thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TẨU KHÚC CỦA CÁI CHẾT [tuyển tập thơ]
 
Bản dịch Diễm Châu
 
 
PAUL CELAN
(1920-1970)
 
Lời người dịch:
 
PAUL CELAN (Paul Antschel) sinh ngày 23.11.1920 tại Czernowitz, ở Bucovine, tỉnh lỵ cũ của đế quốc Áo-Hung, thuộc quyền cai trị của Ru-ma-ni vào thời kỳ Đệ nhất Thế chiến. Cha mẹ ông gốc người Do-thái, nói tiếng Đức. Sau tú tài, ông khởi sự học thuốc ở Tours, Pháp, rồi vào tháng 7.1939 trở lại Czernowitz học ngôn ngữ. Năm 1941, thành phố này bị Đức quốc xã chiếm đóng. Cha mẹ ông bị bắt giữ trong trại tập trung. Ông trốn thoát nhưng sau đó lại bị bắt nhốt vào trại lao động, phải đi đập đá... Mẹ ông bị Đức quốc xã bắn chết (không phải 'cái chết màu hoa cà'), cha ông cũng chết trong trại tù Đức quốc xã và chính ông cũng là một kẻ sống sót từ trại tù Đức quốc xã. Chiến tranh chấm dứt, Czernowitz thuộc quyền của Liên-xô. Celan làm việc trong một nhà xuất bản ở Bucarest (1945-47) như một người phiên dịch. Năm 1947, ông di cư qua Vienne, nơi đây năm 1948, ông cho xuất bản tập Der Sand aus den Urnen, tập thơ đầu tiên của ông, dưới bút hiệu Paul Celan. (Tập thơ này sau đó bị thu hồi theo yêu cầu của tác giả, vì có quá nhiều lỗi ấn loát!) Kế đó, Celan rời Vienne để tới cư ngụ tại Paris, nơi ông tiếp tục học ngôn ngữ và văn chương, rồi trở thành giảng viên tiếng Đức tại Ecole Normale Supérieure đường Ulm... Sau một chuyến thăm Israel vào tháng 10.1969 Celan trở lại Paris; rồi tự trầm trên sông Seine vào cuối tháng 4.1970. Chín thi phẩm của Paul Celan được xuất bản đều đặn ở Đức trước và sau khi ông mất. Sinh thời, Celan vẫn cho rằng “thơ không còn áp đặt, thơ giãi bày”; yếu tính của thơ ông vẫn là “đối thoại”, “tìm tới người khác”... Gần đây, thư từ giữa Paul Celan và nữ sĩ Nelly Sachs được công bố, còn cho thấy một con người dứt khoát trong chọn lựa, không thỏa hiệp... Các bài thơ dịch trích từ tất cả các thi phẩm của Paul Celan đã xuất bản từ 1952 tới 1976, một phần dựa theo các bản Pháp, Anh của John E. Jackson, Martine Broda, Valérie Briet, Philippe Lacoue-Labarthe, Michael Hamburger, Katharine Washburn và Margret Guillemin,... “Phản quang” dịch theo bản Pháp văn của Martine Broda trong Contre-jour: Etudes sur Paul Celan (Paris: Cerf, 1986). Bạn đọc có thể xem thêm sách của các dịch giả đã dẫn để có thêm nhiều lý giải rất uyên áo về các hình ảnh hoặc cách dùng các... đại từ trong thơ Paul Celan... (DC.,1999).
 
Một vài cuốn sách khác về cuộc đời và tác phẩm của Paul Celan:
Laurent Cohen, Paul Celan (Paris: Jean Michel Place, 2000); John Felstiner, Paul Celan: Poet, Survivor, Jew ([Yale Nota Bene book] New Haven: Yale University, 2001); Jean Bollack, Poésie contre Poésie (Paris: PUF, 2001) và L’Écrit: une poétique dans l’oeuvre de Celan (Paris: PUF, 2003); Andréa Lauterwein, Paul Celan (Paris: Belin, 2005). Cuốn sau cùng khá giản dị.
 
Liên tiếp trong nhiều kỳ trên Tiền Vệ, tôi đã cố gắng trình bày cùng bạn đọc một số thơ của Paul Celan. Nói cố gắng là vì, đối với tôi, Celan là một nhà thơ cực kỳ quan trọng, nhưng hiểu thơ ông cũng là một chuyện cực kỳ khó, gần như ta đụng phải một thứ “cá (nhân) ngữ” đặc biệt, nhất là về phần sau của đời ông. “Đưa ra tòa” một Thượng đế cố nhiên không phải là một chuyện dễ. Chính tác giả cũng ý thức vấn đề (của thơ sau… những Auschwitz), nên đã “khuyên” ta đọc đi đọc lại mãi. Dù sao thì bổn phận của tôi cũng vẫn là tìm hiểu ông, những người như ông...
 
Sau đây là phần còn lại của những gì tôi đã dịch của Celan. Nếu bạn sắp xếp các bài theo thứ tự của Mục lục ở cuối phần trích thơ này, bạn sẽ có một tuyển tập thơ Paul Celan mà tôi tạm gọi là Tẩu khúc của cái chết. Tôi rất hy vọng và mong mỏi bạn sẽ có đôi chút thì giờ nghiền ngẫm...
 
Diễm Châu, 2006
 
____________
 
 
TẨU KHÚC CỦA CÁI CHẾT
 
 
(...) “Bài thơ với tư cách là một hình thức xuất hiện của ngôn ngữ, và bởi đó tự yếu tính là đối thoại, bài thơ có thể là một cái chai ném xuống biển, bỏ mặc cho hy vọng — cố nhiên là thường khi thật mong manh — rằng một ngày kia mình sẽ có thể được đón nhận trên một bãi biển nào đó, có lẽ trên bãi biển của trái tim. Các bài thơ, cũng theo nghĩa đó, đều đang trên đường: chúng lên đường hướng tới một điều gì đó.” (...)
PAUL CELAN
(Diễn từ ở Bremen, 1958)
 
 
BAN ĐÊM thân xác em nâu cơn sốt thánh thiêng:
miệng tôi lay động trên đôi má em những ngọn đuốc.
Chớ đu đưa kẻ chúng đã chẳng hề cất tiếng ru.
Bàn tay đầy những tuyết, tôi đã tìm đến với em,
 
và do dự, khi đôi mắt em xanh trở lại
trong vòng thời khắc. (Mặt trăng lúc ấy đã tròn hơn.)
Vùi trong tiếng nức nở nơi những căn lều trống rỗng là phép mầu,
hũ mộng mơ băng giá — rồi sao?
 
Hãy nghĩ tới: một chiếc lá xạm đen treo cành hương mộc —
dấu hiệu đẹp xinh cho máu của chén ấy.
 
*
 
NHỮNG NĂM TỪ EM TỚI TÔI
 
Một lần nữa tóc em gợn sóng khi tôi khóc. Bằng màu xanh của mắt em
em dọn bàn tình yêu của chúng ta: một chiếc giường giữa mùa Hè và Thu.
Chúng ta uống, thức gì ai đó chế, không phải tôi, hoặc em, hay một người thứ ba:
chúng ta liếm láp một chút gì trống không và chót hết.
 
Chúng ta nhìn nhau trong những tấm gương của biển sâu và chuyền thức ăn cho nhau mau hơn:
đêm là đêm, đêm bắt đầu bằng buổi sáng,
đêm đặt tôi bên em.
 
*
 
NƠI MÀU XANH còn tìm con mắt của mình, tôi uống đầu tiên.
Nơi những dấu chân em tôi uống và tôi thấy:
em lăn qua những ngón tay tôi, ngọc ơi, và lớn lên!
Em lớn như tất cả, những người bị quên lãng.
Em lăn: hạt mưa đá màu đen của muộn phiền
rơi xuống tấm khăn bạc trắng những dấu hiệu biệt ly.
 
*
 
TÔI có một mình, tôi cắm đóa hoa tro
vào chiếc ly đầy đen tối đã chín, Hỡi cửa miệng thân yêu,
mi nói một từ, từ ấy vẫn sống còn trước những khung cửa sổ,
và lặng lẽ leo lên, những gì ta đã mơ, leo lên mãi tận ta.
 
Tôi để tang phút giờ héo úa
và để dành chút nhựa cho một con chim muộn màng:
nó mang bông tuyết trên lớp lông đỏ như sự sống;
hạt đá băng trên mỏ, nó băng qua mùa hè.
 
*
 
THẾ NÊN em hãy ngủ, và mắt tôi sẽ mở rộng.
Mưa đã trút đầy hũ, chúng ta đã dốc cạn.
Đêm khiến mọc lên một trái tim, và trái tim, một cọng nhỏ —
Nhưng đã quá trễ cho lưỡi hái của em, hỡi cô thợ gặt.
 
Thế là trắng như tuyết, hỡi gió đêm, tóc mi!
Trắng những gì ta còn lại và trắng, những gì ta mất!
Nàng đếm những giờ, và ta ta đếm những năm.
Chúng ta đã uống mưa. Mưa chúng ta đã uống.
 
*
 
 
CON BỒ CÂU trắng nhất cất cánh bay: tôi có quyền yêu em!
Ở khung cửa sổ nhẹ nhõm lung linh cánh cửa nhẹ nhõm.
Cội cây yên tịnh bước vào căn buồng yên tịnh.
Em thật gần, như em chẳng phải ngụ tại đây.
 
Từ trên tay tôi em cầm lấy đóa hoa lớn:
nó không trắng, không đỏ, không xanh — nhưng em vẫn cầm lấy.
Ở nơi nó chưa từng có, nó sẽ ở lại mãi mãi.
Chúng ta chưa từng có đó, nên chúng ta ở lại bên nó.
 
 
 
BẠN ĐỒNG HÀNH
 
Hồn của mẹ mi phất phơ phía trước.
Hồn của mẹ mi giúp mi đi vòng quanh đêm, hết tảng đá ngầm này đến tảng đá ngầm khác.
Hồn của mẹ mi quất roi lên bầy cá mập trước mặt mi.
 
Từ này là kẻ được mẹ mi đón nhận chăm sóc.*
Kẻ được mẹ mi đón nhận chăm sóc chia sẻ chỗ nằm của mi, hết tảng đá này đến tảng đá khác.
Kẻ được mẹ mi đón nhận chăm sóc cúi mình bên vụn ánh sáng.
 
--------------
* «kẻ được mẹ mi đón nhận chăm sóc» dịch từ «deiner Mutter Mündel». Chữ «Mündel» còn có nghĩa là «con ngươi», do đó Jean-Luc Nancy đã dịch khóm chữ này là «la pupille de ta mère» (con ngươi của mẹ mi). (ND.)
 
 
 
ĐÔI MẮT:
lóng lánh cơn mưa đang tuôn tràn như suối,
khi Thượng đế truyền tôi uống.
 
Đôi mắt:
vàng mà đêm đã đếm trong tay tôi,
khi tôi bứt cỏ dại
và khai phá bóng tối của những dòng Kinh.
 
Đôi mắt:
buổi chiều lan tràn ánh sáng trên tôi, khi tôi mở tung cánh cửa
và khi tê cóng vì đá băng ở hai bên thái dương tôi
đã lao mau qua những thôn xóm của vĩnh cửu.
 
*
 
TỪ TRÁI TIM và đầu óc
nẩy sinh những bông lúa của đêm tối,
và một từ, thốt ra từ những lưỡi liềm,
nghiêng chúng xuống cuộc đời.
 
Câm nín như chúng
chúng ta nổi trôi về thế giới:
ánh mắt chúng ta,
trao đổi, để được ủi an,
mò mẫm tới,
phất vẫy chúng ta là những dấu hiệu thâm u.
 
Không nhìn
con mắt em lúc này im lặng trong con mắt tôi,
lang thang
tôi nâng trái tim em lên môi tôi,
em nâng trái tim tôi lên môi em:
những gì lúc này chúng ta uống
thoa dịu cơn khát của những giờ;
những gì lúc này chúng ta là,
khắc giờ đưa cho thời gian uống.
Chúng ta có vừa khẩu vị nó?
Không một tiếng động và không một làn ánh sáng
len vào giữa chúng ta, để trả lời.
 
Ôi những bông lúa, các ngươi những bông lúa.
Các ngươi những bông lúa của đêm tối.
 
 
 
CẢNH
 
Này các ngươi hàng bạch dương cao vòi vọi — những con người của trái đất này!
Này các ngươi những mảnh ao đen của hạnh phúc — các ngươi in bóng họ tới chết!
 
Tôi đã thấy em, hỡi người em gái, đứng trong ánh ngời ấy.
 
 
 
IM LẶNG!
 
Im lặng! Tôi cắm chiếc gai vào tim em,
bởi bông hồng, bông hồng
đứng cùng những chiếc bóng trong gương, nó chảy máu!
Nó đã chảy máu từ thời chúng ta hòa lẫn cái có và cái không,
khi chúng ta uống từng ngụm nhỏ,
bởi một chiếc ly, phóng từ trên bàn, đã ngân vang:
nó loan báo một đêm, một đêm đã tối lại lâu hơn là chúng ta.
 
Chúng ta đã uống với đôi môi thèm khát:
ấy vị mật đắng,
nhưng vẫn sủi bọt như rượu — 
Tôi theo rõi tia sáng của đôi mắt em,
và chiếc lưỡi bập bẹ với chúng ta những điều dịu ngọt...
(Nó bập bẹ như thế đó, nó vẫn còn bập bẹ như thế mãi.)
 
Im lặng! Chiếc gai đã cắm sâu hơn vào tim em:
nó liên kết với bông hồng.
 
 
 
TÔI ĐÃ NGHE NÓI
 
Tôi đã nghe nói, trong nước
có một tảng đá và một vòng tròn
và trên nước một từ,
đặt vòng tròn quanh tảng đá.
 
Tôi đã thấy cây bạch dương của tôi bước xuống nước,
tôi đã thấy cánh tay của nó bấu lấy vùng sâu thẳm ra sao,
tôi đã thấy những chiếc rễ của nó hướng tới trời khẩn cầu đêm tối,
 
Tôi không theo đuổi nó,
tôi chỉ lượm lên mảnh vụn này,
mảnh vụn có hình thù của mắt em và vẻ cao quý,
tôi đã gỡ tràng chuỗi những phán quyết ra khỏi cổ em
và đem viền quanh chiếc bàn, nơi có mảnh vụn.
 
Và không còn thấy cây bạch dương của tôi nữa.
 
 
 
ÁNH SÁNG
 
Thân hình lặng lẽ
em nằm trên cát bên cạnh tôi,
Sao ở bên trên.
 
.   .   .   .   .   .   .   .   .   .   .   .
 
Phải chăng một tia sáng
rọi mãi tới tận tôi?
Hay ấy chính phán quyết chung thẩm,
mà người ta lên án chúng ta,
đã rọi sáng như thế?
 
 
 
TỪ BÓNG TỐI TỚI BÓNG TỐI
 
Em mở mắt ra — tôi nhìn thấy bóng tối của mình sống.
Tôi nhìn thấy nó tận đáy:
ở đó nữa cũng là vùng tăm tối của tôi và vùng bóng ấy sống.
 
Nó đang băng ngang? Và nó thức giấc?
Ánh sáng của ai bám gót tôi,
khiến một kẻ chèo đò xuất hiện?
 
 
 
BÃI BIỂN BRETAGNE
 
Tụ tập lại, những gì chúng ta đã thấy,
để giã từ em và tôi:
biển, kẻ đã phóng cho chúng ta những đêm trên trái đất,
cát, đã cùng với chúng ta bay qua chúng,
vùng thạch thảo đỏ màu rỉ sét ở trên cao,
nơi thế giới đã tới với chúng ta.
 
 
 
NGƯỜI KHÁCH
 
Thật lâu trước chiều muộn
dừng lại nhà mi, kẻ đã trao đổi lời chào cùng bóng tối.
Thật lâu trước rạng ngày
y thức dậy
và nhen một giấc ngủ trước khi lên đường,
một giấc ngủ, khua động tiếng những bước chân:
mi nghe thấy y đo đạc những khoảng xa
và phóng hồn mi vào đấy.
 
 
 
KẺ ĐÃ ĐẾM GIỜ CHO CHÚNG TA
 
Kẻ đã đếm giờ cho chúng ta,
kẻ đó vẫn đếm.
Y có thể đếm gì, nhỉ?
Y đếm, đếm.
 
Trời sẽ không mát hơn,
cũng chẳng đêm hơn,
chẳng ẩm ướt hơn.
 
Duy có cái gì đã giúp chúng ta nghe ngóng:
lúc này nó nghe ngóng
cho một mình nó.
 
 
 
VỚI MỘT CHIẾC CHÌA THAY ĐỔI
 
Với một chiếc chìa thay đổi
mi mở cửa ngôi nhà trong đó
tuyết của những gì câm nín trôi giạt.
Tùy theo dòng máu, dòng máu vọt ra
từ con mắt cửa miệng hay lỗ tai mi
chiếc chìa khóa của mi thay đổi.
 
Chìa khóa của mi thay đổi thời thay đổi ngôn từ,
ngôn từ tự do trôi giạt với những bông tuyết.
Tùy theo cơn gió, cơn gió xô đẩy mi,
tuyết sẽ tụ lại quanh ngôn từ.
 
 
 
CON MẮT THỜI GIAN
 
Đây là con mắt của thời gian:
nó nhìn xéo
dưới một bộ lông mày bảy màu.
Mu mắt nó được rửa bằng những ngọn lửa,
nước mắt nó là hơi nóng.
 
Ngôi sao mù lòa bay lại nó
và tan chảy nơi hàng mi nóng nhất:
trời ấm lại trên thế giới,
và những người chết
nẩy mầm và nở hoa.
 
 
 
CHÚNG TA THẤY MI
 
Chúng ta thấy mi, hỡi trời, chúng ta thấy mi.
Hết vết phỏng lại vết phỏng
mi khiến mọc lên,
hết ung nhọt lại ung nhọt.
Mi gia tăng vĩnh cửu như thế đó.
 
Chúng ta thấy mi, hỡi đất, chúng ta thấy mi.
Hết hồn thiêng lại hồn thiêng
mi lìa bỏ,
hết chiếc bóng lại chiếc bóng.
Những đám cháy của thời gian hít thở như thế đó.
 
 
 
TIN CẨN
 
Sẽ có một con mắt nữa,
một con mắt lạ xa, bên cạnh
con mắt chúng ta: câm nín
dưới làn mu mắt đá.
 
Hãy tới, đào những hang hầm của các ngươi!
 
Sẽ có một đường mi,
lận vào trong đá tảng,
tôi thành thép bằng những gì không khóc,
mũi ren tinh tế nhất.
 
Trước mặt các ngươi nó đang thi công,
như thể, vì có đá, mà còn anh em.
 
 
 
DƯỚI MỘT BỨC TRANH
 
Sóng lúa in nghiêng một bầy quạ.
Màu xanh của bầu trời nào? Dưới thấp? Trên cao?
Mũi tên muộn màng, từ tâm hồn đã phóng ra.
Tiếng rít mạnh hơn. Lò lửa gần hơn. Cả hai thế giới.
 
*
 
TỪ NGỮ ĐI-TỚI-CHỖ-THÂM-SÂU,
từ ngữ mà chúng tôi đã đọc.
Từ những năm, những chữ ấy.
Chúng tôi vẫn hoài như thế.
 
Người biết, không gian là vô cùng tận,
người biết, người không cần phải bay,
người biết, những gì ghi trong mắt người
đào sâu cho chúng tôi chiều sâu.
 
*
 
ĐỨNG trong bóng
của vết sẹo trên không.
 
Đứng-không-vì-ai-và-gì-hết.
Không hay biết,
đối với
mình ngươi.
 
Với hết thảy, ở trong đều có chỗ,
dẫu không
ngôn ngữ.
 
*
 
MI ĐÃ LÀ cái chết của ta:
mi ta có thể nắm giữ được,
trong lúc hết thảy lìa bỏ ta.
 
*
 
SƯƠNG. Và tôi đã nằm với em, em, giữa đống rác,
một vành trăng nhão nhoẹt
phóng tới chúng ta những câu trả lời,
 
chúng ta đã vụn vỡ rã rời
và lại vụn vỡ thành một:
 
đức Chúa bẻ bánh,
bánh bẻ đức Chúa.
 
*
 
CÓ ĐIỀU GÌ ĐÓ NHƯ ĐÊM TỐI,
châm biếm hơn là
hôm qua, hơn là ngày mai;
 
điều gì đó tựa như
lời chào hỏi của người đàn bà bán cá
ngang qua quầy hàng –
thảm hại;
 
điều gì đó cuốn lại
trong những nắm tay trẻ thơ;
 
điều gì đó từ chất liệu
không-gì-hết của tôi.
 
*
 
NHƯ-HẠNH NHÂN, em kẻ chỉ nói nửa chừng,
vẫn còn run rẩy từ mầm hạt,
em
tôi đã để đợi chờ,
em.
 
Và tôi
vẫn chưa
khuyết mắt,
vẫn chưa phủ gai trong chòm sao
của bài ca, bắt đầu bằng:
Hachnissini. *
 
------------
* Hachnissini: «Hãy để tôi vào» (tiếng Hy-bá). Bài này nằm trong ba xấp thơ để lại, in sau khi Paul Celan mất. Phải chăng đây là nỗi niềm của một người ao ước hòa nhập trở lại cùng số phần của dân tộc mình? (ND.)
 
 
 
Phản quang *
 
      Trái tim vẫn ẩn khuất trong bóng tối và cứng, tựa tảng đá biến kim loại thành vàng.
 
      Ấy là mùa Xuân, và cây cối bay về phía chim chóc của chúng.
 
      Biết bao lần chiếc bình vỡ tới với nước, khiến rốt cuộc tát cạn nước.
 
      Người ta hoài công nói tới công lý bao lâu chiến thuyền mạnh mẽ nhất chưa tan vỡ trên vầng trán của một kẻ chết đuối.
 
      Bốn mùa, và không có mùa thứ năm, để giải quyết dứt khoát phần thắng lợi cho một trong các mùa ấy.
 
      Tình yêu của chàng đối với nàng quá lớn khiến nàng hẳn đã có thể cợi nắp áo quan – nếu như đóa hoa nàng đã đặt bên trên không quá nặng.
 
      Sự ôm siết của họ kéo dài quá lâu khiến ái tình lấy làm thất vọng về họ.
 
      Ngày Phán xét đã tới, và để thử nghiệm sự ô nhục lớn nhất cây thập tự đã được đóng đinh lên người Christ.
 
      Hãy chôn vùi đóa hoa và đặt con người nằm trong nấm mộ này.
 
      Giờ thoát khỏi đồng hồ, tới trước mặt đồng hồ và truyền cho nó đi đúng.
 
      Khi viên tướng đặt thủ cấp máu còn nhỏ giọt của kẻ phiến loạn dưới chân đấng quân vương của mình thời vị này nổi trận lôi đình. Quát: “Mi đã cả gan đem mùi máu làm ô uế chốn ngai vàng”, và viên tướng bắt đầu run. Lúc ấy, miệng kẻ chiến bại mở ra và thuật lại câu chuyện hoa lilas (đinh hương).
      “Quá muộn”, các quan đại thần nghĩ.
      Về sau, một nhà chép niên sử đã xác nhận ý kiến này.
 
      Khi người ta tháo kẻ bị treo cổ từ giảo đài xuống, đôi mắt y chưa chết. Lý hình vội vã khép mắt y lại. Nhưng những kẻ dự khán đã nhận thấy, họ hạ mắt cúi đầu xuống vì hổ thẹn.
      Vậy mà vào đúng phút ấy, giảo hình đài lại tự cho mình là một cái cây, và bởi không có ai mở mắt nên không thể xác định được phải chăng nó đã  không trở thành cái cây ấy thực sự.
 
      Y đặt lên cái cân những đức hạnh và thói hư, lầm lỗi và sự vô tội, những tính tốt và tật xấu, là vì y muốn được xác nhận chắc chắn, trước khi có một phán đoán về mình. Nhưng các đĩa cân được chất lên như thế đã dừng lại ở ngang nhau.
      Bởi y muốn có một lời giải đáp bằng mọi giá, y nhắm mắt lại, rồi đi vòng quanh cái cân rất nhiều lần, khi thì theo hướng này, khi thì theo hướng kia, mãi cho tới khi không còn biết y đã đặt thứ này hay thứ kia trên đĩa cân nào nữa. Kế đó y đặt đại lên một trong hai đĩa cân quyết định có một phán đoán về mình.
      Khi y mở mắt ra lại, một trong hai đĩa cân dường như đã hạ xuống, nhưng y không còn biết được ấy là đĩa cân nào: đĩa cân của lỗi lầm hay đĩa cân của vô tội. Y lấy làm giận dữ, và không chịu nhìn thấy ở đấy một phán đoán, y tự lên án mình, dẫu không thể ngừng cảm thấy rằng y có lẽ đã nhầm.
 
      Ngươi chớ lầm lẫn về chuyện ấy: không phải ngọn đèn sau chót này tỏa sáng nhiều hơn đâu – chính bóng tối khắp chung quanh tự nó đã bị hư hại.
 
      “Hết thảy trôi qua”: ngay cả điều mặc tưởng này, và nó lại chẳng đưa hết thảy tới chỗ bất động ư?
 
      Nàng xoay lưng lại tấm gương, là vì nàng ghét cái tính đỏm đáng của tấm gương.
 
      Ông ta giảng dạy các luật về trọng lực, chồng chất các bằng chứng, và dẫu vậy chỉ gặp những người điếc. Bởi thế ông ta phóng mình lên không trung và giảng dạy các luật ấy trong khi bay – lúc này họ tin ông, nhưng không một ai ngạc nhiên vì không thấy ông trở lại.
 
---------------
* “Gegenlicht”. Những câu «cách ngôn» hơi lạ tai này của Paul Celan đã được đăng trên tờ Die Tat, một tờ báo ở Zurich, vào năm 1949. (ND.)
 
 
Mục lục:
 
TẨU KHÚC CỦA CÁI CHẾT
 
trích từ Mohn und Gedächtnis, 1952:
         Ban đêm thân xác em
         Bàn tay đầy những giờ (đã đăng trên Tiền Vệ: đđ TV)
         Hỡi cây liễu rung (đđ TV)
         Những năm từ em tới tôi
         Ca ngợi chốn xa (đđ TV)
         Tẩu khúc của cái chết (đđ TV)
         Nơi màu xanh
         Kẻ giật trái tim mình (đđ TV)
         Pha lê (đđ TV)
         Tôi có một mình
         Thế nên em hãy ngủ
         Con bồ câu trắng nhất
         Bạn đồng hành
         Đôi mắt
         Từ trái tim và đầu óc
         Cảnh
         Im lặng
 
trích từ Von Schwelle zu Schvelle, 1955:
         Tôi đã nghe nói
         Ánh sáng
         Từ bóng tối tới bóng tối
         Bãi biển Bretagne
         Người khách
         Kẻ đã đếm giờ cho chúng ta
         Với một chiếc chìa thay đổi
         Con mắt thời gian
         In memoriam Paul Eluard (đđ TV)
         Chúng ta thấy mi
         Cả mi nữa, hãy nói (đđ TV)
 
trích từ Sprachgitter, 1959:
         Tin cẩn
         Dưới một bức tranh
         Hoa (đđ TV)
 
trích từ Die Niemandsrose, 1963:
         Trong họ có đất (đđ TV)
         Từ ngữ đi-tới-chỗ-thâm-sâu
         Thánh thi (đđ TV)
         Tübingen, tháng giêng (đđ TV)
         Buổi chiều với xiếc và thành trì (đđ TV)
 
trích từ Atemwende, 1967:
         Đứng
 
trích từ Fadensonnen, 1968:
         Mi đã là
         Sương
 
trích từ Lichtzwang, 1970:
         Cho một người anh em ở Á châu (đđ TV)
 
trích từ Schneepart, 1971:
         Có điều gì đó như đêm tối
         Tôi nghe nói, lưỡi rìu đã nở hoa (đđ TV)
         Một chiếc lá (đđ TV)
 
trích từ Zeitgehöft, 1976:
         Như-hạnh nhân
         Nào (đđ TV)
 
Phản quang, 1949.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021