thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tại sao lại giật mình?

 

Một buổi tối thứ bảy khi anh ngồi ở bên kia góc đường, trong một quán cà phê nhỏ và nhọ nhem nhọ thủi bởi thứ ánh sáng yếu ớt và trần thấp sùm sụp, anh chợt giật mình. Không ai giật mình. Mọi người vẫn đi lại vội vã, sao lại thế, trong một buổi tối cuối tuần thế này — anh tự hỏi. Không ai giật mình cả, trừ anh.

Hoặc chỉ mình anh nhận thấy đang bị giật mình. Bởi màu vàng ánh chói lọi dừng lại trước cột đèn xanh đỏ ấy. Ánh vàng chói lọi từ một cỗ quan tài được chở trên chiếc xe lam đang rùng rùng nổ máy và bốc ra những quầng khói, dù trong ánh sáng nhờ tối của con đường tấp nập người, vẫn khiến người ta có cảm giác rất đen và dày. Quầng khói dày mù.

Anh giật mình. Giật mình rất vô thức. Cơn giật mình để lại dư chấn là thoáng lạnh từ sống lưng và bất giác anh nhìn xuống những cọng lông tay đang dựng đứng. Hoặc cũng có thể tất cả chỉ là sự tưởng tượng của anh. Vì quán cà phê quá nhỏ bé và ánh sáng quá yếu ớt, làm sao anh nhìn thấy những cọng lông tay đang dựng đứng? Hay anh đã nhìn ra tất cả những điều này bằng sự suy tính của trí não?

Anh giật mình. Giật mình luống cuống, tới nỗi chén cà phê bé tí xíu nằm trong tay anh cứ trơn chuội chực rơi xuống. Anh vội vàng đặt nó xuống mặt bàn làm bằng thứ đá vân đen trắng loang lổ, lúc này cũng vô tình lạnh buốt. Chút ít cà phê sánh ra mặt bàn.

Như thể có ai đó vừa bóp nghẹt trái tim anh. Như thể có ai đó cầm chiếc vòng cao su đo huyết áp siết chặt bắp tay anh rồi cứ thế bơm khí mãi và nhất quyết không ngừng mặc anh la hét, giãy giụa. Trong phút chốc, từ những cọng lông tay dựng đứng, mồ hôi bắt đầu túa ra.

Không ai trong quán nhỏ nhận ra điều đó. Các bàn vẫn lao xao trò chuyện. Những cặp mắt đổ ra đường, quan sát sự náo nhiệt của phố, những đôi tình nhân ôm eo chặt cứng lướt qua trong sự háo hức của tối cuối tuần. Mùi cà phê đậm đặc quyện cùng mùi khói thuốc. Ánh sáng loang loáng của đèn xe. Và một mình anh, ngồi nép vào tường, lặng nghe tiếng đập thình thịch của một cơn đau tim bất chợt trong lúc mồ hôi không ngừng tuôn ra, bịt kín các lỗ chân lông, lạnh buốt.

Anh ao ước biết mấy có một cặp kính đen lúc này. Bỗng dưng anh thấy mình trở nên bạc nhược, lố bịch, đáng cười. Anh, nhìn thấy mình, từ phía bên kia bức tường, là một chiếc bóng gầy guộc tựa tay vào bàn, khuôn mặt hốt hoảng với cơn đau tim giấu kín và hai cánh tay ướt nhoẹt. Những chiếc lông tay đã nằm rạp xuống trên con đường ngoằn ngoèo của những vệt mồ hôi. Đôi lúc, những vòng khói cháy khét từ bàn bên bay tới, đậu lơ lửng trước mặt anh rồi tan biến.

 

*

 

Không ai tin những cỗ quan tài đó lại bị đánh cắp. Tiệm bán quan tài nằm chình ình ngay trên đường phố chính. Thường không thấy ai ở đó, cả ban ngày lẫn đêm tối. Tất nhiên rồi, làm sao lại có tiệm quan tài nhộn nhịp được? Chỉ biết lúc nào những cỗ quan tài cũng xếp ngay ngắn, ánh lên thứ màu vàng óng ánh sơn sơn thếp vàng và những hoa văn chạm trổ cầu kỳ. Nó mang cái tên rất ý nghĩa: Bình yên.

Anh vẫn thường đi qua tiệm bán quan tài đó trên đường về nhà. Đó là con đường duy nhất có thể về nhà anh — căn nhà nằm ở cuối đường, trong một ngõ nhỏ đầy rêu mốc. Tiệm bán quan tài tồn tại tự bao giờ, anh không thể chắc, chỉ biết từ lâu lắm. Khi anh mới chuyển tới, nghĩa là khoảng mười năm trước đây, đường chưa mở rộng, tiệm quan tài đã có ở đó. Khi ấy, nó chỉ là một tiệm quan tài rất bình thường, phủ bụi, nhoà nhạt. Màu sắc chủ yếu của các cỗ quan tài là sơn nâu đỏ. Cũng không hình thù chạm khắc cầu kỳ. Anh không phải người hay để ý nhưng ngày nào cũng như ngày nào, thứ màu đó, tấm biển đó vẫn đập vào mắt anh như vậy. Theo năm tháng, đường được mở rộng, đời sống thay đổi và tiệm quan tài ngày càng trở nên sặc sỡ và chói lọi hơn. Không chỉ người sống, nhu cầu của người chết cũng ngày càng cao.

Không có gì ảm đạm hơn là những buổi tối trở về nhà sau những giờ làm việc mỏi mệt, đi một mình trong mưa ngang qua tiệm quan tài. Trong bóng tối và màn mưa dày đặc, những cỗ quan tài vẫn toả ra thứ ánh sáng vàng vàng mờ nhạt. Không ai tới gần nó, kể cả những hàng rong bán bắp rang bơ hay những cây xăng di động hoặc hàng bơm vá xe. Cho dù điện vẫn sáng ở tiệm quan tài kể cả đêm khuya, đông cũng như hè. Một mình anh đi trong đêm, ngang qua tiệm quan tài, mơ hồ cảm thấy sự ngậm ngùi vô tình bao phủ. Dày đặc như mưa.

Không ai ăn cắp quan tài để mang về nhà. Có khác gì đi mời thần chết tới gõ cửa? Như thể chẳng ai đi xin hương hay lấy đũa. Đó là những điều kiêng kị ai cũng hay. Con người có thể không sợ luật pháp, không sợ những quy định, lề thói, nhưng ai cũng sợ hãi trước thánh thần. Vậy mà, đêm nào đó, có người đã ăn cắp một cỗ quan tài.

Cả khu phố xôn xao trước tin này. Người ta bàn ra tán vào suốt cả tuần lễ. Đầy những phỏng đoán. Người chủ tiệm rốt cục cũng xuất hiện: một ông già im lặng, tóc đã bạc trắng, để ria cũng đã bạc trắng và lưng hơi còng.

Mới đầu, ai cũng nghĩ bọn ăn cắp quan tài là bọn nghiện. Thời buổi này, bọn nghiện ngập không tha thứ gì, ngay cả chổi cùn rế rách, nói gì tới cỗ quan tài đáng giá cả triệu bạc. Người ta nguyền rủa “rồi đứa nào vác cái quan tài đó mà đi bán thì cũng mua phải điềm rủi mà thôi, không chết vì nghiện thì cũng chết lang đầu đường xó chợ.” Sau, có người sâu sắc hơn, nghĩ rằng, biết đâu nhà ai đó có chuyện, mà gia cảnh lại quá nghèo hèn, đành phải liều mà làm vậy. “Chứ đêm hôm như thế, tiền bạc không có, bảo làm sao không liều?”, người đó chép miệng. Một số người cũng có ý đồng tình. Chỉ có người chủ tiệm im lặng. Không cà kê, phân trần, chẳng kêu ca, ông đứng giữa mọi người, mặc nhiên như thể một người khách qua đường chứng kiến. Mái tóc trắng, hàng ria bạc và đôi mắt lơ đãng.

Một tuần sau, tiệm quan tài được bảo vệ một cách máy móc. Thay vì chỉ xếp các cỗ quan tài lần lượt thứ tự to ở dưới, nhỏ ở trên, giờ đây, các cỗ quan tài được chằng với nhau bằng một đoạn xích sắt rất nặng và dày. Trong đêm, những chiếc đèn vẫn chiếu vào các cỗ quan tài vàng óng ánh mà giờ đây đã dính vào nhau như một khối gỗ chắc nịch.

Dù không tò mò, nhưng rồi anh cũng tình cờ biết được cỗ quan tài bị đánh cắp do nguyên nhân gì. Anh không tham gia vào các câu chuyện ngồi lê của xóm phố, chỉ đơn giản là anh đọc được mẩu tin trên một tờ báo tuần ra sau đó một thời gian trong buổi sớm bên tách cà phê trước cổng cơ quan. Mẩu tin vài trăm chữ nói rằng, để trả thù một vị quan chức nọ, có kẻ trong đêm đã mang tới trước cửa ngôi biệt thự của ông ta một cỗ quan tài lớn, bên ngoài có giăng chiếc băng tang đen đề tên ông ta. Không ai biết chính xác thủ phạm.

Một trò trả thù hèn hạ — anh thầm nghĩ. Con người ta, biết còn bao nhiêu trò trả thù để dành cho nhau nữa?

 

*

 

Trong nhà anh trước kia, nghĩa là khi anh còn ở với cha mẹ dưới quê, cũng có một cỗ quan tài. Đó là một cỗ quan tài rất đẹp, dù nó không được chạm khắc gì cả. Ông ngoại anh đã vô cùng đắc ý khi đóng xong cỗ quan tài cho mình khi mới qua lễ mừng thọ 50 tuổi được ít ngày. Đó là một thứ gỗ rất quý mà ông ngoại anh đã dành rất nhiều thời gian cầu kỳ để tìm kiếm. Chiếc quan tài được đóng rất đơn giản, các mảnh ván được ghép lại với nhau chắc chắn chỉ nhờ vào các mộng gỗ, tuyệt không một chiếc đinh. Ông ngoại anh là thợ mộc có tiếng trong làng. Toàn bộ bàn ghế, giường tủ, cửa giả, chạn bát... trong nhà anh, chỉ một tay ông ngoại đóng. Ông có dáng thô mộc, hai vai vuông vắn và những ngón tay gân guốc đầy sức mạnh nhưng lại vô cùng khéo léo. Chọn được thứ gỗ ưng ý, ông ngoại bắt tay ngay vào việc đóng cỗ quan tài của mình, dùng nó như món quà to lớn nhất cho chính lễ ra lão của mình.

Cỗ quan tài đó, trong suốt mấy mươi năm sau, cho tới khi ông qua đời, được tháo rời ra, lắp thành tấm phản ở gian giữa, chính là nơi ngủ, nghỉ, uống trà nói chuyện của ông. Theo thời gian, những tấm ván không hề cong vênh, khô nẻ, nhưng chỉ ngày một thêm nâu bóng và săn chắc.

Tới năm ông 83 tuổi, ông mất vì già yếu. Người ta đặt ông lọt thỏm trong cỗ quan tài gỗ tốt. Chính bản thân ông cũng không thể hình dung rằng, về già, ông lại chỉ còn là một bộ xương nặng gần 40kg nằm toen hoẻn, chưa chiếm tới một nửa cỗ quan tài ông đã tự đóng cho mình hơn ba mươi năm về trước. Nhưng ông đã mỉm cười khi được đặt nằm trong lòng nó, để các tấm gỗ từ từ lắp vào nhau, kín khít, chặt chẽ, gọn gàng, vuông vức và đen thăm thẳm. Sao người ta lại có thể mỉm cười khi đang đi vào cõi chết?

 

*

 

Tách cà phê nguội ngắt. Thứ ánh sáng vàng vọt của chiếc đèn nhỏ treo trên đầu anh để lại những vòng luênh loang trong lòng chén. Dao động. Tí xíu. Người ta nói rằng, ở quán cà phê này, họ pha thêm chút dầu hoả vào cà phê. Vì thế mà những ai đã uống thì sẽ nghiện cái vị này, không bỏ đi đâu uống được. Và những cái vòng luênh loang ấy là những lớp váng dầu.

Có thể, một thời nào họ đã từng làm thế — anh nghĩ. Vào cái thời gạo còn chẳng đủ, thì làm sao người ta có thể rang xay cà phê với bơ cho bóng mỡ như bây giờ. Nếu người ta có cho vào đó chút dầu hôi để trông tách cà phê mỡ màng thì có gì là khó hiểu đâu?

Một thời nào đó, người ta đã sống như thế.

Như ở quê anh, vào những ngày giáp Tết, người đến xem đào, mua đào vẫn rờn rợn khi đặt chân lên những tấm ván qua cánh đồng xâm xấp nước khi đi tới những gốc đào. Những tấm ván vẫn còn mờ nhạt vết tích xanh đỏ của những nước sơn. Đó là những tấm ván từ những cỗ quan tài cũ, được mang lên sau ngày bốc mộ. Người ta tận dụng nó để làm những tấm ván lót đường cho đỡ bẩn chân khi đi ra ruộng đào. Năm nào cũng thế, người về xem đào đông như trẩy hội. Lẫn giữa những gốc đào là những nấm mộ của tiên tổ. Người ta sợ nhưng người ta vẫn tới, và khi tới thì bị mê đắm bởi thứ màu thắm đỏ của hoa đào quê anh. Người ta đồn rằng đào quê anh có màu thắm hơn những nơi khác là vì những gốc đào được sự che chở của những người đã mất. Vì không một nơi nào, những gốc đào lại được trồng lẫn vào những nấm mộ của người chết.

Anh chưa bao giờ thử vào thăm ruộng đào. Anh chỉ đứng từ xa ngắm nhìn thứ màu mỗi lúc một hồng rực lên những ngày áp Tết và đầu xuân mới. Không hiểu sao, anh cứ có cảm giác rờn rợn. Nó theo đuổi anh từ bao giờ? Có lẽ từ ngày cha anh nói cho anh biết lai lịch của tấm phản lên nước bóng loáng ở gian nhà giữa, hay từ ngày anh nhìn thấy ông ngoại mỉm cười lọt thỏm trong cỗ quan tài chắc nịch? Anh không biết nữa.

 

*

 

Nửa năm trước, những cỗ quan tài hoàn toàn biến mất. Tấm biển được gỡ xuống. Trong một buổi chiều, ông già tóc bạc với hàng ria bạc và đôi mắt mơ hồ điều khiển một tốp thanh niên chất lên chiếc xe tải tất cả những cỗ quan tài. Chuỗi dây xích nặng trịch được tháo ra, chất đống, nằm thành một đống sắt đen nặng nề sát cửa thùng xe. Ông già hầu như chỉ ra hiệu. Không còn vết tích nào của tiệm bán quan tài cũ. Ngay cả khi dọn đi, ông già cũng không thắp một nén hương nào. Ông ngồi trên cỗ quan tài thấp nhất sau thùng xe, nhỏ bé, trầm ngâm, đôi mắt lơ đãng khẽ nhắm lại khi chiếc xe phụt khói lao đi.

Khoảng trống để lại không ngờ lại rộng đến thế. Đủ cho một khách sạn nhỏ mọc lên. Mang tên Thiên Đường.

Hoàn thành với tốc độ chóng mặt, khách sạn nhỏ với bảy tầng sơn xanh đầy những ô cửa kính lấp loá. Không ít lâu sau, người ta bắt đầu ra vào nhộn nhịp. Những người thuê phòng có lẽ không thể nào tưởng tượng được nơi đây đã từng là tiệm bán quan tài hàng chục năm. Mà nếu có biết, thì cũng có nghĩa gì đâu?

Những buổi tối đi làm về, anh không còn gặp thứ ánh sáng vàng vọt của bóng điện và lấp loáng của nước sơn những cỗ quan tài nữa. Anh đi qua khách sạn nhỏ sáng choang với thanh âm ồn ã của tiếng người cười nói và tiếng nhạc rộn ràng, mơ hồ cảm thấy một niềm vui đang đi vào anh, len lén. Cảm giác sợ hãi và buồn bã của những ngày xưa cũ biến mất, không vết tích, cũng như dấu vết của tiệm quan tài cũ.

Lần đầu tiên, anh dẫn bạn gái về nhà. Khi đi song song cùng cô lướt qua Thiên Đường rực rỡ đèn màu, anh nhận thấy mái tóc cô óng ánh đầy sương và hàng mi rợn ngợp. Anh thấy may mắn vì cuối cùng đã mời cô và được cô nhận lời tới nhà chơi. Khi họ tắt máy, bước song song bên nhau vào ngõ nhỏ, anh chợt ôm lấy cô và hôn tới tấp. Lạ lùng thay, cô không hề phản đối.

Và anh phát hiện mình trở nên hoạt bát lúc nào không hay. Anh tham gia nhiều hơn vào các câu chuyện của đồng nghiệp ở cơ quan. Đôi khi, cuối tuần, anh cùng họ đi nhậu nhẹt và ra về trong cơn say sưa tưởng không thể chấm dứt. Có lần cơ quan anh tiếp một đoàn khách Trung Quốc. Ai đó đã đặt phòng ăn ở tầng trên cùng của khách sạn Thiên Đường. Sau khi kết thúc bữa tối ngon miệng, họ rủ nhau xuống tầng một, nơi có phòng karaoke và hát hò suốt đêm tới khi khản cổ. Ông giám đốc phía đối tác trịnh trọng tặng sếp anh một gói quà lúc chia tay. Khi sếp anh mở ra, ông lộ rõ vẻ cáu gắt, bên trong chiếc hộp gỗ nâu đắt tiền là mô hình chiếc quan tài vàng choé. Ông khách vội vàng giải thích, người Trung Quốc vốn hay chơi chữ, chiếc quan tài này tượng trưng cho câu chúc “Thăng quan, phát tài” và nó được làm từ vàng 18k. Ông sếp mặt mày rạng rỡ trở lại, không hiểu sao lại bật ra được câu cảm ơn bằng tiếng Trung: “Xia xịa!”

 

*

 

Quán cà phê mỗi lúc một đông. Cơn bàng hoàng đã qua. Nhưng anh vẫn cảm thấy mình vô cùng lố bịch. Anh tự hỏi, tại sao lại giật mình? Chỉ là một cỗ quan tài đi vào trong phố náo nhiệt giữa một buổi tối cuối tuần. Nghĩa là một ai đó không còn tồn tại giữa cuộc đời này nữa, không còn nghe những âm thanh ồn ã này nữa, không còn ngửi thấy mùi cà phê này nữa, không còn nhìn thấy những vòng dầu luênh loang này nữa, không còn nếm vị đắng khét này nữa, không còn nắm chặt tay vào chiếc quai tách trơn truội này nữa...

Chỉ thế thôi, sao lại phải giật mình?

 

30/04/07

 

 

-----------
Rút từ tập truyện ngắn Rượu đông (Hà Nội: nxb Phụ nữ, tháng 1/2008).
 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021