thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vu vơ về việc viết văn (16): Lập dị và thời thượng

 

Lời tác giả:
 
1. Chữ “việc viết văn” ở đây mang nghĩa khá rộng, tương tự khái niệm “écriture” trong tiếng Pháp và “writing” trong tiếng Anh, chỉ kết quả của động thái viết như một hành vi sử dụng ngôn ngữ nói chung, chứ không hẳn chỉ giới hạn trong phạm vi văn xuôi. Nói cách khác, với tựa đề này, tôi có thể viết linh tinh về đủ mọi thứ, từ thơ đến văn, từ sáng tác đến phê bình và lý thuyết.
 
2. Một số ý trong loạt bài này được lấy lại từ những trang sách cũ tôi đã viết và đã xuất bản. “Lấy” chứ không phải “trích”. Khi “lấy” lại như thế, tôi có thể thêm bớt, sửa chữa, nên có khi chúng khác rất xa hình dạng ban đầu. Chính vì thế, tôi cảm thấy không cần phải ghi xuất xứ. Dù sao thì cũng là của mình mà.
 
3. Tôi biết là không nên nhưng tôi không thể cầm lòng để không thú nhận điều này: tôi rất thích cái tựa chung của loạt bài này. Sáu phụ âm “v” đi liền với nhau khiến đọc lên, nghe cứ nhẹ thênh thênh.
 
Quốc

 

___________________

 

LẬP DỊ VÀ THỜI THƯỢNG

 

Phản đối cái mới, giới bảo thủ thường có những luận điệu giống nhau một cách lạ lùng. Với cái mới trong sáng tác, họ vu: lập dị; với cái mới trong lý thuyết, họ vu: thời thượng.

Lập dị: khác người khác. Thì có gì xấu đâu? Trong văn học và nghệ thuật, đáng lẽ người ta phải nghĩ, ngược lại, giống người khác mới là điều đáng xấu hổ. Ðó là ăn cắp hoặc nhẹ nhàng hơn, bắt chước. Sáng tạo đòi người ta phải tách ra khỏi đám đông, ra khỏi lối mòn, tự tạo nên một phong cách và một bản sắc riêng, càng không giống người khác chừng nào càng tốt chừng ấy. Từ xưa đến nay, nhà sáng tạo thực sự nào cũng là một kẻ thù của đại chúng, kẻ phản-đại chúng. Nói tóm lại: một kẻ lập dị.

Còn thời thượng? Trong lãnh vực ngôn ngữ và tư tưởng, có khái niệm nào không từng là một thời thượng? Những khái niệm như: tự do, độc lập, dân chủ, đa nguyên, nhân quyền, v.v... là những khái niệm đã có từ thời nguyên thuỷ chắc? Cho chúng là “thời thượng”, chúng ta cứ tiếp tục sống cuộc sống nô lệ, bị trói buộc mọi thứ, sẵn sàng chà đạp lên người khác và bị người khác chà đạp lên mình ư?

Cho những khái niệm như “hậu hiện đại”, “hậu thực dân”, “cộng hoà văn học”, “liên văn bản”, “siêu tự sự”, “văn hoá văn chương”, v.v... là những ý niệm thời thượng, chẳng lẽ chúng ta lại cứ ôm mãi cái lý thuyết và các trào lưu cũ kỹ tận thế kỷ 19 hoặc đầu thế kỷ 20? Nhưng bằng cách nào chúng ta có thể tiếp cận với các tư tưởng mới mà không thông qua các khái niệm mới?

Tôi có cảm tưởng những người chê trách những tìm tòi về phương diện lý thuyết là “thời thượng” không những không hiểu gì về lý thuyết mà còn không hiểu cả về ngôn ngữ. Chứ, am hiểu tiếng Việt một chút, chỉ một chút thôi, ai lại chẳng thấy điều này: tiếng Việt của chúng ta còn nghèo nàn lắm, còn thiếu thốn nhiều lắm, còn cần chữ mới nhiều lắm.

 

----------

Đã đăng:

Vu vơ về việc viết văn (1): Xa lộ là tử lộ

Vu vơ về việc viết văn (2): Đổi mới

Vu vơ về việc viết văn (3): Lý thuyết và cẩm nang

Vu vơ về việc viết văn (4): Lý-thuyết-phi-lý-luận

Vu vơ về việc viết văn (5): Lý-luận-phi-lịch-sử

Vu vơ về việc viết văn (6): Lý thuyết và phê bình

Vu vơ về việc viết văn (7): Lý thuyết và khủng hoảng

Vu vơ về việc viết văn (8): Tinh thần phê phán

Vu vơ về việc viết văn (9): Tính hệ thống

Vu vơ về việc viết văn (10): Cái đẹp của lý thuyết

Vu vơ về việc viết văn (11): Viết văn như đánh võ

Vu vơ về việc viết văn (12): Mùi văn

Vu vơ về việc viết văn (13): Tác phẩm như ngân hàng

Vu vơ về việc viết văn (14): Văn bản

Vu vơ về việc viết văn (15): Liên văn bản


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021