thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
“Thế giới [văn chương] luôn có nhiều con đường, quan trọng là có ‘người viết’ hay không”

 

TRÒ CHUYỆN VĂN CHƯƠNG VỚI ĐẶNG THÂN,
Nhã Thuyên thực hiện.

 

Ðặng Thân (tác giả tập MA NET, Nxb Văn học 2008) là một trường hợp thú vị trong đời sống văn học hôm nay bởi cái duyên riêng trong sáng tác thơ-văn và trò chuyện. Thực hiện cuộc trò chuyện này, điều cốt lõi tôi băn khoăn là những câu hỏi về quan điểm viết và ứng xử trong “thị trường” và bối cảnh văn học Việt Nam hôm nay với những nét đặc thù. Tất nhiên, đây chỉ là một trường hợp tác giả.

 

 

Nhã Thuyên [NT]: Xin bắt đầu ngay bằng những câu hỏi về tập MA NET mới xuất bản của anh. Nghe nói, nó có cả một hành trình lưu lạc qua các nhà sách, nhà xuất bản và cuối cùng bây giờ lại xuất hiện khá “suôn”. Nhìn lại, theo anh, cốt lõi vấn đề nằm ở đâu?

Đặng Thân [ĐT]: Theo tôi cuốn sách lưu lạc qua các nhà xuất bản có lẽ là do cách đánh giá khác nhau của các ban biên tập và đã tồn tại những cách hiểu khác nhau. Và như vậy rõ ràng trong thế giới của các ban biên tập ở Việt Nam hiện nay họ bị chi phối bởi nhiều thái độ. Với những nhà xuất bản đã từ chối, tôi không nghĩ họ quá nặng nề về chính trị, nhưng rõ ràng họ e sợ một cái gì đó có màu sắc chính trị. Tôi không rõ quy chế xuất bản ra sao, cũng không quen biết nhà xuất bản nào. Tuy nhiên, qua ngòi bút biên tập mà các nhà biên tập để lại, tôi thấy hành vi biên tập của họ bị sức ép lớn về vấn đề huý kị chính trị, và một số ý khác về “thuần phong mỹ tục”.

Còn khi tác phẩm tôi ra đời được là bởi đã gặp một nhà xuất bản không thấy có màu sắc chính trị hay xung đột chính trị ở trong mà chỉ thấy thuần tuý là tác phẩm văn chương, vì thế họ mới quyết định xuất bản. Tôi đã gửi bản thảo cho Công ty sách Bách Việt. Tôi rất cảm ơn họ vì họ rất quyết tâm để nó được ra đời. Sau đó là sự ủng hộ của các cơ quan liên quan đến xuất bản, cụ thể nhất là Nhà xuất bản Văn học.

 

NT: Thực tế việc mất nhiều thời gian để cuốn sách được ra đời khiến người đọc (được phép) suy diễn rằng sách của Đặng Thân có thể “có vấn đề”. Bản thân anh nghĩ điều gì trong tác phẩm của anh tạo cảm giác về vấn đề “huý kị chính trị”?

ĐT: Chính tôi cũng không hiểu tác phẩm của mình được đánh giá ra sao trước khi tác phẩm được ra đời. Tuy nhiên, quả thật trong buổi ra mắt sách, qua ý kiến của anh Đỗ Quyên từ Canada về sau 20 năm xa tổ quốc tôi mới biết ở hải ngoại nhiều người rất ngạc nhiên, không thể ngờ tác phẩm của tôi in được. Nhưng tôi nghĩ đó là quan điểm... rất hải ngoại (hay chính xác hơn là “rất Đỗ Quyên” chăng?). Mặc dù những ý kiến của anh Đỗ Quyên (nhất là những ý kiến tại buổi ra mắt sách) cũng như các đồng nghiệp hải ngoại khác có ý nghĩa rất lớn đối với tôi và văn học nước nhà nói chung, nhưng tôi nghĩ có lẽ họ đã nhìn tác phẩm của tôi dưới góc độ mà chưa chắc đã trùng hoàn toàn với quan điểm của tôi với các sáng tác của tôi. Điều đó cũng thật là dễ hiểu. Cụ thể hơn, chắc là do đồng bào hải ngoại thấy cách viết và nội dung các tác phẩm của tôi khá xa lạ với văn chương trong nước, nên họ đã lo lắng cho tôi. Họ lại ở xa nên không biết thực tế xuất bản trong nước diễn biến như thế nào. Mấy lâu nay trong nước lại liên tục xảy ra những vụ việc như cấm xuất bản hay thu hồi khá nhiều cuốn sách, thậm chí là đóng cửa cả một nhà xuất bản. Cái sự việc này chắc chắn đã làm bà con ta ở hải ngoại (và tất nhiên là cả trong nước nữa) hoang mang, lo lắng không ít. Thực tế có thể là văn giới hải ngoại đã không thấy được sự khác nhau giữa các tập sách gặp trục trặc đó với tập truyện của tôi. Còn tôi vẫn giữ quan điểm từ đầu là tác phẩm của tôi thuần tuý văn chương. Một nhà thơ khác ở Canada, anh Nguyễn Đức Tùng, vừa trao đổi và có nhận xét: “Văn chương Đặng Thân không biên giới, và vì vậy phi chính trị, mặc dù tác giả có thể có lập trường chính trị (ai mà chẳng có). Cái hay của Đặng Thân là ở chỗ đó. Vì vậy nó được xuất bản trong nước là chuyện dễ hiểu. Hội Nhà văn có thể không thích nó nhưng không bắt bí tác giả được.”

 

NT: Cuốn sách đầu tay có ý nghĩa thế nào với một nhà văn, theo anh?

ĐT: Tôi nghĩ đối với việc một nhà văn có sách được in nó đã gõ cửa cái cánh cổng truyền thống đã tồn tại nhiều trăm năm: một nhà văn, một tác giả thì phải có sách in. Vì vậy khi tôi là một người viết có sách, tôi đã đi vào trường quan niệm, trường suy ngẫm và những ý niệm đã ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ qua nhiều thế hệ. Theo quan điểm truyền thống của nhiều thế kỉ tôi trở thành một tác giả có thật. Tuy nhiên, tôi và mọi người còn đang sống ở một thời đại khác với trước đây. Vì thế tôi cũng đủ cảm nhận là có một sự trân trọng với những cách nhìn đã thành thói quen, nhưng với cách nhìn mới thì đó là một điều bình thường, không khác nhiều lắm với bất cứ một hình thức xuất bản nào khác vì bây giờ có thêm nhiều hình thức xuất bản.

Trong tôi có đủ cả hai suy nghĩ đó. Tôi có niềm vui khi mình là con người của truyền thống hàng trăm năm, lần đầu có tác phẩm của mình in thành sách, nhưng vì cũng là một công dân của thời hiện đại nên tôi thấy đó là một sự xuất bản bình thường, không có gì quá đặc biệt.

 

NT: Có rất nhiều phản hồi tích cực từ báo chí và nhất là các nhà phê bình ở Việt Nam với cuốn sách. Anh cảm nhận như thế nào về những phản hồi này? Anh tâm đắc với ý kiến nào không?

ĐT: Tôi vô cùng trân trọng tất cả những ý kiến đó. Họ đều có lý của mình. Ít hay nhiều họ đã chia sẻ với những suy nghĩ thực của tôi, một nửa nỗi lòng hoặc 8-9/10 quan điểm của tôi. Chắc chắn một điều ai cũng biết là không ai có thể chia sẻ với nhau 100%. Nhưng thực sự là không ai yêu cầu điều đó. Được người ta hiểu mình một nửa là tôi thấy hạnh phúc, 8-9 phần là quá hạnh phúc. Tuy nhiên 1-2/10 có khi không có nghĩa là 1-2/10, đôi khi nó là một nửa, cái đó vẫn nằm trong những gì đó khó có thể nói ra một cách rõ ràng rành mạch và nói hết ngay bây giờ được.

Dù là những phát hiện bất ngờ hay là những lời phê bình khác với quan điểm của tôi, tôi đều thấy trân trọng và đáng quý, đều cho tôi niềm vui. Vui vì họ đã cực kì quan tâm đến tôi và những gì tôi viết thì họ mới trằn trọc để nghĩ ra ý tứ như thế... Tôi cũng đã viết về những người khác, giới thiệu những tác giả khác. Có tác giả tôi mất 4 tháng hay nửa năm để nghĩ ra một bài. Có thể do cách nghĩ của tôi chậm. Dù họ có nghĩ nhanh trong vòng 1 ngày thì tôi vẫn trân trọng như tôi đã từng đọc và nghĩ về ai đó trong 4 tháng hay nửa năm. Không phải người ta muốn đẻ ra chữ là tự dưng có. Tất cả những người đã viết đều có nhận định hay chính kiến của cá nhân họ.

Nếu ai quan tâm hơn thì hãy đọc những bài đã hết sức trân trọng cái viết của tôi của các anh Phạm Lưu Vũ, Lê Anh Hoài, Nguyễn Chí Hoan, Inrasara,... hay là một người “amateur văn chương” nhưng làm nghệ thuật như Trịnh Tuấn cũng có những quan điểm hết sức “siêu văn học”.

 

NT: Độc giả, với anh, là gì?

ĐT: Đây là một câu hỏi bất ngờ. Vì tôi là người viết mà chưa bao giờ nghĩ độc giả của mình là thế nào. Tuy nhiên đến thời điểm này tôi cũng đã hình thành quan niệm nho nhỏ rằng độc giả của mình là những người chia sẻ với mình ít hay nhiều về những gì mình suy tư và viết ra. Độc giả cũng có thể là những người rất chống đối mình nhưng để chống đối được mình một cách triệt để họ phải cực kì quan tâm đến tác phẩm cùa mình mới chống đối được... Tôi đón chờ tất cả những độc giả đó.

 

NT: Cụ thể hơn, nhiều nhà văn nhà thơ tuyên bố không quan tâm tới các nhà phê bình — lớp độc giả được coi là tinh hoa — viết gì. Anh có bao giờ cảm thấy thất vọng về các nhà phê bình ở Việt Nam không?

ĐT: Câu hỏi rất hay. Nói thật, tôi đã có lúc thất vọng về các nhà phê bình Việt Nam. Nhưng khi các nhà phê bình viết về tác phẩm của tôi thì tôi thực sự quý trọng công lao lao động của họ. Với tôi bây giờ, tôi nhìn họ ở hai hướng: một là những nhà phê bình cố gắng vận dụng những kiến thức sẵn có của mình, những nguyên tắc quan điểm học thuật của mình để soi chiếu vào tác phẩm của tôi; hướng thứ hai là một hướng cực kì sáng tạo: họ đã phải nghĩ ra cách nhìn mới để nhìn tác phẩm của tôi. Về tình cảm, tôi quý trọng cách thứ hai hơn bởi người ta nghĩ ra phương pháp mới để nhìn mình. Về mặt lý tôi tôn trọng cả hai vì họ đều làm việc rất nghiêm túc. Tôi cũng hay đọc các nhà phê bình vì thế tôi nói là chán nản phê bình Việt Nam. Đến khi tác phẩm của các nhà phê bình đến với tôi, có lẽ lần đầu tiên tôi thấy shock vì họ lao động thực sự. Lần đầu tiên, tôi thấy có cách phê bình là nghĩ ra cách nhìn mới để nhìn nhận một tác phẩm “mới”. Đây là tấm gương lần đầu xuất hiện cho các nhà phê bình có một bài học gì đấy... Đừng nên chỉ có mỗi việc là đưa tất cả người ta vào hệ thống mà mình đã có. Nhà phê bình cũng phải là người cực kì sáng tạo, có khi phải tạo ra phương pháp luận mới thì mới đi cùng người sáng tác được. Nếu không phê bình sẽ ngắc ngoải, nếu không nền phê bình không cẩn thận có bị nguyền rủa thì cũng là điều dễ hiểu.

 

NT: Xin anh trao đổi thêm về các bài viết cụ thể.

ĐT: Cụ thể hoá vấn đề, chắc chắn bài có cách nhìn mới nhất là của anh Phạm Lưu Vũ. Anh ấy đưa ra quan niệm về văn học phi thực và một khái niệm nữa là văn học nhiều hơn ba chiều. Thực sự rất đồng cảm vì trong truyện ngắn “Hiếp” trước đây tôi cũng đã nói đến quan niệm về văn chương hướng tới ngôn ngữ nhiều hơn 3 chiều. Một cách nhìn đầy sáng tạo khác là của anh Inrasara. Anh tìm mọi cách thể hiện ý tưởng, cắt nghĩa văn bản của người viết trong bài phê bình. Đặc biệt, những ý tưởng về tôn giáo và tâm linh của anh có giá trị cực lớn mà ít nhà phê bình Việt Nam có được. Anh đã đưa ra những tâm tưởng của tôn giáo và tâm linh để đi vào những tâm khảm của tác phẩm mà không loay hoay trong cái lí sự bề ngoài của ngôn ngữ. Người hành văn đến mức “hàn lâm điêu luyện” phải nói là anh Nguyễn Chí Hoan. Góc nhìn của anh ấy sâu sắc, độc sáng mà tung tẩy, nhẹ nhàng. Để viết được như thế phải là người vô cùng kinh lịch. Người khái quát hoá vấn đề lên rất cao phải nói là anh Lê Anh Hoài. Cái thâm hậu ấy đòi hỏi một kho kinh nghiệm và một biển sành sỏi. Thật là rúng động khi nhìn những “đường kiếm” múa cứ nhẹ như không. Người có “rung động vô thức” đưa người đọc vào những trường suy tưởng và cảm xúc rất lạ mà quen quen là anh Trịnh Tuấn, một nhà thư pháp. Thật tiếc là anh chưa dấn thân và đi xa hơn nữa trong văn chương.

 

NT: Anh có nghĩ mình dễ được bình tán không?

ĐT: Thực ra cảm nhận của người đọc về sự bình tán (ví dụ như ở bài của anh Phạm Lưu Vũ) là có thể do bài viết có vấn đề về bố cục, có khi hơi sa đà, lộng ngôn hay “ép uổng”. Thực ra những bình tán của anh ấy cũng là để tôn cao quan điểm, ý tưởng của anh về tác phẩm. Những lời dẫn dắt chiếm đến nửa bài khiến có lúc người đọc bị lôi vào trạng thái hơi xa tác phẩm. Cũng có thể có người cho rằng do anh chưa “chuyên nghiệp”. Nhưng tôi nghĩ chuyên nghiệp hay không chẳng quan trọng bằng việc có nghĩ được ra cái gì có ý nghĩa hay không... Những điều đó có là phát kiến hay không thì phải xem có ai nói chưa. Những phát kiến ấy có thuyết phục hay không còn là do phương pháp làm việc của người phê bình. Khi phương pháp còn có những trục trặc thì các ý tưởng vẫn chưa truyền được hết sức đến người đọc. Nếu bạn đọc có ý thức bạn sẽ cảm được điều đó. Nếu bạn đọc hời hợt bạn sẽ không phát hiện ra đâu.

Ở đây lại quay lại câu hỏi về người đọc và phải trao đổi thêm. Có câu chuyện tiếu lâm đùa cợt rằng chúng ta muốn văn học phát triển thì phải thay hết độc giả nước này đi. Câu chuyện tiếu lâm này tôi nghĩ có hàm chứa một thái độ, một ý muốn nghiêm túc. Nhiều độc giả của chúng ta hàng mấy chục năm qua không phải là những độc giả thật sự sáng suốt, không phải những độc giả nhiệt tình, và không phải là những độc giả công tâm. Đa phần độc giả chúng ta bị ảnh hưởng bởi báo lá cải và một số thứ khác. Tất nhiên độc giả không có lỗi vì họ chỉ là người đọc nhưng, nền văn hoá chung, nền giáo dục chung có lỗi. Nền giáo dục không giúp tạo nên một lực lượng độc giả như chúng ta mong muốn. Tuy nhiên tôi cũng luôn thấy có những độc giả có những nhận xét có ánh sáng, nhất là khi đó là những phát ngôn hồn nhiên nhất.

 

NT: Vậy anh có chủ đích cách tân văn xuôi không, như các nhà phê bình đã nói về anh?

ĐT: Thực ra tôi không chủ đích, tự nó sinh ra thế. Có điều tôi thường xuyên muốn nghĩ khác và làm khác. Cái mà tôi viết phải có bối cảnh xung quanh và có ý thức của người viết. Nó tuỳ tâm trạng của chính tôi, sự ủng hộ hay phản đối của tôi với bối cảnh làm mọc ra tác phẩm của tôi. Có lúc nó “chảy xuôi” có lúc nó hoàn toàn khác. Đó hình như là tâm lý chung chứ không phải của riêng tôi. Cách tân chẳng qua là hình thức đi khác với dòng chảy chung. Chắc chắn là nhiều lúc tôi nghĩ khác với những người khác, nên tác phẩm của tôi nó “khác”.

 

NT: Anh có hướng đến tầm vóc tư tưởng nào đó không và anh hay nhắc đến cụm giá trị. Đâu là tiêu chí của anh về một tác phẩm có giá trị?

ĐT: Tư tưởng tự nó sinh ra chứ tôi không cố tình làm tư tuởng được đâu. Nếu cố tình thì dễ thành nhà tuyên huấn. Tư tưởng của tôi có hay không nó nằm trong tác phẩm và độc lập với tôi. Tất nhiên, điều này khác nhau tuỳ theo cá nhân và nhận thức mỗi người. Tôi không đặt ra cái đích phải tới cho tư tưởng. Tôi thấy những người đặt ra đích hình như sẽ không viết hay được đâu. Một tác phẩm có giá trị là như thế nào có lẽ là câu để hỏi các nhà mô phạm hay hàn lâm chăng. Với tôi thì tiêu chí đầu tiên hết sức nôm na là đọc thấy “sướng”. Trong cái “sướng” ấy chắc là có đủ hình thức ngôn ngữ, nội dung tư tưởng, cái lạ, cái bất ngờ không được trông đợi, cái “nhạt” nhưng lại độc đáo hoặc đúng lúc, cái hay đến buốt óc, cái dở đến không ngờ, cái hẫng hụt, cái bâng khuâng, tất cả những gì có thể làm từng tế bào trong cơ thể tôi bung nở hay từng mạch máu tôi chạy rần rật.

 

NT: Sự nổi tiếng có ý nghĩa thế nào với anh? Theo cách của anh, làm thế nào để được nổi tiếng trong văn chương?

ĐT: Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc mình phải nổi tiếng. Thậm chí tôi rất trân trọng những niềm vui khôn tả trong thầm lặng. Những năm tháng đen tối trong cuộc đời đã cho tôi nhiều nỗi vui cực điểm và tràn trề ánh sáng hơn cả.

Nhưng rồi vì tôi làm văn thì tôi muốn văn tôi được xuất bản, được chia sẻ. Nó đến với bao người đọc đó là việc của nó. Đa phần cái sự nổi tiếng ở Việt Nam tôi thấy nó cứ hình thức, nó cứ rơi vào cái phù phiếm. Các nước khác không ít thì nhiều cũng có. Tôi không phủ nhận tôi không phù phiếm hay không muốn nổi tiếng. Nhưng tôi muốn thật thà với chính tôi. Tôi có sao thì mọi người dùng vậy... có 10 người “xài” hoặc nghìn người hoặc vạn người, tôi không biết là nổi tiếng hay không. Tôi cũng mong có những bạn bè chia sẻ trong cuộc chơi văn chương này mà thôi, chứ tôi không nghĩ rằng mình cần fan đâu. Trước đây tôi chỉ có 1-2 độc giả nhưng khi đó tôi hạnh phúc lắm, vì khi ấy “độc giả” và tôi gặp nhau thường xuyên... Giờ độc giả đông hơn nhưng chưa chắc đã được những câu nói ngàn vàng như 1-2 độc giả trước đây... Tôi không bao giờ quên họ vì họ đã phát hiện ra tôi khi tôi chỉ mới cầm bút viết được vài bài... Tôi nghĩ đó là những độc giả vĩ đại. Trong cuộc sống, cần những độc giả vĩ đại để “người văn” có thể phát hiện ra nhau chỉ khi mới gặp nhau.

 

NT: Cũng liên quan đến chuyện này, anh có nghĩ trong nhiều trường hợp, “quyền lực” của truyền thông có thể biến người viết nhiều khi thành một “game” không? Anh nghĩ gì về vấn đề này?

ĐT: Không, tôi nghĩ về mặt động cơ đâu có vấn đề gì. Họ viết ra, họ muốn được nhiều người biết đến. Chả phải riêng trong chuyện làm văn, ai thì cũng muốn có nhiều người biết và tôn trọng mình. Vậy khi một nhà văn in sách ra, mỗi lần 1.000 bản thôi thì tức là cũng có ít nhất 1.000 người biết anh ta, anh ta đã thành con người của 1.000 người... Họ muốn nổi tiếng thì có lỗi gì đâu. Câu chuyện chỉ trở nên lố bịch khi họ không biết thực lực của họ ở đâu mà thôi. Nhất là độc giả của chúng ta khá mông lung và bị ảnh hưởng bởi báo lá cải. Nên cũng nhiều người làm việc với công chúng — cụ thể là nhà văn — cũng lợi dụng tâm trạng mông lung của độc giả để câu kéo sự ủng hộ nào đó. Bản chất thì không có gì xấu, nhưng ai cũng phải biết giá trị của mình đến đâu. Còn khi mình đem giá trị của mình thả vào những dòng báo lá cải hàng ngày thì tôi cũng không nghĩ đó là những người có tâm thế sáng tác văn chương đích thực, họ thuộc về dòng “vẽ vời hươu vượn” vậy thôi.

 

NT: Hiện nay vẫn có quan niệm phổ biến và có tình thế thực về sự phân luồng: chính thống / phi chính thống ở cả người viết và quy định cả tâm lý đọc. Đặng Thân đã thường được xếp vào loại “giang hồ” này. Anh nghĩ mình chọn đứng ở đâu trong không gian văn chương Việt Nam hiện nay?

ĐT: Tôi hoàn toàn không có ý thức về chuyện này. Tôi nghĩ chuyện phân biệt văn chương thành chính thống / phi chính thống là câu chuyện của những người rách việc, rỗi hơi hoặc có động cơ đê tiện. Dù nó nằm trên mạng, trong nước hay nước ngoài thì vẫn là tác phẩm văn chương, vấn đề là có giá trị hay không. Có giá trị thì ở đâu cũng phải chấp nhận, giới nào cũng phải chấp nhận. Những khái niệm văn học mạng, trong nước, chính thống... đều là những khái niệm hết sức yếu đuối. Nó không có sự xác lập nền móng nào cả về mặt học thuật lẫn tư tưởng xã hội... Đó là những khái niệm “tầm gửi”. Trong khái niệm tầm gửi của tôi có hàm ý xu thời, ba lăng nhăng. Với tôi, chỉ có một vấn đề: văn học có giá trị hay không, người làm văn học có làm được những tác phẩm có giá trị hay không, đó là đường đi của văn học. Ví dụ trường hợp anh Nguyễn Hưng Quốc. Những gì anh ấy viết thực sự có giá trị thì không có trong nước hay hải ngoại nào phủ nhận được... Cái viết của anh có giá trị thì ở bên nào, ở đâu cũng phải tôn trọng những đóng góp, những cống hiến suy nghĩ của người ta.

Tuy nhiên, khái niệm “phi chính thống” dường như là để ứng với văn chương “vỉa hè Sài Gòn”, “hải ngoại”, “rơi rớt trên mạng”... thì cũng sẽ tồn tại một thời gian. Vì khi người ta viết rất khác, thì kiểu gì cũng bị xếp vào một sắc thái khác. Nhưng chỉ một thời gian thôi thì cái khái niệm lẩm cẩm “phản động” ấy cũng sẽ mất đi, bởi về lâu dài, chúng ta sẽ quy kết lại sẽ chỉ có “văn học Việt Nam” mà thôi. Dù họ cầm bút ở đâu đi nữa, viết kiểu gì đi nữa nhưng rõ ràng họ là văn học Việt Nam chứ không phải văn học Trung Quốc, cũng không phải ở bất cứ nước nào khác. Khái niệm này còn tồn tại vì cái sự “khác”. Nhưng khi nền văn học Việt Nam phát triển có tầm vóc thì tất cả những hiện tượng của nó sẽ thành những bộ phận trong mái nhà chung là văn học Việt Nam. Còn bản thân tôi, tôi viết văn không bị ảnh hưởng của bên nào. Cái ảnh hưởng duy nhất là ảnh hưởng suy nghĩ của chính tôi, quan điểm của tôi. Hiện tại, tôi cũng không cần rõ lắm là mình đang ở đâu, dòng nào, chân trời nào nhưng tôi biết tôi đang làm văn học. Đó là cái duy nhất tôi hiểu.

 

NT: Tuy nhiên, có thể không gian đăng tải cũng ảnh hưởng đến sáng tác hoặc nó tương ứng/được lựa chọn cho những sáng tác khác nhau. Anh cũng là một netizen, liệu văn chương của anh có gì khác nếu anh không xuất bản sách mà chỉ đăng tải trên mạng?

ĐT: Thực ra đây là vấn đề có tính điều kiện thôi. Tôi hàm ơn thời đại tôi đang sống có nhiều con đường để đến văn chương. Nếu thế kỉ này không có internet thì sẽ có con đường khác. Những người sáng tác họ vẫn sáng tác. Sáng tác đó phù hợp với lối đi nào nó sẽ có lối đi của nó. Vấn đề là người viết có viết được gì hay không. Đã “viết được” thì tác phẩm đó sẽ đến được với bạn đọc. Như ở Sài Gòn người ta photocopy, cũng không liên quan đến mạng... Hay là người ta cũng đã từng có thể viết tay, in ronéo. Với tôi thì cũng thế thôi, không có sách in thì có internet, không có internet thì có photocopy, văn bản viết tay... nhưng nội dung tôi viết thì vẫn chả có gì thay đổi đâu.

Thế giới luôn có nhiều con đường, quan trọng là có “người viết” hay không.

 

NT: Nguồn ảnh hưởng nào là quan trọng nhất trong sự hình thành tác giả Đặng Thân?

ĐT: Nguồn ảnh hưởng lớn nhất có lẽ là đọc sách, và suy ngẫm, “nghiệm sinh”. Sách không chắc tạo nên tác giả nhưng có thể tạo nên con người “có văn hoá”. Nếu tôi không viết văn thì chắc chắn nhờ có sách, đọc sách tôi cũng sẽ có một đời sống “khác” với những người ít đọc. Đó là cái nền tảng, cái gốc để đến giờ phút này tôi được viết. Tôi không riêng chọn sách Đông hay Tây, của đồng bào dân tộc thiểu số hay nơi “văn minh”, ở đâu cũng có những giá trị để mình học tập. Nói đọc sách thì hơi chung chung, vấn đề là người đọc sách phải có ý thức học tập. Mỗi cuốn sách đều có thể là một người thầy. Nếu tôi có nhiều người thầy, tôi không viết văn thì tôi cũng có một chút giá trị nào đó. Hình thành nên lối viết của tôi cũng là do có đúc kết từ tất cả môi trường văn hoá, sách vở... cộng với bối cảnh Việt Nam tôi đang sống để có những cách nghĩ mang tính Việt Nam với đời sống xã hội đặc trưng không giống nước nào cả. Không đạt được cái “nghiệm sinh” thì càng đọc sách cũng sẽ thấy càng vô nghĩa thì phải.

 

NT: Vậy thì, xin hỏi anh một câu hỏi có vẻ hơi to tát: Nhà văn đứng ở đâu trong quan hệ với quá khứ, với lịch sử và những vấn đề của hiện tại...?

ĐT: Nếu nói quá khứ và truyền thống tôi nghĩ là nên quay lại vấn đề trước. Chủ yếu các sách đều nói về quá khứ. Chắc chỉ có chừng 1/triệu cuốn sách nói về tương lai mà thôi. Vì thế, chắc chắn đã là người đọc sách thì kiểu gì quá khứ thông tin thành tựu hàng bao đời cũng chiếm một vị trí lớn.

Đối với những người muốn phủ định sạch trơn quá khứ, tôi cho rằng đó là một hình thái hoang tưởng mới. Với tôi, lịch sử hình như không bao giờ sai lầm. Cũng như người ta thường bảo xin đừng bàn đến hai chữ “giá như”. Tại sao Colombo lại giương buồm đi về phía Tây xa xôi để tìm Ấn Độ? Cả châu Âu đều biết Ấn Độ nằm ở phuơng Đông. Sinh ra ở thời đại này bạn có thể sẽ bảo Colombo dở hơi và việc tìm ra Tân Thế Giới của Colombo là kết quả của một sự dở hơi. Nhưng nếu bạn đặt bản thân mình vào thời đại của Colombo thì mới hiểu thời đó người châu Âu mới chỉ biết phương Đông kéo qua đất Thổ Nhĩ Kì một chút, nghe rằng có Ấn Độ ở xa hơn nữa và... chưa có kênh đào Suez. Nhờ những phát kiến của khoa học về trái đất, Colombo biết rằng đi về phương Tây rồi sẽ quay lại được phương Đông. Ngày nay, bạn bảo bạn sẽ đi từ Tây hay Bồ sang Ấn bằng máy bay cho nhanh hoặc đi tàu qua Địa Trung Hải, qua kênh Suez, sang Ấn Độ Dương rồi đến Ấn Độ, việc gì mà phải lòng vòng. Lịch sử không thể làm khác đi được. Colombo không thể đi về phía Đông để tìm Ấn Độ mà phải đi về phương Tây là vậy. Tuy nhiên, luôn cần nghiêm cẩn xem xét lại lịch sử để làm bài học cho hiện tại và tương lai (Xin lỗi, câu này hơi “sáo” nhưng tôi không biết dùng câu nào khác ở đây).

 

NT: Anh có đọc/quan sát những người viết hiện nay ở Việt Nam không? Anh có sự phát hiện nào với văn học Việt Nam ở giai đoạn này không?

ĐT: Tôi cũng là một người đọc. Tôi nghĩ giai đoạn hiện nay văn học mình phát triển phong phú nhưng thiếu cái tầm. Thực ra, chúng ta mới cởi mở được một thời gian ngắn. Vài chục năm đâu đủ để tạo nên tầm vóc các tác giả. Cái thiếu hiện nay là thiếu những tác phẩm, tác giả có tầm vóc. Tầm vóc đòi hỏi độ chín thời gian, lịch sử, sự phát triển chung của xã hội, của dân tộc. Còn tâm thế người sáng tác hiện nay, cả trước đây nữa, luôn cảm thấy có nhiều rào cản mà xuất phát điểm là do thiếu hiểu biết. Nền văn hoá thấp mới tạo ra những rào cản ngăn trở những ý tưởng vượt thoát khỏi cái nền bình thuờng của những tư tưởng thấp. Thực trạng văn hoá – giáo dục Việt Nam ai cũng biết là thấp, việc gặp những hàng rào là điều không tránh khỏi, người sáng tạo sẽ cảm thấy vướng víu. Nhưng cá nhân tôi không thấy vướng víu lắm bởi mọi con đường đều có lối đi của nó. Rào cản cũng có ý nghĩa là giúp ta nghĩ lại bản thân mình để tìm được đuờng đi thông thoáng, đạt được cái đích muốn diễn đạt. Mong rằng văn hoá nâng cao hơn, mọi suy nghĩ sẽ đến gần với nhau hơn, chúng ta sẽ khỏi phải tranh luận với nhau về những chuyện vô bổ.

 

NT: Còn chuyện viết và kiếm sống ở Việt Nam, anh nghĩ gì về vấn đề này?

ĐT: Người viết không kiếm sống bằng văn chương thì văn chương của họ tự do nhất. Vì kiếm sống liên quan đến dạ dày. Cái dạ dày sống nhờ văn chương thì nó chịu luỵ các yếu tố kinh tế xung quanh nó, và văn chương của họ trở thành một thứ hợp đồng kinh tế. Khi ấy người viết phải ý thức rằng một tác phẩm viết ra phải đem lại hiệu quả kinh tế, nó bị kinh tế tác động, cho nên không bao giờ có thể nói về bản thể đích thực của nó được. Ở Việt Nam có nhiều người sống bằng viết văn, tôi thấy có hai chủng loại: một số tìm được một khu vực độc giả để thả ngòi bút của mình vào đó; còn lại đa phần là viết theo “hợp đồng kinh tế” như tôi vừa nói. Viết theo “hợp đồng” là không được viết ngoài hợp đồng quy định và không hết mình được. Nhưng kiếm sống là công việc cơ bản của người ta và không ai vượt qua được, những người kiếm sống bằng những nghề khác cũng là có duyên may... Nhưng tôi không không quan tâm đến xuất thân hay mục đích viết, viết theo hợp đồng kinh tế hay tự do vung vít nhất đều được. Quan trọng là hãy viết đi. Có cái gì hay sẽ đọng lại, không hay thì sẽ biết ngay mà. Để cho tác phẩm ra đời thì mới bàn được tuyên ngôn đó có giá trị gì không hay là vứt đi.

Tôi nghĩ, xã hội Việt Nam có nhiều rào cản từ nhiều phía nhưng cũng có rất nhiều nguyên liệu. Toàn cầu hoá có thể thành hiện thực nhưng không phải lúc này và không phải trong thời gian ngắn. Cũng có thể không bao giờ có. Nghệ thuật cần bản sắc, cá tính... Toàn cầu hoá có thể xảy ra về hình thức nhưng không ai toàn cầu hoá được về nội dung. Các hoạt động nghệ thuật là những ví dụ sáng rõ. Có những điều không toàn cầu hoá được.

 

NT: Với anh, trong văn chương, cái gì là quan trọng và cái gì là không quan trọng hoặc bớt quan trọng? Anh tìm gì ở nó và hiện nay sống với nó ra sao? Anh có đặt cho mình thách thức gì không?

ĐT: Tôi viết ra được những gì mà mình thích, viết xong đọc lại mà thấy sướng là cái đích của tôi. Hiện nay tôi nghĩ gì viết nấy. Có người nhận xét trong tôi có cả cái sâu sắc và cái hồn nhiên. Thực ra thì cái sâu sắc nghệ thuật nào cũng hồn nhiên, cái sâu sắc cố ý là sâu sắc của triết học, không phải của văn chương. Sự sâu sắc của văn chương phải có sự hồn nhiên. Đó là điều bình thường của người làm văn. Bây giờ tôi ít nghĩ về sự thách thức. Cách đây cũng lâu tôi cũng có ý muốn nào đó, là khao khát mình có cách viết nào có thể chuyển tải thông tin đa chiều nhất, huyền nhiệm nhất, vượt qua giới hạn ngôn ngữ ba chiều chỉ luẩn quẩn trong đúng-sai. Bây giờ tôi không đặt ra vấn đề gì với mình, tôi cứ kệ ý tứ nó có thì nó sinh ra.

 

NT: Anh có thể chia sẻ thêm những điều muốn nói nhất với bạn đọc, bạn viết?

ĐT: Tôi rất muốn độc giả và những người viết khác có cách nhìn mở hơn, đa chiều hơn. Đặc biệt, hãy gần nhau hơn nữa về cái “tâm”. Cái tâm giúp chúng ta từng bước dừng những việc làm vô bổ lại. Cái tâm là cái gốc... Còn ý thức lí trí có thể đưa người ta vào những ngả đường khác nhau, nhưng trong đó có nhiều ngõ cụt. Cuộc sống như gió trời mà gió thì nhiều hướng, đâu hề có chuyện gió phương Bắc thì độc mà gió phương Nam thì lành. Gió nào cũng là gió, lành dữ là ở tay người. Văn chương cũng vậy. Cuối cùng chỉ là văn chương thôi. Đi từ hướng nào thì nó cũng có thể là một thứ thuốc để chữa bệnh hay tẩm bổ cho tâm hồn con người, khi gặp một tác phẩm lớn thì cũng như người ta gặp thần dược hay thuốc tiên.

 

NT: Trân trọng cảm ơn anh!

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021