thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thậm ghét, thậm yêu

Suốt gần nửa thế kỉ cầm bút, Trần Dần chưa bao giờ được đến với công chúng theo một con đường thẳng tắp. Sau hơn ba mươi năm nằm ngoài nền văn chương chính thống, một phần rất nhỏ tác phẩm của ông, Bài thơ Việt Bắc, Cổng tỉnh Mùa sạch, được xuất bản hết sức muộn màng, cũng đã phải cần thêm một thời gian nữa mới thu hút được sự chú ý của giới chuyên môn. Lẽ đương nhiên, chúng được độc giả đón tiếp dè dặt. Thế là, số phận từng đưa Trần Dần vào bi kịch Nhân văn-Giai phẩm ở tuổi 30, đã bắt ông cho đến khi mất vẫn chưa được hưởng, dù chỉ một chút, cái gọi là vinh quang của một nhà cách tân: người ta hầu như chỉ biết về ông sau khi ông đã qua đời. Nhưng cũng như số phận của mọi nhà cách tân, cuộc đời Trần Dần không chấm dứt ở ngày 17 tháng 1 năm 1997: hôm nay, ông là tác giả hiếm hoi trở thành mục tiêu tranh cãi sôi nổi không những của giới phê bình và sáng tác chuyên nghiệp mà còn cả những độc giả tự nhận là «tầm thường» và «bình thường» (xin tham khảo các bài của Nguyễn Ly và Lê Dã Thảo trong phần Thảo luận của chuyên đề TRẦN DẦN).

Theo tôi, vị trí Trần Dần là ở những chỗ đó. Nếu như trong sáng tác, ông chọn cho mình và cho thơ các vị trí cực đoan thì đối với độc giả, ông đẩy họ đến những thái cực: yêu ông thì thậm yêu, ghét ông thì thậm ghét.

Sau đây, tôi mạn phép đưa ra vài nhận xét về các bài viết trong chủ đề Trần Dần trên Tiền Vệ hai tháng 5 và 6 năm 2003 và một số bài viết đã đăng trên báo khác trong vòng 6 năm gần đây để chúng ta có dịp thấy sự phong phú, thậm chí hoàn toàn trái ngược nhau, trong những nhận định về nhân vật đặc biệt này của văn chương Việt Nam nửa thế kỉ qua.

 

1. Thậm ghét:

Nguyễn Ly ngay từ bài viết đầu tiên «Trần Dần, giữa giai thoại và văn bản» đã tự phàn nàn là một «độc giả tầm thường» và «không hiểu Trần Dần». Tưởng những «kì vọng» và «thất vọng» của Nguyễn Ly như thế là đã được bày tỏ xong. Không ngờ, ngay sau đó, «độc giả tầm thường» này lại xuất hiện với bài viết thứ hai, dài gấp đôi bài trước, để nhắc lại những «kì vọng» và «thất vọng» của mình. Chưa hết, kết thúc bài viết, Nguyễn Ly còn hứa hẹn: «Về những “Sổ bụi” của Trần Dần, tôi xin khất một dịp khác vì có nhiều “sổ” và nhiều “bụi” quá, cần có thời gian sàng lọc để có thể cống hiến cho bạn đọc những gì thực sự là tinh tuý của ông». Thế là, dù rất muốn góp phần vào «sự im lặng đối với Trần Dần» như lời nhận xét của bản thân lúc ban đầu, Nguyễn Ly cũng phải cất lời, không những một lời mà còn khá nhiều lời. Hơn cả thế, để chứng minh Trần Dần không có một giá trị cách tân nào hết, Nguyễn Ly còn tìm cách thoát ra khỏi trình độ của một «độc giả tầm thường» bằng cách tham khảo từ thơ ca Mỹ La tinh đến Soupault, từ Lettrisme đến «các biến dạng ký tự», từ Kant đến Hiện thực xã hội chủ nghĩa…

Không nghi ngờ gì nữa, người đọc Nguyễn Ly phải ghét cay ghét đắng Trần Dần tới mức thế nào mới không làm chủ nổi bản thân đến như vậy!

Với «Bệnh đại ngôn», Lê Dã Thảo cũng tỏ thái độ «thậm ghét» Trần Dần, có thể sánh ngang thái độ «thậm ghét» của Nguyễn Ly. Đọc những bài viết của hai độc giả tự nhận là «bình thường» và «tầm thường» này, chúng ta sẽ thấy một điều lý thú là cả Nguyễn Ly và Lê Dã Thảo đều «thậm ghét» Trần Dần đến nỗi «thậm ghét» cả những ai khen ngợi ông. Về Trần Dần, cả hai cùng không phân tích một câu thơ nào nhưng nhất trí rằng ông nhàm chán, mệt mỏi, lỏng lẻo, lộn xộn, cạn cợt, vụn vặt, tầm thường, nhiều chất độn, chữ thừa, câu thừa, cũ mèm, méo mó, dị dạng, âm u, tối tăm, bệnh hoạn…. Về những bài viết trong chuyên đề Trần Dần, cả hai đồng thanh những nhận định hằn học và vô cớ: đại ngônlố bịch, đọc sách hơi ít, đọc cũng không vàokhó tiêu hóa được những gì đã đọc, phê bình sống sít, vô bổ, tài cao học rộng mà vẫn không thoát khỏi cái bẫy văn chươngnhận xét đầy cảm tính, tán dương đao to búa lớn, chỉ thuộc lòng vài công thức quen miệng rồi cứ thế nói bừa

Một điều lý thú không kém nữa là thái độ «thậm ghét» của cả Nguyễn Ly và Lê Dã Thảo đều ở mức phi logic: từ chỗ «thậm ghét» Trần Dần đến chỗ «thậm ghét» các tác giả viết về Trần Dần, rồi «thậm ghét» tất cả «các nhà phê bình chuyên nghiệp», và cuối cùng «thậm ghét» toàn bộ nền văn chương Việt Nam, tất cả những người cầm bút Việt Nam! Chúng ta thử nghe Nguyễn Ly và Lê Dã Thảo thóa mạ tất cả những ai không phải là… độc giả «bình thường» và «tầm thường» như họ: «nhà 'phê bình' nào cũng thích khoe chữ, trích dẫn hết ông tây này đến bà đầm nọ», «Nền văn học của chúng ta ốm yếu, èo uột», «văn học Việt Nam vốn đã quá đỗi nghèo nàn», «văn chương xứ ta nó vậy, ngó qua một chút thì hay chứ bỏ công xem kỹ từ đầu đến đuôi thì hơi bị lê thê, nhạt nhẽo!», «Nhưng chẳng cứ Trần Dần hay các cây bút thuộc nhóm Nhân văn-Giai phẩm mà có lẽ cả nền văn chương Việt Nam thiếu cái cốt cách đó!»

Tôi không tin hai độc giả «tầm thường» và «bình thường» này lại kém cỏi đến độ không biết rằng Trần Dần không những chưa bao giờ đại diện cho nền văn chương chính thống mà còn bị hội Nhà văn Việt Nam xoá sổ trong…hơn 3 thập kỉ! Thế là chỉ mỗi thái độ «thậm ghét» mới lý giải nổi sự lú lẫn một cách phi lý đến như vậy của Nguyễn Ly và Lê Dã Thảo! Thậm ghét: ghét đến mù quáng!

 

2. Thậm yêu:

Chưa bao giờ được vinh dự là đề thi tốt nghiệp phổ thông, thi đại học, thi tại chức, thi chuyên khoa hay thi cao học, Trần Dần cũng chưa bao giờ được giữ một trọng trách trong chính quyền đương thời. Ông thậm chí chỉ được tiếp xúc với công chúng vài năm ngắn ngủi trước khi qua đời. Bởi thế, gần năm chục bài viết về Trần Dần của các tác giả ở những lứa tuổi, chuyên môn, hoàn cảnh xã hội và địa lý khác nhau, không thể xuất phát từ mục đích nào khác ngoài thái độ trân trọng đối với con người và tác phẩm của Trần Dần.

Về điều này, bạn đọc có thể kiểm tra lại trong các bài viết của Phạm Thị Hoài, Dương Tường, Phong Lê, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nam Dao, Đặng Tiến, Nguyễn Văn Kí, Đoàn Cầm Thi, Ngô Minh, Nguyễn Trọng Tạo, Như Huy, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Thuận, Đỗ Minh Tuấn, Vĩnh Phương, Thanh Nam, Phạm Xuân Nguyên, Nhất Uyên, Trịnh Bích Thuỷ, Vân Long…

Tôi nhận thấy có một điểm thú vị: nếu những nhận định về Trần Dần của nhiều tác giả trên trái ngược hoàn toàn với thái độ «thậm ghét» của Nguyễn Ly và Lê Dã Thảo, chúng cũng hiếm khi song song với nhau, ngay cả lúc cùng đề cập một tác phẩm của ông. Năm bài viết về tập thơ Mùa sạch là một ví dụ:

Trong lời bạt cho Mùa sạch, Dương Tường nhận định tác phẩm này là kết quả của «một hôn phối kì thú giữa truyền thống và hiện đại». Ông lý giải:

«Với tinh chất ca dao-đồng dao như là vật liệu, tác phẩm được tạo dựng theo cấu trúc của nhạc giao hưởng. Một tổ khúc giao hưởng lấy bốn từ TRONG - SẠCH – SÁNG – MÙA làm chủ đề chính (leitmotiv) được phát triển thành nhiều biến tấu, tạo một nền âm - chữ siêu ngữ nghĩa, thường trực và da diết hay, để dùng một thuật ngữ âm nhạc, một basso ostinato (bè trầm trì tục)…Một độc vận duy nhất chạy suốt hàng chục trang thơ…khơi dậy biết bao nỗi niềm, biết bao xao xuyến, biết bao khao khát…».

Trịnh Bích Thủy* phân tích sự hấp dẫn khác thường của Mùa sạch:

Thơ ông lạ, quá lạ so với sức cảm thụ của lớp trẻ chúng tôi. Dẫu thế ta vẫn cảm giác những con chữ của ông nhẩy nhót, va đập nhau dữ dội tạo nên một thế giới đầy âm thanh và hình khối . Cùng với sức hút của sáng tạo, «Mùa sạch» càng đọc càng trở nên da diết: «Nội thành xuân lập xuân/ Tấp nập nam nữ xuân/ Mưa xuân lợp xợp đường xuân/ Gái xuân bum búp nốt giầy xuân/Hồ bơi xuân thờm thợp thuyền xuân/Ga xuân cập rập tàu xuân/ Vỉa hè xuân ngờm ngợp gió xuân/ Phố phường xuân rờm rợp vai xuân»…Cứ như thế, câu kéo câu, dòng kéo dòng…».

Theo Đoàn Cầm Thi, cách tân lớn nhất của Mùa sạchcách tân chữ. Khảo sát chữ trong «Lịch thu», chị đưa ra nhận xét sắc sảo:

«THU trong thơ thường là cái cớ để nói về tình yêu, nôĩ buồn, kỷ niệm.... Nhưng THU Trần Dần là cuộc phiêu lưu của chữ. "Lịch thu", cũng như các tác phẩm khác của Mùa sạch, là một lời thách đố, bắt đầu từ những con chữ: mùa, sạch, sáng, trong, chiêm, hạt, sao, xuân, trưa, hè, tươi, mậu dịch, thu, đêm, đông.... Chữ bao giờ cũng là điểm xuất phát và cái đích của thơ ông: Trần Dần làm thơ không phải vì nhu cầu tình cảm hay giao tiếp. Ông làm thơ vì chữ (…) Ươm THU, ngâm THU, gieo THU, ghép THU, ông tạo nên những mầm THU lạ. Những con chữ của Trần Dần hay có những số phận bất ngờ. Từ Mùa sạch, THÈM và MÙA sẽ tiếp tục cuộc phiêu lưu mới trong Ô mai của Đặng Đình Hưng. Chữ của Trần Dần bình đẳng: trong thơ ông không có từ mang nhiều chất thơ, từ mang ít chất thơ. Chúng bao giờ cũng mới, cũng hiện đại. Hơn thế nữa, chúng đương đại, với "mậu dịch", "phòng cưới", "xà lan", "tăcxi", "mayô", "yach",... Làm thơ, với ông là lẽ sống, đã đành. Nó còn thể hiện một cách sống: sống với thời đại của mình».

Tìm lại hình ảnh PHỐ trong các tác phẩm của Trần Dần, Thuận cho rằng PHỐ Trần Dần những năm 60 vừa quen vừa lạ. Theo chị:

«Tập thơ Mùa sạch, sáng tác giữa 1964-1965, bắt đầu một chuyển biến lớn về phong cách, rất khó đọc bởi những kết hợp giữa cái cụ thể và cái trừu tượng, cái có nghĩa và cái không có nghĩa, được xuất bản ba mươi hai năm sau, nghĩa là gần một năm sau khi tác giả qua đời, còn làm độc giả bỡ ngỡ vì cách sử dụng từ chưa bao giờ có, vì những tập hợp từ chưa bao giờ thấy».

Riêng tác giả Như Huy dành cho Mùa sạch 2 bài nghiên cứu khác nhau:

- từ góc độ của nghệ thuật khái niệm, Như Huy đưa ra ý kiến độc đáo: «Với một lõi xuyên suốt trong các bài thơ của mình (cái mà ông gọi là hạt nhân-thơ hạt nhân), Trần Dần đã tạo nên vô số biến thể để sử dụng cái lõi ấy như một cái máy sản xuất nghệ thuật (…). Từ một hạt nhân – cả tập thơ của ông đã phát triển thành một lũy thừa tiến của vô số biến thể. Có thể nói rằng, với tác phẩm Mùa sạch Trần Dần đã sử dụng hệ thống module bội số».

- phân tích cấu trúc đặc biệt của Mùa sạch, Như Huy nhận thấy: “Mỗi cấu trúc đoạn thơ của Trần Dần trong bài thơ này chính là một sự copy của cấu trúc trước đó. Trong cấu trúc đó luôn có những thành tố không thay đổi và một thành tố thay đổi – Nhưng thậm chí cái thành tố thay đổi này cũng cũng lại tạo cảm giác không thay đổi theo một chiều khác – chiều của sự liên vần giữa chúngCả bài thơ cũng như tập thơ là một sự cố tình và công khai copy lẫn nhau, copy nhiều chiều giữa các cấu trúc và đơn vị». Theo anh, bằng cách đi ngược lại những qui tắc của chủ nghĩa hiện đại là tính nguyên gốc (originality), tính chính danh (authenticity) và tính độc lập (autonomy), Mùa sạch đã tiến lại gần Hậu hiện đại, trào lưu nghệ thuật quốc tế những năm cuối của thế kỉ 20.

Sáu nhận định không cùng chung một quan điểm, sáu góc độ tiếp cận nghệ thuật khác nhau, vô tình đã cung cấp cho người đọc cái nhìn toàn diện hơn về Mùa Sạch. Tôi không tin rằng một tác phẩm tầm thường lại có thể gây ra nhiều “tranh luận” như vậy. Tôi cũng không tin rằng nếu không “thậm yêu” Mùa sạch, người ta lại có thể đưa ra những nhận xét xác đáng đến thế!

 

3. Kết luận:

Trần Dần đã đi là đi tới cùng”, Dương Tường viết về Trần Dần.

Chia sẻ quan điểm của Dương Tường, tôi cũng xin thêm một chút rằng cái tính quả quyết ấy của Trần Dần lây sang cả những người đọc ông. Không phải vô tình mà các cây bút tham gia Thảo luận đều lần lượt gửi đến mỗi người hai bài. Đối với Trần Dần, người ta dường như không thể có thái độ nửa vời. Không có cách nào khác: hoặc là “thậm ghét» hoặc là «thậm yêu”!

Sau gần hai tháng, với 11 bài nhận định, Trần Dần đang trở thành chủ đề trọng tâm của 13 bài thảo luận khác. Rất nhiều lúc, những người tham gia đã vượt phạm vi văn học trong nước đến với văn học nước ngoài, rồi xé cả rào văn học nói chung để tiến lên bình diện rộng lớn của nghệ thuật hiện đại và đương đại. Nghiên cứu Trần Dần, bắt buộc phải khảo sát cả Alain Robbe-Grillet lẫn Marcel Duchamp, cả Nouveau Roman lẫn Dada, Pop Art, Hậu hiện đại, những trào lưu văn học nghệ thuật quốc tế của thế kỉ 20. Phải chăng, dù ở Mỹ, Tây Âu, hay ở mảnh đất xa xôi như Việt Nam, vấn đề quan trọng nhất của người sáng tác lúc nào cũng là tìm cách chia tay triệt để với quá khứ. Tranh luận về Trần Dần, như thế, trở thành cuộc đụng độ giữa cũ và mới, giữa bảo thủ và cách tân. Tranh luận về Trần Dần, vì lý do đó, sẽ không bao giờ chấm dứt.

Và đó mới chính là thước đo của một tác giả lớn.

 

 

*xem Trịnh Bích Thủy, “Đọc Mùa sạch nghĩ về Người thơ lạ” (Đại đoàn kết, số 39, 14/05/1998)


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021