thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tuyển tập thơ [II]: SUY NGẪM VỀ NHỮNG ĐỔ NÁT (1994)
(Diễm Châu dịch)
 

Hoàng kim thời đại

 
Một lối ngoặt, như trên một con đường nhưng trong thời gian
khiến người nọ đổi hướng lúc đầu. Đột nhiên
ấy một quang cảnh khác: những ngôi nhà bằng cây,
mỏm trên đen tối của một cây cầu, màu xanh của
đồng ruộng. Ở đó, kẻ kia ngồi xuống một tảng đá; y không biết
mình đang ở đâu; y cũng chẳng nghe thấy tiếng người ta đang gọi y,
từ vùng sâu thẳm, để y quay trở lại.
 
Y biết rằng mình có thể tiến lên,
nếu đôi mắt không gắn vào
hình ảnh đã biết. Hoàn toàn bất động,
một thay đổi khiến cho
những điều xa lạ trở thành nhận thức được
và thân quen. Và như thế, y quay về với sự nghiêm xác
mà các thần linh đã đoạt mất của y
với tiếng kêu ban đầu.
 
Trong lúc đó, có những người khác cũng đang bước tới
trong khung cảnh này, hạ những bức tường
xuống. Họ mang những lưỡi hái, những cái mai, những khuôn mặt
bạc phếch vì những buổi thức đêm; một vài người
cất tiếng cười; và họ hát, khi đất
mở ra thành những ruộng lúa leo lên mãi
những triền cao, đổ xuống những ngọn đồi,
và mất hút ở bình nguyên.
 
Một ngày kia
có lẽ những người ấy sẽ gặp nhau.
 
 

Ngõ cụt

 
Mi đừng lầm lẫn khi mi quay lại, ngoài đường phố, và bước vào
một con đường không lối ra. Từng bước một, như thể
không có ai đã nhìn thấy mi, hãy quay lui và
trở lại góc phố nơi mi đã lộn đường.
 
Có kẻ có lẽ sẽ không làm thế, và tiếp tục đi tới chót
nơi một bức tường gạch che khuất chân trời:
y không nhìn thấy gì hết ở phía bên kia, và cũng chẳng còn biết
làm sao trở lại phía sau và đi tiếp con đường.
 
Cuộc sống, ở những thành phố với những ngõ cụt không sao tiên liệu được này,
có thể đem tới những điều bất ngờ kiểu đó cho những kẻ
không biết mình đi đâu; và buộc ta phải dừng lại
mà không rõ có gì ở bên kia bức tường.
 
 

Mùa xuân

 
Mùa xuân này, mưa rơi như thể
ấy một mùa xuân luân-đôn, ẩm ướt và mềm,
chứ không phải mùa xuân ở miền nam, hiền hòa và êm,
với những mây cùng gió, nhưng lúc nào cũng có ánh sáng và nắng
 
Lũ mèo không rời khỏi mép lề cửa sổ, ở phía sau
những tấm kính, nhìn những giọt nước lăn bên ngoài,
như thể chúng mong mỏi chấm dứt cảnh yên ổn
trong nhà, lúc nào cũng nóng nảy muốn bước ra.
 
Tuy nhiên, những đám mây dài đã vươn rộng trên trời;
đôi khi, một tiếng sấm làm gián đoạn suy tưởng.
Màu xám lan tràn như một tấm màn dầy,
được nỗi chán chường xô đẩy gió hỗ trợ.
 
Và như thế, buổi sáng, tôi cũng chẳng buồn mở cửa sổ,
ánh ngày âm u quá, cả ngoài kia lẫn trong đây;
và duy có tâm trí tôi, do nọa tính, là phù hợp với thời tiết
nếu có ai hỏi tôi làm cách nào vào trung tâm thành phố?
 
 

Nhà trường

 
Nghĩa là gì dòng sông,
hòn đá, những vành môi của trái đất
đang thì thầm, lúc bình minh,
sự thức dậy của hơi thở?
 
Nghĩa là gì khoảng rộng
của những bến bờ, màu sắc của
những chiếc lá đang mờ dần
trong bùn của một vũng nước?
 
Những cành cây vàng ánh vào
mùa khô, những giọt
nước ở đầu những
sợi tóc, những lũy thành dây leo?
 
Đường nét trau chuốt các sự vật
với sự chính xác trừu tượng
của những ngón tay; vạch ra ý nghĩa
mà ký ức không lưu giữ;
 
và một dòng thơ và ngôn từ
ca hát, dưới cuối sân
nơi dàn đồng ca của những cây non mà
gió lẫn với lũ trẻ.
 
Bí quyết của mọi sự ở
trong sự hàm hồ của tuổi tác, dưới
vòm âm u của tháng ngày,
nơi khuôn mặt mù lòa của những đám mây.
 
 

Thượng đế

 
Ban đêm, trong hành lang có một điểm
đôi khi lóe lên như một con
đom đóm. Tôi cúi xuống để bắt lấy nó
— và bóng tối xóa nhòa đi. Lúc đó,
tôi chỗi dậy: đã chẳng còn bận tâm
đến chuyện tìm hiểu ánh mờ kia là gì, hoặc
nó là phản ánh của điều chi.
Tuy nhiên, ở đó, vẫn dai dẳng
một nỗi âu lo áy náy; và thực lâu sau,
không hiểu rõ nguyên cớ thật sự,
tôi trở lại hành lang, tìm kiếm làn ánh sáng
không còn nữa.
 
 

Thú nhận

 
Bởi tôi thuộc về cả hai phía,
ánh sáng và bóng tối,
vàng và bụi,
tôi thường nghe người ta yêu cầu mình chọn lựa;
từ bỏ sự băn khoăn,
nỗi đau đớn,
khối nặng của tôi-không-rõ mối âu lo nào đó.
 
Nhưng tôi mang trong mình tất cả
những gì tôi không thừa nhận. Tôi cảm thấy
dính sát vào lưng tôi
một mảnh đêm rách nát;
và tôi không biết làm sao quay về
phía trước, nơi buổi sáng
chỗi dậy.
 
 

Lại bắt đầu

 
Họ bước tới chầm chậm qua thế giới,
đôi mắt gắn liền vào phía bên kia của sự vật
nơi mặt trời chẳng bao giờ đậu lại
— một làn ánh sáng có thể tái mét
như khuôn mặt phủ bằng tấm khăn liệm thời xưa.
 
Nơi xa thẳm, mỏm đất doi ra biển đón sương mù
và chim hải âu, lũ chim không còn biết
ẩn trú nơi đâu hay làm sao lẩn trốn
— khi, nhìn lên cao,
đáy và chóp đỉnh hòa làm một.
 
Như thế đó, chẳng có gì khác biệt, trên thực tế,
với những gì tăm tối ở cõi đời này:
và chính đêm cũng ngụ nơi làn ánh sáng
— trong đó tôi không còn thấy cả mặt trời, lẫn biển,
hoặc ánh mắt em dưới những làn mi bị xoi mòn.
 
 

Clearly Campos*

(trích lời)
 
Chỉ một lần
ái tình ngưng câu nói;
chỉ một lần
dòng sông đã tràn bờ;
chỉ một lần
các vì tinh tú đã tắt;
chỉ một lần
tôi đã nghe im lặng của những ngọn gió.
 
Sự tình cờ
không kết hợp với những sự trùng hợp
mà phân giải chúng
trong một trao đổi những ánh mắt
mà những người tình đã tưởng
là vĩnh cửu.
 
Và tôi bước xuống trang giấy này
tới mãi tận đầu phố
— hoài công.
 
Tiệm thuốc lá,
chiều nay, đã đóng cửa
chỉ một lần
 
— lần chót.
 
---------------------------
* «Rõ ràng là Campos ». Alvaro de Campos, tác giả bài “Tabacaria” (Tiệm thuốc lá) thời danh, một «dị danh» của Fernando Pessoa. Xin xem Tiền Vệ. (người dịch).
 
 

Những thói quen

 
Trong bao thế hệ, họ đã tin ở chuyện Đấng Cứu thế sẽ tới; rồi họ đã thôi tin tưởng khi biết rằng Đấng Cứu thế đã tới.
 
Trong bao thế hệ, họ đã cầu đảo để trời làm mưa; rồi họ đã thôi cầu đảo khi mưa bắt đầu rơi.
 
Trong bao thế hệ, họ đã van xin sét đừng giáng xuống nhà họ; rồi họ đã thôi van xin khi người ta sáng chế ra cột thu lôi.
 
Trong bao thế hệ điều này và điều kia, và điều này và điều kia đã xẩy đến hay không là tùy theo điều này và điều kia.
 
Duy có, trong bao thế hệ, một mình Bạch-Tuyết vẫn trắng như tuyết; con gái của Cô bé quàng khăn đỏ không bao giờ quàng khăn xanh hay hồng; và Người đẹp ngủ trong rừng không thức dậy để thuật lại những giấc mơ mà nàng đã có hay không có.
 
 

Bài thơ

 
Em hãy đi: như thể em cần phải được quên đi,
để lại sau em một hình ảnh mờ tối. Em đừng
mang theo mình những lời chúng ta đã trao đổi,
như những lá thư, vào lúc khởi hành; nhưng
em đừng quên làn ánh sáng ban chiều mà mắt em
đã cho ẩn náu. Đôi lúc, tôi sẽ nhớ
đến em. Ấy cũng thể, khi tôi quay lại, em vẫn
còn chờ tôi, không một nụ cười, để nói với tôi
rằng thời gian giải quyết mọi sự. Tôi không lắng nghe em; và,
khi lại gần đôi cánh tay em, tôi thấy em
biến mất. Sau này, tôi nghĩ, chuyện đó sẽ dự
phần vào một bài thơ; nhưng em vẫn thiết tha. Tình yêu
kêu gọi chúng ta, từ bên trong cuộc đời; buộc chúng ta phải
khước từ sự bất động của hồn thiêng; phải hy-
sinh thân xác cho một thèm khát của ký ức.
 
 

Công viên

 
Phải: những căn nhà có đèn rọi
để lọt ra ngoài công viên một làn ánh sáng lờ mờ
phản ánh trên những chiếc lá của một vài thứ cây,
nói rõ ra là những cây trắc bá, những cây cam và một cây bạch dương
còn sống sót sau kỳ hạn hán. Tôi biết có một vài thứ
trong những thứ cây đó đã đâm cành tới mãi tận những cánh cửa;
và ở bên trong, ta nghe mùi những trái cam,
vào mùa thu, khi chúng rụng chín nẫu và
mục rữa nơi những khoảnh đất trồng hoa. Ngày trước, có một người lùn
chăm sóc khu vườn. Ta có thể tự nhủ rằng ông vẫn còn
qua lại chốn này, hôm nay, lúc ban đêm, khi cô quạnh
trở nên rõ rệt hơn. Tôi còn nhớ người lùn ấy
mà người ta thường lẫn với một cái cây con khi
chiều xuống, vào mùa đông, và ông ta ở yên
dưới rặng cây, lắng nghe tiếng vọng của chim chóc
đang bỏ trốn về rừng núi. Chầm chậm, tôi đẩy cánh cửa
âm u của ngôi nhà nơi không còn ai ở; và mùi
gỗ ẩm đem lại cho tôi hình ảnh những chùm rễ
bao bọc lấy tôi bằng những vần trong suốt của chúng.
 
 

Tạm dừng

 
Tôi tìm kiếm trung tâm của những thị trấn nhỏ; những công viên
với bể nuớc, nhà thờ, quán rượu; những chòi báo nơi
chỉ có những tờ báo hôm trước. Tôi ganh với
những du khách đang ngồi trên khoảng sân rộng thăm dò
bản đồ, như thể họ đang nghiên cứu cách tốt nhất
để bỏ trốn về các thủ phủ. Tôi hỏi đâu là
đồng quê; và tôi đưa mắt rõi theo hướng
người ta chỉ cho tôi: những ngôi nhà, những đường phố co lại
phía lối ra, những bức tường của những phức hợp kỹ nghệ, những kho lúa,
những lũy thành cũ kỹ của những tu viện đổ nát. Tôi
quay gót để ở lại. Tôi không muốn ra khỏi
nơi đây, và tôi ngồi vào bàn mà các du khách vừa rời bỏ
để lại lên xe và tiếp tục
cuộc hành trình của họ. Tôi gọi một chén cà-phê. Và trên chiếc bàn ngoài hàng hiên này,
không báo chí, cũng chẳng có bản đồ, nhưng với bể nước
và ngôi nhà thờ trước mặt, tôi vẫn không biết đâu là
đồng quê, hoặc làm sao ra khỏi những thị trấn nhỏ.
 
 

Hòn đảo của Ovide

 
Ở đây, gió và mưa
nói cùng biển. Tôi lắng tai nghe chúng,
mà chẳng thấy những gì
chúng nói. Nhưng ở chốn xa
nơi những tia chớp
không soi tỏ
chân trời, tiếng anh vẫn chuyện trò
cùng bóng tối, như vào ngày
anh tới.
 
 

Orphée ở địa ngục

(dị bản)
 
Trong một nhà kho ở cảng, giữa những kiện hàng
và những dây ròng rọc không còn dùng nữa; ở một chỗ đã đi qua
những người phu quét đường, bỏ lại rác rến bên
những cống rãnh; hay lại nữa trên chiếc ghế dài nơi gió lật dở
tờ báo hôm trước vào trang tiểu sử những người mới mất, chúng ta đã bàn cãi,
đã chuyện vã, và có lẽ em đã lôi cuốn tôi tới chỗ có
một thái độ quá ư trí thức — tới những cuộc chuyện trò
«trừu tượng », không có lấy một làn hơi nào của «sự sống» lướt qua. Ấy
chính vì thế mà em đã chẳng lấy làm quan trọng câu nói «anh yêu em» mà tôi đã luồn vào
giữa những lời tham chiếu và bình luận
về văn chương và chính trị. «Rốt cuộc, những chốn này
thật trống rỗng, như thể thành phố đã được di tản;
và mọi người, như chúng ta, trôi nổi — như các vì thiên sứ —
trong một khung cảnh vô thời gian.» Em chỗi dậy để tới bên khung cửa sổ,
nơi đây ta có thể thấy dòng sông và, trên những ngọn đồi, những đám mây
đen tối, phù hợp với những lời dự báo. «Thời tiết lúc này không ổn định;
nhưng ô dù đối với em dường như cũng vô ích », em bảo tôi, thay lời
vĩnh biệt. Tôi đã băng qua con đường, và cảm thấy ánh mắt em,
trong một khoảng thời gian, tha thiết muốn tôi dừng bước
và nhìn lại phía sau, về hướng em.
 
 

Những màu sắc

 
Có một bức tường trắng trong mỗi mùa hè mà tôi trích ra
từ ký ức. Tôi thích viết về nó: và nó tự xé toang,
như thể là một tờ giấy. Vào mùa thu, bức tường này
trở thành âm u. Vào mùa đông, rêu phủ lên nó một tuồng chữ
không sao hiểu được. Tôi biết nó ở đâu, khi tôi cần
tựa lưng vào bóng nó. Một lớp bụi vôi bám
vào những ngón tay tôi. Tôi ưa nhìn màu trắng của làn da,
dưới mặt trời nồng cháy, và so sánh nó với màu trắng
của bức tường. Nhưng thế giới không phải lúc nào cũng thu lại thành một món
đồ đơn giản đến thế; và các vấn đề của thế giới không biến đi
chỉ dưới một lớp mực. Cái thực không
bao giờ trắng, như bức tường này: nó đen tối lại với mùa thu,
phủ đầy rêu vào mùa đông, và không ai tìm kiếm nó,
vào mùa hè, khi ánh tà huy thấm đượm nó bằng màu đỏ.
 
 

Bài thơ

 
Mũi nhọn chiếc com-pa,
ghi tâm điểm vô hình,
không ca hát như cái mỏ nhọn
của con chim đang
bận hót. Thế
tuy nhiên, chiếc com-pa xoay
như thể có đôi cánh khiến nó
động đậy; và nó vẽ trên mặt giấy,
cái vòng tròn, mà ở trên không
con chim đang gợi ra.
 
 

Tiếng kêu

 
Đôi khi, đêm tối chất chứa một tiếng kêu
trong im lặng mà không một ai đoán biết.
 
Đêm buông xuống khi ta nghe một tiếng kêu
từ đáy một hang sâu lặng lẽ.
 
Cái tốt và cái xấu cùng sống giữa lòng
đêm tối nơi có ai đó đã kêu.
 
Nhưng ta không rõ tiếng kêu đó có hiện hữu
hay ấy chính là đêm tối đã bày đặt ra.
 
 

Đá

 
Đá được viết chung quanh
cái tên. Một băng ghế đá dùng
làm chỗ ngồi cho kẻ viết đá,
cùng với cái tên này. Những vành môi
không ném đá khi nói:
đá. Và đá cũng không lăn lăn
trong miệng, như ngôn từ.
 
 

Bài thơ tự nhiên

 
Chưa phải là đêm. Ấy là mùa đông. Tuy nhiên
các biên giới giũa đêm tối và mùa đông ở
vào giữa trưa, khi trời mưa
đôi lúc, và khi những dòng sông chen lấn nhau
để leo lên bờ.
 
Cũng chưa phải là ngày. Tuy vậy, ấy là
mùa xuân, mà không ai biết rõ ngày chấm dứt ở đâu
và đêm bắt đầu ở đâu, trong cái thời khắc
mà không ai biết thời khắc này, cũng chẳng biết phải chăng
một chiếc đồng hồ có thể chỉ
thời khắc.
 
Người ta không nghe thấy gì hết, giữa đêm tối
và mùa đông, giữa ngày và
mùa xuân. Người ta không nhìn thấy gì hết
trên mặt gương đồng hồ nơi thời gian
có lẽ đã phải bỏ chạy
 
trước khi cuộc đời
phá tán nó.
 
 

Ái tình

 
Một bài thơ, em bảo, nơi
ái tình tự diễn tả,
tóm lại tất cả bằng chữ.
 
Nhưng sẽ còn lại gì
nơi chữ nghĩa
của những gì ta đã sống?
 
Một chút bụi âm lời,
nhịp điệu nghèo nàn của
văn phạm, những hợp vận với không gì hết...
 
 

Hơi thở của lưu đày

 
Tôi nhìn bức chân dung của một nhà thơ mà lưu đày
đã tôn xưng. Ovide? Dante? Camões? Một người khác
mà danh hiệu tôi không nhớ? Không cần phải chần chừ
lâu để phân cho mỗi người một định mệnh riêng; và
có một bến bờ để đón nhận tiếng oán than
không còn cầm được trên trang giấy.
 
Ban đêm, khi từ ngữ bước xuống
dễ dàng hơn với đầu óc không tìm kiếm chúng, những người này
ngồi xuống bên tôi — hay bóng họ, mà
tôi chạm tới lúc bật lửa châm điếu thuốc
và dẫu vậy vẫn không sao đốt được
— ngọn lửa này tắt vì cơn gió đến từ hư không,
nếu ta hiểu hư không chỉ là sự vắng mặt thế thôi. Ở đây,
ở một nơi không có gì làm nổi bật, chỉ được
đánh dấu bằng một hy vọng mơ hồ vào mùa đông
chậm tới.
 
Cả tiếng nói vang vọng, ngắn ngủi, trong im lặng của đường phố,
lẫn một tiếng gọi tôi nghe thấy từ đáy thẳm người tôi,
nơi hành lang của cuộc đời mà tôi đã bắt đầu thấy đầu mút này,
cũng không làm tôi xao lãng những đề tài mà các người đề nghị với tôi: một bài tập
như chiết tính những đợt sóng đập vào kè bến không ký ức
về những con tầu xưa; giấc ngủ đơn độc của kẻ đã quên danh tính
các thần linh khi giao du với những người chết; hướng đi nọ
khiến xa rời thế giới con người chỉ có thơ
trong mình. Tại sao không trở lại với ánh sáng ban ngày,
gần gụi với lũ chim đang chờ đợi
những con tầu đầu tiên kéo lưới?
 
Ấy là vì không có một ai ở phía bên kia. Những chiếc bóng
biến đi khi ánh mắt khăng khăng bám vào ánh sáng; và cả đến
những lời oán than cũng hòa lẫn với tiếng của thủy triều.
 
 

Những bóng ma

 
Vào một thời của những ngôi nhà khép cửa, khi
hơi nóng từ bầu trời thấp tỏa xuống và đẩy
những cánh cửa sổ với tiếng động
khô khan của những tiếng nổ vô hình, tiếng
em đều đều trùng với một
sự đột ngột đổi thay của bộ máy đồng hồ:
những bánh xe nhảy ra khỏi trục, những chiếc kim
cào lên mặt gương, và con lắc
xoay trong hộp. Tuy nhiên,
kẻ nằm ngủ cách tất cả những chuyện đó hai bước
không tưởng tượng được rằng cơn ác mộng đã trở thành
sự thật. Mộng mị có sự chắc chắn vững bền
của cuộc sống; và tiếng nói mà ta nghe thấy tuân theo
một thứ lý sự không cho phép tỉnh dậy — ngay cả
khi có kẻ gõ cửa, thật khẩn khoản thiết tha,
như thể ngôi nhà hãy còn có người ở.
 
 

Một bài kinh cầu hồn Đức

 
Trong khu đậu xe ở baden-baden, buổi chiều muộn,
chỉ có ánh sáng nhân tạo nhấp nháy
chỉ lối ra về phía công viên: những cửa tiệm bán đồ cổ,
những đồng hồ mắc tiền, những lối đi trong khu vườn đã được chuẩn bị 
cho mưa mùa xuân. Xa hơn đôi chút, khu nhà tắm công cộng
vẫn giữ những màu tối
phản ánh những màu xanh sậm, tự nhiên
của hàng cây lớn, bình thường.
 
«Tôi ưa ánh sáng đèn điện hơn », cô
nhân viên bán những ly nước cho bệnh nhân bảo. Nhưng,
thực ra, ở đây người ta chữa trị những thứ bệnh gì? Bước ra khỏi giải trí trường
liệu có đủ để chúng ta tìm thấy được một luồng gió mới trong không khí,
một cái lạnh lành mạnh hơn nơi những bông tuyết đầu ban đêm? Chắc chắn là
tôi đang bước trên những di tích của người La-mã, trên
     những lòng đường
lộn ngược của một vĩnh cửu đã hoàn thành; và tôi cảm thấy đôi chân tôi
đang bấu lấy lớp bùn quá khứ này... như thể là mặt gương
đồng hồ sáng rỡ không cho tôi hay ấy chính những giây phút
mới đáng kể, vào thời khắc này, giữa sự sụp đổ lặng lẽ
của những giây leo trường xuân và lớp sương mờ của những trụ đèn.
Dưới kia, tuy vậy, những động cơ phát nổ; những
cánh cửa tự động mở để khách bước ra
cuộc sống bên ngoài; một tiếng nhạc yếu dần biến đổi
tiếng vọng của những không gian vô hình thành tiếng động quen thuộc của sự tiếp xúc giữa
con người. Tôi không biết có thể đặt ở nơi nào trên bàn cờ
cái cục tròn đang lớn dần lên trên bao tử này, cùng với nỗi lo âu
về vẻ đẹp của những mặt tiền thơ mộng và những khách sạn trống rỗng. Có điều gì đó
luôn luôn trở lại, với sự chính xác của một luống
cày: cái nỗi chết nọ tới đậu trong đầu óc chúng ta,
như một thứ côn trùng không đúng thời vào mùa này, hay
cánh tay mờ ám của một kẻ đồng hành bất hảo nhất.
 
 

Ca thi

 
Họ ăn vận đất những kẻ không biết
hát. Mu mắt họ, đen như một bầu trời không trăng sao,
che giấu những giấc mơ mà không một ai có thể
tưởng tượng. Đôi khi, thân xác xoay trở,
tựa những loài thú chỉ tìm được sự nghỉ ngơi
nơi vực sâu.
 
Những cánh tay họ vươn lên qua rễ tới thân hình
phủ trùm mùa thu. Có lẽ em cũng chẳng hay tính chất của
những trái cây đã từng chống trả với gió,
và mặt trời đã làm thối rữa trên những cành đã khô này. Ở kề bên,
em có thể nghe thấy họ thì thầm, trong một thứ ngôn ngữ không thể nào dự đoán,
một chuỗi kinh cầu nơi đồng ruộng.
 
Những khuôn mặt họ tan biến trong những giấc ngủ
đã xưa này; và cả đến ký ức của những vành môi
cũng không còn lần lữa trên tảng đá che phủ họ. Bàn tay
thần thánh nào đã đập vỡ nó? Hay những ngón tay mưa nào
đã xóa đi những tính danh mà mới đây thôi tôi đã tưởng
còn nghe?
 
Em hãy ngồi lại gần tôi, trên tảng đá núi
đang kêu cầu họ này. Chính vào lúc cuối ngày, trong cảng, khi mặt trời
không còn tỏa sáng, là lúc ngọn triều xuống để lộ họ,
giữa đám rong rêu và con cá chết.
 
 

Thường nhật

 
Kẻ băng qua khoảnh sân, buổi sáng,
với cơn gió mát quất trên mặt,
không biết ánh sáng từ đâu tới
nếu cơn lạnh, làm đau mu mắt y,
đã xoay khuôn mặt y xuống mặt đất;
y cũng chẳng nghe thấy tiếng thì thầm mà những đám mây
trao đổi cùng nhau, khi mải miết bay mà không
biết hướng về đâu: phải chăng là về
cái đáy xa xăm kia nơi mọi sự đều mất hút, như
những chiếc lá mùa thu rồi,
hay là về đôi mắt em mà,
ngập ngụa trong vũng bùn đêm tối để lại,
mắt tôi đang tìm kiếm.
 
 

Thời gian rảnh rỗi

 
Một buổi chiều chủ nhật, ở Công viên Trung ương hay
một buổi chiều chủ nhật, ở Hyde Park, hay
một buổi chiều chủ nhật, ở vườn Luxembourg, hay
một buổi chiều chủ nhật, ở bất cứ công viên nào
rất có thể là công viên Edouard VII,
em nằm trong cỏ thân hình cuộn lại
như một chiếc thìa trong một cái khăn-
ăn. Buổi chiều chùi miệng với
tấm khăn hoa nọ, là chiếc áo chủ nhật
của em, và để em lõa lồ dưới mặt trời lạnh lẽo
của mùa đông nơi một thành phố rất có thể là
Nữu-ước, Luân-đôn, Pa-ri hay bất cứ một thành phố nào khác
như Lisboa. Cây cối quay đi,
chứa chấp lũ chim vui đùa nhờ mặt trời
buổi xế trưa này có đó vì lầm lộn. Và em,
với những ngón tay vướng mắc trong đám cỏ ẩm ướt, em thấy
xống áo em bay, như một chiếc khăn ăn,
giữa những đám mây trắng của một buổi chiều
mùa đông.
 
 

Biện chứng pháp

 
Chẳng quan trọng gì sự im lặng
hoặc những làn ánh sáng hấp hối trong một màn sương mù bắc Âu,
hoặc cái kè bến này nhô ra ở bên trong tâm hồn,
hoặc tiếng vỗ cánh mà không có gì hết ở chung quanh,
hoặc những đám mây trôi qua mà trời không mưa,
hoặc một vị thần,
hoặc vết rỉ sét trên những ngón tay,
hoặc sự trong suốt của nước;
điều quan trọng là
sự lao xao của những tiếng nói giữa làn khói,
mặt trời tỏa chiếu vào mùa đông,
những đợt sóng đập vào dìa những thành núi đá dựng ở bờ biển
một đường bay rõ nét và tinh khiết,
thời gian,
sự xoi mòn các bến bờ,
cơn cuồng nộ của các dòng sông lớn vào mùa xuân.
 
Và, trong lúc này, là tiếng cười em
u sầu
khi đêm tối khởi sự.
 
 

Phương thức chế màu xanh*

 
Nếu ngươi muốn chế màu xanh,
hãy lấy một mẩu trời và đặt vào một cái nồi lớn,
mà ngươi có thể mang tới ngọn lửa của chân trời;
rồi trộn lẫn nó với một chút màu đỏ
của buổi bình minh, cho đến khi nó tan ra;
đổ tất cả vào một chậu lớn có quai thật sạch,
để những bợn nhơ của buổi chiều không còn gì hết.
Sau rốt, hãy rây một chút vàng của cát
buổi trưa, cho đến khi màu sắc bám vào đáy chậu kim khí.
Nếu ngươi muốn, để cho màu sắc không phôi pha
cùng với thời gian, hãy liệng vào chất lỏng một hột đào xạm cháy.
Ngươi sẽ thấy nó tan ra, không để lại một dấu vết nhỏ bé nhất như thể
ngươi chưa hề bỏ nó vô; và màu đen của tro sẽ không để lại cả đến chút thổ hoàng
trên bề mặt vàng ánh. Lúc đó, ngươi có thể đưa màu sắc lên ngang
con mắt, và so sánh nó với màu xanh đích thực.
Hai màu ấy ngươi sẽ thấy như nhau,
mà không thể phân biệt được màu nào với màu nào.
Đó, cách thức ta đã làm — ta, Abraham ben Juda Ibn Haϊm,
kẻ tô màu ở Loulé — và cách ta đã để lại phương thức cho kẻ nào muốn,
một ngày kia, bắt chước trời.
 
--------------------------
* Theo bản Pháp văn của Michelle Giudicelli. (người dịch)
 
 

Nghịch lý

 
Những khung cửa sổ gãy
không có kính. Tôi ném đá vào chúng
và tiếng thủy tinh vỡ
đến từ động tác của tôi, chứ không phải
từ những tấm kính vỡ
trên những khung cửa sổ không có kính. Nhưng
nếu tôi không ném đá, nếu tôi vẫn
bỏ tay sau lưng
và hòn đá nắm trong tay,
thời cánh cửa bắt đầu đập
như thể là có gió
và buộc tôi phải có động tác
ném đá
để cho những tấm kính vỡ
trong những khung cửa sổ không có kính.
 
 

Trật tự thế giới

 
Buổi sáng, tôi hái rau cỏ trong vườn. Đất
hãy còn tươi mát, ló ra với những chùm rễ, và hòa lẫn
với sương mù lúc tinh mơ. Lúc ấy thế giới
đảo ngược: trời, mà tôi không thấy, ở
dưới đất; và những chùm rễ đưa lên
theo một hướng vô hình. Tuy nhiên,
réo gọi tôi từ trong nhà là một mùi
cà-phê: như thể có ai đó bảo tôi
thức dậy, một lần thứ nhì nữa,
để cho những chùm rễ mọc dưới
lòng đất và sương mù, tan biến, để lộ màu xanh.
 
 

Thứ năm

 
Mi hãy vào thành phố, biết những gì đang chờ mi. Những nhành cây
đã héo trên mặt đất khô cằn;
và lớp rễ không cắm xuống lòng đất
mà nằm ngang tầm mắt, đi bám
vào ngọn nguồn những hình ảnh, vấy dơ vẻ trong sáng của chúng,
nhiễm độc làn nước của tâm trí.
 
Tại sao mi băng ngang những đường phố
mi đã biết rõ, nghe những từ
mi đã biết rõ, mà không đáp trả, như thể
mi phải vâng theo một thứ lễ nghi
phải tuân thủ nghiêm ngặt? Đôi khi, thiên hạ xô đẩy mi;
và mi chấp nhận người ta phân xử mi, lại một lần nữa,
tuân phục.
 
Tuy vậy, mi vẫn cần người ta chỉ bảo cho mi
con đường tăm tối. Mi không đem theo những tấm bản đồ
rực sáng, những ngón tay mi không chỉ
nam bắc đông tây, và những đường chỉ tay
cũng không định rõ một lối ra
tối hậu. Mi đi giữa những kẻ, cũng vậy, không biết
gì hết; và những điệu bộ của mi hòa lẫn với
những ngập ngừng của họ.
 
Mi là một kẻ trong bọn họ,
và nụ cười mi mờ đi ở đầu mỗi đường phố.
 
 

Trước đêm tối

 
Tôi đã đi theo con đường của những ngọn đồi trên đó,
bị lũ chó khuấy nhiễu, những đàn thú tụ tập.
Ở mút cùng, mặt hồ lưu giữ màu xanh hãy còn mờ đục
của mùa đông; và không phản ánh những chỏm cao
giá buốt, một cánh hải âu bay lượn như
bao quát vũ trụ, những con thuyền xếp thành hàng
tựa vào bến. Tất cả xuất hiện trong sự bố trí
thật hoàn hảo; không có gì trùng lẫn hay pha trộn, như những sắc màu
hay bùn của mùa xuân. Tôi biết có những gì
trên con đường tôi đi; và cũng biết tương ứng với điều chi
những dấu hiệu dưới lòng thung lũng; dải khói
thoát ra từ một ngôi nhà, một tiếng động kim khí
trong rừng cây, những chiếc bóng biến đi
cùng với buổi chiều. Tôi chỉ không hay biết những gì có
sau đó — ở bên kia những dấu chỉ và những hình ảnh,
ở nơi màn sương mù buông xuống. Và
tôi đã dừng bước. Có những lúc nên trở lại
phía sau; chẳng nên nhìn dẫu rằng có tiếng
gọi chúng ta; và nên rảo bước, một đôi khi,
để đêm tối không xuống trước
khi ta đã tìm lại được lối mòn thân thuộc,
những ngôi nhà đầu tiên trong làng, và
mùi củi cháy
trong những vườn cây ăn trái của ký ức.
 
 

Thường nhật

 
Chả bao giờ những điều đơn giản nhất lại xuất hiện
khi chúng ta trông đợi chúng. Cái gì đơn giản nhất,
như ái tình, hay nụ cười hiển nhiên hơn cả, không
tìm được trong dòng đời có thể dự đoán. Tuy nhiên, nếu
chúng ta quên đi niên lịch, hay nếu sự tình cờ của những bước chân
xô đẩy chúng ta ra khỏi con đường quen thuộc,
thời mọi sự lại khác. Chẳng có gì trong những điều người ta hy vọng
thay đổi được những gì chúng ta vẫn là, trừ ra điều này:
một ánh mắt nhìn nghiêng; hay bàn tay kia lần lữa
trên vai anh, xui nên sự xáp lại gần của
những vành môi.
 
 

Sầu muộn

 
Khuôn mặt mất hút giữa những khuôn mặt khác
không phải của y. Đó là của kẻ không biết mình là ai; của
một chiếc bóng ở lại đằng sau ánh sáng. Sự
khác biệt giữa một khuôn mặt này với một khuôn mặt khác, đôi khi,
chả là gì hết; và duy có cái gì còn lại của một ánh mắt,
mà hoàn cảnh ta đã quên, mới có thể khiến cho
những con mắt này nhớ lại những con mắt khác, hoặc
một màu sắc bất ngờ, trong một buổi chiều mưa, cuốn lên
những đám mây của tâm trí, mùa đông của tâm hồn,
và đem lại vận hành hư ảo của một làn ánh sáng
mùa xuân, cũng vắn vỏi như những lời nói
yêu đương, cũng vắn vỏi như tình ái.
 
 

Tĩnh vật

 
Những bọt không khí trong thủy tinh của chiếc bình
lẫn với những bọt không khí trong lớp nước
không được ai thay; và dường như
những thân non chạm tới đáy thủy tinh
sắp phóng ra những chiếc rễ, như thể chúng
xuyên qua được đáy, xuống mãi tới mặt bàn, mà gỗ màu
đất. Trên cao, tuy vậy, những đóa hoa
vẫn còn sống động; như thể phút lâm chung của chiếc bình
chẳng quan hệ gì tới vẻ đẹp bọt bèo của
bình bông.
 
 

Quay cối xay

 
Dĩ nhiên là tôi chỉ cần
so sánh sự im lặng của trời
với tiếng động của đất.
 
Dĩ nhiên là không một tiếng động nào
của những sự vật hiển hiện lại tương ứng
với chuyển động của tinh tú hoặc
của các vì thiên sứ.
 
Nhưng các tinh cầu mà quỹ đạo
xê dịch về vòm cúa trong miệng
nghiến rít, gần như rên xiết.
 
Chúng nhắc tôi nhớ tới một thân xác trong vòng ôm siết
từ đó, rốt cuộc ta trở lại, như lúa mì
phóng dưới vòng bánh của máy xay:
 
và là nơi tôi nhận ra hơi ấm của những bàn tay,
tiếng thì thầm của gió trong tai,
sự co giật của ái tình trong mỏi mệt của đá.
 
 

Suy ngẫm về những đổ nát

 
Y đã lên bờ để bước vào một gian phòng không có ghế cũng chẳng có những đồ thiếp vàng:
toàn đồ gỗ cũ, những chiếc bình đầy hoa bằng chất dẻo, những khung cửa sổ
với kính vỡ trông ra xa lộ. Không có gió,
cũng chẳng có biển: chỉ có tiếng xe cộ lọt vào qua những khe hở
để vang dội trên trần nhà (với những tấm lách thấy rõ giữa những mẩu
hồ giả cẩm thạch). Kế đó, ngoài đường phố, y đã bám vào những lan can mục nát
của những hàng hiên xưa. Giữa đám cây con tràn ngập tất cả,
người ta thấy một cảnh trí có lẽ đã thật xứng với
một bức tranh thơ mộng. Thung lũng, đầy nhà cửa, và
những ngọn đồi bừa bãi sắt vụn, che lấp một dĩ vãng
của những đàn thú và mục tử. Nhưng có lẽ người ta cũng chẳng bao giờ nghe thấy ở đây
những tiếng sáo véo von. Thực ra, ngôi nhà này cũng chỉ
bảo tồn những im lặng xưa mà thông lệ đã biến thành những vết
màu nâu trong ký ức. Lúc này, những vết ấy lẫn với màu những vách tường
và chỉ còn chứa chấp hang ổ của những loài bò sát, mà người ta mơ hồ đoán biết,
mùa đông, đưọc che đậy trước mắt mọi người. Thế nhưng có ai đó đã bước qua đây,
ít thôi; và một đống lửa hãy còn bốc khói, trong lúc
mặt trời nhô ra từ phương đông, nơi những sắc màu lạnh lẽo
của bình minh không tan biến, và nơi không một con chim nào chào đón
buổi đầu ngày.
 
 

Dị bản về mùa xuân

 
Như mỗi lần những vành hoa mở (đóa hoa,
tuy vậy, vẫn không để lộ),
trọn một đám mây biến mất: lúc ấy một điều
huyền bí kéo dài nơi hết thảy những gì chúng ta nói;
hoặc, nếu chúng ta không nói, nó để cho ta
dự đoán, cho tới khi giữa ngày
và đêm những vành môi mỏi mệt vì
lặp lại.
 
Tuy nhiên, ấy không phải một điều luyến tiếc
của những kẻ sát nhân, hành khất, những
tiếng kêu bồn chồn khổ sở trong cảnh cô quạnh
sương mù bao phủ. Cái gì lang thang ở
không gian này, ấy là một điều gì đó mơ hồ
như tình ái. Thế nhưng, ấy là một thứ ái tình mà
người ta không hít thở; nó cắm trong cổ họng
như một cái xương cá; và gây thương tích
cho những ngón tay toan giựt ra.
 
Cái gì lập lờ trôi nổi, như một thứ ngập ngừng do dự của những nhị hoa,
ấy là những suy tưởng mà chúng ta trao đổi. Không ai trong chúng ta
biết những suy tưởng ấy dùng làm gì; và, nếu em đáp lại tôi, tôi cũng không rõ
tôi sẽ phải nói với em điều chi, nếu không phải những gì
giờ phút cuối cùng của mất ngủ đã dạy tôi: một tiếng hí
của con ngựa bị thương nơi những động mạch.
 
Tôi băng qua cây cầu
lơ lửng đeo trên vọng cầu thân xác em;
và tôi bước ra một công viên không cảm xúc, với
những luống đất mà cỏ dại đã tràn ngập, nơi duy
một cội cây bị bão đốn hạ
ngăn tôi bước tới.
 
 
---------------
Đã đăng:
---------------------------
Ghi chú của người dịch:
NUNO JÚDICE sinh ngày 29. 04. 1949 tại Mexilhoeira Grande (Algarve), học ngữ ngôn học «la-tinh» ở Lisboa, tốt nghiệp năm 1974, là một trong những nhà thơ sung mãn nhất của Bồ-đào-nha hiện nay.
 
Ông là nhà phê bình văn nghệ (1969-1972) thuộc bộ biên tập tạp chí O Tempo e o Mondo, đặc biệt quan tâm tới trường phái Hiện đại Bồ-đào-nha, hợp tác vào việc in lại các tạp chí của trường phái này như: Orpheu, Athena, Contemporânea,...
 
Từ 1985-1991, ông sống tại Berne, Thụy-sĩ cùng với vợ và ba người con. Trở lại Lisboa với cấp bằng tiến sĩ về văn chương tỉ giảo (1989), ông trở thành giáo sư tại Đại học mới của Lisboa nơi ông hiện dạy học.
 
Tác phẩm của ông gồm thơ, truyện, kịch và tùy bút. Riêng các thi phẩm (1972-1996), đã lên tới 15 cuốn, nhận được nhiều giải thưởng văn chương ở Bồ; và nhiều tập đã được dịch ở Pháp, Tây-ban-nha và Ý... Từ 1996, ông thành lập và điều khiển tạp chí thơ Tabacaria, do Casa Fernando Pessoa xuất bản ở Lisboa. Ông còn là tùy viên văn hóa tại sứ quán Bồ-đào-nha ở Paris.
 
Trong cuốn Văn chương Bồ-đào-nha do Georges Le Gentil và Robert Bréchon biên soạn [La littérature portugaise (Editions Chandeigne, Paris, 1995), Bréchon đã ghi nhận ảnh hưởng thơ lãng mạn Đức (Hölderlin) cũng như của tư tưỏng tiền-Socrate và thánh kinh đối với Nuno Júdice. So sánh với các nhà thơ Pháp, Bréchon đặt thơ của Nuno Júdice ở giữa «tiếng hát Orphée» của Pierre Emmanuel và sự «suy ngẫm về bản thể» của Yves Bonnefoy. Theo Bréchon, thơ Nuno Júdice diễn tả «sự vỡ mộng hay sự tỉnh ngộ»... «Những ẩn dụ của ông không phải là những món trang sức mà là một ngôn ngữ thứ nhì (...) Thứ thi ca này, để nói sự sống và sự chết, sự hiện diện và sự vắng mặt, thèm muốn và quên lãng, ngày và đêm, đất và trời, vô tận và hạn giới, nghĩa là tất cả những gì là đối tượng của suy tư triết học hay thần học, rốt cuộc chỉ nói về chính thơ.» Nuno Júdice đã theo «con đường của Orphée, con đường lao sâu vào miền bóng tối»...
 
Tuyển tập này, gồm 84 bài trích từ hai thi phẩm chính yếu của Nuno Júdice: Um Canto na Espessura do Tempo (1992) và Meditação sobre Ruínas (1994), dịch theo bản Pháp văn của Michel Chandeigne (Nuno Júdice, Un chant dans l'épaisseur du temps (Poésie / Gallimard, Paris, 1996). Kính mời bạn đọc xem thêm trích đoạn bài nhận định của Nuno Júdice về «Ngôn ngữ thơ» (1994) đăng song song trên Tiền Vệ.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021