thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
“Phê bình là đưa ra bằng chứng nghệ thuật, từ góc độ khám phá cá nhân”

 

Nhân dịp Tọa đàm “Lòng say mê: Động lực riêng tư” xoay quanh cuốn sách phê bình, tiểu luận Suy tưởng, Giấc mơ, Viết... của tác giả Khánh Phương do Trung tâm văn hóa Pháp tổ chức (20- 2-2012), phóng viên An Huệ đã có cuộc trò chuyện với chị về những vấn đề của công việc phê bình và sáng tác đang gây chú ý hiện nay.

 

 

— Thưa chị Khánh Phương, chị nghĩ gì về thực trạng nghề viết phê bình hiện nay? Vì sao chị lại chọn công việc nhiều phức tạp và có lẽ ít người viết là nữ giới nào tham gia?

— Như bạn vừa nhận xét, phê bình là công việc phức tạp, đòi hỏi người viết phải luôn học hỏi, cập nhật tri thức văn chương cũng như tri thức nói chung, mặt khác lại rất dễ khiến người ta rơi vào chủ quan, thiên kiến. Từ lâu tôi không đọc các bài phê bình trên báo chí, vì nói thực, nó không mang lại điều gì thú vị, mà chỉ đọc một số cuốn có tính chất phổ biến lý thuyết. Tôi cũng hình dung mình làm nhiều nghề khác, như bác sĩ, dạy học, làm bánh... nhưng cuối cùng lại viết phê bình, bởi vì đọc, thẩm định, nghiên cứu... là nghề mà tôi được đào tạo chính thức, riêng tôi say mê và gắn bó với nó. Khi đã cầm bút viết, thì đừng bao giờ nghĩ mình là nam hay nữ, tuổi đã già hay còn trẻ. Đã viết là phải “lành nghề”, vậy thôi.

— Thưa, có một số tác giả trẻ thắc mắc, tại sao chị lại chọn viết về những tên tuổi đã được khẳng định như Hoàng Cầm, Trần Dần, Thanh Tâm Tuyền... mà không viết về thơ của những người trẻ đang đăng đàn hiện nay? Tại sao không thấy những vấn đề đang được tranh luận “hot” trên mạng, báo chí, trong cuốn sách của chị?

— Tôi chọn viết về Hoàng Cầm, Trần Dần, Thanh Tâm Tuyền... trước hết vì những tác giả đó hấp dẫn, quyến rũ được tôi. Ai cũng nói đó là những tác giả lớn, nhưng khi hỏi “Lớn thế nào, tại sao lớn?” thì hầu hết sẽ trả lời chủ quan, cảm tính, không thật sự thuyết phục. Đưa ra những chứng cứ, bằng chứng về mặt nghệ thuật với tư cách khám phá cá nhân về những tác giả lớn đó, là điều nên làm và từ trước tới nay tôi chưa thấy nhiều người làm được việc này. Năm tác giả mà tôi chọn: Hoàng Cầm, Trần Dần, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Lưu Quang Vũ... (và sắp tới sẽ là một số tên tuổi tác giả khác) là những nhà thơ có đóng góp nổi bật cho lối sáng tác hiện đại ở Việt Nam, tôi cần viết về họ để trước hết làm một cuốn giáo khoa cho bản thân tôi về lối viết. Còn những người trẻ đang đăng đàn hiện nay, tôi chưa thấy mình bị quyến rũ vì họ. Quan tâm vì công việc thì có, nhưng bạn biết đấy, sách “giáo khoa” thì phải theo trình tự lớp lang, tôi phải làm từ cơ bản trước. Về những vấn đề từng “hot” trên báo chí, website, thú thực là tôi không còn quan tâm. Trong số người tham gia tranh luận đây đó cũng có những người thực sự thiện tâm, muốn làm rõ điểm gì đó về nghề nghiệp, nhưng hầu hết các cuộc tranh luận đều bị “lạc” sang chuyện cãi vã cá nhân, và người ta bàn về những điều chính họ cũng không thật sự hiểu.

— Một số người cho rằng phần II cuốn sách của chị là kết quả thời gian chị làm việc như một biên tập viên cho một số nhà sách ở Hà Nội, nhưng thay vì viết bài điểm sách thông thường, chị lại có những nghiên cứu riêng của mình về tác giả, tác phẩm. Như vậy chị làm thế nào để kết hợp mục đích phê bình với việc PR cho một cuốn sách?

— Bản thân câu hỏi của bạn cũng đã có câu trả lời trong đó. Việc một người nghiên cứu độc lập và một vài nhà sách cùng có mối quan tâm tới những tác giả lớn, đang sáng tác sung sức hiện thời của cả Việt Nam và thế giới, là điều bình thường. Tôi đã trực tiếp phỏng vấn và tìm hiểu về nhà văn Pháp Pascale Roze vào năm 2002 khi chị đi nghiên cứu ở Việt Nam, khi đó miền Bắc còn chưa có nhà sách tư nhân nào đáng kể. Về nhà thơ Joseph Brodsky, hay Allen Ginsberg, Louise Gluck... thì đến bây giờ vẫn chưa có nhà sách nào ở Việt Nam in những cuốn sách riêng của các vị ấy cả. Tôi không bị động trong việc tìm kiếm tác giả cho những nghiên cứu riêng. Và việc chỉ ra cái hay, cái đáng đọc, đáng học tập từ một nhà văn, một cuốn sách, nó là sự PR có hiệu quả lâu bền nhất.

— Vâng, vậy theo chị, làm thế nào để chỉ ra đúng cái hay, cái cần học tập từ một nhà văn, một cuốn sách? Nếu sai thì sao? Vả lại, người ta có nhiều cách hiểu về cùng một hiện tượng?

— Nên dùng từ “trúng” thay cho “đúng”, và có nhiều cách hiểu không có nghĩa là muốn gán ghép tùy tiện bất cứ ý nghĩa nào cho tác phẩm cũng được. Cơ sở để tiếp cận tác phẩm, dựa trên các phương pháp đọc và thẩm định hiện có. Nhưng có thẩm định và bình giá được hiện tượng hay không, phụ thuộc vào khả năng phục dựng hay “khám phá lại” tổ chức nghệ thuật mà nhà văn đã tạo nên, phụ thuộc năng lực cá nhân của người phê bình. Sáng tạo trong nghệ thuật, bao giờ cũng là làm cho người thưởng thức bị lay động và kinh ngạc. Có thể có lối sáng tạo “mặc khải”, do trời phú. Nhưng hầu hết sáng tạo văn chương có giá trị là đi theo con đường tích lũy, trải qua những hình thái tổ chức nghệ thuật đã có để tìm kiếm những hình thái tổ chức nghệ thuật khác có khả năng gây ra sức lay động và kinh ngạc hữu hiệu hơn. Như thế, không chỉ có người viết phê bình phải học hỏi tri thức văn chương, mà người sáng tác cũng phải học để biết ít nhất “người ta” đã trải qua những lối viết và tư tưởng nào. Trong một tác phẩm, một hiện tượng văn học, người phê bình có quyền “đọc” ra phần sáng tạo cá nhân của nhà văn, nhuần nhuyễn trong những chất liệu, quy luật, những giá trị văn học có từ trước đó. Chỉ khi nắm rõ những giá trị văn học và các “bộ mã” ngôn ngữ văn chương vốn có, người thẩm định mới khu biệt được đâu là phần sáng tạo của nhà văn. Như vậy, tác phẩm (hay hiện tượng) văn học căn bản vẫn hiện ra như một tổ chức bao gồm cả cái định lường được và cái cần phải tìm cách định lường. Suy đoán và bình giá của nhà phê bình tất nhiên cũng mang tính chất bấp bênh, nhưng thú vị, vì phần sáng tạo của nhà văn được ghi nhận dựa trên những “nền móng” mà nhà phê bình có khả năng nắm được.

Khi tác phẩm văn chương được coi là một bộ tập hợp của các ký hiệu, người ta có quyền giải mã bộ ký hiệu ấy theo nhiều hệ thống quy chiếu khác nhau. Ví dụ hệ quy chiếu phân tâm học, hay quy chiếu xã hội học, hay hệ quy chiếu từ vựng, ngữ vựng... Nhưng căn bản người đọc vẫn phải đưa ra được một cách thức thuyết phục để định lường tác phẩm đó. Cách thức và kết quả định lường nào càng đến gần được những bí ẩn trong tư duy và cảm thức con người nói chung, đem lại những đường biên mới lạ, lý thú, về suy tưởng thì càng được coi là “trúng”, trong khi ý đồ sáng tạo của nhà văn ngày càng không được xem là cái bất biến, do cố ý mà nên.

Một nhà phê bình, sau 20 năm, hoàn toàn có thể có những ý kiến khác về đối tượng trước đây của mình. Như thế không có nghĩa ý kiến của 20 năm trước là “sai”, mà nó là kết quả của một lối tư duy khác.

— Có ý kiến cho rằng, cuốn sách thể hiện sự phân vân của chị giữa việc làm một người phê bình chuyên nghiệp với gánh nặng tri thức đáng khiếp sợ của nhân loại, với việc làm “tay mơ”, chỉ viết theo ý thích, hứng thú. Chị nghĩ gì về việc này?

— Tôi cảm ơn tất cả ý kiến nhận xét, đóng góp của bạn bè, độc giả. Đó đều là những ý kiến đáng để tôi phải suy nghĩ. Lòng say mê, yêu thích đối với tôi không phải là cái gì đó “hợp gout” hay đáp ứng thói quen thẩm mỹ của mình. Sáng tạo và cái đẹp là những lĩnh vực không thể hạn chế vào bất cứ một khuôn mẫu hay tính chất nào. Lòng say mê cũng vậy. Điều tôi mong ước là được thấy và đọc tác phẩm đỉnh cao, bởi vì sự phê bình càng sâu sắc và tinh vi bao nhiêu thì nó càng góp phần giúp người ta, kể cả nhà phê bình, hình dung được tầm vóc cụ thể của tác phẩm đỉnh cao sẽ có. Chỉ biết gắng sức, còn làm được tới đâu, tôi không thể tự nói chắc.

— Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện cởi mở này,

 

An Huệ thực hiện

 

 

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021