thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những lá thư triều Minh | Chỉ có tro mới biết...
(Diễm Châu dịch)
 
NHỮNG LÁ THƯ TRIỀU MINH
 
I
 
«Thế là đã sắp mười ba năm con chim họa mi bỏ lồng
bay đi. Và để ngủ đêm hoàng đế phải nuốt
những dược hoàn với máu người thợ may bị hành hình,
rồi buông mình trên chăn gối, và, điệu nhạc giả tiếng chim vặn lên,
ngài chìm vào giấc ngủ với tiếng hót đều đều đu đưa.
Từ nay, ấy là tất cả những ngày kỷ niệm chu niên ở Thiên triều,
những ngày kỷ niệm lẻ buồn bã.
Chiếc gương đặc biệt xóa mờ những vết nhăn
mỗi năm một đắt hơn. Khu vườn nhỏ nơi đây chết dần.
Cả đến bầu trời cũng lấm chấm những kim châm như đôi vai
và gáy một bệnh nhân (chỉ thấy có tấm lưng).
Đôi khi em nhận việc giải thích cho hoàng tử
bản chất các vì sao, và ông thường diễu cợt.
Lá thư này, hỡi người yêu dấu, Hồng Nhạn của anh
viết bằng bút lông trên phiến giấy rơm rất mịn
hoàng hậu đã cho em.
Chung quanh, không biết vì đâu, ngày càng có nhiều giấy, ngày càng ít thóc gạo.»
 
II
 
«Đường thiên lý khởi từ bước đầu,
ngạn ngữ nói thế. Nhưng tiếc thay không tùy thuộc vào đấy
con đường trở về, con đường vượt xa hơn nhiều
ngàn lý. Nhất là khi mình khởi đi từ số không.
Một ngàn lý, hai ngàn lý,
con số ngàn có nghĩa là giờ đây mi đã ở thật xa
mái ấm quê hương, và sự phi lý của từ ngữ
nhuốm độc những con số; nhất là những số không.
 
Gió cuốn về hướng Tây, như những hạt chín vàng
của một vỏ đậu đã nứt, về nơi xa kia, phía Trường thành.
Trên tấm nền này con người thật quái gở, khủng khiếp, như một ẩn tự,
như mọi ký hiệu bí hiểm khác.
Chuyển động theo một chiều duy nhất biến tôi thành
một vật bị kéo dài ra, như đầu một con ngựa.
Sức mạnh, sống nơi thân xác, tiêu tan khi bóng tối cọ sát
trên những gié lúa mạch dại héo khô.»
 
 
CHỈ CÓ TRO MỚI BIẾT...
 
Chỉ có tro mới biết thế nào là tàn lụi.
Song tôi vẫn nói ra điều ấy, sau khi phóng một cái nhìn cận thị về phía trước:
không phải tất cả đã bị gió cuốn đi, và ngọn chổi
cào quét rộng khắp sân không thu lượm được hết.
Chúng ta, mẩu thuốc nhăn nheo, đờm rãi, vẫn còn lại trong bóng tối
dưới băng ghế đá, nơi không một tia sáng nào lọt tới,
và, quyện chặt với bùn nhơ, đếm những tháng ngày,
chúng ta tạo thành đất mùn, cặn rác, lớp đất trồng cấy.
Trước cây xẻng lấm lem, nhà khảo cổ sẽ há hốc miệng
trong tiếng nấc cụt; thế nhưng điều phát hiện của ông sẽ vang rền
khắp vũ trụ, như một niềm đam mê bị chôn vùi dưới đất,
như những thứ Kim-tự-tháp lật ngược.
«Xác thối!» ông sẽ kêu lên, tay ôm bụng,
nhưng ông sẽ thật cách xa chúng ta hơn cả trái đất đối với lũ chim,
bởi lẽ là xác thối, chính là không còn bị ràng buộc với các tế bào của mình, là tự do đối với
hết thảy: vinh dự tột cùng của các phân tử.
 
-------------------------------------
JOSEPH BRODSKY (1940-1996), nhà thơ Nga, quốc tịch Hoa-kỳ, Nobel Văn chương năm 1987. Các bài trên được dịch theo bản Pháp văn. (DC.)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021