thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
[Phỏng vấn Lưu Hy Lạc] CHUNG QUANH SỰ KIỆN CÁC TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG XUẤT BẢN DƯỚI HÌNH THỨC PHOTOCOPY Ở SÀI GÒN
Trần Tiến Dũng thực hiện

 

Lời toà soạn: Trong văn học Việt Nam đương đại, có những tác phẩm không được chính thức xuất bản tại Việt Nam, mà chỉ đến với độc giả như những văn bản được photocopy và chuyền tay; thậm chí có những nhà thơ / nhà văn chỉ hiện hữu bằng phương tiện ấy. Để tìm hiểu những góc nhìn khác nhau của văn giới về sự kiện này, nhà thơ Trần Tiến Dũng tổ chức một cuộc phỏng vấn rộng rãi bằng cách gửi một số câu hỏi đến nhiều người cầm bút ở trong nước và ở hải ngoại. Tiền Vệ xin đăng tải loạt bài này theo thứ tự hồi âm của những người tham dự cuộc phỏng vấn.

 

Trần Tiến Dũng (TTD): Thời gian vừa qua, ở Sài Gòn xuất hiện hình thức xuất bản bằng cách photocopy và phân phối một cách không chính thức đến những người yêu văn nghệ. Ông/bà nghĩ sao về hình thức xuất bản ngoài luồng này? Tại sao có hình thức xuất bản ấy? Và liệu hình thức xuất bản ấy có ảnh hưởng gì đến diện mạo nền văn học Việt Nam đương đại không?

Lưu Hy Lạc (LHL): Tình thật mà nói, thời gian qua tôi chỉ được đọc tập thơ photocopy bầu trời lông gà lông vịt của Trần Tiến Dũng (đăng lại trên Tiền Vệ), và mới đây, cách mấy ngày thôi, tôi nhận được tập thơ cũng của cùng tác giả, Hai đóa hoa trên trán cho công dân hạng hai, do anh Khế Iêm chuyển qua đường email. Cho đến nay cảm giác hạnh phúc hãy còn lâng lâng. Hỏi tôi nghĩ sao? Trời ơi, được quá đi chứ. Này nhé! Dưới một hệ thống kiểm duyệt nhân danh vì văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc một cách hết sức mất dạy, hay nói đúng hơn: rất ư stupid, và một chính sách phân biệt Nam/Bắc rành rành ra đó của nhà đương cuộc CSVN hiện thời, ắt hẳn phải nẩy ra hình thức xuất bản photocopy như thế. Theo tôi, đó là một chiều hướng mới mẻ thật tích cực. Chắc chắn trong tương lai nó sẽ có sức ảnh hưởng ghê lắm đến diện mạo của văn học đương đại ở ta. Tóm lại, phải nói rằng “tới luôn bác tài.”

 

TTD: Ông/bà đã đọc được bao nhiêu tác phẩm thuộc loại xuất bản bằng cách photocopy này rồi? Theo ông/bà, những tác phẩm ấy có đề ra khuynh hướng sáng tác nào đáng kể không? Liệu các khuynh hướng ấy có quyến rũ gì với những người mới bước vào nghiệp cầm bút trước những ngăn trở của hệ thống kiểm duyệt nhà nước?

LHL: Thì như đã nói ở trên, tôi chỉ đọc được vỏn vẹn có hai tập, các tập photocopy khác của nhà xuất bản Giấy Vụn do nhóm Mở Miệng chủ trương thì tôi đọc được lác đác trên Tiền Vệ đăng lại một ít, trên Talawas một ít, mà dường như hầu hết đều do các anh trong nhóm ấy phổ biến thì phải. Theo tôi, các tác phẩm ấy đều có đề ra khuynh hướng sáng tác mà theo tác giả Đoàn Cầm Thi đã chỉ ra khá rõ ràng qua ba bài viết trên mạng vừa qua; thiết nghĩ, các khuynh hướng ấy chắc chắn sẽ rất quyến rũ những người mới bước vào nghiệp cầm bút, bởi cũng như đã nói ở trên, dưới một hệ thống kiểm duyệt hết sức vô học, kém văn hóa và một chính sách kỳ thị Nam/Bắc rành rành như thế (tôi đây còn bị mê hoặc, huống hồ!).

 

TTD: Biết rằng các tác phẩm xuất bản dưới dạng photocopy đều tới tay độc giả chỉ như một thứ quà tặng ông/bà thấy điều đó có thoả đáng không? Ông/bà có vui lòng mua một tác phẩm xuất bản dưới dạng photocopy có đề giá bán hoặc thậm chí quên đề giá bán không?

LHL: Theo tôi, dưới bất cứ hình thức nào, nếu đọc được mà đến tay độc giả chỉ như một thứ quà tặng thì e hẹp quá cho các tác giả của nó, và vâng! tôi sẵn sàng mua một, có khi hai, ba tác phẩm xuất bản dưới bất cứ hình thức nào miễn (đối với tôi) nó đọc được.

 

TTD: Cám ơn sự cộng tác của ông/bà.

 

 

------------
Để xem những bài phỏng vấn khác đã đăng, xin độc giả bấm vào link này:

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021