thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Trao đổi với Nguyễn Viện về tiểu thuyết [kỳ I]

 

CỬA XUẤT BẢN vừa cho ra mắt 3 cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Viện trong tháng 5/2008.
 

 
Cuộc trao đổi giữa Tiền Vệ và nhà văn Nguyễn Viện dưới đây được thực hiện qua phương tiện điện thư và sẽ được đăng tải liên tục hàng ngày cho đến khi kết thúc.
 

_________________

 

Tiền Vệ [TV]: Chúng tôi rất vui mừng khi nghe tin CỬA XUẤT BẢN vừa ấn hành 3 cuốn tiểu thuyết của anh. Xin anh cho độc giả vài thông tin.

 

Nguyễn Viện [NV]: Thưa anh, đó là các tiểu thuyết:

26 LẦN TỜ BỜ LỜ. Có thể có những ý kiến cho rằng đó chỉ là một tập hợp các truyện ngắn. Tuy nhiên, tôi muốn độc giả đọc nó như một tiểu thuyết gồm 26 chương khác biệt. Qua đó, tôi muốn đề xuất một khái niệm khác cho tiểu thuyết.

EM CÓ GÌ BÍ MẬT, HÃY MAIL CHO ANH là một tiểu thuyết mở. Tiểu thuyết online. Đã từng đăng nhiều kỳ trên Tiền Vệ. Đây cũng là một thể nghiệm mới cho sự tương tác giữa tác giả và độc giả.

CƠN BẤN LOẠN BẰNG PHẲNG gồm hai truyện vừa TRƯỚC NGÀY CHÚA LẠI ĐẾNĐI.COM. Một tiểu thuyết phi cấu trúc.

Ba tác phẩm. Ba cách viết khác nhau. Và tôi hy vọng độc giả cảm nhận được nhiều hơn thế.

 

TV: Trước khi đi sâu hơn vào những cuốn tiểu thuyết này, chúng tôi muốn trở lại từ đầu để tìm hiểu cuộc viết của anh bằng một vài câu hỏi đơn giản. Chẳng hạn, trước hết, xin anh cho biết anh thường sáng tác trong những điều kiện nào?

 

NV: Tôi viết khá dễ dàng. Tuy nhiên, tôi thường tập trung vào ban đêm, khoảng từ 10 giờ đêm đến 12 giờ đêm mỗi ngày. Viết trực tiếp trên máy vi tính. Và viết ít khi sửa lại. Thường thì không muốn đọc lại. Viết xong rồi thôi. Quên. Để viết tiếp một truyện dở dang, tôi chỉ xem lại mấy dòng cuối mình đã viết gì hôm trước, rồi tiếp tục. Rồi lại quên đi. Tôi không để lại trong đầu cái gì cho ngày hôm sau. Giờ nào việc nấy. Ồ, dẫu sao vẫn phải dành một phần sức lực cho chuyện kiếm cơm.

 

TV: Anh bắt đầu viết một cuốn tiểu thuyết như thế nào? Phải chăng anh có sẵn những đề tài, rồi trong khi viết anh tạo ra một câu chuyện để khai thác những đề tài ấy? Hay từ đầu anh đã có sẵn một câu chuyện, rồi trong khi anh viết thì câu chuyện ấy nẩy nở và làm gợi lên những đề tài? Hay anh viết từ một cảm hứng, rồi trong khi viết thì mọi sự ngẫu nhiên xảy đến…? Hay mỗi cuốn tiểu thuyết của anh có một cách khởi đầu và diễn biến hoàn toàn khác nhau?

 

NV: Tôi thường bắt đầu một tác phẩm bằng một chi tiết. Từ chi tiết đó, tôi mường tượng ra câu chuyện. Sau đó thì cứ tự nó run rủi. Tôi không bao giờ biết trước ngày mai tôi sẽ viết gì. Trong số những tác phẩm đã viết, có lẽ chỉ có truyện TRƯỚC NGÀY CHÚA LẠI ĐẾN, tôi viết có mục đích. Đó là tôi muốn nói một lần cuối cùng, nói cho xong, tất cả những suy nghĩ của tôi về lịch sử, cũng như các vấn đề chính trị của đất nước. Và phải mất mấy năm sau khi hoàn tất, tôi mới dám công bố lần đầu trên Talawas, rồi trên Tiền Vệ. Không phải tôi không biết sợ. Vấn đề là tôi đã bước qua được nỗi sợ hãi.

Tại sao lại phải sợ? Đó chính là bi kịch của chúng ta, những người dân sống trong một chế độ toàn trị. Đây cũng là nguồn cảm hứng lớn lao nhất của tôi. Đối diện với cái sợ. Ai làm cho mình sợ? Sợ cái gì? Làm cho người khác sợ, có phải là tội ác? Làm thế nào vượt qua được nỗi sợ?

Tôi cũng không biết một cách chắc chắn, nỗi sợ có phải là nguyên do chính tạo thành văn phong của tôi, hài hước và đểu cáng.

 

TV: Điều anh thích thú nhất trong lúc viết là gì? Và đó có phải là điều mà anh muốn độc giả lưu ý đến nhất?

 

NV: Trong lúc viết, tôi thường bất chợt liên tưởng đến một khái niệm, một hình ảnh, một biểu tượng nào đó trong nền văn hoá của mình, và tôi đưa nó thành một chi tiết của truyện. Ví dụ, nói về sự đoan trang, tôi nghĩ đến Thị Màu và tôi “lôi” Thị Màu vào câu chuyện của mình, để cho Thị Màu phát biểu như một nhân vật đồng đẳng với các nhân vật khác. Sự mở rộng các biên độ của truyện luôn làm tôi thích thú. Đặc biệt với các nhân vật như Thị Màu và Thúy Kiều với tính biểu tượng của họ, bên cạnh các nhân vật đáng kính của lịch sử khác tham dự vào câu chuyện của tôi. Sự mở rộng các biên độ này xảy ra trên các lãnh vực khác nhau, từ ý niệm đến ngôn từ, không gian và thời gian, lịch sử và các nhân tố đương đại… Có lẽ đây là sự khác biệt nhất trong văn chương của tôi với các tác giả khác.

 

[còn tiếp nhiều kỳ]

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021