thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Về chủ nghĩa hiện thực thần kỳ và việc dịch thuật văn chương châu Mỹ La-tinh

 

Bản dịch của Lê Huy Oanh

 

Lời toà soạn:
Dưới đây là hai đoạn trích từ cuộc phỏng vấn Miguel Ángel Asturias (1899-1974) do Gunter W. Lorens thực hiện cho báo Atlas số tháng 12 năm 1967, ngay sau khi Asturias đoạt giải Nobel Văn Chương 1967. Gunter W. Lorens là bạn của Asturias và cũng là người viết tiểu sử ông. Toàn bộ cuộc phỏng vấn (qua bản dịch Việt văn của Lê Huy Oanh) dưới nhan đề "Văn-chương Trách-vụ và khuynh hướng Hiện-thực Thần-kỳ của Miguel Angel Asturias" đã được đăng trên tạp chí VĂN số 109, năm 1968, trang 10-18.

 

______________

 

Về chủ nghĩa hiện thực thần kỳ

 

Gunter W. Lorens: Don Miguel Ángel, ông được coi như người đại diện chủ yếu trong thế giới văn chương châu Mỹ La-tinh cho một khuynh hướng tinh thần và bút pháp gọi là "hiện thực thần kỳ". Ông định nghĩa thứ "hiện thực thần kỳ" này như thế nào?

 

Miguel Ángel Asturias: Tôi sẽ cố nói hết sức giản dị cho ông nghe tôi hiểu mấy chữ "hiện thực thần kỳ" như thế nào. Chắc ông cũng hiểu, một người thổ dân da đỏ hoặc một người dân lai sống trong một làng nhỏ rất có thể mô tả cách thức anh ta thấy một tảng đá lớn hoá thành một người hay một ông khổng lồ như thế nào, hoặc một đám mây biến thành một tảng đá ra sao. Đó không phải là một thực tại ta sờ mó thấy được, mà là một thực tại có liên hệ tới sự hiểu biết những sức mạnh siêu tự nhiên. Chính vì thế mà khi tôi cần phải dán cho nó một cái nhãn văn chương tôi liền gọi nó là "hiện thực thần kỳ". Nhưng lại còn có những loại biến cố khác. Vì một tai nạn rủi ro nào đó, một thiếu phụ rớt xuống một cái vực sâu trong lúc đi lấy nước, hoặc một người cưỡi ngựa bị ngã ngựa. Người ta có thể gọi đó là những chuyện vụn vặt, nhưng những vụ lặt vặt ấy lại cũng có thể biến thành những biến cố thần kỳ. Bỗng dưng, dưới mắt ngưòi thổ dân hoặc người dân lai kia, người thiếu phụ đã không rớt xuống vực mà chính cái vực đó đã chụp bắt người thiếu phụ... vì một mục đích gì đó. Và người cưỡi ngựa kia có ngã ngựa vì anh ta hơi quá chén đâu, nhưng chính là vì cái tảng đá mà anh ta đập đầu phải hay cái dòng nước mà anh ta đã chết đuối trong đó đã gọi anh ta. Cứ như thế mà các truyện trở thành truyền kỳ hoang đường. Cứ như thế mà nền văn chương của thổ dân da đỏ trước kia, cũng như sách vở của họ viết ra trước khi người Âu chinh phục châu Mỹ, những truyện như Popul Vuh hoặc Los Anales de los Xáhil đã nhuốm một thứ thực tại trung gian. Giữa cái "thực" và cái "huyền bí" có một thực tại thứ ba. Đó là sự pha trộn của cái thấy được và sờ mó được với cái ảo giác và mơ mộng. Cái đó cũng tựa như cái mà các nhà văn siêu thực bao quanh Breton muốn có và nó chính là cái mà ta có thể gọi là "hiện thực thần kỳ". "Hiện thực thần kỳ" dĩ nhiên có một mối quan hệ trực tiếp với tâm tình của người da đỏ thổ dân. Người thổ dân nghĩ bằng hình ảnh; người thổ dân nhìn sự vật không hẳn như những biến cố mà thôi, họ đã diễn dịch những sự vật đó ra những kích thước khác, những kích thước mà trong đó thực tại đã biến đi nhường chổ cho mộng mơ xuất hiện, và những mộng mơ đó lại tữ biến hoá thành những hình thể sờ mó được, nhìn thấy được.

 

Về việc dịch thuật văn chương châu Mỹ La-tinh

 

Gunter W. Lorens: Khi phiên dịch các tác phẩm của ông, người ta phải lưu tâm tới điều gì ngõ hầu giữ gìn được cái nội dung nguyên thuỷ thường là xa lạ đối với một người châu Âu?

 

Miguel Ángel Asturias: Đối với một nhà phiên dịch, muốn thật sự đặt mình vào các sách vở của tôi thực cũng khó như đối với một người châu Âu, chưa từng nhìn thấy châu Mỹ, mà muốn hiểu rõ cảnh trí của chúng tôi. Cảnh trí của chúng tôi, nó sống động theo một cách thức hoàn toàn khác biệt với cách thức của ông ta, cái cách thức nào đó làm cho thực tại của chúng tôi khác đi. Người ta phải thân thuộc lắm với cái vũ trụ của chúng tôi, với cái thế giới của những trận địa trong đó con người hãy còn phải tranh đấu, vật lộn, chỉ vì một lẽ sống còn. Công cuộc dịch thuật phải từ đó mà nẩy ra: công cuộc dịch thuật phải trung thực với cái đó... Việc dịch thuật bay giờ thường trao phó cho những người có thể nói được một thứ tiếng Tây-ban-nha thật đúng, thật hay. Tôi tin là phần lớn các nhà phiên dịch rất thành thạo Tây-ban-ngữ, có điều họ không nói thứ tiếng Tây-ban-nha của chúng tôi, và bởi đó không có những tình cảm của chúng tôi, không có cái tinh thần của chúng tôi. Và như thế, hầu như chắc là họ chỉ phiên dịch các tác phẩm của chúng tôi qua thứ tiếng Tây-ban-nha vùng Castille thôi. Họ phiên dịch các tác phẩm của chúng tôi như thể là các tác phẩm đó đã được sáng tác ở một tỉnh lẻ nào đó của Tây-ban-nha rất xa lạ với tính khí và sinh hoạt của chúng tôi, rất xa lạ với bản sắc và lối nói của chúng tôi vậy.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021