thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Buổi tưởng niệm nhân 10 năm ngày mất điêu khắc gia / hoạ sĩ Lê Thành Nhơn

 

Ảnh: Phan Quỳnh Trâm, Lê Phong và Lê Trung Tự

 

 

BUỔI TƯỞNG NIỆM

NHÂN 10 NĂM NGÀY MẤT ĐIÊU KHẮC GIA / HOẠ SĨ LÊ THÀNH NHƠN

 

Đêm Chủ Nhật, 4 tháng 11 năm 2012, tại tư gia của vợ chồng nhà thơ Võ Quốc Linh & Tường Vi, nhóm Tiền Vệ ở Sydney đã tổ chức một buổi tưởng niệm nhân 10 năm ngày mất điêu khắc gia / hoạ sĩ Lê Thành Nhơn.

Chương trình đã bắt đầu vào lúc 7 giờ 30 tối, với sự tham dự của những người bạn thân thiết của nhà nghệ sĩ quá cố. Trước hết, mọi người cùng quây quần trước một màn ảnh lớn để xem lại hai cuốn phim video do Võ Quốc Linh thu hình cách đây hơn 10 năm trong dịp một nhóm anh em từ Sydney lái xe xuống Melbourne để thăm Lê Thành Nhơn khi nghe tin anh lâm trọng bệnh. Hai cuốn video được thực hiện vào chiều thứ Bảy, 22 tháng 2 năm 2002, tại tư gia của Lê Thành Nhơn.

 

Xem video

 

Đứng: Hoàng Ngọc Diệp, Võ Quốc Linh. Ngồi: Minh Hương, Hoàng Ngọc-Tuấn,
Phan Quỳnh Trâm, Hoàng Ngọc Diêu, Lê Thân Tuấn Châu, Hoàng Ngọc Quỳnh

 

Mọi người đều xúc động khi thấy lại Lê Thành Nhơn trong video. Anh mặc một chiếc áo ấm cao cổ màu trắng với một chiếc quần dài màu xám. Trông anh gầy đi rất nhiều và thỉnh thoảng anh hơi khựng lại trong lúc nói chuyện, như đang cố nén cơn đau trong thân thể. Đôi khi nét mặt anh có vẻ mệt mỏi, nhưng giọng nói của anh vẫn vững vàng, và anh vẫn thường chêm những lời khôi hài đùa cợt vào câu chuyện.

 

Lê Thành Nhơn trong những ngày tháng cuối cùng

 

Bạn bè thay nhau hỏi anh nhiều điều về nghệ thuật và cuộc sống của anh, và anh đã nói như một nghệ sĩ đang say mê với sự sáng tạo, mặc dù anh biết bệnh trạng của anh đã ở giai đoạn cuối cùng...

 

Hoàng Ngọc-Tuấn & Lê Thành Nhơn

 

Nguyễn Hưng Trinh, Nguyễn Hưng Quốc, Tạ Duy Bình

 

Nguyễn Hưng Quốc, Tạ Duy Bình, Cao Huy Thắng

 

 

Lê Trung Hưng (trưởng nam của Lê Thành Nhơn), Thường Quán, Tôn Thất Quỳnh Du

 

Trong khi mọi người đang xem video, Nguyễn Hưng Quốc gọi phone từ Melbourne để chia sẻ, và rất tiếc rằng anh đã không kịp sắp xếp để lên Sydney cùng với bạn bè. Trong video, Nguyễn Hưng Quốc 10 năm trước trông rất trẻ so với bây giờ. Ngoại trừ Tạ Duy Bình và Cao Huy Thắng đến nay vẫn trẻ như cách đây 10 năm, các bạn khác (Thường Quán, Nguyễn Hưng Trinh, Nguyễn Hoàng Tranh, Tôn Thất Quỳnh Du, Võ Quốc Linh và Hoàng Ngọc-Tuấn) ai cũng già hơn xưa.

 

Hoàng Ngọc-Tuấn đặt ống điện thoại vào gần màn ảnh
để Nguyễn Hưng Quốc có thể nghe tiếng nói của Lê Thành Nhơn

 

Nguyễn Hưng Quốc cho biết rằng cùng lúc với buổi tưởng niệm ở Sydney, có một buổi tưởng niệm ở Huế do bạn bè của Lê Thành Nhơn đứng ra tổ chức, và có Lê Trung Hưng (trưởng nam của Lê Thành Nhơn) từ Úc về Huế để tham dự và đọc diễn văn. Nhân chuyến đi này, Lê Trung Hưng (cùng với một nhà làm phim của Úc) sẽ phỏng vấn bạn bè của Lê Thành Nhơn và thu hình tất cả những nơi chốn mà nhà nghệ sĩ đã sống và làm việc ở Việt Nam trước 1975. Những tư liệu ở Việt Nam sẽ được đem về Úc để ghép với những tư liệu ở Úc, thành một cuốn phim về nghệ thuật và cuộc sống của Lê Thành Nhơn.

 

Lê Trung Hưng (trưởng nam của Lê Thành Nhơn)

 

Những hình ảnh và những câu chuyện trong hai cuốn video mà Võ Quốc Linh đã quay trước khi Lê Thành Nhơn qua đời chắc chắn sẽ đóng góp những phút đầy cảm xúc và ý nghĩa trong cuốn phim ấy.

Khi xem xong hai cuốn video, mọi người cùng tụ tập trước màn ảnh để chụp hình chung với Lê Thành Nhơn.

 

Minh Hương, Lê Phong, Võ Quốc Linh, Phan Quỳnh Trâm, cụ Hoàng Ngọc Di, Hoàng Ngọc Tuấn, Hoàng Ngọc Diêu,
Hoàng Ngọc Diệp, Hoàng Ngọc Trâm, Lê Văn Tài, Hoàng Ngọc Quỳnh, Lê Thân Tuấn Châu, Lê Trung Tự, Kim Thoa

 

Sau đó, mọi người cùng đến trước bàn thờ để làm lễ tưởng niệm. Bàn thờ được đặt trong một gian phòng rộng ở tầng hai, chính giữa là pho tượng Phật Thích Ca uy nghi cao 2 mét rưỡi do chính Lê Thành Nhơn sáng tạo. Tượng Phật từ trên cao nhìn ra một dòng sông trải dài đến chân trời, và đây là vị trí đặt tượng Phật mà lúc sinh tiền Lê Thành Nhơn đã nhắn nhủ với Võ Quốc Linh nên thực hiện. Dưới chân tượng Phật là bức chân dung của Lê Thành Nhơn, một bình hoa, một đĩa quả, một bát nhang và hai cây nến.

 

Bàn thờ Lê Thành Nhơn

 

Bắt đầu lễ tưởng niệm, Hoàng Ngọc-Tuấn thay mặt anh em Tiền Vệ thắp một nén nhang, rồi đến hoạ sĩ Lê Văn Tài (người bạn hội hoạ của Lê Thành Nhơn), và nhà thơ Võ Quốc Linh (gia chủ).

 

Hoàng Ngọc-Tuấn thắp nhang trước bàn thờ Lê Thành Nhơn

 

Lê Văn Tài thắp nhang trước bàn thờ Lê Thành Nhơn

 

Võ Quốc Linh thắp nhang trước bàn thờ Lê Thành Nhơn

 

Võ Quốc Linh, Hoàng Ngọc Diêu, Hoàng Ngọc Quỳnh, Phan Quỳnh Trâm, Hoàng Ngọc Trâm, Thanh Thuỷ, Lê Phong,
Hoàng Ngọc Diệp, Lê Văn Tài, cụ Hoàng Ngọc Di, Kim Thoa, Minh Hương, Hoàng Ngọc-Tuấn, trước bàn thờ Lê Thành Nhơn

 

Sau đó, Hoàng Ngọc-Tuấn kể lại cho mọi người nghe những kỷ niệm tuyệt vời với Lê Thành Nhơn và bạn bè từ những năm trước 75 ở Nha Trang, đến những năm trên đất Úc, cho đến những giờ phút cuối cùng trước khi Lê Thành Nhơn vĩnh biệt trần gian. Hoàng Ngọc-Tuấn đã phải dừng lại nhiều lần giữa câu chuyện, vì không kềm giữ được xúc động.

 

Hoàng Ngọc-Tuấn kể lại những kỷ niệm với Lê Thành Nhơn

 

Tiếp đến, Võ Quốc Linh kể lại những chuyện vui đã xảy ra giữa Lê Thành Nhơn và các bạn bè ở Sydney, trong đó có chuyện tình của Lê Thân Tuấn Châu & Kim Thoa, và chuyện những đêm vui, những chuyến du hành cùng với các anh em thời làm tạp chí Tập Họp, như Hồ Nhã Mai Tiết, Cao Huy Thắng, Hoàng Ngọc Diệp... Rồi anh kể về pho tượng Phật của Lê Thành Nhơn từ lúc hoàn thành ở Melbourne cho đến khi được an vị ở đúng chỗ mà Lê Thành Nhơn mong muốn. Rồi anh đọc cho mọi người nghe bức thư cuối cùng mà Lê Thành Nhơn đã viết cho anh vào tháng 9 năm 2002, hai tháng trước khi Lê Thành Nhơn vĩnh viễn ra đi. Bức thư mang nét chữ bay bướm, lời thư duyên dáng, đẹp đẽ và đầy ân tình. Đi kèm với bức thư là một bài thơ / tuỳ bút của Lê Thành Nhơn, đầy những hình ảnh mộng ảo và ngào ngạt hương vị Thiền.

 

Võ Quốc Linh đọc bức thư cuối cùng của Lê Thành Nhơn cho mọi người nghe

 

Tiếp lời Võ Quốc Linh, Hoàng Ngọc Diệp kể lại những điều mà Lê Thành Nhơn đã giải thích về ý niệm tiên khởi để anh sáng tác pho tượng Phật, mà Diệp đã nghe được trong một đêm họp mặt bạn bè ở Sydney: Lê Thành Nhơn đã ứng dụng cách gói một chiếc bánh chưng cổ truyền của người Việt Nam vào việc tạo hình pho tượng Phật, gồm các động tác vuốt phẳng mặt lá chuối, rồi cuộn lá lên từ phía sau (thành phần lưng của tượng), úp vào phía trước và xếp hai đầu lá vào chính giữa (thành phần ngực và hai bàn tay của Phật).

Cuối cùng, Hoàng Ngọc-Tuấn ngồi trước bàn thờ và hát bài “Hát Thơ Tình Cờ” để tặng Lê Thành Nhơn. Bài hát này được Hoàng Ngọc-Tuấn viết vào năm 1985, rồi hát cho Lê Thành Nhơn và bạn bè nghe. Từ đó, Lê Thành Nhơn đặc biệt yêu thích bài hát này và luôn luôn muốn được nghe lại trong những lần họp mặt bạn bè. Anh đã nhiều lần nói với các bạn ở Sydney và Melbourne rằng “Đây là bài quốc ca của Lê Thành Nhơn, bài quốc ca của một nghệ sĩ lưu vong.”

Bài “Hát Thơ Tình Cờ” có ca từ như sau:

Người như hạt nước trên dòng sông chảy xiết,

làm sao đừng cuốn trôi theo dòng nước vô tình về chân trời xa...

Người như ngọn lá trong rừng thu tàn úa,

làm sao còn mướt xanh như vừa thốt câu chào sợi nắng đầu...

Bình minh ở đó, không còn nghe làn gió

thổi qua đồng lúa ban mai còn đẫm sương trời, nồng hương rạ mới...

Hoàng hôn ở đó, con người ra đường phố

chờ xem một đoá sao hôm lạc mất khung trời tìm lối về...

 

“Hát Thơ Tình Cờ” [bấm vào hình để xem video clip]

 

Khi bài hát chấm dứt, buổi tưởng niệm kết thúc. Mọi người quây quần uống rượu và chuyện trò, và gần 11 giờ đêm thì chia tay ra về, mang theo bao nhiêu hoài niệm về Lê Thành Nhơn...

 

 

-------------

Đã đăng:

[Giỗ 10 năm Lê Thành Nhơn (2002-2012)] Lê Thành Nhơn mất ngày 4 tháng 11 năm 2002; đến nay, tròn 10 năm. Ngoảnh lại, tôi vừa thấy thật nhanh, lại vừa có cảm giác như Nhơn chưa hề mất. Mà quả thật, Lê Thành Nhơn vẫn còn. Còn trong lòng bạn bè của anh. Và còn trong các tác phẩm tuyệt vời mà anh để lại... (...)
 
[Giỗ 10 năm Lê Thành Nhơn (2002-2012)] ... Có lần tôi hỏi Lê Thành Nhơn: “Có phải anh rất thích ngắm những bàn tay?” Anh đáp: “Đúng vậy, vì đôi bàn tay có khi diễn tả nội tâm của một con người còn nhiều hơn cả nét mặt hay lời nói...” Tôi hỏi: “Anh yêu thích những bàn tay trong tác phẩm của ai nhất?” Anh đáp: “Những bàn tay trong điêu khắc của Rodin...” (...)

 

 

-------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021