thơ nghĩ rằng thế là cuối cùng mọi việc cũng êm xuôi. Tôi còn tưởng tượng ngày họp báo tôi sẽ đứng bên cạnh các bạn của mình nói những gì, với ai. Trong lòng tôi đầy ắp những dự định mới mẻ. Tôi định điều đầu tiên tôi làm sẽ là được gởi lời cảm ơn chân thành nhất đến tất cả những đã luôn ủng hộ và giúp đỡ chúng tôi ai trong suốt thời gian qua để tập thơ này được ra đời. Khi nghe tin có quyết định thu hồi tập thơ, tôi không đến nỗi choáng nhưng thấy… cụt hứng. Tôi cũng đã có nghĩ đến chuyện này từ trước, nhưng khi xin được giấy phép tôi lại tự cười mình rằng đã quá ảo tưởng. Thế mà hoá ra tôi không mắc bệnh ảo tưởng thật, hoá ra chúng tôi cũng được người ta “để ý” đến thế. Sợ thì chúng tôi chả sợ gì. Chúng tôi không phạm pháp, không âm mưu. Ai cũng bảo chúng tôi rất dễ thương (mắt chớp chớp). Lúc đó tôi chỉ thấy buồn cười (buồn mà cười) và chẳng biết phải nói gì. Có sợ chăng chỉ là sợ cho 2 bác nhà sách tốt bụng đã tất tả đi xin giấy phép, in ấn, phát hành… (thậm chí còn có ý định trả tiền bản quyền cho thơ) mà giờ sách đã in ra lại không được bán thì… lỗ chổng vó. Đúng hơn là tôi thấy tội, tội nghiệp cho những người yêu văn chương và vì văn chương ở cái nước mình.

 

Gia đình bạn bè trong giới và ngoài giới của các bạn nghĩ gì về chuyện tập thơ bị thu hồi? Xin các bạn nói qua về áp lực dư luận đó.

 

- Nguyệt Phạm: Thực ra dư luận không chính thống chia sẻ với bọn em rằng tập thơ có lý do gì đâu mà phải cấm. Nếu cho nội dung có “vấn đề phải cấm” thì phải cấm ngay từ đầu, đằng này cho giấy phép, in ấn, tới khi người ta đi ra phát hành sách thì lại cấm, đó là sự bất công đến mức vô lý. Bây giờ thì em phải chịu đựng cái nhìn dè dặt của người thân và bạn bè, một số dư luận quanh em cho rằng con nhỏ này viết cái gì mà bị cấm, Nhưng tất cả họ hầu như không ai đọc tập thơ đâu mà biết tụi em viết cái gì, họ đọc báo nhà nước nói tập thơ không phù hợp với phong tục tập quán thì tin như vậy, buồn cười hết sứ

- Lynh Bacardi: Bạn bè trong giới văn nghệ vỉa hè thì cho rằng đây là một dịp để chúng tôi hiểu rõ hơn cái thực tế của nền văn chương nước nhà. Họ cũng hi vọng qua sự kiện này chúng tôi sẽ càng có tinh thần độc lập trong sáng tác, và có cái nhìn phóng khoáng hơn trong việc đưa tác phẩm của mình đến với độc giả. Theo tôi, thì hình thức in photocopy vẫn luôn thú vị, tự do. Và hình như nó phù hợp với tâm lý của người nghệ sĩ đích thực hơn, nhất là trong bối cảnh của đất nước này, một đất nước không có chỗ cho kẻ muốn được tự do nói lên điều họ nghĩ, dù chỉ trong văn chương. Còn những người ngoài giới thì tôi không biết họ nghĩ gì, nhưng tôi hi vọng họ sẽ đọc kỹ Dự Báo Phi Thời Tiết trước khi “phán” một câu nào đó, nếu được như vậy, thì ít ra họ cũng đã đối xử công bằng với một tác phẩm.

- Khương Hà: Xin nói ngay là không ai có thể tạo áp lực cho tôi ngoài chính bản thân tôi. Bạn bè tôi bảo, biết đâu chính việc tập thơ bị thu hồi lại gây tò mò và được tìm đọc nhiều hơn. Gia đình tôi thì không bao giờ can thiệp vào chuyện viết lách của tôi cả.

- Thanh Xuân: Mẹ tôi nói Văn chương không mang lại cơm áo nên có cấm hay không cấm cũng có hề hấn gì. Bạn bè thì ùn ùn đi hỏi “còn bản nào không bán cho tao với giá 40 000” ( giá bìa 25 000). Vài người thân thiết theo dõi nhiều đến thơ văn của tôi thì chăm chú đọc, xăm soi các bài báo, cuối cùng kết luận, thơ Lynh ở trên các website kinh khủng hơn nhiều (tất nhiên tôi không vấn đề gì rồi). Còn đồng nghiệp văn chương thì vẫn phỏng vấn chúng tôi đều đều, nói là nhờ việc đình chỉ mà chúng tôi “sang” hẳn lên, lâu lâu lại đưa ra lời cảm thán không chết ai. Đó là những gì tôi thấy, còn họ nghĩ gì thì ai mà biết, mà nghĩ gì cũng mặc kệ. Áp lực gì đâu, nếu tôi yêu một người mà người đó không yêu tôi, đó mới là điều đáng nói.

- Phương Lan: Chúng tôi ra đi mang theo rất nhiều những con mắt đợi của các anh em văn nghệ Sài Gòn. Cũng có rất nhiều người còn ngờ vực về lần “Bắc tiến” đầu tiên này của văn chương Sài Gòn, nhưng cũng có rất nhiều người hy vọng và cổ vũ. Khi tin tập thơ sẽ bị thu hồi lan vào đến Sài Gòn bằng đường… điện thoại tay cầm, thì máy tay cầm của chúng tôi cũng rung rinh liên tục. Người thì gọi chia sẻ, khuyên chúng tôi đừng buồn nữa, dù sao cũng đã in ra rồi, ra hiệu sách rồi, thế là ok; người lại nhắn tin bảo thế mới oách sĩ ngựa trời; người bảo đã nói trước rồi, ai bảo chỉ giàu hoang tưởng… Thú thực những ngày đó ở Hà Nội chúng tôi mỗi người một tâm trạng, có người bị shock, có người bình thản, nhưng ai cũng buồn buồn. Một số phóng viên và các bạn đọc trẻ đã từng đọc chúng tôi trên mạng mà chúng tôi gặp thì tỏ thái độ bực bội và bênh vực chúng tôi. Đó là những ngày đầy cảm xúc.

 

Theo chủ kiến của các bạn thì lý do chính tập thơ bị thu hồi là gì? Các bạn nghĩ gì khi các cơ quan xuất bản cho rằng: “Tập thơ không phù hợp với văn hóa Việt Nam”? các bạn có định “xét lại” quan điểm sáng tác của mình không?

 

- Nguyệt Phạm: Thực ra cái họ cho rằng tập thơ không hợp với phong tục tập quán chẳng qua chỉ là sự sáng tạo táo bạo mà thôi. Viết ở trong nước phải cân nhắc dè chừng đã là một cực hình, còn thế nào viết cho thoả mãn yêu cầu “phong tục tập quán” của họ thì tụi em chịu! Có bạn bè cho rằng tập thơ bị thu hồi không phải vì nội dung mà do hình ảnh minh hoạ trong tập thơ lạ quá. Nhưng ảnh minh họa đâu phải là thơ. Vậy mà không ít người chưa đọc một dòng thơ nào trong tập Dự Báo Phi Thời Tiết vẫn tin theo báo nhà nước. Nhưng dù sao được là đồng tác giả của tập thơ bị thu hồi, kinh nghiệm ấy em thấy cũng thú vị! Còn việc xét lại quan điểm sáng tác thì xin thưa: Không bao giờ!

- Lynh Bacardi: Cho đến nay tôi vẫn chưa hiểu vì sao tác phẩm bị thu hồi, những nguyên nhân mà những người có trách nhiệm đưa ra quá mù mờ và vụng về. Họ là những người ít ra đã trưởng thành ở mặt hình thể, nên theo tôi, nếu họ thật sự muốn những người trẻ tuổi như chúng tôi biết họ cũng đã trưởng thành ở trí tuệ, thì tốt nhất họ nên suy nghĩ, và đưa ra lý do nào thật chính đáng và phải phân tích cặn kẽ lý do đó. Tôi luôn nghĩ vấn đề tự do tư duy, tự do sáng tác của một con người, một nghệ sĩ thì thật quan trọng, và tôi đã viết với tất cả ý thức đó, vì vậy tôi thấy tác phẩm của mình chẳng có “lỗi” gì để phải bị đối xử như vậy. Tất cả những gì tôi viết ra có thể đúng, cũng có thể sai, nhưng đó chính là những điều mà Lynh Bacardi thật sự nghĩ. Và tôi cũng chẳng rảnh, hay dại dột “xét lại” hay thay đổi cái quan điểm tràn đầy sự khinh khoái này của mình. Còn việc “Tập thơ không phù hợp với văn hoá của Việt Nam”, như vậy, trước tiên họ hãy soạn ra, và cho tôi xem bản “phẩm chất tối ưu của một người công dân nói chung, và một người sáng tạo nói riêng đối với văn hoá của Việt Nam” đi. Tôi sẽ xem cái bản ấy, và tôi sẽ sáng mắt mà hiểu rõ rằng “loại văn hoá nào thì có loại tác phẩm ấy”.

- Khương Hà: Theo tôi, lý do chính là người ta vẫn còn thành kiến không hay với chuyện sex trong văn chương, và e sợ sự vượt tầm kiểm soát, chứ không hẳn là thành kiến với những người viết trẻ như ai đó nói. Thật buồn cười vì người ta cho rằng tập thơ không phù hợp văn hóa Việt Nam, nhưng lại không chỉ ra cụ thể chỗ nào không hợp. Chúng tôi viết về những thứ rất đời thường bằng đúng thứ ngôn ngữ đời thường trong cuộc sống người Việt, nếu cho đó không phải là văn hóa Việt Nam, thì xin hỏi các vị ấy ăn uống ngủ nghỉ làm tình trong không khí và ngôn ngữ của nền văn hóa nào vậy? Bản thân chữ nghĩa thì vô tính, đẹp hay không là do người ta khoác lên cho nó, như khói vậy, bay qua nắng thì có màu vàng, bay trong đêm thì có màu đen. Còn về chuyện quan điểm sáng tác, thì như tôi đã nói, không ai có thể gây áp lực hoặc thay đổi tôi ngoài chính bản thân tôi.

- Thanh Xuân: Tôi vừa có bài thơ đăng ở Doanh nghiệp Chủ Nhật số Tết. Một số bài trong tập Dự Báo Phi Thời Tiết cũng đã đăng ở khắp nơi không chỉnh sửa một chữ. Trước đây thì hằng hà sa số. Ngon lành thế thì “quan điểm quá đúng đắn đường lối”, tội tình gì tôi phải xét lại. Một nhà phê bình văn học cho rằng tôi chỉ ở mức trung bình khá, vậy thì phải làm sao để khá giỏi hoặc giỏi xuất sắc chứ. Tôi chưa bao giờ ra nước ngoài, đi học đúng tuổi và tốt nghiệp Đại học tại Việt Nam, đi làm công chức, đóng thuế đầy đủ, giấy Chứng Minh Nhân Dân, bằng lái không thiếu cái nào, chưa lần nào vi phạm pháp luật. Tôi dài dòng chỉ để nói một điều: hành vi có văn hóa xuất phát từ một tư tưởng có văn hóa, tôi chưa trải qua đời sống ngoại lai nên không có gì là không phù hợp. Vả lại, tập thơ cũng được sự cho phép mới in, chứ đâu có in lậu. Nếu nó không phù hợp văn hóa, thì người duyệt nó chịu trách nhiệm chứ đâu phải chúng tôi. Lý do chính: không biết, không có, không quan tâm.

- Phương Lan: Theo tôi nghĩ thì người ta khó chịu về chúng tôi qua một vài bài công kích ấu trĩ trên báo chí trước đây và nữa là muốn dằn mặt những người làm văn nghệ cả phi chính thống và cả đang mon men sắp làm phi chính thống. Sau 1 thời gian “buông thả”, họ giật mình “chết chưa, sơ hở để lọt lưới vài con cá bự, giờ không làm gì để chuộc tội trước khi cộng sổ cuối năm thì toi!”, thế là họ vớ được chúng tôi và mừng húm: “Tóm chúng lại! Tóm chúng lại!”. Chúng tôi đã rất kiên nhẫn để chờ nghe được cái lý do chính đáng từ phía họ, tuy nhiên, khi nghe họ phát cái biểu thì chúng tôi lại bị…cụt hứng hiệp hai. Cái gì gọi là “phù hợp với văn hóa Việt Nam”? Phù hợp với văn hóa Việt Nam nghĩa là chỉ suốt ngày quẩn quanh với cái cày, cái cuốc, con trâu, còn vấn đề về thơ ca, sex siếc và những vấn đề khác của con người thì là vấn đề của thiên hạ thế giới à? Quan điểm sáng tác của tôi là sáng tác chẳng có một quan điểm nhất định gì ráo, có nọc tôi ra mà đánh đòn bắt đổi thì tôi cũng chịu, chả biết đâu mà lần. Tôi chỉ đang giữa những con đường đi tìm con đường của riêng tôi.

 

Lúc này khi dư luận ồn ào quanh sự kiện tập thơ bị thu hồi tạm lắng, bằng trạng thái bình tĩnh, các bạn nghĩ gì về viễn cảnh sáng tác cũng như về việc làm tương lai của mình?

 

- Lynh Bacardi: Đơn giản, tiếp tục viết, viết hăng hơn nữa, và khi rảnh rang thì nhớ về sự kiện này như một trò chơi mà mình từng tham gia, nhưng đã lỡ tham gia với những người chủ trò kém trình độ nhận thức, kém chuyên nghiệp, và dĩ nhiên không có ý thức độc lập nào trong con người của họ. Tóm lại, tôi hiểu rằng chỉ có những sân chơi tồi thì mới còn tồn tại những người chủ trò như vậy.

- Khương Hà: Tôi chưa bao giờ mất bình tĩnh, nên cái viễn cảnh sáng tác và việc làm tương lai cũng không có gì xáo động. Tôi vẫn sống, yêu đương, ăn uống, làm việc, và viết lách như bình thường (nghĩa là làm thơ và tiếp tục làm nóng đầu óc để định hình cho cuốn tiểu thuyết của mình).

- Thanh Xuân: Tôi vẫn sáng tác không đều, thờ ơ chểnh mảng, cà rỡn chậm chạp như trước kia. Nhưng thiết nghĩ sau lời mào Dự báo thời tiết thì sẽ là gì nhỉ, một kéo mây, một chuyển giông, mưa lâm râm hay một Bão Cấp. Phải chờ thôi.

- Phương Lan: Tôi cũng như các bạn tôi đã chọn một con đường khác ngoài thi ca để câu cơm và sống với thơ như thể ngoại tình. Cái lợi của nó là nàng thơ sẽ không bị nàng áo cơm túm cổ đè ra mà cạo sạch lông mày hay rạch cho nát… mặt. Chẳng biết tôi có thể ngoại tình được đến bao giờ nhưng tôi biết như vậy tôi sẽ chẳng có ngày vì nàng áo cơm mà trở thành một người tình hèn hạ với nàng thơ. Tôi cũng vẫn sẽ là tôi, viết như thốc những gì mình muốn viết chứ không phải uốn éo, lừa mị, cười cầu (tài, tình,…) viết những gì người ta muốn đọc. Tôi là người không hay nghĩ to, nghĩ xa đến tương lai, nhưng trong tương lai gần, tôi vẫn tiếp tục viết thơ mỗi ngày trên, trong và giữa những copy quảng cáo, cho đến một ngày giở giời nào đó tôi nhận thấy có lẽ viết thơ lên 1 chỗ nào khác coi vẻ hấp dẫn tôi hơn. Xin cảm ơn!

 

Cảm ơn sự cộng tác của các bạn

Trần Tiến Dũng thực hiện
Tháng 1/2006

 

----------

Đọc báo trong nước:

Xung quanh tập thơ "DỰ BÁO PHI THỜI TIẾT" của nhóm "NGỰA TRỜI"

Bài báo trên tờ An Ninh Thế Giới, số 524, Thứ Bảy, 4-2-2006, mục An ninh - Văn hoá, trang 14-15. Đăng lại trên báo điện tử Công An Nhân Dân.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021