thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm lớn: [7] NHỮNG KHÁC BIỆT VỀ THỊ HIẾU
Phạm Viêm Phương và Mai Sơn dịch

 

Thưa tiến sĩ Adler,

Thường khi mọi người lao vào tranh cãi kịch liệt về giá trị của một tác phẩm nghệ thuật, ai đó dẫn ra một châm ngôn xưa cũ nói rằng không có việc tranh luận về thị hiếu. Nhưng vài người khác, nhất là các nhà phê bình nghệ thuật, tuyên bố rằng họ đưa ra được những đánh giá khách quan về nghệ thuật, dựa trên những căn cứ vững chắc. Chúng ta có thể tranh luận về thị hiếu không, hay phải chăng sự đánh giá của chúng ta trong nghệ thuật chỉ là vấn đề sở thích cá nhân?

D.W.H.

 

 

D.W.H. thân mến,

Việc nhiều người bất đồng trong thị hiếu của họ tự nó là một sự kiện không thể chối cãi. Còn một thực tế nữa là không có ý nghĩa gì trong việc tranh luận với một người về cái gì anh ta thích hay không thích. Nhưng hoàn toàn vẫn có thể nói với một người rằng anh ta có thị hiếu kém và rằng điều anh ta thích tự trong bản thân nó không xuất sắc hay đẹp đẽ. Ở đây có rất nhiều chỗ để tranh luận.

Những người nói rằng không có việc tranh luận về thị hiếu thường muốn nói nhiều hơn những gì họ nói. Theo phán đoán của tôi họ sai lầm không phải với những gì họ nói mà với những gì họ muốn nói. Họ khởi sự từ sự kiện cho rằng người ta bất đồng về thị hiếu, với những gì người ta thích và không thích, rồi kết luận rằng đó là tất cả. Nói cách khác, họ kết luận rằng trong khi nói về những tác phẩm nghệ thuật hoặc những sự vật đẹp, những ý kiến tuy riêng mà người ta có thể trình bày phải mang hình thức quen thuộc kiểu như “Tôi không biết nó có đẹp hay không, nhưng tôi biết cái gì tôi thích.”

Kết luận này khiến cho cái đẹp trở nên hoàn toàn chủ quan hoặc, như người ta thường nói, hoàn toàn là chuyện sở thích cá nhân. Nhiều người thỉnh thoảng có cùng lập trường như thế này về sự thật và điều thiện. Sự thật, họ nói, chỉ đơn thuần là cái gì có vẻ thật đối với tôi. Sự thiện chỉ đơn thuần là cái gì tôi nhìn nhận là đáng ao ước. Như vậy họ giảm trừ sự thật và sự thiện thành vấn đề thị hiếu mà về vấn đề đó không thể có sự tranh cãi nào.

Hãy để tôi làm sáng tỏ sai lầm của họ. Nếu một người nói với bạn, “Vật đó trông như có màu đỏ đối với tôi,” thì sẽ là dại dột nếu bạn tranh cãi với anh ta vật đó có màu như thế nào. Sự kiện nó trông như có màu xám đối với bạn không liên quan gì đến việc nó trông như có màu như thế nào đối với anh ta. Mặc dù vậy, bạn có thể chỉ cho anh ta thấy rằng anh ta bị đánh lừa bởi ánh sáng hơi đỏ từ một nguồn sáng chiếu lên vật đó và, thực ra, vật đó màu xám, chứ không phải màu đỏ. Ngay cả sau khi bạn chứng minh điều này cho anh ta thấy bằng những bài thử nghiệm vật lý, vật đó có thể vẫn trông như có màu đỏ đối với anh ta, nhưng anh ta sẽ có thể nhận ra sự khác biệt giữa vẻ bên ngoài và thực chất.

Điều minh họa đơn giản này cho thấy rằng dù chẳng có ích gì khi tranh cãi về những sự vật có vẻ như thế nào, vẫn có những lý do xác đáng để tranh cãi về những sự vật là gì. Tương tự, nếu một ai đó cứ nói đi nói lại với anh những gì anh ta thích và không thích trong các tác phẩm nghệ thuật, anh ta đang trình bày những ý kiến thuần túy chủ quan không thể tranh cãi. Nhưng một nhà phê bình tài ba vẫn cố trình bày những đánh giá khách quan về những điểm xuất sắc hay những thiếu sót của bản thân tác phẩm. Họ đang nói về đối tượng, chứ không nói về bản thân họ.

Hầu hết chúng ta biết rõ sự khác biệt giữa tay nghề tài giỏi và tay nghề yếu kém. Nếu chúng ta thuê một người thợ mộc làm một cái bàn cho chúng ta, thế rồi anh ta làm quá tệ, chúng ta chỉ cho anh ta thấy rằng cái bàn xục xịch hay bốn chân của nó quá thanh mảnh không chịu nổi sức nặng của mặt bàn. Điều gì đúng đối với nghề mộc thì cũng đúng đối với mọi nghệ thuật khác. Giống như những cái bàn, các tác phẩm mỹ thuật cũng có thể được thể hiện tốt hoặc tồi. Những sự vật thụ tạo tốt thì có những phẩm tính khách quan nào đó có thể nhận ra được bởi những người biết cái gì liên quan tới tay nghề tài giỏi hay yếu kém trong lĩnh vực nghệ thuật đặc thù.

Để nhận ra sự tuyệt vời trong một tác phẩm âm nhạc, người ta phải có một ít hiểu biết về nghệ thuật sáng tác âm nhạc. Nếu một người thiếu hiểu biết đó, dĩ nhiên, tất cả những gì anh ta có thể nói là anh ta thích hay không thích âm nhạc. Người cứ nhất định nói rằng đó là tất cả những gì anh ta hay bất kỳ ai khác có thể phát biểu đơn giản là anh ta đang thú nhận mình chẳng biết gì về âm nhạc. Anh ta có thể tiếp tục bày tỏ những cái thích và những cái không thích của mình trong âm nhạc, nhưng anh ta không nên, trong sự thiếu hiểu biết của mình, từ chối quyền của người khác đưa ra những đánh giá khách quan dựa trên kiến thức mà anh ta không có.

Câu hỏi đặt ra cho bất kỳ người nào khăng khăng nói rằng cái đẹp trong các tác phẩm nghệ thuật hoàn toàn là vấn đề thị hiếu cá nhân là: liệu có hay không một số người có thị hiếu tốt hơn những người khác. Phải chăng một số người có thị hiếu tốt và số khác có thị hiếu hoàn toàn kém? Có thể cải thiện thị hiếu của một cá nhân không?

Trả lời khẳng định cho những câu hỏi này có nghĩa là thừa nhận rằng có những chuẩn mực khách quan để đưa ra những đánh giá có tính phê bình về các tác phẩm nghệ thuật. Có thị hiếu tốt cốt ở việc ưa thích hơn những gì xuất sắc hơn một cách khách quan. Thủ đắc một thị hiếu tốt trong một vài lĩnh vực nghệ thuật tùy thuộc vào việc thủ đắc hiểu biết về nghệ thuật đó và vào việc học hỏi để nhận ra sự xuất sắc trong tay nghề.

Nếu không có sự khác biệt khách quan làm cho các tác phẩm nghệ thuật thêm hoặc bớt hay đẹp, thì sẽ không thể nào nói được ai có thị hiếu tốt hay xấu hoặc việc nỗ lực hết sức để cải thiện thị hiếu của mình là điều đáng bỏ công.

 

Phạm Viêm Phương và Mai Sơn dịch từ cuốn Great Ideas from the Great Books của Dr. Mortimer J. Adler.

 

[còn tiếp nhiều kỳ]

Đã đăng:

Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm lớn: [1] BẢN CHẤT VÀ CÁC HÌNH THỨC CỦA NGHỆ THUẬT (đăng kèm bài giới thiệu của hai dịch giả Phạm Viêm Phương và Mai Sơn)

Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm lớn: [2] YẾU TÍNH CỦA THƠ

Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm lớn: [3] NHÀ THƠ – NGƯỜI THỢ LÀNH NGHỀ HAY NHÀ TIÊN TRI?

Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm lớn: [4] NHỮNG LỢI ÍCH CỦA ÂM NHẠC

Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm lớn: [5] TÍNH NGHIÊM TÚC CỦA “NHỮNG VỞ KỊCH”

Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm lớn: [6] ĐỊNH NGHĨA VỀ CÁI ĐẸP

 

-------------------------------

MORTIMER JEROME ADLER (1900 – 2001). Học giả và tác giả người Mỹ, sinh tại New York City, tốt nghiệp Đại học Columbia.

Ông giảng dạy tâm lý học tại Đại học Columbia (1923 – 1929) và dạy triết học về luật tại Đại học Chicago (1930 – 1952). Từ 1945 đến 1952, ông cùng với nhà giáo dục Robert Hutchins biên soạn một công trình đồ sộ gồm 52 tập, Great Books of the Western World. Năm 1952 ông thôi giảng dạy tại Đại học Chicago để lãnh đạo Viện Nghiên cứu Triết học mới thành lập tại San Francisco.

Các tác phẩm quan trọng của ông có thể kể: How to Read a Book (1940), The Difference of Man and the Difference It Makes (1967), Philosopher at Large: An Intellectual Autobiography (1977)...

Ông là chủ biên công trình biên niên sử The Annals of America (20 tập; 1969) và là chủ biên ấn bản thứ 15 bộ bách khoa tự điển Encyclopaedia Britannica, xuất bản năm 1974.

 

-------------------------------

Lời toà soạn:

Để mở rộng những ý tưởng được Adler trình bày ở trên, đề nghị độc giả xem thêm bài Vấn đề hình thức và nội dung, cái mới và cái đẹp [phần III] của Hoàng Ngọc-Tuấn.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021