thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thời tiết trái mùa

Hắn sến ơi là sến. Chàng có thể nói như vậy mà không sợ người khác bắt bẻ, hoạch hoẹ vì sao. Bởi từ cách ăn mặc, cách đùa giỡn, cho đến mấy bản nhạc hắn vẫn thường hay hát với hai cô y tá và anh chàng y công đồng hương mà chàng đã nghe, đã thấy nhiều lần trong các giờ nghỉ giải lao, giờ cơm trưa ở căng tin bịnh viện, đều toát ra vẻ... cải lương. Sáng sáng, chàng hay gặp hắn đi lên từ bãi đậu xe, cứ hễ thấy hắn diện quần tây màu đen, thì hẳn trên mình phải là áo sơ mi trắng có viền vàng chạy quanh cổ, hoặc chiếc áo khác, cũng cùng tông đen, nhưng chắc chắn sẽ thêu thùa đủ hình rồng phượng. Hôm nào hắn trướng cái quần trắng, cá trăm ăn một, dứt khoát cái áo sẽ hoa lá cành tếch ni co lo muôn vẻ, muôn màu. Hoặc khi hắn "chơi" quần jeans ôm cứng lấy cặp đùi không mấy thon thả, mang giày bốt kiểu cao bồi, không cách chi tránh được, hắn sẽ thắt một sợi dây đen lòng thòng trên cổ áo thay cho cà vạt. Những bận như vậy, hắn thường bắt chàng phải nghĩ đến chỉ còn thiếu cái mũ bẻ cong, cây súng ngắn vắt bên hông nữa là trọn bộ anh hùng viễn tây. Và có một bộ cánh khác, mà chàng sợ phải thấy hắn mặc nhất, là chiếc quần da đen bóng lưỡng, bó sát lấy người, thêm cái áo lụa rộng thùng thình ở bên trên.

Hắn sến. Hẳn nhiên rồi. Nhưng điều ngắc ngứ trong trí chàng, khiến chàng khó chịu là sự đỏm dáng của hắn. Hay nói đúng hơn, dùng từ ngữ chính xác hơn, cái vẻ đĩ thoả hiện ra lồ lộ trong bộ vó hắn đã làm chàng dẫu không muốn, vẫn cứ phải nghĩ ngợi tới những điều cố tránh. Lẽ ra, với lối ăn mặc như bá tước thời La Mã còn xưng hùng xưng bá, hay như các công tử Petersburg của Leon Tolstoi, hoặc như những anh hùng thời Reagan đi đóng phim, thì ít nhiều cái cốt cách quê mùa của hắn phải được lột bớt đi mới phải. Đằng này, chẳng bao giờ chàng dám nhìn hắn lâu. Chàng sợ phải... rùng mình vì sự kệch cỡm không che dấu được sẽ đập vào mắt mình. Chàng hay liên tưởng đến điệu bộ của một con cóc đi guốc. Nếu làm lơ được, không bắt buộc phải gật đầu chào hắn, là chàng thực hiện ngay. Chàng thường cám ơn thầm những người bạn đồng nghiệp đang đi chung, hay trò chuyện với mình nếu tình cờ gặp hắn giữa đường. Thường những bận như vậy, chàng chỉ phải vội vã gật đầu khi trực diện cùng hắn. Có khi chàng lơ luôn, như không thấy hắn.

Tuy nhiên đó là về phía chàng, chứ hắn, hình như ngược lại thì phải. Chàng luôn luôn có cảm tưởng, hắn chỉ chờ dịp để tỏ sự thân thiện, gần gũi với chàng. Cứ thoáng thấy mặt chàng trong cơ hội thuận tiện nào đó, là hắn sẽ hăng hái thể hiện điều đó ra ngoài ngay. Bao giờ chàng ngang qua chỗ bọn hắn đang ngồi, hắn cũng là người gật đầu chào chàng trước khi hai cô y tá và anh chàng y công đồng hương khẽ khàng lịch sự làm theo cử chỉ ấy của hắn. Hắn thường hớn hở:

"Bác sĩ rảnh, ngồi chơi với bọn em một tí."

Thật tình mà nói, dầu không hề có cảm tình với hắn, và vẫn luôn luôn tìm cách tránh hắn như thế, vậy mà khi nghe cái giọng khá ấm, khá mềm mại, nhún nhường nhưng đầy vẻ nam tính của hắn nói với chàng, chàng cũng không sao cưỡng lại một câu trả lời, kèm theo thoáng bối rối:

"Các anh chị cứ tự nhiên... Xin lỗi, tôi lu bù quá... Để hôm khác nhé!"

Dĩ nhiên khi nghe chàng nói vậy, cả đôi bên cùng biết rằng chẳng bao giờ cái "hôm khác" ấy xảy ra, chàng sẽ chẳng bao giờ bỏ thì giờ ngồi xuống với bọn hắn, tán gẫu, nghe hắn hát những bài tình ca sướt mướt ấy, nhưng rồi, hệt thông lệ, hệt thói quen, hắn vẫn cứ vói theo mời khi thấy chàng. Và chàng, thì vẫn cứ phải quay đầu cười. Hẹn.

Thật ra, chẳng phải chàng coi thường hắn. Hay khinh ghét hắn. Nhưng chàng có cảm giác hắn giống hệt một thứ thời tiết trái mùa, với những cơn nóng lạnh bất thường làm người khác bừng lên sự khó chịu. Giữa hắn và chàng, cái thứ bậc phân chia rành rẽ nào đó cũng không được chàng đặt ra, nhưng chàng thấy mình không thể nào cảm nhận được gì nơi hắn, cũng không thể gần gũi, hay chia xẻ. Một mẫu người như hắn, hình như trong suốt quãng đời đã trải của chàng trước đây, chàng chưa bao giờ có dịp giao tiếp, nói gì đến quen thân. Hắn, dĩ nhiên, trượt ra xa. Xa tít đời sống chàng hằng ngày. Như hai người đang ở hai hành tinh, hai lục địa nào đó khác biệt nhau.

Nhưng vậy đó, mà bỗng nhiên hắn và chàng lại phải làm việc chung với nhau một cách hết sức đột ngột. Kế hoạch cắt giảm chi phí của ngành y tế nói chung, bịnh viện chàng làm việc nói riêng, khiến hắn dưng không bị đưa từ phòng cấp cứu về khoa giải phẫu để phụ việc cho chàng. Hôm nghe cô thư ký bảo chàng sẽ có một đồng hương làm việc chung, chàng đã giật mình, đã cầu mong thầm trong bụng, đừng là hắn. Tuy nhiên, như một thứ "định mệnh", một thứ "số phận" ràng buộc trớ trêu, chàng bị an bày, bị cột vào với hắn, không cách gì gỡ ra được. Hắn vào trình diện chàng:

"Nghe về làm với bác sĩ, em mừng hết lớn luôn."

Chàng ngó hắn. Ngó nụ cười nở ra trên khuôn mặt lần đầu tiên chàng bị buộc phải nhìn gần, mà ngao ngán, chẳng biết nói câu gì. Cuối cùng chàng đành miễn cưỡng cười theo một cách hết sức não nề. Hắn hí hửng bảo chàng:

"Bà Hoa nói số em hên."

Hên! Đang ngó hắn, chàng bỗng sụp mắt xuống mớ hồ sơ bịnh án đặt trên bàn làm việc, cố gắng hết sức để không bật kêu lên một tiếng chán chường. Chàng tự nhủ lòng, trong tương lai, chàng sẽ rán vận dụng bằng mọi cách, để không phải trực chung với hắn vào ban đêm. Chưa gì, chỉ cần mường tượng đến bầu không khí ngượng ngập, tẻ ngắt khi ngồi chung với hắn suốt mấy tiếng đồng hồ lê thê, lúc ở bên trong lẫn bên ngoài đều im vắng, khô cứng đến lạnh người, là chàng đã thấy... tuyệt vọng. Chàng nghĩ đến cảnh hắn tới lui, nói cười. Nghĩ đến căn phòng trực dành cho chàng và y tá, vốn đã chật chội, ngột ngạt có lẽ rồi đây sẽ còn thê thảm hơn nhiều... Chàng hỏi, nhưng vẫn không nhìn lên:

"Chưa làm việc với tôi, sao anh biết hên?"

Hắn chậc lưỡi:

"Em nghe người ta nói, bác sĩ. Với lại, "tụi nó" dầu gì đi nữa thì cũng đâu hiền bằng người mình."

Chàng bật cười. Câu nhận xét hết sức hồ đồ, nhưng cái giọng có vẻ thành thật, chân chất vừa thốt ra từ phía hắn, khiến tự dưng chàng thấy dịu lòng xuống. Chàng ngẩng lên. Dẫu vẫn không sao nhìn thẳng vào hắn mà lại ngó bâng quơ ra phía ngoài, nhưng trong trí chàng, cái dáng nét một khuôn mặt đã bắt đầu trở nên hơi thừa mỡ ở hai bên má cùng phía dưới cằm, với cặp mắt mở hơi lớn, hàng chân mày sậm, ánh lên khá rõ ràng. Chàng nhận ra dường như có cái gì, không ổn lắm, trên sắc mặt, trên nụ cười của hắn; và trúc trắc lắm, trong lòng chàng. Dưng không, chàng lại loay hoay cố tìm một lý do. Chẳng biết để biện hộ cho mình, hay cho hắn. Mà chàng thấp thỏm không yên. Đành rằng trong sắc áo đồng phục trắng của bịnh viện, trông hắn "đỡ" đi rất nhiều so với bộ tịch đỏm dáng hằng ngày, nhưng rõ ràng, "cái gì đó" vẫn làm vướng mắt, làm bận rộn chàng. Chàng nói:

"Anh chưa đi mưa nên chắc chưa biết lạnh."

Hắn dĩ nhiên làm sao tin điều chàng nói, nên không biết có đề phòng một "cơn mưa" nào đó sẽ dội xuống từ phía chàng hay không. Còn chàng, ngày ngày, thường cố tránh, nhưng vẫn cứ phải khổ sở nhìn thấy hắn, thấy cái kiểu "ngơ ngác cõi người" ấy chờn vờn trước mặt mình. Lúc đầu, chàng cứ tưởng mãi mãi, sẽ phải giữ khư khư cái ngắc ngứ ấy với hắn, nhưng điều lạ lùng, chừng như lâu ngày, chút thiện cảm rồi cũng đến với chàng. Chàng không biết bởi cách làm việc cần mẫn và tận tuỵ của hắn, hay do "hoàn cảnh", phải trực diện hắn mãi, nên cuối cùng "ông thầy" cũng đâm ra quen mắt với thứ thời tiết trái mùa hắn mang trên người. Nhất là những bộ cánh, không còn chỉ rớt vào nhãn quan chàng khi chàng từ bãi đậu xe đi lên như trước, mà xộc thẳng, đâm sầm vào phòng làm việc của chàng hằng ngày, cũng không gây sự khó chịu cho chàng cách gay gắt nữa. Thỉnh thoảng, chàng còn đùa được với hắn đôi câu, đại khái, "tôi trông cậu coi bộ dạo này giống ca sĩ hơn giống người thường đấy nhé" (và hắn, chắc tưởng chàng khen ngợi, nên hay cười đáp, ca sĩ gì em hả ông thầy). Hơn thế, chàng còn quen luôn cả cách tán dóc, cách pha trò với nhiều câu danh ngôn vớ vẩn, cộng thêm một lô một lốc triết lý ba xu, rẻ tiền, mà trước đây, chỉ cần loáng thoáng để lọt vào tai thôi, là chàng đã phải rùng mình lên như bị dị ứng.

Tuy nhiên, giữa hắn và chàng, vẫn rạch ròi một ranh giới nhất định nào đó. Cả hai, đều chẳng bao giờ hỏi han, nói chuyện với nhau về đời sống riêng tư của mình. Chàng đoán hắn vẫn còn độc thân với bàn tay chỉ trang sức bằng những chiếc nhẫn bạc uốn éo hình cọp beo, cộng thêm chiếc đồng hồ Thụy Sĩ đắt tiền. Lắm khi suy nghĩ "ác" hơn, tàn nhẫn hơn, chàng chắc có lẽ hắn đã nhiều lần giáo gươm sa trường chiến đấu, nhưng chỉ toàn làm kẻ ngã ngựa, chỉ bị đứng nghe địch thủ trỗi lên khúc khải hoàn. Chàng hoàn toàn không tưởng tượng nổi, trong đời, cũng đã có lúc hắn từng làm chồng, làm bố. Một lần, làm việc với hắn thời gian không dài lắm, chàng nghe hắn bảo, hắn sẽ phải nghỉ vài hôm để ra hầu toà. Chàng hơi giật mình, nhưng cố không để cho hắn thấy vẻ thay đổi trên gương mặt mình. Chàng hỏi:

"Vụ gì đó?"

Hắn cười cười. Mãi sau hắn mới nói:

"Em bị con vợ cũ thưa."

Chàng nhìn sững hắn một lúc. Không ngờ mình đã "đánh giá" sai về hắn, chàng có vẻ ngớ ra, không biết nói thêm câu gì với hắn. Còn hắn, sau khi ngó đông ngó tây, ngó đất ngó trời một hồi, bỗng đổi giọng bùi ngùi, chậc lưỡi kể:

"Thiệt ra hồi đó tụi em sống cũng hạnh phúc lắm đó chớ bác sĩ. Nhưng đó là lúc chưa có chuyện gì xảy ra kìa. Có nghĩa là lúc em chưa về Việt Nam quậy lung tung, và vợ em còn ở nhà cơm nước hầu hạ chồng con đàng hoàng. Mãi đến khi ông... Một Răng và Một Rắc đánh nhau ở vùng Vịnh, thì mới là lúc tụi em đứng bên bờ cửa tử. Đúng ra lỗi ở em đó chớ. Nhưng mình... nam nhi chi chí, nhận lỗi khơi khơi như vậy thì còn gì là đời, ông thầy có công nhận không? Nên lúc chiến trận xảy ra tưng bừng, con vợ em la làng, tuyên bố đòi ly dị, em bèn sôi máu, nghiến răng bắt nó chạy ngay ra luật sư. Tưởng mình ngon, tưởng mình "ngầu", tưởng nó không dám làm, em mới dữ dằn tới vậy, có dè đâu nó de em ra tám chục cây số, một đi không ngoảnh lại liền tù tì..."

Chàng cười hiền:

"Nhưng tôi thấy anh cũng anh hùng chán đấy chứ."

Hắn phì cười theo chàng:

"Anh hùng cái gì hả ông thầy? Em lỡ tố phải theo, chứ em giữ con tẩy lủng bác sĩ à."

Cái cách nói cà rỡn của hắn khiến chàng không sai nhịn được câu đùa, chàng hỏi:

"Vậy ra người ta có đôi ách hả?"

Hắn cười gượng. Im hồi lâu. Rồi hắn nói. Cũng đâu đó. Cuối cùng hắn trầm ngâm:

"Ở đời, không biết người biết ta là thua chắc, ông thầy ơi! Hồi mới chia tay nhau, em cứ tưởng em trút được gánh nợ, tưởng mình "ngon cơm", có dè đâu sau cơn mưa trời cứ lại... tối. Qua cơn bĩ cực em chẳng thấy thái lai đâu hết mới chết chứ!"

Chàng chớp mắt nhìn hắn. Cái giọng của hắn nghe buồn bã thê lương thế nào. Đã vậy, hắn còn không ngó lại chàng, mà quay ngó ra cửa sổ, nơi bầu trời bị che lấp bởi hai dãy tường quét vôi trắng xoá, cao ngất, đến như đã bị thâu hẹp lại, chỉ còn lớn hơn mảnh giấy không bao nhiêu. Tự dưng hướng mắt nhìn của hắn khiến chàng bỗng liên tưởng đến cuộc đời cũng đã bị thâu hẹp lại cách chật chội của những kẻ thiếu đất sống, ngộp hơi thở. Chàng nhận ra cái chênh vênh tội nghiệp của hắn. Nhận ra nỗi cô đơn chất chồng của con chim lẻ bạn. Hắn bùi ngùi:

"Cái hồi mới bỏ nhau, như em nói với bác sĩ, em tin chắc là mình không hề hấn, sây sứt gì. Lại còn tưởng con vợ em sẽ đớn đau, khổ sở lâu dài lắm vì chuyện chia lìa đôi lứa của tụi em, ngờ đâu mới được năm bữa nửa tháng, trong khi em còn chưa kịp làm quen với hoàn cảnh mới, nói gì đến vụ hớn hở reo hò... độc lập tự do hạnh phúc; thì nó đã cặp ngay một thằng khác rồi. Thiệt cứ y như nó sắp sẵn cái bẫy từ đời tám hoánh, chỉ chờ em sa lưới là dung dăng dung dẻ vui hưởng cuộc đời mới liền."

Lúc hắn nói với chàng, bàn tay đặt trên mép bàn của hắn ngọ ngoạy. Bồn chồn. Như thể hắn đang muốn làm cái gì đó khác hơn. Cái dáng điệu của hắn làm chàng nao lòng. Chàng chép miệng:

"Cũng buồn, ha?"

Đột ngột, hắn quay lại ngó chàng, cười, nhưng giọng nói nghe rầu rĩ không tả được:

"Buồn chớ, bác sĩ. Đàn bà, chẳng lẽ em nói, chắc quen "chịu đựng", nên không ở với em, nó phải quay qua ở với thằng khác cho... qua bữa! Nhớ cái hôm đầu tiên em gặp nó đi ngoài phố với thằng kia, thấy xách đồ đạc lủ khủ, nhìn cái kiểu sượng trân của nó, mà tới giờ, lòng em cũng còn xốn xang."

Chàng thấp giọng:

"Tôi không nghĩ anh gặp hoàn cảnh buồn như vậy..."

Hắn ngó chàng:

"Buồn, mất mát, bị xúc phạm... Cái tâm trạng em lúc đó kỳ quặc lắm. Bác sĩ biết không, buổi tối mà nằm tủi thân một mình, gác tay lên trán suy gẫm chuyện đời, ngó tới ngó lui chỉ thấy bốn bức tường, lại tưởng tượng tới cảnh giờ này con vợ mình đang nằm trong tay thằng khác, dù là lỗi do mình đưa nó tới hoàn cảnh đó đi chăng nữa, cũng cứ nghe đau đớn khủng khiếp lắm. Nhưng thật ra, đau thì chỉ đau vậy thôi, không nghĩ mình sẽ làm gì hết, mà tới chừng có thằng bạn phone lại nhà, kể lể, nói năng lung tung, em mới bắt đầu... quê. Mới bắt đầu nghe... hận kẻ bạc tình. Trời ơi, ông thầy biết không, đang yên, em bỗng đùng đùng nổi giận, máu du côn chẳng hiểu nằm đâu trong người bỗng sôi lên như núi lửa. Tấm tức, thế là em chạy ào vô bếp, lục ra được một cây búa, chẳng nghĩ chẳng suy gì cả, em lao ra ngoài, phóng tới nhà con nhỏ liền..."

Hệt như hắn, đang ngồi yên nghe kể chuyện, chàng chợt nhảy dựng cả tóc gáy lên:

"Cái gì? Hai người lúc đó đã ly thân rồi mà."

Hắn ngó chàng, rũ người ra cười:

"Thì như vậy mới có chuyện để em đi hầu toà chớ, bác sĩ! Em nói thiệt với ông thầy, có nhiều khi cái tâm tư tình cảm của con người ta nó rắc rối, cà chớn lắm, mà mình không ngờ được đâu. Ông thầy đọc báo chắc thấy có những trường hợp vợ chồng hay bồ bịch bỏ nhau mấy trăm kiếp, tự dưng có thằng mang súng về bắn chết người nọ người kia phải không? Em hồi trước mà đọc ba cái tin đó, là thế nào cũng chửi cái thằng giết người vô duyên, lãng nhách. Nhưng tới khi mình nằm trong cái hoàn cảnh đó rồi, mới hiểu tại sao. Đoạn trường ai có qua cầu mà, bác sĩ."

Chàng thừ người, ngồi im không biết nói sao với hắn. Cũng không dám hỏi thêm câu nào. Mà chỉ nghe cái khoảng không gian từ mình đến hắn bỗng trở nên nặng trĩu, rờn rợn. Chàng hoàn toàn chẳng muốn mường tượng đến cái cảnh hắn vung bàn tay lên, chém nhát búa xuống; nhưng tất cả những hình ảnh kinh khiếp ấy bỗng hiện ra trong đầu óc chàng một cách rõ ràng như một đoạn phim "action" thường thấy. Chàng co đôi bàn tay lại với nhau. Cái cảm giác gai gai người tràn lên sau sống lưng. Chàng loay hoay tìm một câu nói. Nhưng hắn, chừng như chẳng thèm để ý đến những nét kích động, ghê sợ trên mặt chàng, nên hạ giọng, kể tiếp:

"Bác sĩ biết không, em lái chiếc xe, lao đi liền trong buổi tối đó như đi giữa chốn không người. Y hệt như một thằng điên, amok. Em chạy ào ào. Chạy bất kể trời trăng mây nước, chẳng sợ đụng phải ai, cũng không ngán cảnh sát đuổi theo gì cả. Miễn lao được tới nơi thì thôi. Và khi tới nơi rồi, em leo lên thềm, bấm chuông nhà con nhỏ liên hồi. Bấm muốn cháy cả chuông. Nhưng mà bác sĩ biết rồi, bên này mà, không hẹn trước, hỏi ra cũng không có chuyện gì, khuya khoắt như vậy thì còn lâu nó mới chịu mở cửa cho em. Lẩn quẩn, lục lọi hoài cả tiếng đồng hồ mà chẳng được cái tích sự gì, cuối cùng em đành bò về."

Hắn lại cười:

"Bây giờ mọi chuyện qua rồi, nghĩ lại, thấy... tếu không chịu nổi. Cả đêm hôm đó em y như thằng thất tình. Em đi lang thang khắp thành phố. Vào mấy cái night club, uống một đống bia, một đống rượu. Đến lúc mò về được tới nhà thì đã bốn năm giờ sáng. Sáng hôm sau không cách gì dậy nổi để đi làm, lại ói mửa tùm lum, mệt muốn ngất ngư..."

Chàng gượng gạo cười theo hắn. Hắn kể tiếp:

"Cái yếu của em, chắc ông thầy cũng nhận ra, là mất chỗ dựa, mất hậu phương nên em mất luôn cả hướng, cả đường. Em như con ngựa què, lẩn quẩn mãi vẫn không thoát ra được khỏi chuồng. Bình thường, ông thầy à, đàn ông con trai, sức mấy mà mình chấp chận cái dỏm của mình, nên khi bất trắc xảy ra như vậy, em đâu có biết đường chống đỡ. Lẽ ra, em phải coi như pha, tỉnh như ruồi chuyện xảy ra như vậy, tại mình quậy trước, tại mình xúi nó ly dị mà. Nhưng đàng này, em cứ bị cái tư tưởng "quê độ" ám ảnh, cứ thấy trong khi mình chưa có kẻ nâng khăn sửa túi, mà con vợ cũ đã ôm cầm sang thuyền khác, là kể như mình bị thua cuộc. Kể như mình không ra gì. Thế là tự ái quá, em lên cơn điên liên tục. Em phone tới hăm doạ con nhỏ đủ mọi điều. Bảo cứ thấy nó béng mảng ra đường với thằng kia là em "chơi đẹp" liền..."

Hắn ngưng lại đôi ba giây, rồi tiếp:

"Trong người em hồi đó, ông thầy biết không, lúc nào cũng có con dao. Còn trong xe, em để nguyên luôn cây búa lục thấy trong bếp..."

Không kiên nhẫn được nữa, chàng ngắt lời hắn:

"Anh không sợ hậu quả gì hết à?"

Nụ cười nửa gượng gạo, nửa tự nhiên nở ra trên mặt hắn:

"Sợ gì chứ hả ông thầy? No mất ngon, giận mất khôn, người ta nói vậy mà..."

Chàng nhìn hắn chằm chằm. Hắn ngập ngừng một hồi rồi lại bật cười:

"Nhưng có điều chuyện của em nó vô duyên lắm bác sĩ ơi. Kể ra chắc ông thầy cười thối ruột. Là em hùng hổ như vậy, mà có làm gì được ai đâu. Em đánh du kích nhưng khai hoả, động thủ sớm quá, lúc trời chưa kịp tối, nên địch nó biết hết trơn hết trọi. Con vợ em nó kỹ lắm, ông thầy à! Nó chẳng nói gì với em nhưng im ỉm đi báo cho cảnh sát biết chuyện em hù doạ nó lâu rồi. Nên một bữa, lúc em mới vừa xông vô đập... cái xe của thằng kia đậu ở khu vực nhà nó, là tới khuya, em bị cớm vồ liền."

Đến đấy, như không dừng được nữa, hắn rũ người cười to hơn. Xong hắn xoa tay:

"Rồi thì kiện tụng. Rồi thì ra toà. Em đã ra toà một lần rồi. Nhưng dĩ nhiên mình cũng quân sư quạt mo tùm lum, nên em đi kiện lại. Kiện tới kiện lui cả năm trời, vừa mất thì giờ, vừa tốn tiền, riết đâm ngán, hơn nữa cũng nguôi ngoai rồi ông thầy, nên chắc có lẽ kỳ này em đồng ý bồi thường và hứa sẽ không bao giờ quấy nhiễu nó nữa để yên chuyện cho rồi. Thiệt tình! Vợ với con! Yêu với đương! Chẳng ra cái quái gì cả."

Và không đợi chàng hỏi thêm câu nào, hắn kết luận:

"Em giờ có cách sống mới khác rồi. Bác sĩ thấy đó, em ăn diện, cà phê cà pháo, nhảy nhót, đèn xanh đèn đỏ lung tung, đủ cỡ đủ điều, nhưng em nói thiệt với bác sĩ, là em chỉ sống một mình thôi, dứt khoát không có dính dáng gì tới ba cái chuyện vợ con đường trường nữa. Mệt, bác sĩ ơi."

Chuyện của hắn hôm ấy, chấm dứt ở đó cách cụt ngủn. Lãng xẹt như lời hắn nói. Nhưng hắn không biết chàng hoàn toàn đã không cười thối ruột nổi như hắn tưởng. Mà chàng cũng giống hệt hắn, giống hệt con ngựa què lẩn quẩn, nặng trĩu mãi bên mình một tiếng thở dài sâu kín. Hắn làm sao biết được, cái đời sống chừng mực của chàng hằng ngày, khiến những nỗi đau, nỗi khổ chàng phải chịu đựng cũng đã trở nên chừng mực. Tầm tầm một cách hết sức quái gỡ. Hắn tưởng tượng sao nổi chàng đã sắt se khi nghĩ đến cái hậu phương, cái chỗ dựa của mình, cách nào đó, cũng lung lay không vững vàng gì cả, nhưng thử khi nó sụp xuống, mất đi, chắc chắn là chàng đâu có dám tính tới chuyện vác một cây búa, lận lưng một con dao, và rồi, sau khi gượng dậy được, sức mấy mà dám tỉnh bơ, ngang nhiên làm một thứ thời tiết trái mùa, suồng sã đập vào mắt thiên hạ, để chứng tỏ mình đang có một đời sống khác ngon lành hơn đời sống lứa đôi, như hắn. Hắn thể nào mà hiểu được, một người như chàng, với cái vỏ lấp lánh cưu mang trên lưng, lại có lúc cũng ước ao được lột bỏ nhẵn nhụi, trụi trần cho rảnh nợ...


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021