thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
z
Xanh

 

Tản Ðà, ngoài cái danh thi sĩ - tửu đồ vang dội, còn có cái tiếng thực khách cũng lừng lẫy “chửa dễ ai bằng” (mà không ai bằng thực, cho đến khi trời sinh thêm “khách” Vũ Bằng).

Cho nên hễ cụ “túi thơ đeo khắp ba kỳ”, thì “nước non đưa đón khắp hầu gần xa”,[1] thì người yêu thơ cả nước đua nhau chiêu đãi nhà thơ - nhà uống - nhà ăn linh đình hệt như xưa kia Tào Tháo đại yến, tiểu yến đãi Quan Công.

“Ăn ngon nhớ đời”. Nhớ rồi ghi. Ghi bằng thơ. Bài lục bát 'Thú ăn chơi' ghi chơi một số “thực phẩm”[2] đã may mắn được chạm vào cái đệ nhất... lưỡi của nước Nam.

 

*

 

Ðọc thơ đặc sản với lòng trân trọng cả nhà thơ và đặc sản, thích thú đành, thi thoảng còn được giật mình:

“Sài Gòn nhớ vị cá tra”...

Ối, cá tra hồi núi Tản sông Ðà vui bước bước vô tới “bến Sài Gòn”[3] không biết đã nuôi theo cái cách độc đáo đó chưa? Nếu đã, người thực khách danh tiếng chẳng hay có biết? Nếu biết (thừa) mà vẫn vui vẻ thưởng thức, hồn ẩm thực của người quả rộng rãi.

Tiếp tục ngâm nga.

“Thực hải vô biên”.[4] Cái “biển ăn” đã không bờ bến, bài thơ ăn của Tản Ðà lại không dắt học trò đi học... ăn cách đơn giản theo con đường cái quan, mà vào nam ra bắc vô trung lên non xuống biển vô cùng ngẫu hứng: Vừa nếm vị cá tra Sài Gòn xong, đã vù ra Cửa Thuận gắp thử rau bí “hữu tình” của “ông quyền”, rồi lộn ngay trở vô Chợ Lớn không biết xực thứ hảo vị gì, rồi lại lộn trở ra Bắc lên rừng Yên Bái dự tiệc xoè của người Thổ, rồi lên luôn Lào Cai gần biên giới Tàu mà ăn cơm Tàu!

“Thú ăn chơi”, tất có cả chơi. Chơi “con ca”, chơi “cô đầu”:

“Con ca xứ Huế, cô đầu tỉnh Thanh”.

Chơi chán lại ăn:

“Mán Sừng có bánh chưng xanh”...

Ô hay, thì vẫn. “Nêu cao, pháo đỏ, bánh chưng xanh”! Thơ thẩn ăn chơi tưng bừng, nhà thơ gieo vần tới đây bị đầy bụng mà đâm quấy quá thơ chăng?

Ðọc lời cước chú nghiêm túc của chính Tản Ðà, học ngay được “sàng khôn”: “Tôi (...) trong khi đi chơi thuộc vùng rừng Yên Bái, qua hạt Lao Kay ngủ ở nhà người Mán Sừng, nhân dịp Tết, chủ nhân mang bánh chưng làm bằng lúa non toàn nhiên là xanh mà thiệt ngon...”.

À, ra thế. Thứ bánh chưng được thi sĩ dùng “thi” để “ca” không phải “xanh vỏ trắng lòng” như thứ thường mà xanh “toàn nhiên” đến tận lòng, vỏ xanh lá lòng xanh cốm, xanh thiệt là xanh.

 

*

 

Cách nay non chục năm, ở Hà Nội, một hôm tháng chạp ngồi uống cà-phê với mấy người bạn trẻ gần Ðại học Bách khoa. Quán đông khách, có lẽ hầu hết sinh viên. Trong tiếng nói cười thật rôm rả, tình cờ đâu đó từ phía sau lưng chợt lọt vào tai:

- Cậu lên chơi, tớ đãi cái bánh chưng xanh.

- Chuyện, bánh chưng mà lại chả xanh!

- Không, xanh cả trong cơ. Ngon lắm.

Nó đây! Muốn xoay lại ngay, nhưng thấy bất tiện. Ðến lúc xoay được, cả cái đám thanh niên ấy đã lục tục đứng lên. Có những sáu cô gái, chẳng cô nào nom giống... Mán.

Ngần ngại. Chim xanh, à, bánh xanh đã theo bầy ra cửa.

Ngẩn ngơ. “Lên”, mà lên đâu chứ.

 

*

 

Mán là từ chỉ chung các dân tộc ít người sống trên núi cao ngoài Bắc. “Hạt Lao Kay” thuộc tỉnh Lào Cai bây giờ? Tỉnh Lào Cai có nhiều nhóm đồng bào thiểu số. Cái nhóm Mán Sừng ấy thực ra là người anh em nào mà lại ăn bánh chưng ngày Tết giống người Kinh chúng ta?

Ới, hải nội ngoại chư quân tử, như có biết xin vui lòng chỉ giáo.

 

 

_________________________

[1]Những cụm chữ để trong ngoặc cho đến đây đều trích từ bài thơ 'Thú ăn chơi' của Tản Ðà.

[2]Tản Ðà có lần định viết sách Tản Ðà thực phẩm, nhưng hình như rốt cục sách mới chỉ có cái tên.

[3]Từ dùng trong lời ca của một bản nhạc không nhớ của ai.

[4]Nhại đùa câu “Học hải vô biên”.

 

 

---------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021