thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một lần đưa Elizanne về nhà

 

Bản dịch Hoàng Ngọc Nguyên

 

JOHN UPDIKE

(1932~)

 

MỘT LẦN ĐƯA ELIZANNE VỀ NHÀ

 

Lớp của họ tốt nghiệp trường trung học Olinger vào năm 1952, ngay trước khi tên trường được địa phương hoá và không còn nữa. Dù năm 2002 đương nhiên được đề cập trong những mục tiên đoán và khôi hài đăng trong niên giám của trường, không ai thực sư tin rằng cái tương lai xa thẳm đó có bao giờ lại trở thành hiện thực được. Họ mới có mười bảy, mười tám tuổi; 2002 là chuyện xa vời, khó tưởng được. Nhưng bây giờ cái năm đó lại ở đây, ngay đây trong phòng sinh hoạt của Fiorvante, một quán ăn ở West Alton, cách nhà thương lớn của hạt này khoảng nửa dặm, nơi nhiều người trong nhóm đã sinh ra và bây giờ một người bệnh nặng nằm ở đó.

David Kern và người vợ thứ hai của mình, Andrea — bà đã làm vợ của ông khá lâu nên chẳng xa lạ gì với những cuộc họp mặt mỗi năm năm này — hai người đi thăm một bà bạn học cũ, Mamie Kauffman, đã nằm bệnh viện sáu tuần rồi — bà bị hoại xương do một chứng ung thư, không đi đứng gì được. Bà sống một mình ở căn nhà bà và ông chồng, đột ngột mất từ lâu, mua cách đây bốn mươi năm — nơi họ đã nuôi khôn lớn ba đứa con bằng đồng lương của một giáo viên lớp hai. Những tấm thiệp chúc bà sớm bình phục và những bức vẽ của nhiều lớp học trò của bà giăng mắc đầy những khung kính cửa sổ và tường của phòng bệnh; bà Mamie vui vẻ và thích bạn bè, dù cho bây giờ ngay cả ngồi dậy bà cũng không ráng được.

Bà nói với họ:

"Tình cảm của các anh chị quí hoá quá. Tôi đang buồn cho mình, thấy tủi thân ghê gớm. Cho đến khi nhận được biết bao thăm hỏi như thế này."

Bà kể chuyện mình bước xuống giường, cảm thấy bên hông bị tê cứng, rồi ngã vào một góc phòng như một con búp bê đã bị vất bỏ, và bà cố dùng cây gậy để kéo ống điện thoại, may mà nó nằm trên sàn nhà. Bà dùng gậy cũng khá lâu rồi, do nghĩ là mình bị nhức khớp. Ban đầu bà định gọi con gái là Dorothy, sống cách đó hai thành phố.

"Tôi thật tức mình, quên bẵng số điện thoại của Dorothy, dù cho tôi vẫn gọi nó hai ngày một lần, nên tôi mới tự bảo: 'Mamie, hai giờ rưỡi sáng rồi. Ta không cần số điện thoại của Dot. Ta chỉ cần 911. Ta cần xe cấp cứu.' Trong mười phút họ đã đến, họ quá sức tử tế. Một cô cứu thương lại là học sinh cũ lớp hai của tôi cách đây hai mươi năm."

Andrea cười nói:

"Thế cũng may quá."

Trong căn phòng bệnh trang hoàng như lễ hội này, vợ ông trông trẻ, mạnh khoẻ, linh hoạt, duyên dáng; David rất hãnh diện vì bà. Bà như thể là tù nhân bị bắt từ một bộ lạc nào khác, từ một tiểu bang không phải là Pennsylvania.

Mamie muốn chia sẻ với mọi người về nỗi đau của mình. “Có khi tôi cảm thấy hơi mất kiên nhẫn với ông trời, nhưng rồi lại thấy xấu hổ với mình. Thượng đế bao giờ cũng lo cho mình đủ nghị lực để chịu đựng.”

Nơi tiểu bang Pennsylvania sùng đạo này, David nhận thấy người ta thường nói chuyện triết lý. Nơi ông đang sống, ngược lại, người ta tự nhiên chẳng biết trời đất là gì, con người quen sống khắc kỷ, chịu đựng, câm nín như loài vật. Càng hiểu biểt, họ càng ít nói khi nhích đến gần hơn cái chết.

Mamie tiếp tục nói:

"Mình đang đọc lại bà Shirley MacLaine, bà ấy nói đời người giống như một cuốn sách, mỗi chúng ta phải cố hinh dung cho được trong cuộc đời, mình đang ở chương nào. Nếu nay tôi đang ở chương cuối cùng, thi tôi phải đọc theo cách đó thôi, nhưng như anh chị biết, tôi nằm đây suy nghĩ biết bao lâu nay và..." Trên gương mặt hiền hậu, rộng rãi, nước da bạc như màu áo gối, đôi mắt xanh ướt át cùa Mamie chớp mạnh, trở nên nhanh và ráo hoảnh.

"Tôi không nghĩ thế." Bà kết thúc một cách can đảm. Cho dù phải nằm liệt giường, bà là một cô giáo, bà biết nhiều hơn cử toạ của bà và do thói quen nghề nghiệp cả đời mà bà muốn giảng giải. “Tôi không sợ chết,” bà nói với những người đến thăm, họ ăn mặc hết sức trang trọng cho ngày hội ngộ này, “Trong lòng tôi vẫn nghĩ… một điều..."

Điều gì đây? David tự hỏi và rất muốn nghe, dù ông biết đã tới lúc phải đi. Ông ít đến vùng này đến độ có khi ông bị lạc trên những con đường mới, dù chưa đi quá một dặm đường. Ông không thể đến trễ được.

"Một điều là tôi sẽ chẳng sao."

Mamie kết luận. Bà cảm thấy có sự hụt hẫng, và cả thất vọng, với điều bà nói, nên bà mệt mỏi xoay tròn cổ tay của mình, cổ tay có đeo một vòng bằng nhựa ghi tên và số của bệnh nhân. “Đến lúc đó, tôi cũng sẵn sàng. Vào lúc đó. Anh chị hiểu tôi nói gì chứ?"

Hai người mau mắn gật đầu. Mamie thú nhận:

"Tôi chẳng mong gì đến nơi đó."

"Không ai mong cả," Andrea biểu đồng tình, nở một nụ cười tươi và mạnh khoẻ. Bà mặc một bộ đồ nỉ màu xám, cổ áo rộng nên bà trông to lớn hơn bình thường.

David đang cố tìm một điều gì để nói, nhưng lời của ông dường như bị tắc lại bởi những kỷ niệm về Mamie, từ khi còn học chung ở vườn mẫu giáo. Cô bé mặt tròn được bà mẹ mặt cũng tròn dẫn tới sân chơi tráng xi măng; cô là một học sinh rất lanh, biết trả lời những câu hỏi nhưng không hợm mình với bạn bè hay thầy cô; cô cũng không bao giờ cố làm cho người ta chú ý đến mình, nhưng khi người ta đã chú ý thì cô luôn luôn rực sáng: người hoạt náo kiêm thư ký lớp, cô gái kiểu mẫu. Trong những vở kịch và các buổi sinh hoạt lớp, cô luôn luôn thủ vai một người em gái lắm chuyện, trong khi David, vì lý do nào đó, lại đóng vai người cha, tóc rắc phấn trắng. Bây giờ ông chẳng cần rắc phấn nữa; tóc của ông sớm bạc, trắng như mẹ của ông.

Mamie nói:

"Cho nên tôi mới bảo mình: Mamie, đừng than nữa, mình đã sống một cuộc đời tuyệt diệu, cả ba đứa con cũng tuyệt diệu, và đã hết đâu. Dot muốn đón tôi về sống với gia đình của nó, nhưng tôi đời nào lại làm phiền nó như thế, nhất là khi tôi đã thế này. Jake ở tận Arizona cũng muốn đón tôi về. Nó nghĩ rằng khí hậu khô sẽ tốt hơn cho tôi, nhưng tôi làm gì ở đó ngoài việc ngồi ngó mông ra cửa sổ nhìn sa mạc mênh mông, không dám mở cả cửa sổ vì phòng đặt máy lạnh. Điều khôi hài là — David ông chắc phải thấy buồn cười, tánh của ông vẫn thích khôi hài mọi chuyện — căn nhà an dưỡng mà tôi sắp dọn đến chính là nơi mẹ tôi đang ở. Bà không ở chung trại với tôi, nhưng như thế cũng buồn cười rồi. Lâu nay tôi ở cách bà chừng hai khu phố, bây giờ chỉ cách một tầng lầu."

Cuốn kỷ yếu không tiên đoán cha mẹ người nào sẽ còn sống đến năm 2002. David kêu lên:

"A, mẹ của chị cũng phải chín mươi."

"Chín mươi mấy rồi. Ai dám nghĩ là bà vẫn còn ghiền thuốc lá. Và bà cũng chịu chơi lắm, thỉnh thoảng đâu sợ nhấm nháp một ly."

"Bà luôn luôn tốt với tôi. Ngay cả khi chị vắng nhà, bà vẫn cho tôi chơi trong nhà, chờ ba tôi xong việc ở trường. Bà đánh bài tay đôi với tôi."

"Bà vẫn thường nói rồi David sẽ đi xa cho con xem."

Ông nhớ mẹ của bạn hay ngồi ở bàn ăn trong bếp, như tranh vẽ một căn hộ đơn độc nhìn từ một chuyến xe lửa đang chạy qua — khói điếu thuốc Chesterfield bay lên từ gạt tàn bằng thủy tinh, một tay bài xoè ra như cánh quạt, một ly chất lỏng sóng sánh bên cạnh khuỷu tay kia. Khuỷu tay của bà sần sùi, nhiều vết nhăn. Bà và con gái cùng tóc quăn màu nâu, môi đầy đặn và luôn tíu tít, khi nói khoé môi uốn cong lên. Mặc dù hai người đàn bà trong nhà luôn luôn nhiệt tình tiếp đón David, đồ đạc trong nhà có một vẻ buồn bã, ảm đạm phủ kín. Đó là một căn nhà đâu lưng với nhà phía sau, không có cửa sổ một bên và những cửa sổ bên kia nhìn ra một nhà láng giềng xa chưa đến hai mét, nhà của ông Kauffman, một người nhỏ con, ít nói đến độ cộc cằn, chạy máy tiện, luôn luôn về nhà muộn. Mamie vẻ tươi tắn, trông cô sung sướng bận rộn không ngừng ở trường học — những phòng dài bóng loáng, những giờ giấc sinh hoạt, những hồi chuông điều hành hoạt động của bao thế hệ thiếu niên lớn lên trong trường — đã tạo sự thoải mái nhẹ nhàng cho bao người. Như cha của David là người dạy ở đó, bà thấy dễ chịu sống trong cộng đồng tử tế này. David thích bà nhưng không hề đi tới biểu lộ nào có tính cách dục tính.

"Nói về chuyện đi xa," David nói.

"Vâng," Mamie nói nhanh, cố điều hoà hơi thở của mình, "ông phải đi thôi. Chúc ông bà đi chơi vui. David, nhớ cho tôi gởi lời cám ơn Betty Lou về những thứ trang hoàng đầy ân tình này. Bà ấy thật có công tìm ra những thứ rất đăc biệt của lớp cũ."

Betty Lou, dù cho bây giờ trông thoải mái và nhàn hạ, quả thật đã vất vả trước đó; những gì bà đã làm có tác dụng mạnh mẽ — những lẵng hoa màu nâu và vàng tươi thật thích hợp ở giữa mỗi bàn, trên tường chi chít hình ảnh được phóng lớn chụp cách đây năm mươi năm hay ngay cả trước đó: những học trò còn nhỏ tóc đuôi gà và quần yếm, những cô cậu thời trung học mang giày yên ngựa, mặc áo hai lớp, diện áo nhung và khoác áo da. Mấy cậu trai nhìn hơi thấy ghê, tóc để kiểu bờm ngựa, chải bóng hay kiểu đuôi vịt, phì phèo thuốc lá, trong túi một bao và bên tai còn nhét kèm một điếu. Các cô cũng không kém, môi tô đậm đỏ chót, mấy lọn tóc vàng quyến rũ trên đầu, có một vẻ quyết liệt, nhất định giành lấy phần của mình trong cuộc đời đang mở ra dần.

Giờ đây, tuy cuộc sống đã không còn bao nhiêu, phòng sinh hoạt đầy người, âm thanh, những lời chào hỏi vui vẻ, và những câu đùa giỡn nghe như hồi xưa: “Này trời, cô vẫn xấu xí như xưa! Ai là bạn của anh đấy? Anh đâu mà chỉ thấy cái bụng?”

Không có Mamie ở đây, Betty Lou phải đảm nhận vai trò trưởng ban tổ chức, bước đến nắm tay David kéo đi, không cho ông đứng nhìn mãi mấy bức hình trên tường, để ông gặp một phụ nữ ăn mặc sang trọng, đẹp đẽ.

Betty Lou hỏi:

"Ông có nhớ ai đây không?"

Giọng của bà rất lớn, ông cũng phải giật mình. Nét của người đàn bà bí mật có một vẻ tinh tế, sắc sảo, lông mày kẻ chỉ nhướng lên như dò hỏi, dù rằng bà đang cười một cách khuyến khích, cố gắng một cách âm thầm cho David biết mình là ai sau bao nhiêu thập niên qua. Ông chợt nhớ đến kỷ niệm đi bộ đến trường học, khi Barbara Moyer và Linda Rickenbacker giấu cái mũ và cái cặp bằng da của ông cho đến khi ông phát khóc và giận dữ bỏ chạy đi, lúc đó mấy cô mới rượt theo ông, trả lại những thứ họ đã lấy của ông. Bây giờ một lần nữa ông lại vướng vào trò đùa của mấy cô. Những giây đồng hồ chậm chạp trôi qua. Những người đàn bà mập cỡ sáu mươi bảy, sáu mươi tám tuổi thường giống nhau. Ông lắp bắp — một vấn đề xưa rồi, từ lâu đã thành thói quen — khi ông bật tên của một cô gái, Loretta Haldeman, nhưng rối còn lắp bắp, ông cũng nhận ra ngay mình lầm, bởi vì cách đây năm năm Loretta có đến dự cuộc họp mặt này, bà đeo kính gọng nhôm có tròng hình bầu dục; một mắt kia không còn nữa. Người đàn bà này với tia nhìn nghiêm và sáng trông giống như một món quà, một đặc sản, một vật quí hiếm. Ông cố nhớ tên một người luôn luôn làm bực mình những người tổ chức họp mặt lớp một không bao giờ đến trong cả năm mươi năm, và nhờ suy luận hơn là nhận mặt ông gọi ngay tên bà: “Elizanne!”. Đó là một cái tên chẳng giống ai, khi được phát âm, họ đã học khi còn bé, phải bắt đầu với âm “ê” như âm “et” bí mật trong chữ “Chevrolet”. Nó nói lên một người mẹ đầy ý chí, tham vọng, khi đặt tên con như thế ở một địa phương cực kỳ bảo thủ.

Elizanne bước đến để ông hôn; David nhắm vào má của bà, dù rằng trong cách bà vươn tới bà có thể muốn ông hôn môi. Ông nói, hơi khách sáo:

"Gặp bà ở đây thật vui quá!"

Bà không được xem là một cô gái duyên dáng nổi bật trong lớp, dù rằng về già thì bà trông đẹp lão hơn nhiều người. Áo của bà bằng vải lụa màu xanh lục đậm, trang nhã, sang trọng, thành thị. Chồng của bà, trông như một phụ tùng cuối cùng của bà, to cao, vui vẻ, nói giọng nam, người làm ăn, có lẽ đã về hưu. David đoán rằng cả hai người đã cùng nhau tham gia một số việc ở tuổi này như đi chơi ở nước ngoài, ngồi giữ cháu và tham dự các câu lạc bộ sức khoẻ, những trò giải trí rất nhọc công của người Mỹ theo cách của một số cặp cao niên đẹp lão trong những quảng cáo của Viagra và những sinh tố có chất sắt. Ông có cảm tưởng Elizanne đã thành công trong cuộc sống; mặt của bà cho thấy cùng với nụ cười nhanh và kín đáo mà ông còn có thể nhớ — một nụ cười lúc nở lúc không — một ý thức rõ ràng về mình, một bản sắc vững chắc trong xã hội mà có lúc tạm thời được để qua một bên, như cái áo khoác ngoài được gấp lại bỏ trên ngăn chứa đồ trên đầu chỗ ngồi trên máy bay. Dù vui mừng gặp lại bà, David chẳng có mấy điều để nói chuyện với bà, và càng ít hơn với ông chồng nước da sạm và nói chuyện ề à này — David nghĩ ông này chắc xem ai ở đây cũng là những người nhà quê.

Chỉ cho tới khi buổi họp mặt sắp tàn, nhiều cặp vợ chồng lạc nhau trong đám đông, thì bà đến kiếm ông. Vào lúc đó, người chủ lễ không chính thức của buổi họp mặt vẫn còn độc thoại, những lời chào gởi đến bằng email cũa người trưởng lớp không đến dự được, lời thăm hỏi đầy xúc động của Mamie mà Betty Lou đọc lớn, cái micro làm vang lên giọng tằng hắng trong cổ họng của bà. “Chúng ta đã sống tuyệt vời," Mamie đã viết. "Không có ma túy, không có bắn nhau trong trường. Chúng ta yêu kính thầy cô và đặt lòng tin yêu vào đất nước Mỹ.” Rồi cặp song sinh Frankhauser, bây giờ lưng còng, bước nặng, biểu diễn một màn nhảy với đôi giày nhẹ lần cuối được trình diễn ở một cuộc họp cao niên, và Betty Lou nói lời cám ơn với tất cả những thành viên của ủy ban, và Butch Fogel loan báo đường đi đến chỗ picnic ngày mai, dù thời tiết trên truyền hình dự báo sẽ có mưa. Những người được thuê để giúp vui, một người chơi đàn dương cầm và có giọng trầm, hát những bài xưa gợi những nỗi thương nhớ, nhưng không dành cho những người khách này. Những bài ca này là những tiết mục oái oăm thay người ta có thể không cần để ý, những bài thịnh hành vào cuối những năm 40 và đầu những năm 50, ngay trước khi Elvis Presley và nhóm phụ hoạ và nhạc rock làm cho những gì trước đó trở nên quá nặng nề — những ban nhạc swing, những giọng ca trầm, những nữ ca sĩ rên rỉ, những mục mới và những bài làm cho con tim quặn thắt, mà nay người ta đang dựng lại ở đây. Ngay cả cách đây năm năm, có một cặp dám ra sàn nhảy, và những cặp khác bắt chước theo, Bây giờ thì không có ai.

Giữa khi các bạn học cũ đang lũ lượt bước đến cửa và hẹn gặp lại nhau trong năm năm nữa dù cho không ai biết định mệnh sẽ xếp đặt như thế nào cho mỗi người trong thời gian tới, Elizanne bước đến bên David, nắm cánh tay của ông, nói vội vàng nhưng thì thầm, ngọt ngào, tha thiết:

"David, có một điều rất nhiều năm rồi tôi muốn nói với ông. Ông đã có một vai trò rất quan trọng đối với tôi. Ông là người con trai đầu tiên đã đưa tôi về nhà và... và hôn tôi."

Đôi mắt của bà màu nâu sữa hầu như chìm trong tròng đen mở rộng trong phòng sinh hoạt lù mù này, tìm kiếm mắt ông, làm cho mi mắt rậm một màu đen ngước lên. Lông mày của bà không nhíu nữa. Mặt của bà, thật gần và như ngắn lại, dường như được đưa đến từ xa. Có lẽ bà đã uống một hai cốc rượu rồi — Fiorvante có một quầy rượu bên ngoài phòng sinh hoạt này — nhưng bà vẫn còn bình tĩnh lắm, và ông cũng vậy, dù bị xúc động mạnh vì đang khi người ta ồn ào thăm hỏi nhau trong buổi họp mặt này thì lại được nhắc nhớ đến một ký ức thời còn trẻ của họ, ký ức thực sự, của thời xưa ngớ ngẩn, ngu ngơ của chính mình. Ông nói:

"Tôi còn nhớ lần đó." Nhưng liệu ông có nhớ thực không?

Elizanne cười, giọng hơi khan — một cách cười tự tin của một người đàn bà thành thị hiện đại. “Tôi phải nói từ đó đã mở đầu biết bao kinh nghiệm khác. Những cái hôn sau đấy."

Ông cố gắng không nghĩ rằng bà đã trở thành một người đàn bà từng trải và cợt nhả. Cuộc đi bộ đã chìm tận đáy ký ức nay lại đang cố nổi lên trong trí nhớ. Hai người đi nhàn tản, trong lòng còn nhiều nỗi rụt rè, ánh sáng ban ngày đang lịm dần, họ đi băng qua trường Olinger, rồi ngừng lại ở cửa nhà cha mẹ của bà, đứng gần nhau và tiếp tục nói chuyện, và rồi ông nghiêng tới để hôn bà, và bà cũng run rẩy nhưng nồng nàn đón nhận nụ hôn. Ông đã yêu bà, trong suốt một mùa. Khi nào? Tại sao mùa ấy qua nhanh thế? Phải chăng họ đã đá tung lên những lá vàng rơi rụng trên đường khi họ đi giữa thành phố, dọc theo Alton Pike với những đường rầy xe điện, đi vào những con đường ngay hàng thẳng lối có những dãy nhà gạch, rồi đì tới Elmdale, nơi những con đường bắt đầu uốn khúc, và những ngôi nhà đứng trơ trọi trên những bãi cỏ, những bãi cỏ không có cỏ dại và những căn nhà một nửa bằng gỗ, mái lợp với vật liệu bằng hợp chất đá sỏi nhỏ đắt tiền? Có phải lúc đó vào mùa xuân, cỏ xanh và hoa vàng khắp nơi, hay mùa hè, khi những con bọ đùn lên mặt đất và các cô gái mặc quần ngắn, hay mùa đông, khi đôi má rạo rực trong bóng tối. Ông thấy khó chịu khi thấy bà ngụ ý, với một nụ cười thoải mái, là bà sau đó đã tiếp tục hôn những người khác — nhiều người khác. Bà đã nói thêm điều gì đó mà ông không kịp hiểu ý, trong tiếng ồn ào của những lời chia tay hay vì ông ngày càng lảng tai nhiều hơn, bà nói gì như là “tất cả mấy ông đều muốn thế” — một châm chọc mà ông thấy đáng buồn là bình thường, rẻ tiền, nói về dục tính của phái nam, mà tại nơi đó và vào thời đó đã là một đề tài lớn nhưng người ta không chia sẻ nhiều với nhau mà hầu hết con trai đều giải quyết lấy. Nhưng lối châm chọc này tự nó đã đóng dấu ngày tháng, và đưa những ký ức trở lại.

Ông thở ra, cố tìm chữ thích hợp:

"Hồi đó bà đẹp rất... liêu trai."

Đó là điều ông còn nhớ, giữa vô số điều ông đã quên — vẻ đẹp như sương khói của bà — một sự hiện diện lung linh, một làn da mờ nhạt. Ông nói tiếp, lấy giọng khô khan của người lớn:

"Cũng vui chứ. Đó là một bắt đầu thành công."

Đôi mắt của bà nhìn sâu vào mắt của ông trong một giây. Bà nhận ra rằng ông không thể nói lên được những gì cần phải nói, cho nên siết nhẹ cánh tay ông trước khi buông tay mình ra.

"Tôi chỉ muốn ông hiểu thế," bà nói. Thế là họ chia tay, cho đến năm mươi năm nữa.

Ông nghĩ trong lòng, khoan đi đã nào, nhưng lại nói, bình thản:

"Cám ơn bà, Elizanne. Thật là một kỷ niệm đẹp quá khi nhớ lại. Này, bà trông còn phông quá. Không xệ giống như chúng tôi."

Đêm đó, trằn trọc bên cạnh Andrea tại khách sạn Alton Marriott vì còn nhớ lại cuộc họp mặt với bạn bè cũ, và cả những ngày sau đó, ông cố tưởng tượng lại cuộc đi bộ dẫn đến nụ hôn này. Nhà của Elizanne và khu gia đình bà ở sang hơn chỗ của ông, cho nên ông thấy mình thấp kém. Cô gái này quá cao so với ông. Chẳng bao lâu sau, ông có được một người bạn gái đầu tiên thực sự, học lớp dưới; cô này đã cho ông ôm vú và cởi một phần áo của cô trong xe đang đậu, người cô oằn lại như một con cá. Ông và Elizanne lúc đó bao nhiêu tuổi nhỉ? Mười sáu, có lẽ mười lăm. Cơ duyên đến từ sau một trận bóng, hay một buổi khiêu vũ trong trường? Ông không phải là người nhiều bè bạn, mà cũng không phải được tự do đi loanh quanh ở Olinger sau khi gia đình ông dọn đến vùng quê, năm ông mười bốn tuổi, cho dù ông vẫn tiếp tục học trung học ở Olinger, cha ông đưa đi và đón về.

Ông nhớ là cô gái này ở trong băng diễn hành của trường. Cô mặc một bộ đồng phục, mái tóc đen cuốn lên dưới chiếc mũ và thân hình con gái được gói gọn, phần nào là hấp dẫn, trong chiếc quần và áo khoác ngoái màu nâu có sọc vàng. Những người đi đầu mang giày trắng cao cổ và mặc váy ngắn, múa tung các chiếc gậy, đi theo là một đoàn mặc đồng phục màu nâu sẫm, Elizanne ở trong đội ngũ này. Cô ta chơi nhạc cụ gì nhỉ? Ông nghĩ là clarinet, nhưng cũng có thể là ông nhầm vì mái tóc của cô; khác với những cô gái trong lớp có mái tóc sậm màu, với những gợn tóc nâu nổi lên rõ nét, cô có tóc đen thực sự, lông mi, lông mày đều đen cả. Ngược lại, da mặt của cô trắng ngần. Môi trên có một tí lông măng làm nên hai vết nhỏ.

Sợi lông măng đen này người ta có thể thấy khi ở trên nhìn xuống, và nghĩ đến nó ông lại nhớ đến chuyện nhảy với cô, ôm sát cô trong vòng tay khi xoay người lướt trên sàn nhảy, chiếc áo vải bóng có đính hoa không cột giây và phần sau lưng vải lụa nhuyễn với những vết gấp nhỏ, chân của ông, cánh tay và hai miếng độn cầu vai của bộ đồ lớn mùa hè mà ông phải đi mướn ở tiệm — tất cả đều vã mồ hôi trong khi những giải hoa giấy trang hoàng trên đầu trĩu xuống và cái quả cầu gương phóng những tia phản chiếu nhịp nhàng khắp phòng và ban nhạc, với những cây kèn trombone có gắn ống chế thanh đang rên rỉ, chấm dứt bằng bài “Stardust” hay “Goodnight Irene”. Má của ông và của Irene áp sát vào nhau, khi nhạc ngừng ông không muốn rời; ông tiếp tục, con tim đập mạnh, dìu cô đi, khuôn mặt bẽn lẽn của cô như thu gọn lại với môi trên lem vết son và một khoản áo hở ngực ướt át, những góc trắng của chiếc nịt vú không có dây buộc làm nổi bộ ngực nhỏ bé.

Họ có thường đi nhảy như thế không? Tại sao như thế mà mối quan hệ này không tiến triển hơn nữa? Như ông còn có thể nhớ, phái nữ ở trường đã thăm dò và chú ý đến ông cũng nhiều, những người mẹ, những bà nội bà ngoại, thầy cô, và Barbara và Linda đã lấy trộm cái mũ của ông khi ông trên đường đến trường, và những người bạn học gương mẫu như Mamie, và ở đây cái bề mặt của nữ tính — ông đã phải sống luẩn quẩn trong sự bí mật bao trùm đó — chịu lùi trước một sức ép nhỏ. Không một lời, một lời mà ông có thể nhớ được, Elizanne đã chấp nhận sự chú ý nhút nhát của ông, và cũng thầm lặng để lộ ý muốn thấy ông có thể làm gì cho cô.

Cuộc đi bộ: cả nhiều tuần sau buổi họp mặt này đầu óc của ông vẫn bị ám ảnh bởi cuộc đi bộ mà bà ta đã nhắc nhớ. Trong lăng kính nhiễu loạn của tuổi cao niên, nó hiển hiện như một trong những hành động lịch sử nhất trong cuộc đời của ông. Vùng đất Olinger này đã đan kết vào đời ông, vào trong những bắp thịt đã đẩy chiếc xe đạp và kéo xe trượt tuyết. Cha mẹ của ông đi bộ mỗi buổi trưa chủ nhật, ông lẽo đẽo theo họ cho đến khi cặp chân không chịu bước nữa. Ông nội của ông đã làm việc trong những toán thợ ở vùng này để mở ra nhiều con đường mới về phía bắc con đường giao thông chính, đường Pike. Thị trấn xưa hơn ở phía nam, là nơi có nhà của David, trong một xóm hỗn tạp đủ loại kiến trúc và cả những miếng đất trống, trên đó một vài nơi người ta trồng bắp. Ông thích những khối nhà ở phía bắc của Pike, là nơi có những căn nhà gạch đâu lưng với nhau ở ngưỡng cửa cột vuông và phía trước có bãi cỏ, được dựng vào khoảng những năm hai mươi. Những người bạn như Mamie sống ở những khối nhà ấm cúng và trật tự này, có những tiệm tạp hoá thực phẩm, những hội quán sinh hoạt, quán kem hay tiệm hớt tóc được mở ra ở gian bên ngoài. Ông thích sự chặt chẽ của căn nhà, sự đồng nhất, như là một cam kết giữ gìn trật tự thiết kế và chia sẻ những dự định mà người ta không thấy nơi xóm ông ở.

Đi xa quá khu vực này, nơi mà một đường đua ngựa có lúc đã chiếm sáu mươi sào tây, những nhà thầu trong những năm trước chiến tranh đã đặt những căn nhà đơn lập bằng đá vôi và gạch xi măng lên những con đường mới chạy uốn quanh lên tới ngọn đồi. Cuộc đi bộ của David với Elizanne hẳn phải đưa ông từ trường hay khu đất của nó ở Pike băng qua những khu nhà song lập, ở trên cửa ra vào có những khung cửa sổ có hình ảnh, nơi người ta trưng bày theo mùa — những trái dưa màu vàng và những con dơi màu đen bằng giấy trong dịp lễ Halloween, các dây kim tuyến trong lễ Giáng Sinh, rổ mây mùa Phục sinh — nói lên sự trung thành của người dân ở đây với lịch của tín đồ Thiên chúa giáo. Cây cối dọc theo đường đã chuyển từ những cây hạt dẻ màu nâu đỏ da ngựa ở khu nhà cũ là nơi ông đã ở đến những hàng cây gỗ thích gốc Na Uy dày đặc trên những con đường thẳng thớm rồi đến những hàng cây sung rợp bóng và lá có bản rất lớn rụng đầy ven đường, địa phương gọi là gỗ hạt nút, trên những con đường uốn quanh. Cây cối thưa hơn và thoáng khí ở nơi khu nhà của Elizanne, có nhiều khoảng không và ánh sáng hơn, như thể ta đi xuống một cánh đồi — mà đúng là đi xuống đồi thật — một ngọn đồi dốc thoai thoải chung quanh là dân có của và được xã hội ưu đãi. Thế mà cô ta đã để cho ông hôn, ngay bên cạnh chiếc cửa ra vào nặng nề dày kịch của căn nhà có chuông cửa vang lên hai âm thanh khác nhau, và cô lại nhớ nụ hôn đó, đến năm mươi năm sau vẫn còn nhớ nụ hôn đó và nhắc đến nó như một mở đầu cho cô bước vào thế giới trai gái kỳ diệu.

David nghĩ nếu Mamie nói đúng và con người sống mãi, thì ông chẳng thấy có cách nào trải qua sự vĩnh cửu tốt hơn là lặp lại cuộc đi bộ đó với Elizanne hoài hoài cho đến khi những gì mà hai người đã nói với nhau, làm sao mà họ đã chạm vào nhau, phải chăng ông đã dám nắm lấy bàn tay bà, và mỗi sợi lông tơ đen dọc theo hai cánh tay của bà, tất cả đều hiện ra rõ mồn một như những nét chữ khắc sâu lên cẩm thạch. Lúc ấy hẳn sẽ có thời giờ để hỏi bà tất cả những câu hỏi mà ông vì luống cuống nên không hỏi kịp ở buổi họp mặt kỷ niệm năm mươi năm này. Phải đây là người chồng đầu tiên của bà, hay là người cuối trong một chuỗi nhân duyên? Bà có mối tình vụng trộm nào không, ở nơi ngoại ô mà bà đã chọn? Phải chăng bà đã có làm nhiều màn âu yếm công khai, như ông đã nghe đồn là có, trên các chuyến xe buýt của đoàn diễn hành đi về`sau các trận bóng? Có phải đó là chiếc xe buýt nơi bà đã tiếp tục thực tập việc hôn hít, kèm với hôn hít là vuốt ve, sờ soạng, kèm với vuốt ve, sờ soạng là đỏ mặt và thở hổn hển? Ai là bạn trai của bà trong những năm trung học cấp hai và cấp ba? Ông nhớ lờ mờ người ta nói bà cặp với Lennie Lesher, ngôi sao chạy tốc độ một dặm năm phút, mặt đầy sẹo mụn và tóc chải ép thành gợn sóng ướt rượt chất keo xịt Vitalis. Tại sao bà có thể phản bội ông như thế? Hay là bà đã dính với những thành viên vô danh trong băng trình diễn? Tại sao hai người, David và bà, lại tan rã sau khi đã cùng đi bộ qua Olinger và bước vào vùng có nhiều ánh sáng hơn? Hay có phải là vì ban đêm, sau một lần khiêu vũ hay một trận đấu bóng, khuôn măt trắng vô ngần, đôi lông mày rậm và nụ cười nhanh tất cả đã bị bóng tối xoá nhoà hết?

Trong nhiều ngày sau, khuôn mặt đó vẫn đeo bám ông, nhưng ông biết có lúc nó sẽ không còn đó nữa. Ông không thể viết hay điện thoại cho bà, cho dù Mamie hay Betty Lou đã cho ông địa chỉ và số điện thoại. Bà còn có chồng, còn có nhiều ràng buộc bao quanh, còn có những giới hạn. Rõ ràng vào lúc đó, có những giới hạn, những điều không ổn. Ông chẳng có gì để cho bà ngoài một tương lai còn mơ hồ và xa xôi. Những điều ông nôn nóng muốn hỏi sẽ chỉ nhận những câu trả lời vô vị. Đó là một cuộc phiêu lưu của tuổi trẻ không đến đâu cả.

Đèn đường vừa mới lên.

"Mình đến nhà rồi."

"Nhanh thế ư?" chàng trai kêu lên. "Nhà của cô trông l-lịch sự quá!"

"Mẹ không bao giờ thích căn bếp. Mẹ bảo tối quá, tất cả những cái tủ sẫm màu này. Mẹ muốn dọn đến khu West Alton."

"Ồ, không! Đừng đi, Elizanne!"

"Em có muốn đâu, nhưng chẳng biết sao nữa! Mẹ nghĩ ở West Alton trường học khá hơn. Học trò ở đó khá hơn."

"M-mẹ của tôi làm gia đình phải dọn ra vùng quê, mà tôi ghét vùng quê lắm."

"David, anh không thể ở mãi nơi Olinger này."

"Tại sao lại không? Có người ở đây mãi đấy."

"Anh không phải là người đó."

Tia nhìn của cô gái bám sâu vào mắt của chàng trai trong vẻ nghiêm trang; lông mày của nàng hơi nhướng. Anh tính rằng cô sẽ quay đi và bước vào nhà, nhưng cô không làm thế. Anh giải thích:

"Tôi phải trở lại trường, ô-ông già của tôi c-có lẽ đang tìm tôi đấy. Hẳn phải hơn năm giờ chiều rồi."

Ánh sáng mỗi ngày mỗi tắt sớm hơn một tí: đã qua tháng mười rồi. Lá đang chuyển màu.

Cô gái nói nhanh, nghe như thể đang nói với chính mình:

"Anh nói thật đi. Em có nói nhiều quá hay không? Mới đây này, lúc đi bộ."

"Ồ, không. Cô có thế đâu. chẳng nói gì nhiều cả."

"Em như thế đấy, khi em thấy thoải mái, vui vẻ với ai đó. Em nói không ngớt. Em nói quá nhiều."

"Cô không thế đâu. Tôi tưởng như nghe cô hát cho tôi."

Mặt của cô không hẳn nhích sát mặt anh, nhưng khuôn mặt đó không quay đi, không nhúc nhích khiến cho anh thấy như gần hơn. Anh thận trọng cúi xuống mặt cô, hơi chệch qua một bên, và hôn cô. Môi của Elizanne đón nhận nụ hôn nống nàn, nhiệt tình; cô nhẹ nhàng áp sát vào nụ hôn, người cô nhúc nhích như tìm kiếm một điều gì đó. David cảm thấy bị lọt vào giữa một dòng suối chảy ngược, còn chưa hiểu được chuyện gì đang diễn ra, và bắt đầu hết hơi. Anh ngừng hôn và bước thối lui. Cả hai người nhìn nhau, đôi mắt đen của nàng sáng lên như hột nút trong ánh đèn đường vàng, giữa bóng mờ nhạt và lay động của những chếc lá lớn tàn màu nâu nhạt. Rồi anh hôn nàng thêm lần nữa, đi vào cái điểm bất động ấm áp chung quanh nó vũ trụ xoay, với cả khối tinh tú còn chưa xuất hiện, trời vẫn còn xanh ở trên các ngọn đèn đường. Lần này cô gái thối lui. Một xe hơi chạy ngang qua, có lẽ trong xe có người nào quen, một gián điệp hay một đề tài bàn tán. “Và còn có nhiều điều khác nữa mà em muốn nói,” cô cười khúc khích để cho thấy rằng giờ đây cô cũng thấy mình buồn cười.

"Rồi em sẽ nói," anh hứa, không ra hơi. Má của anh nóng, như sau một buổi tập thể dục. Anh lo lắng, trong bao tử như quặn lại, về việc cha đang đợi mình. Anh cảm thấy giống như vào một ngày cuối tuần mùa hè năm ngoái tại bờ biển Jersey, khi một đợt sóng đang cuốn thân mình của anh đã ập vào bờ sớm quá và sắp ném anh đến phía trước, rơi mình vào bãi cát cứng. “Anh muốn nghe hết tất cả. Chúng mình có cả kh—khối thì giờ,” anh bảo Elizanne.

 

 

---------------------
Dịch từ nguyên tác "The Walk With Elizanne" của John Updike, trong The Best American Short Stories 2004, Lorrie Moore chủ biên (Boston, MA: Houghton Mifflin Company, 2004).

 

Những tác phẩm khác của John Updike đã đăng trên Tiền Vệ:

Người goá phụ  (truyện / tuỳ bút) 
"The Widow", một truyện ngắn được xây dựng trên một cuộc đối thoại rất tinh tế và ngộ nghĩnh, rút từ tập truyện Hugging the Shore (1983) của John Updike (1932~) — một trong những khuôn mặt quan trọng nhất của văn chương Hoa Kỳ đương đại. [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
“Hiện diện tại đây là Richard F. và Joan R. Maple, xác quyết, và chịu trách nhiệm nếu có khai gian, rằng hiện có một sự sụp đổ không cứu vãn được trong cuộc hôn nhân của họ.” [Bản dịch của Phạm Viêm Phương] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021