thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Túi quần bên trái

 

Tôi xuất hiện ở đây với một bộ quần áo khác với bộ quần áo thường ngày vẫn mặc. Tôi mặc cái áo mầu tím, cà-vạt tím, quần tím, áo vest tím; tôi nhốt những giấc mộng mầu tím trong cái túi quần bên phải vì thuận chiều. Tôi đi ra đường, đi bộ trong mầu nắng vàng hiếm hoi của miền đông bắc những ngày cuối đông chuẩn bị sang xuân. Tôi luôn luôn cảm thấy thiếu một cái gì đó ở túi quần bên trái, điều này chắc chỉ có mình tôi hiểu.

Hôm qua tôi nhận được một email trong đó chỉ có một chữ viết tắt Đ, mà tôi cố gắng suy đoán, Đi, hay là Đến, Đi đâu, Đến đâu, ngay cả khi giật mình thức dậy giữa giấc ngủ chữ ấy vẫn nhẩy nhót trong trí tôi, tôi hỏi lại người viết thì chẳng thấy trả lời, dường như cố giữ một sự bí mật riêng tư chẳng nói thành lời, và ỡm ờ bí mật để chọc ghẹo trí tưởng tượng đáng thương của cả hai. Cũng có thể vì đánh nhầm chữ.

Sáng nay tôi không cố gắng suy nghĩ nữa vì thấy vừa tội nghiệp vừa giận mình. Tôi vào phòng tắm, khi đang tắm tôi hát, một thói quen, để không phải tập trung vào cái mà mình không muốn tập trung. Hát xong thì cũng vừa tắm xong. Tôi đã đứng khá lâu trước cái closet quần áo, hôm nay tôi tình cờ thấy những cái quần áo tôi mặc toàn mầu tím cả, một mầu của buồn thương. Hình như cả cuộc đời tôi hiếm khi mặc những quần áo có mầu tươi vui sáng sủa. Tôi mặc nó và đi ra đường. Đúng ra như mọi hôm tôi đã nhẩy ngay lên chiếc xe hơi còm cõi của mình, nhưng hôm nay lại không làm thế. Tôi cảm thấy mình bất định đến nỗi không thể định hướng. Tôi nghĩ thôi mình cứ thả mình trôi trên sông hôm nay coi nó trôi lạc đến bến bờ nào.

Một lát sau tôi thấy mình đi qua một cái nhà thờ, hơi ngỡ ngàng vì cả chục năm nay sống trong khu vực này tôi chẳng hề biết là có một cái nhà thờ ở quá gần nhà mình. Tôi chẳng định đi vào đó nếu không thấy một chú bé con ngộ nghĩnh đứng ở ngay trước cửa nhà thờ nhìn ra, có vẻ như nó đang chờ đợi ai, nhưng nhìn thấy tôi thì nó mỉm cười. Nụ cười của nó làm tôi nhớ j., người mà tôi cố tình quên lãng nhưng không thể quên lãng. Người ta nói khi cố quên là khi lòng nhớ thêm, nghe có vẻ sến nhưng mà quả thật vậy. Mình muốn quên vì mình đang nhớ nó. Chính vì nghĩ đến j. mà tôi bước vào nhà thờ.

Tôi đi qua chú bé, đi vào trong nhà thờ khi cánh cửa khép hờ bị đẩy ra. Bên trong, một dáng phụ nữ đang quỳ gối bên cạnh ghế, đầu cúi xuống mặt ghế. Bà ta đang cầu nguyện. Tự nhiên tôi mỉm cười, chắc là do phản xạ. Tôi chẳng mấy tin vào chuyện cầu nguyện này. Tôi vẫn thường cợt đùa khi nghe ai đó nói về sự cầu nguyện. Tôi cũng có viết vài bài để chế giễu những ai hay nói về sự cầu nguyện, hay đặt lòng tin vào một Đấng nào đó. Đấng nào? Tôi tin là tôi có thể làm một người tự chủ mà không cần thiết phải có Đấng nào. Nhưng tại sao tôi lại ở trong nhà thờ? Tại sao tôi lại nhìn người đàn bà đang quỳ gối úp mặt với một nụ cười nhưng tôi hoàn toàn không còn dấu vết của sự trêu cợt bất kính? Tôi thấy j. đang bị đè bẹp dưới đất và đang giẫy giụa để trốn thoát khi nghe tiếng cầu nguyện nhỏ, lặng lẽ, im ắng, khẽ khàng của người đàn bà. Tiếng nói bị dồn nén trên mặt ghế, nhưng rõ ràng là nó đang nhẩy nhót cao hơn, cao hơn cái trần nhà thờ cao kia. Những bóng đèn trong cái chùm đèn đang lắc lư khiêu vũ cùng tai họa.

Bỗng người đàn bà ngẩng đầu lên, dường như bà ta nghe gì đó, thấy gì đó. Cái mà bà ta nghe là tiếng động tôi gây ra khi để rơi một quarter trên mặt thảm vì lúng túng, và cái bà ta thấy đó là tôi, với toàn thân mầu tím. Bà ta đứng dậy, nhưng không có vẻ gì hốt hoảng. Chỉ là một người đàn bà bình thường, tầm thường. Khuôn mặt bà ta rất mềm, làm tôi đưa tay sờ da mặt mình một cách phản xạ. Da mặt cứng, sần sượng, mà tôi biết đó là hậu quả của nỗi đau khổ muốn che giấu, cố làm ra vẻ thản nhiên, vì che đậy hoài nên nó không còn vẻ mềm mại tự nhiên nữa, điều đó đôi khi làm tôi lưu ý. Tại sao mình cứ làm bộ ra vẻ thản nhiên? Tôi cũng cố gắng mỉm cười, vẻ thân thiện. Bà ta chào, đứng dậy, đi ra ngoài chỗ chú bé con đứng, hai người nói gì đó, rồi chú bé đi vào nhà thờ, chỗ tôi đứng:

“Chào chú, chú cần cầu nguyện à?”

“Phải, bé con.” Tôi đáp, mà không ngờ mình đã đáp như vậy.

“Vậy cháu và mẹ cháu sẽ chờ ngoài kia, khi nào chú xong thì mẹ và cháu sẽ đóng cửa nhà thờ để đi về.”

“Ồ,” tôi nói. “Phiền cháu quá, thôi để tôi về.”

“Dạ không ạ,” chú bé vội vã nói. “Không có phiền gì đâu, chú cứ tự nhiên cầu nguyện, bao lâu cũng được, cháu và mẹ cháu sẽ làm ít việc khi chờ chú.”

Nói xong nó vội vã đi ra ngoài, rồi hai mẹ con đi nghiêng xuống dốc, về hướng những căn nhà nhỏ gần đó. Tôi ngần ngại nhìn mặt ghế nơi người đàn bà vừa rời khỏi. Tôi lại nhìn lên cây thập tự phía trên. Tôi nhìn vẻ im ắng của nhà thờ, im ắng đến nỗi tôi nghe tiếng dậy sóng của lòng mình rõ hơn. Cầu nguyện là cái gì? Cầu nguyện như thế nào? Tôi bị thúc giục phải đi lên gần cái thập tự và đứng thẳng như khúc gỗ. Lẽ nào tôi sẽ làm một việc mà tôi chưa bao giờ muốn hay nghĩ là mình phải làm. Tôi lại nhìn thấy j., và nỗi đau lại cồn cào. Nhiều năm qua tôi cứ đau như thế này mãi, và sáng nay rõ ràng là tôi đang đi tìm một cái gì đó có thể làm cho lòng tôi bớt đau hơn. Nhiều năm tôi nghĩ là tôi có đủ bản lĩnh để chế ngự j., nhưng nhiều năm tôi vẫn bị j. hành hạ nhức nhối. Tôi cứ nghĩ về điều đó mỗi ngày, như một người cố gắng lập lại, không, không, không, mà nhiều chữ không như vậy là một cách để hiểu là có, hai dấu trừ đã thành dấu cộng. Nên đến trăm lần nhất định mình chưa yêu có phải là vì mình đã yêu quá đến nỗi phải nghĩ về nó hàng trăm lần, và càng phủ nhận nó, thì nó lại càng xác nhận.

Tôi nghĩ về những điều làm mình có thể lạc quan hơn. Nhưng bầu trời đang xám ngắt, dù đang nắng. Hôm qua tôi đi dự đám tang của một người bạn trẻ tuổi hơn, và điều đó cũng làm cho bầu trời xám hơn. Người bạn thật đẹp với nụ cười còn đẹp hơn trong ảnh, làm cho tôi hỏi “tại sao?” như mọi lúc, mà chẳng bao giờ có câu trả lời. Tôi có khi cảm thấy xấu hổ vì sự nhạy cảm yếu đuối của mình. Tôi cũng có khi buồn bã vì sự cứng cỏi của mình, về sự giả trang của mình. Tôi nhìn thấy khuôn mặt kịch No méo lại đang khóc nhưng cố gắng nở nụ cười mếu. Làm chi vậy? Tại sao không khóc đi, hay cười lên, vì những cái gì có thật? Tôi biết là j. làm cho tôi khóc nhưng tôi cứ phải cố gắng cười. Sự giằng co giữa khóc cười làm cho khuôn mặt tôi lệch lạc.

Tôi cứ đi dần vào trong những vở kịch mà tôi chẳng bao giờ đóng một vai cho trọn, lúc nào tôi cũng bị lầm lỗi, hết lỗi này đến lỗi khác, những lỗi không bao giờ giống nhau. Tôi đứng im chẳng thể quyết định điều gì trong những lúc cần quay lại, cũng như những lúc cần đứng thì tôi lại đi. Tôi thọc tay vào túi quần bên trái và thấy vẫn còn thiếu, nó thiếu như bao lâu nay vẫn thế, và bàn tay tôi đang thọc vào một khoảng không buồn tẻ nào đó của cuộc đời. Tôi nghe tiếng tôi kêu nài với một ai đó mà tôi không thể ngã giá. Những bài viết chế nhạo, phản bác của tôi càng lúc càng đẩy tôi đi vào ngõ cụt. Tôi càng bướng bỉnh thì tôi càng bối rối. Tôi buộc phải nói rằng tôi cứ làm ra vẻ chán đời làm chi khi thực tế là tôi quá yêu cuộc đời. Tôi yêu cuộc đời và tôi muốn sống đẹp hơn cho đời. Nhưng tội nghiệp tôi, có một sợi dây thắt ngang lưng tôi, là sự kiêu hãnh không giá trị vì chính tôi đã nhận ngay ra rằng mình chỉ là một sinh vật quá yếu đuối không có một chút gì đáng để kiêu hãnh. Tôi vừa thấy sự kiêu hãnh tan tành từng mảnh vụn trong đôi mắt biết cười của chú bé con. Nó thanh thản biết bao, như mầu trời xanh xinh đẹp ngoài kia, mà tôi cứ cố tình làm cho nó ra mầu xám, để nguyền rủa cái tự hào mà tôi tự vẽ. Tôi nhìn về hướng những căn nhà nhỏ mà hai mẹ con đang cắm cúi đi.

 

Ngẫu nhiên hay không khi tôi đi ngang qua nhà thờ (một nơi mà tôi chưa bao giờ để ý) và nhìn thấy chú bé đứng trước cửa. Tại sao nụ cười của nó khiến tôi nghĩ đến j., chiếc bóng treo ngược của tôi, và khiến tôi bước vào trong nhà thờ? Tại sao tôi đứng đây? Cái đầu óc vốn năng động mà não nề của tôi hoạt động. Tôi muốn nghĩ ngược lại điều tôi đang nghĩ. Tôi nhớ lại một đoạn mà tôi chế giễu:

Thật buồn cười khi con người hãnh tiến chúng ta ngày hôm nay, vốn có thể đi lên trời xuống dưới biển, mổ được óc và tim, những bộ phận tế nhị nhất của cơ thể, có thể gặp nhau từ đầu đến cuối đất chỉ bằng một cái nhấn của một ngón tay, lại có thể tin rằng có một Đấng vô hình thiêng liêng nào đó chỉ huy và điều hành. Đó là ai vậy?

Chiều hôm đó, chính những trang viết của tôi đến và nói với tôi:

“Cái gì anh chưa biết thì anh khoan nói.”

Tôi nhún vai:

“Cái này thì tôi tin là tôi biết.”

“Chẳng có ai dám nói là mình biết hết đâu.” Tờ giấy cũng nhún vai.

Tôi thấy j. đứng ở góc phòng, có vẻ như hấp tấp rời khỏi. Tôi cố gắng gọi j. trở lại khi cô ta ngúng nguẩy quay lưng. Vẻ vội vàng rất hấp dẫn của cô ta làm tôi bị áy náy. Chắc là có một cái gì đó tôi chưa biết thật. Làm sao tôi có thể biết hết mọi thứ ngay cả khi tôi cố tình bươi móc hết tất cả những sách vở viết hay nói về điều đó mà hầu hết chúng đều đứng về phía tôi? Tôi chưa bao giờ từng đọc một cuốn sách nào ngược lại và chưa từng có thiện ý nghiên cứu nó một cách khách quan. Nhưng j. đã làm cho tôi nhận ra rằng chỉ với một sinh vật mỏng manh yếu đuối như cô ta có thể làm cho tôi phải hốt hoảng kêu réo và rượt đuổi, thì hẳn có một điều gì đó cao hơn mà tôi chưa biết rõ. Lúc đó tôi có lùi lại một bước, rồi vài bước nữa, tôi cảm thấy mình thật chưa biết rõ lắm, mà khi chưa biết rõ lắm thì đừng nói, khoan nói, vì sẽ có ngày hối tiếc.

Tôi nhớ lại hình ảnh người bạn trẻ khi tôi vào bệnh viện thăm, ngay lúc anh chuẩn bị đi giải phẫu. Anh đã được bác sĩ cho biết cần phải chuẩn bị tinh thần vì ca mổ sẽ khó khăn. Chữ “chuẩn bị tinh thần” trong hoàn cảnh đó cũng có nghĩa là chuẩn bị sẽ không bao giờ tỉnh lại nữa. Nhiều năm chơi với nhau, tôi biết anh là một con người có nghị lực, và cũng như tôi, anh chẳng bao giờ nghĩ rằng mình phải tin một cái gì ngoài việc tin vào mình. Nhưng ngay lúc đó tôi thấy anh có vẻ bất ổn, anh muốn làm chậm lại thời gian đi mổ, trù trừ băn khoăn và hiện rõ nét sợ hãi. Anh hỏi tôi, giọng run rẩy:

“Cậu nghĩ rằng mình cần điều gì trong giờ này?”

“Một niềm tin.” Tôi chua xót nói, bởi vì tôi chưa bao giờ tin một điều gì cả.

“Tin cái gì?” Bạn hỏi lại.

“Tôi chưa làm điều này bao giờ, nhưng cậu hãy thử cầu nguyện một Đấng nào đó. Một Đấng nào đó mà cậu chưa bao giờ tin trong cuộc đời.” Tôi nói nhỏ hơn như thì thầm với mình, và cảm thấy xấu hổ đến nỗi muốn biến mất.

Tôi thấy bạn nhắm mắt lại, môi thì thầm gì đó, và rồi người ta đẩy chiếc giường của bạn đi. Bàn tay bạn níu thanh sắt của giường bệnh một cách tuyệt vọng. Sự đau khổ trong mắt bạn làm tôi đau đớn và sợ hãi. Rồi bạn không tỉnh lại nữa. Khi nghe tin, tôi hỏi tôi: bao giờ đến lượt mình, và mình sẽ phản ứng như thế nào? Tôi cố gắng ngồi xuống viết, nhưng những dòng chữ nhạo báng không chảy ra nữa, thay vào đó là những lời khiêm nhu chưa từng có. Tôi thấy có một điều gì đó bí mật, cao cả, cao vời, mà tôi chưa hiểu hết. Dầu vậy tôi vẫn nấp sau chiếc bóng tôi hàng đêm.

Tôi không nghĩ đây là việc ngẫu nhiên. Một cái gì đó siêu nhiên không giải thích được đã đẩy tôi ra đường, đi đến đây, và vào đây, giờ này, một mình, tôi đối diện với sự thật mà lâu nay tôi vẫn cố gắng chối từ.

 

Có lần, tôi tự thú nhận, tôi đã đi đến một ngọn núi, và nghĩ: trên núi đó có cái gì, chắc không phải chỉ là đất đá hoa cỏ? Tôi rất muốn leo lên đó khám phá, nhưng tôi biết chắc là tôi không có khả năng để leo lên. Tôi ngồi xuống trên đất, thử nghĩ về một điều gì đó làm cho lòng mình thỏa mãn, nhưng thật lạ lùng, tôi thấy mình nhỏ bé và run rẩy. Tôi nhìn thấy một con sóc chạy ngang và tôi biết nó bình an hơn tôi. Chưa bao giờ tôi tự hỏi làm sao mà tôi không bao giờ thấy bình an, ngay cả khi tôi cố tình đập đổ một cái gì đó mà tôi biết nó chẳng có tội tình gì. Sự đập đổ đó chỉ làm tôi bị đập đổ trở lại.

Cái khoảng trống thiếu vắng của túi quần bên trái đó là gì? Tôi muốn biết mà không bao giờ biết, cho đến hôm nay, khi đứng trước thập tự, tôi muốn hỏi người đã bị đóng đinh trên thập tự ấy mặc dù không thấy mặt, không biết mặt. Giờ phút này dường như là lúc tôi bắt buộc phải đối diện với một quan tòa và ông ta sắp đưa ra hàng loạt câu hỏi mà tôi biết mình sẽ không bao giờ trả lời được. Tôi chợt cảm thấy mình run rẩy khi nhớ lại sự nhạo báng của mình, như thể tôi sắp sửa phải nói ra hết mọi thứ mà tôi không thể giấu được, như người ta đang đứng trước một cái máy nói thật, lo sợ vì mình không thể nói dối. Tôi phải nói ư, khi tôi chưa hề chuẩn bị nói gì. Tôi nhìn quanh và muốn tháo lui nhưng có một cái gì đó vô hình mà tôi biết có thật đang níu hai chân tôi lại, dính chặt vào nhau.

Tôi lại muốn gọi j., nhưng không biết giờ này cô ta ở đâu. Cô ta đã ở đó ngay lúc tôi chưa hề mở miệng. Chiếc bóng khốn khổ, sao cứ theo ta hoài, tôi nói.

“Em nghĩ là đã đến lúc anh nên đầu hàng.”

“Điều gì vậy?” Tôi khắc khoải hỏi.

“Nói ra hết đi, rồi anh sẽ bình an.”

Nói hết đi, có một sợi giây vừa siết ngang lưng tôi. Nói hết, là điều tôi mong muốn, khao khát. Nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ là mình sẽ nói, vì tôi không muốn nói, tôi sợ mất tôi, thật là đáng nguyền rủa. Có những lúc tôi đã nói rằng sẽ đem những điều ấy vào một nơi mà những người hành hương không thể đến. Tôi có khi mơ rằng một buổi sáng nào đó trong một nơi quạnh quẽ của một góc biển, tôi sẽ nói, sẽ gào thét cùng sóng, như quăng ném hết những rác rến ràng buộc đời tôi ra khơi. Nhưng điều đó có giải quyết được gì? Sóng biển không thể nghe và cũng không thể trả lời, không thể đáp ứng. Tôi sẽ lại trở về mang theo trái tim càng khắc khoải hơn. Tôi biết mình sống quá vô nghĩa. Không một mục đích nào hết. Không cả một lý tưởng. Rốt lại thì tôi đã được gì, sau bao nhiêu năm làm người. Và j. vẫn là một khoảng trống trong tâm hồn tôi, không phải, là một khoảng trống, một sự thiếu vắng, nằm trong túi quần bên trái, như một chông chênh làm tôi cứ phải đi nghiêng.

“Nói đi, khoảng trống ấy là gì?” Một tiếng nói.

“Có phải niềm tin là cứu cánh cho một đời người?” Tôi hỏi lại

“Không có sự lựa chọn đâu, cái túi quần bên trái ấy cứ mãi khắc khoải nếu không được giải quyết, và chẳng có gì giải quyết được ngoài một sự tự thú.”

Tôi bước lại gần thập tự hơn nữa và lần đầu tiên có ý định tự thú. Trong giây phút, cả một quãng đời thơ ấu hiện rõ. Một căn nhà ngói đỏ trong một thành phố nhỏ, yên tĩnh, bên cạnh một công viên vắng, buổi trưa có thể nghe cả tiếng thiên thu vọng về. Một gia đình có mẹ cha và con. Một thời gian sau đó có một người khác nữa, một người bạn của cha tôi, đến nhà tôi ở tạm trong thời gian ông ta chuẩn bị xin việc làm tại thành phố. Đó là một người đàn ông cao lớn, đẹp trai như một tài tử điện ảnh, toàn bộ cá tính rất thu hút mà tôi rất ngưỡng mộ, dù tôi lúc ấy chỉ mới mười ba tuổi.

Tôi mở cửa phòng, bước nhẹ như hơi thở của mèo lúc rình mồi, căn phòng nhỏ nằm sát bên phòng tôi, những nửa đêm thường xuyên thức giấc giữa giấc ngủ thiếu niên vừa khám phá sự kỳ diệu bất ngờ của sinh lực tràn dâng, có thể nghe tiếng ngáy đều giấc ngủ đàn ông phòng bên cạnh. Tôi biết giờ này mọi người đều đã đi ngủ, chị giúp việc ở mãi gần bếp phía Nam, phòng cha mẹ tôi lại ở đầu cực Bắc. Tôi áp mũi vào cửa phòng, nghĩ mình có thể nghe mùi rượu từ trong bay ra. Mùi rượu ông ta mang về mới khi nãy, mùi rượu ông ta vẫn len lén mang về khoảng nửa đêm mà cha mẹ tôi chưa bao giờ khám phá, ngay cả chị bếp, chỉ có con mèo thấp thỏm rình mồi là tôi, thằng bé mười ba tuổi.

Tôi còn biết rõ là ông ta không bao giờ đóng cửa phòng vào những đêm đi uống rượu về. Tôi xoay cái nắm cửa nhẹ nhàng và lách mình vào. Căn phòng hoàn toàn chìm ngập trong bóng tối khiến tôi phải căng mắt ra nhìn, nhưng tôi không nghe một chút mùi rượu nào, mà nghe thoáng mùi thơm của hoa dại hay phấn hồng. Tôi nghe tiếng thở nhẹ đầy hương vị nồng nàn. Không phải là cái mùi hương mà có lần tôi vô tình ngã vào một buổi trưa hè khi cả hai chạm nhau trên hành lang vào nhà, đánh thức niềm vui rón rén của tuổi trẻ. Tôi tiến lại gần hơn vị trí tôi muốn đến. Căn phòng này đã có lúc là nơi tôi ở, nhưng từ khi ông ta dọn về, thì tôi bị đẩy đi đến một cái phòng khác nhỏ hơn nơi dùng để cất những đồ đạc cũ của gia đình. Tôi biết rõ những khoảng cách những đồ vật trong phòng. Tôi có thể bước đến, đụng chạm, chính xác, dù đang dò dẫm trong đêm.

Bỗng nhiên tôi ngừng lại. Đôi tai của con mèo rình mồi vểnh lên, mũi nó phập phồng đánh hơi khi lại gần, sát bên. Tiếng trở mình mềm mại uốn éo trên giường, tiếng va chạm của da thịt im lặng đồng lõa, tiếng đụng chạm của sự khắn khít. Trong từng phân da thịt tôi, những tiếng động ấy trở thành những dòng dung nham nóng bỏng đang cồn cào muốn đâm thủng miệng núi để thoát ra ngoài hầu cho cơn nghẹn thở không làm nó ngã ra đất và tắt thở. Tôi đã làm một lỗi lầm lớn nhất trong đời là đá mạnh vào giường khiến nó kêu thét lên, như một tiếng động rợn người.

“Cái gì vậy?” Tiếng đàn bà ngái ngủ mơ màng.

“Cái gì?” Tiếng đàn ông tỉnh táo ngay lập tức, tiếng sột soạt ngồi dậy.

Tôi biết mình không kịp di chuyển. Tôi thọc tay vào túi quần, túi quần bên trái, tôi biết rõ có một con dao bấm đang ở trong đó, con dao bấm xinh đẹp như một món đồ chơi, đẹp mà nguy hiểm, mà tôi luôn mang theo và giấu nó trong túi quần bên trái, từ những ngày tôi mơ hồ nhận ra mình không còn là một đứa trẻ mười ba tuổi nữa nhưng là một người đàn ông còn trẻ mười ba tuổi, với một nỗi đau mênh mông sớm đến, mà cho đến lúc đó, tôi chưa hề nhận diện nó.

 

Khi tôi khuỵu xuống, hai đầu gối đập vào nhau. Và đó là lúc mà tôi biết rõ mình đã vỡ tan.

Lạy Chúa, ngày xưa con đã từng là kẻ giết người, và bây giờ con vẫn còn muốn giết người.

 

 

----------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021