thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Kim Trọng tại sao
 
Dường như ai nói đến Bùi Giáng cũng chỉ nhắc đến những bài thơ có vần của ông. Tất nhiên hầu hết thơ Bùi Giáng là thơ có vần, nhưng ông cũng có viết một số bài thơ văn xuôi rất độc đáo. Vì thế, chúng tôi sẽ sưu tầm và lần lượt gửi đến độc giả những bài thơ văn xuôi của Bùi Giáng.
 
Bài thơ “Kim Trọng tại sao” nằm trong tập Mưa Nguồn (1962).
 
Tiền Vệ
 
 
Bùi Giáng
"Chân dung tự hoạ"
 
 
KIM TRỌNG TẠI SAO
 
 
Tại sao. Bầu trời đó của anh em mang đi đâu lạc đường về anh tìm không ra lối. Dấu chân này hôm nọ bước chân em còn đây nguyên vẹn mà con mắt anh nhìn ngó mở to chừng như không thấy nữa rồi
 
Hỏi cây hỏi lá cợt cười chi thế gió lá lơ thơ là ý gió buồn vui ngày đó đâu rồi cũng gió lá cây này em ạ và bầu trời kia còn đó nhưng màu xanh như mộng ảo mất đâu rồi vẫn còn kia mà không hề giống nhau như một nửa. Tại sao. Thôi chết. Tại em mang đi đâu cái gì anh chẳng biết mà thật quả có cái gì em mang đi đã xa rồi đâu mất hút dáng bóng mơ hoài mà mộng khác chiêm bao chập chờn lây lất người ta bảo rằng gay cấn lắm em ạ em ơi ồ em em nhỉ
 
Linh hồn em căng thẳng như trong tiểu thuyết nữ sĩ bảo có những dây đờn ở trong đó sắp đứt rồi đây. Nó đứt phựt toang ra, không du dương dư hưởng dư hương dư âm dư thanh dư vị dư vang gì đâu em ạ
 
Tại bầu trời trên đầu anh em mang đi đâu một cái gì trong đó em mang về anh sẽ ngó nhìn bằng hai mắt mở nhận ra ngay. Cái gì nhỏ tí teo mà to một cách...
 
Thôi chết! Nói hoài khản cổ vắng ngắt chung quanh. Anh nằm im nhắm nghiền mắt lại nghe mù sương rơi lộp độp ở trong cái tấm linh hồn ngày nọ anh đã trao ấm áp cho em. Biết răng chừ đây nói nữa
 
 
Đã đăng:
 
----------
Nguồn:
Bùi Giáng, Mưa Nguồn và Lá Hoa Cồn có thêm phần "Mưa Nguồn Hoà Âm" (Saigon: An Tiêm tái bản, 1973) 105-106.
 
 
Viết về Bùi Giáng:
 
... Trong văn học Việt Nam, hình như chưa có ai đi đến tận cùng chủ nghĩa hư vô như Bùi Giáng. Ở khía cạnh này, có thể nói Bùi Giáng là nhà thơ tiêu biểu nhất của thời kỳ chiến tranh lạnh, lúc mọi niềm tin đều bị sụp đổ... (...)
 
[SỔ TAY] ... Nhà thơ diễn tả cảm xúc của mình bằng thứ ngôn ngữ như đùa giỡn: vừa chân thành bày tỏ tình cảm của mình, lại vừa như muốn châm biếm chính cái sự bày tỏ ấy...
 
... Hoài nghi khả năng "tái hiện hiện thực" của ngôn ngữ, có khi Bùi Giáng bỏ cuộc chơi trong lãnh vực ngữ nghĩa để đuổi bắt một trò chơi ở lãnh vực ngữ âm, với nhịp điệu trầm bổng của các thanh, các âm... (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021